Những cuốn tiểu thuyết yêu thích của tôi (Phần 1)

IMG_3061

Tôi thích thả hồn mình phiêu du trong một cuốn tiểu thuyết bên tách trà nóng và chú mèo trắng đáng yêu của tôi. Đôi khi tôi quá chú tâm vào cuốn sách mà làm chú mèo ghen tị. Những lúc như thế, để tìm kiếm sự chú ý của tôi, chú sẽ dùng bàn tay nhỏ bé được trang bị đầy những móng sắc nhọn để khều khều tay tôi khiến tôi không thể không quay sang ấu yếm vuốt ve, và hỏi han chú vài ba câu. Và một lúc sau chú sẽ chìm vào giấc ngủ yên bình và để mặc tôi mải mê với cuốn sách. Đây là giây phút tôi mong chờ nhất trong tuần. Một mình. Một cuốn sách. Một chú mèo. Giây phút này còn làm tôi quên đi những chán nản, mệt mỏi trong cuộc sống.

Hôm nay tôi xin giới thiệu với mọi người những cuốn tiểu thuyết hay nhất và có ý nghĩa nhất tôi đã từng đọc (với chú mèo của mình :D) và những câu trích dẫn tôi thấy ấn tượng nhất.

1. Lâu Đài (The Castle)- Franz Kafka

Tiểu thuyết “Lâu Đài” của Kafka kể về K., một người được mời đến làm đạc điền cho Lâu đài của bá tước Westwest. Tuy nhiên, sau một chuyến đi bộ dài đằng đẵng, ngôi làng nơi Lâu đài cai quản, nơi luôn chìm trong lớp tuyết dày, sương mù và bóng tối chào đón chàng bằng sự thờ ơ, nghi kị và dò xét của dân làng. Chàng được thông báo là chuẩn bị nhận việc, nhưng chàng không được làm công việc của mình. Thậm chí chàng không thể có được giấy cư trú để được ở lại làng. Chàng quyết tâm tìm đường lên Lâu đài và trực tiếp diện kiến ngài Klamm, con người quyền lực nhất thay mặt bá tước để tìm hiểu cho ra nhẽ việc bổ nhiệm chàng. Tuy nhiên, dù đã thiết lập được các mối quan hệ trong làng (với bà chủ quán trọ quán Bên Cầu, anh đưa thư Barnabás, Olga, và người yêu là Frida), nhưng K. không sao tiếp cận được với Lâu đài hay với một chức sắc nào. K. sống trong một thế giới có thực mà cứ như là ảo. Chàng nhìn thấy Lâu đài, nhưng không sao đến được đó, con đường K đi “tuy không rời xa lâu đài, song cũng không xích lại gần hơn”. Kafka dừng cuốn tiểu thuyết khi K ở trong làng đến ngày thứ 6, hoàn toàn kiệt sức, và vẫn hoang mang lạc lối trước con đường phía trước, trong khi đó dân làng không chấp nhận chàng, và người yêu cũng rời bỏ chàng mà đi.

Câu chuyện khiến tôi cảm thấy sợ hãi trước quyền lực tuyệt đối của giới cầm quyền, mà ở đây được tái hiện qua hình ảnh toà Lâu đài. Các chức sắc quyền lực của Lâu đài không những khiến người dân sợ hãi, kính nể một cách mù quáng mà chúng còn hoàn toàn thống trị cuộc sống của từng người dân. Nhân vật K còn khiến tôi cảm nhận nỗi cô đơn của con người- cô đơn vì là kẻ bên lề xã hội, cô đơn dù khi sống giữa một đám đông.

Tôi nghĩ tôi chưa thật sự hiểu hết tác phẩm. Có lẽ tôi cần phải đọc lại, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn nữa mới có thể thẩm thấu hết được ý nghĩa của tác phẩm

 “Trên trái đất không có nơi nào yên ổn cho tình yêu của chúng ta, không ở trong làng cũng không ở đâu khác, vì thế em hình dung ra nấm mồ sâu và hẹp, ở đó chúng ta ôm chặt nhau như siết bằng kìm, em vùi mặt vào anh, anh vùi mặt vào em và sẽ không ai còn thấy chúng ta nữa”

2. Gatsby Vĩ đại (The Great Gatsby)- Francis Scott Key Fitzgerald

Lấy bối cảnh New York hoa lệ vào năm 1922, cuốn sách kể về con đường đến với giới thượng lưu của chàng trai nghèo Jay Gatsby, và tình yêu sâu đậm mù quáng của anh dành cho Daisy Buchanan – một phụ nữ giàu có và quyến rũ. Từ cảnh hàn vi, Gatsby tưởng như đã nắm trong tay mọi thứ: Tài sản, địa vị và tình yêu. Nhưng giấc mộng dành lại tình yêu đã mất bằng mọi giá tan vỡ, và câu chuyện kết thúc bằng cái chết đau lòng của Gatsby. Đáng buồn thay sau khi Gatsby chết, anh lập tức bị quên lãng như thể chưa từng tồn tại.

In my younger and more vulnerable years my father gave me some advice that I’ve been turning over in my mind ever since. “Whenever you feel like criticizing any one,” he told me, “just remember that all the people in this world haven’t had the advantages that you’ve had”

He smiled understandingly-much more than understandingly. It was one of those rare smiles with a quality of eternal reassurance in it, that you may come across four or five times in life. It faced–or seemed to face–the whole eternal world for an instant, and then concentrated on you with an irresistible prejudice in your favor. It understood you just as far as you wanted to be understood, believed in you as you would like to believe in yourself, and assured you that it had precisely the impression of you that, at your best, you hoped to convey.

3. Tội ác và Trừng Phạt (Crime and Punishment)- Fyodor Dostoyevsky
Lấy bối cảnh tại Peterburg năm 1866, câu chuyện kể về anh sinh viên Luật nghèo nhưng thông minh, có lý tưởng  Raxcolnicov và tội ác của anh. Vì nghèo khó anh không thể theo học hết đại học. Vốn nhiễm tính anh hùng, anh luôn mơ tưởng mình là một Napoleon thứ 2, và anh tin anh có quyền lực và sức mạnh để đem lại công bình cho xã hội. Vì thế anh quyết định giết mụ chủ hiệu cầm đồ độc ác chuyên hà hiếp người nghèo và kể từ đó sống trong day dứt, mệt mỏi.

Đây là một tác phẩm rất hay và sâu sắc. Tôi đã viết một bài cảm nhận dài hơn TẠI ĐÂY

Trên đời không có gì khó bằng cương trực, và không có gì dễ cho bằng nịnh hót. Nếu trong thái độ cương trực có chen vào dù chỉ một nét giả tạo hết sức nhỏ nhặt, thì lập tức sẽ gây một ấn tượng lạc điệu rồi sẽ sinh ra vỡ lở to chuyện. Còn nịnh hót thì dù có giả dối từ đầu chí cuối cùng vẫn dễ chịu và người nghe cùng vẫn không khỏi thích thú; tuy đó là một cảm giác thích thú thô lậu, nhưng dù sao cũng vẫn là một cảm giác thích thú. Và dù cách nịnh hót có thô thiển đến đâu chăng nữa, thì ít nhất trong đó thế nào cũng có một phần nữa có vẻ đúng sự thật”


4. Giết con Chim nhạn (To Kill a Mocking Bird)- Harper Lee

Câu chuyện xảy ra tại một “thị trấn cổ chán ngắt” Maycomb, tiểu bang Alabama, miền nam nước Mỹ trong thập niên 1930. Câu chuyện được kể qua giọng văn của cô bé 6 tuổi Scout Finch, con gái của luật sư Atticus. Tuy được kể qua giọng văn trong sáng, ngây thơ của một cô bé, nhưng cuốn sách đã chạm đến nhưng vấn đề gai góc trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ: sự bất bình đẳng trong xã hội, nạn phân biệt chủng tộc, sự kỳ thị đối với người da đen. Nhân vật tôi thích nhất trong truyện là Atticus- một luật sư có niềm tin mãnh liệt vào quyền bình đẳng của tất cả mọi người. Ông được phiên toà chỉ định biện hộ cho một người đàn ông da đen tên là Tom Robinson, người bị buộc tội hãm hiếp một phụ nữ da trắng. Vì việc này, gia đình ông bị người dân Maycomb coi thường, 2 đứa con của ông luôn bị bạn bè phỉ báng, trêu chọc, và bản thân ông bị gọi là “kẻ yêu bọn mọi”. Bất chấp tất cả những thử thách ấy, ông vẫn hết mình biện hộ cho Tom. Tôi yêu thích Atticus còn vì ông là một người cha tuyệt vời, luôn lắng nghe, quan tâm và nhẹ nhàng với con. Nhiều điều ông dạy Scout và Jeremy  rất thấm thía và đầy tính nhân văn.

You never really understand a person until you consider things from his point of view … until you climb into his skin and walk around in it.”

“I wanted you to see what real courage is, instead of getting the idea that courage is a man with a gun in his hand. It’s when you know you’re licked before you begin but you begin anyway and you see it through no matter what. You rarely win, but sometimes you do.”

“Atticus, he was real nice’. ‘Most people are, Scout, when you finally see them.’”


5. Người Đọc (The Reader)- Bernhard Schlink

Câu chuyện xảy ra vào những năm 1960 ở Tây Đức. Michael, một học sinh trung học 15 tuổi, tình cờ gặp gỡ Hanna Schmitz, một phụ nữ làm nghề bán vé tàu điện hơn cậu 21 tuổi. Sau lần gặp gỡ đầu tiền, giữa họ nảy sinh một mối quan hệ kỳ lạ. Ban đầu họ chỉ đến với nhau vì nhục dục nhưng dần dần có một cảm xúc và một thói quen được hình thành: mỗi khi Michael đến thăm Hanna, họ sẽ bắt đầu bằng việc tắm chung, rồi Michael đọc sách cho Hanna nghe, sau đó là làm tình. Bỗng nhiên, Hanna đột ngột biến mất khiến Michael đau khổ và luôn tự dằn vặt bản thân. Về sau, khi đang là sinh viên trường Luật, Michael có cơ hội gặp lại Hanna trong một phiên toà nơi cô bị truy tố với tội danh khi làm quản tù đã cùng với các nữ quản tù khác dung túng và tiếp tay giết hại tù nhân ở các trại tập trung Auschwitz và Krakov. Cuối cùng Hanna bị kết án có tội vì đã thừa nhận tự tay viết một văn bản liên quan đến tội ác này. Tuy nhiên, sau khi chắp nối các sự kiện Michael nhận ra rằng Hanna hoàn toàn mù chữ. Michael đã đấu tranh nội tâm quyết liệt và quyết định không cho quan toà biết về sự thật rằng Hanna mù chữ- nỗi xấu hổ lớn nhất trong cuộc đời cô. Khi Hanna ngồi tù được 8 năm, Michael gửi cho cô một cuốn băng ghi âm anh đọc truyện. Từ đó đều đặn anh lại gửi cho Hanna một băng ghi âm mới. Trong tù Hanna đã tự học đọc và viết, và một ngày gửi một lá thư cho Michael với nội dung: “Truyện vừa gửi hay quá, cậu bé ạ. Cám ơn. Hanna” Sau 18 năm, Hana được ân xá và Michael đã đến thăm chị. Nhưng một ngày trước khi được tự do, Hanna đã treo cổ tự tử.

Để đọc được hết truyện này, cần chuẩn bị một tập khăn giấy 🙂 Truyện hay nhưng buồn quá.

Why? Why does what was beautiful suddenly shatter in hindsight because it concealed dark truths? Why does the memory of years of happy marriage turn to gall when our partner is revealed to have had a lover all those years? Because such a situation makes it impossible to be happy? But we were happy! Sometimes the memory of happiness cannot stay true because it ended unhappily. Because happiness is only real if it lasts forever? Because things always end painfully if they contained pain, conscious or unconscious, all along? But what is unconscious, unrecognized pain?”

6. Suối nguồn (The Fountainhead)- Ayn Rand

“Suối nguồn” của nhà văn Ayn Rand luôn là cuốn sách đặc biệt đối với tôi. Tôi đến với sách rất tình cờ khi tôi đang mất niềm tin vào chính mình, đang loay hoay tìm kiếm sự tự tin và khát khao trả lời được câu hỏi : Điều gì là quan trọng nhất đối với tôi. Và “Suối nguồn” như một cứu cánh vực tôi dậy, giúp tôi vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Tôi đã từng không tin rằng một cuốn sách có thể thay đổi một ai đó, nhưng “Suối nguồn” đã cho tôi thấy rằng nhận định ấy của tôi hoàn toàn không chuẩn xác.

Thông qua tác phẩm này, Rand muốn truyền đạt tư tưởng của bà về hiện thực khách quan, lý trí, chủ nghĩa vị kỷ, và chủ nghĩa tư bản tự do, và tấn công những gì mà bà coi là không hợp lý của chủ nghĩa vị nhân sinh, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cộng sản. Thông qua nhân vật Roark, bà tin rằng con người có quyền tồn tại vì lợi ích của chính bản thân mình, không hy sinh bản thân cho người khác hoặc nguời khác vì mình; và không ai có quyền áp đặt tiêu chuẩn đạo đức của mình lên người khác bằng bạo lực.

Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên tìm ra cách tạo lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta đã dạy những người anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ từng không hiểu và anh ta đã xua bóng tối ra khỏi trái đất này”

Nhiều thế kỉ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra cái bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác đưới những bánh xe mà anh ta dạy những người anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là một kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loài người có thể đi tới mọi chân trời. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ đã không hiểu được và anh ta đã mở những con đường trên mặt đất.

Những người đó – những người không chịu phục tùng và luôn đi đầu – đứng ở chương mở đầu của tất cả những truyền thuyết mà loài người ghi lại về thủa sơ khai. Promete đã bị xích vào một tảng đá và bị những con kền kền xé xác – bởi vì anh ta đã ăn cắp ngọn lửa của những vị chúa trời. Adam bị buộc phải chịu đau khổ – bởi vì anh ta đã ăn quả cấm trên cây thiện – ác. Dù truyền thuyết gì đi chăng nữa, ở sâu trong trí nhớ, loài người biết rằng vinh quang của chúng ta đã bắt đầu từ một cá nhân và cá nhân đó đã phải trả giá cho lòng dũng cảm của mình.

Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại – những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế – đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Tất cả những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng.”

2 thoughts on “Những cuốn tiểu thuyết yêu thích của tôi (Phần 1)

  1. Em cảm ơn chị Mai đã chia sẻ những cuốn sách hay như vậy 🙂
    Hi vọng chị sẽ thêm nhiều cuốn sách hay nữa ạ.
    Chúc chị nhiều niềm vui và hạnh phúc.
    Yêu chị 😊

Leave a Reply