Khi không đọc sách văn, ta đọc sách gì?

Tuần này, tôi xin điểm một số cuốn sách “không phải sách văn” mà tôi yêu thích nhất. Đây là 3 cuốn sách khai sáng tôi rất nhiều, và hi vọng bạn cũng sẽ yêu thích chúng!

1. Súng, Vi trùng, và Thép: Định mệnh của các Xã hội Loài người (Guns, Germs, and Steel: The Fates of Human Societies)- Jared Diamond

IMG_3066

Súng, Vi trùng và Thép là cuốn sách mà trong đó Jared Diamond đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đã nung nấu ông suốt hơn 30 năm “Gốc rễ của sự bất bình đẳng trên thế giới là gì?”, “Sau hơn 13,000 năm lịch sử, tại sao sự phát triển của các giống dân trên thế giới đã trở thành quá khác nhau như ngày nay”, “Tại sao người châu Âu lại là những người đi khám phá, xâm chiếm những vùng đất ở châu Úc, châu Mỹ, mà không phải ngược lại”. Câu trả lời dường như rất đơn giản: đó là vì người Âu có súng, có gươm thép, có ngựa, có tổ chức chính trị phát triển, rồi có các loại vi trùng bệnh tật giết thổ dân các châu lục khác. Rõ ràng kết luận này lại đặt ra câu hỏi “Vậy thì tại sao dân châu Âu có thể chế tạo ra súng, ra thép mà không phải thổ dân châu Úc, châu Mỹ?”, “Tại sao dân châu Âu lại có những loại vi khuẩn độc hại tàn sát phần lớn dân châu Mỹ, mà không phải ngược lại?” Vượt thời gian quay về quá khứ, ông đã truy ra rằng yếu tố môi trường là quan trọng nhất. Quan điểm của ông có thể tóm tắt vắn tắt như sau: các sắc dân bây giờ đã phát triển rất khác nhau là do sự khác biệt về môi trường sống ngay từ đầu. Với quan niệm này, ông đã tấn công vào quan điểm “phân biệt chủng tộc” cho rằng một số giống dân phát triển hơn một số khác là do họ “thông minh” hơn, “sáng tạo” hơn.

Cụ thể, những khác biệt sau về môi trường đã dẫn đến những hướng đi khác nhau giữa các lục địa:
– Sự khác biệt về các loại cây trồng, vật nuôi hoang dã có thể thuần hoá giữa các lục địa đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Ông cho rằng, lục địa Âu Á có nhiều các loại động vật, thực vật có thể thuần hoá, khiến người dân có thể định canh định cư. Điều này tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, sản xuất thặng dư. Chỉ khi có sản xuất thặng dư, xã hội mới có thể nuôi được một lượng chuyên viên không làm nông nghiệp, giúp xã hội phát triển văn hoá, nghệ thuật, và tổ chức được một hệ thống chính trị phát triển hơn. Các thổ dân châu Úc, thổ dân da đỏ châu Mỹ không có được những ưu thế này.
– Hướng chính của lục địa Âu Á là đông tây, ít có những ngăn trở môi trường và địa lý, cho phép sự dịch chuyển dễ dàng trong lục địa. Vì vậy, con người, vật nuôi có thể dễ dàng dịch chuyển trong lục địa và định cư ở nơi khác. Điều này khiến các kinh nghiệm về nông nghiệp, chữ viết, vv được lan truyền trong cùng lục địa.
-Những yếu tố địa lý cũng có ảnh hưởng khác nhau đến sự chuyển dịch giữa các lục địa. Vì những ngăn trở địa lý, nhiều lục địa không nhận được công nghệ, vật nuôi, cây trồng từ các lục địa khác.
– Sự khác biệt về dân số và diện tích đất đai cũng tạo ra sự khác biệt về mức độ phát triển giữa các lục địa. Lục địa càng rộng, đông dân sẽ tạo cơ hội cho nhiều phát minh ra đời, và sự cạnh tranh ganh đua giữa các xã hội. Đơn giản là nếu quốc gia nào tụt hậu, yếu kém, sẽ bị các quốc gia khác tiêu diệt, thống trị.

Bạn cũng có thể xem phim tài liệu dựa trên nội dung cuốn sách ở link sau:

 

2. Sụp đổi: Các Xã hội đã Thất bại hay Thành công như thế nào? (Collapse: How Societies Choose to Fail or Succeed)- Jared Diamond

IMG_3065

Trong cuốn sách này, tác giả đi tìm lời giải vì sao một số xã hội cổ đại sụp đổ, một số khác lại thành công và những bài học rút ra từ quá khứ có ý nghĩ thế nào đối với xã hội loài người hiện đại. Diamond tin rằng 5 yếu tố sau ảnh hưởng đến sự suy vong của 1 xã hội: tổn hại mà con người vô tình gây ra cho môi trường, thay đổi khí hậu, láng giềng thù địch và các đối tác thương mại thân thiện (trong ngôn ngữ hiện đại là “toàn cầu hoá”, và cách đối phó của xã hội đó với các vấn đề môi trường. Yếu tố thứ 5-cách đối phó của xã hội đối với các vấn đề môi trường- được xem là một yếu tố quan trọng, có tính quyết định đến việc một xã hội có thể sụp đổ hay không khi bị các yếu tố còn lại, đặc biệt là các yếu tố về môi trường, khí hậu tác động. Để chứng minh cho các luận điểm của mình, ông đã phân tích sự sụp đổ của một số xã hội cổ đại như Đảo Phục Sinh, nền văn minh Maya, xã hội người Norse ở Greenland , vv. Tác giả còn đưa ra những nguyên nhân vì sao một số xã hội giải quyết các hậu quả môi trường một cách thành công, còn một số khác thì bất lực nhìn môi trường bị tàn phá nặng nề, gây ra bất ổn nghiêm trọng.

Chương tôi yêu thích nhất là Chương 10: Thuyết Malthus ở Châu Phi: Hoạ diệt chủng ở Rwanda. Năm 1994, tại Rwanda đã xảy ra những cuộc tàn sát dã man giữa người Hutu và người Tutsi, gây nên hoạ diệt chủng lớn nhất ở Châu Phi. Diamond cho rằng ngoài yếu tố hận thù sắc tộc, những vấn đề nghiêm trọng như dân số quá đông, tác động môi trường, và thay đổi khí hậu là yếu tố sâu xa dẫn đến nạn diệt chủng này. Rwanda đã không thể giải quyết được những vấn đề nghiêm trọng của mình, và sụp đổ là điều không thể tránh khỏi.
Khi đọc cuốn sách này, tôi nghĩ về những vấn đề môi trường nghiêm trọng mà Việt Nam đang gặp phải, và tự hỏi chúng ta sẽ đi về đâu nếu chúng ta không giải quyết được những vấn đề này.
Bạn có thể xem bộ phim tài liệu “Collapse” dựa trên cuốn sách tại đây:

Sau khi đọc 2 cuốn sách của Jared Diamond, tôi có một ước muốn là được một lần gặp ông ở ngoài đời. Tôi thậm chí đã viết cho ông một email để nói cảm ơn, vì 2 cuốn sách của ông đã khai sáng tôi rất nhiều! :D)
3. Nhật bản duy tân 30 năm- Đào Trinh Nhất

IMG_3067

Nếu bạn yêu thích nước Nhật, và mong muốn tìm hiểu đất nước, con người và văn hoá Nhật Bản, đây chắc chắn là cuốn sách không thể bỏ qua. Cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu được lý do vì sao Nhật Bản, chỉ trong vòng 30 năm, lại có thể lột xác thần kỳ đến vậy. Giữa thế kỷ 19, nhận thấy sức mạnh, và nguy cơ bị phương Tây thống trị, người Nhật nghĩ rằng nếu không cải cách phát triển đuổi kịp phương Tây, để bình đẳng với phương Tây, thì chắc chắn cũng sẽ bị phương Tây thâu tóm như bao quốc gia phương Đông khác. Để đạt được mục tiêu ấy, cả xã hội Nhật, từ triều đình, quan lại, sỹ phu, hào kiệt, thường dân dốc lòng dốc sức thực hiện công cuộc duy tân chỉ trong vòng 30 năm!

(Còn nữa)

One thought on “Khi không đọc sách văn, ta đọc sách gì?

Leave a Reply