Bạn có bao giờ tiếc nuối?

Tôi vừa nhận được email của một bạn người Ý, chỉ vỏn vẹn có mấy dòng “Buồn quá, tớ và X (tên người bạn trai) vừa chia tay rồi. Biết thế ngay từ đầu tớ đã không nhận lời yêu hắn”. Email ấy khiến tôi chững lại mấy phút trước khi thật sự hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cách đây mấy năm khi còn ở Anh, tôi có đến Ý thăm bạn. Lúc ấy họ vẫn còn say đắm, mặn nồng lắm. Tôi vẫn nhớ tại một quán cafe yên tĩnh, nhẹ nhàng lãng mạn đúng chất Ý, bạn đã tâm sự với tôi rằng bạn thật may mắn và biết ơn số phận vì đã tìm được X. Thấy bạn buồn bã, tiếc nuối và tự trách bản thân như vậy, tâm trạng tôi cũng trùng xuống. “Biết thế/lẽ ra…mình nên/không nên..”, “ước gì”, “giá mà” thật sự là những cụm từ ám ảnh bởi nó cho thấy cảm giác tiếc nuối khiến ta phủ nhận những hạnh phúc mà ta đã có. Như tâm sự của chàng Michael trong truyện “Người đọc” sau khi Hanna ra đi ” But we were happy! Sometimes the memory of happiness cannot stay true because it ended unhappily”. (Nhưng chúng ta đã hạnh phúc mà! Đôi khi hoài niệm về hạnh phúc không còn chân thực nữa bởi mọi chuyện đã kết thúc trong khổ đau).

Tôi chợt nghĩ lại những giây phút tôi cảm thấy tiếc nuối về những thứ đã xảy ra trong quá khứ- những thứ tôi đã ước ao thay đổi nhưng không thể, và muốn chia sẻ với bạn trong thứ bảy tuần này.

“Tiếc nuối” không thể nói là một cảm giác dễ chịu. Tôi đã từng ước có cỗ máy thời gian của Doraemon để quay lại quá khứ và chỉnh sửa những việc đã không xảy ra theo kỳ vọng của tôi. Quẩn quanh trong cái ước muốn hoang đường ấy, tôi tự trói mình trong quá khứ như con thú rừng mắc bẫy vùng vẫy mãi không thoát ra được mà chỉ gây thêm đau đớn cho bản thân. Không chỉ làm bản thân tôi mệt mỏi, tâm trạng đó của tôi còn “đá thúng đụng nia” sang những người xung quanh. Cô bạn thân từ năm cấp hai có lần bảo tôi là “Nếu tao mà còn giữ điện thoại tao dùng hồi Đại học thì toàn tin nhắn mày than thân trách phận, tiếc nuối các kiểu”. Đấy, làm bạn với sự tiếc nuối như thế đã lấy đi bao thời gian vui vẻ và năng lượng của tôi. Mặc dù nhận ra đó là một thứ cảm xúc tiêu cực dễ lây lan với vận tốc ánh sáng, tôi thấy rằng thật sự rất khó để vượt qua cảm giác ấy.

Tuy nhiên, dù khó nhưng đó không phải là nhiệm vụ bất khả thi bởi tôi tin rằng, để những gì ta làm hoặc đã không làm thúc đẩy ta tiến lên hoặc làm ta tê liệt trong quá khứ phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân ta. Dần dà tôi học được cách nhìn sự tiếc nuối một cách tích cực hơn. Tôi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn nhiều khi không còn khát khao thay đổi những sự đã rồi nữa.

Tôi đã hiểu ra rằng khi tiếc nuối là TÔI ĐÃ DÙNG THÔNG TIN HIỆN TẠI ĐỂ ĐÁNH GIÁ QUÁ KHỨ

Có một thời gian tôi luôn sống trong dằn vặt về những hành động trong quá khứ: Tôi hối tiếc về chuyên ngành mình đã chọn ở thời Đại học; tôi tiếc nuối về những mối quan hệ không có đầu có cuối; tôi tiếc nuối những cơ hội mình đã không nắm bắt, vân vân và vân vân. Tôi như một nhà đạo diễn tua đi tua lại phim của mình, và muốn tung hê thay đổi tất cả những cảnh quay mà mình không hài lòng. Rồi tôi dần nhận ra rằng, trách cứ bản thân như thế thật là thiếu “công bằng” cho tôi của ngày xưa, và thật “độc ác” với tôi bây giờ. Vì sao ư? Vì rõ ràng tôi của ngày xưa không có được những thông tin quý giá mà tôi của thì hiện tại đang nắm giữ: Tôi hồi phổ thông không đủ kiến thức và hiểu biết về những gì bản thân thật sự muốn học và làm; tôi trước một mối quan hệ không biết được rồi mối quan hệ đó là không tốt đẹp như tôi nghĩ; tôi khi đứng trước mỗi cơ hội đều chưa đủ khả năng để nhìn ra những gì cơ hội đó mang lại….

Trong kinh tế có lý thuyết về thông tin phi đối xứng, trong đó một người sẽ có thông tin nhiều hơn so với người khác về đối tượng được giao dịch. Và không hiểu sao mỗi khi nghĩ đến những “hối tiếc” tôi lại thấy tôi của bây giờ và tôi của quá khứ là hai chủ thể của một giao dịch-những hành động/sự việc đã xảy ra. Tôi đưa ra lựa chọn, thời gian dần trôi qua, tôi bắt đầu nghĩ về những gì đã xảy ra: Tôi phân tích, tôi bị ám ảnh về những gì đã xảy ra, tôi “than trách” bản thân, và ước có thể vẽ lại quá khứ. Thời gian tiếp tục trôi qua, tôi có thêm nhiều thông tin và kiến thức, quá trình phân tích càng được diễn ra quyết liệt hơn. Rõ ràng, theo thời gian, tôi lĩnh hội được nhiều thông tin và kiến thức hơn, khi đó tôi lại quay lại phán xét lựa chọn của tôi ngày xưa. Như vậy thật không công bằng chút nào!!!

Tôi dần học được rằng, dù tôi có hét lên “giá mà”, “ước gì” to đến cỡ nào đi nữa, tôi cũng không thể có được chiếc máy thời gian quay ngược quá khứ. Vì vậy, chi bằng ta nên vị tha hơn với bản thân của thì hiện tại và cố gắng học hỏi để có những quyết định sáng suốt hơn cho những lần sau. 

TÔI LUÔN HỌC ĐƯỢC NHIỀU ĐIỀU THÚ VỊ TỪ NHỮNG SỰ VIỆC ĐÃ XẢY RA

Tuy không theo tôn giáo nào, nhưng tôi có một niềm tin vững chắc rằng bất cứ ai bạn gặp trên đường đời- dù đối xử tốt hay không tốt với bạn, và bất cứ việc gì xảy ra đều có một ý nghĩ gì đó. Tất cả đều dạy cho ta một bài học quý giá!

Nghe có vẻ “lý thuyết” nhỉ? ^^. Trước đây, khi tôi đang nuối tiếc một điều gì đó, mà có ai cả gan nói với tôi như thế, tôi sẽ cho rằng họ thật “gàn dở” và rằng bụng họ chắc chứa một bồ “lý thuyết”. Nhưng khi thời gian dần trôi, ngẫm lại bản thân mình, tôi thấy “lý thuyết” đó vận vào tôi khá tốt. Bây giờ, mỗi khi tôi thấy mình bắt đầu lầm bầm “giá mà mình nên/không nên”, “ước gì mình đã làm/đã không làm..”, là tôi tìm cách hãm suy nghĩ đó bằng cách tự hỏi bản thân: Tôi học được gì về bản thân mình từ kinh nghiệm đó? Tôi muốn mình đã hành động thế nào? Nguyên nhân khiến tôi phản ứng như thế?. Thật sự, tôi đang cố gắng nhìn quá khứ với tâm thế của một người ham học hỏi hơn là một người chỉ suốt ngày suy tư “ước gì/giá mà”.

Một anh bạn người Mỹ của tôi có lần tâm sự với tôi rằng, anh hối tiếc vì đã không giữ được một mối quan hệ nghiêm túc mà anh đã có khi còn trẻ hơn. Anh luôn “ghen tuông” và có tâm lý “sở hữu” người yêu. Anh hành xử như một gã say mê các đồ cổ quý hiếm, lúc nào cũng sợ có trộm cạy cửa vào nhà lấy nên cất giấu đồ của mình sau mấy làn tủ sắt. Anh thật sự hối tiếc, và oán trách bản thân mình nhiều lắm. Truy tìm nguyên nhân sâu xa, anh nhận ra việc chứng kiến cuộc ly hôn vô cùng phức tạp của cha mẹ đã luôn khiến anh có cảm giác không an toàn, và luôn sợ mất đi những thứ quý giá mình đang giữ. Khi hiểu ra được như thế, anh cũng độ lượng hơn với bản thân, và cố gắng học cách tiết chế bản thân trong các mối quan hệ sau.

Viết đến đây, tôi bỗng nghĩ đến công việc tôi vừa bỏ. Tôi đã không thức dậy mỗi buổi sáng với tâm trạng háo hức, muốn đến công ty làm việc; nhiệt huyết của tôi như chiếc xe đạp không phanh đã lao xuống tận đáy dốc khi nào không hay. Tất nhiên tôi hiểu rõ rằng, chẳng có công việc nào là hoàn hảo, công việc chỉ là sự thoả hiệp giữa những điều mình thích và mình phải làm. Và tôi cô gắng làm một công việc nào đó mà khoảng cách giữa hai yếu tố ấy là nhỏ nhất có thể. Thật sự, có lúc tôi ước giá mà tôi đã đi học cách đây hai năm thay vì làm công việc này, có phải bây giờ tôi đã đi được một chút quãng đường mình muốn rồi không. Nhưng suy ngẫm kỹ, tôi thấy mình học được rất nhiều điều từ công việc này. Tôi nhận ra tính cách của tôi hoàn toàn không hợp làm truyền thông. Tôi hiểu hơn về ước muốn thật sự của bản thân: Tôi không ngại đọc sách, suy nghĩ và viết ra những gì mình học được. Mặc dù tôi tin rằng tôi không thật sự hợp với công việc này, là một nhân viên truyền thông đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong giấc mơ hoang dại nhất, tôi cũng không tưởng tượng được một ngày tôi lại mày mò ngồi lập trang web cho mình, chỉnh sửa theme theo ý tôi dựa trên những gì tôi đã học được từ việc lập web trước đây. Chuyển từ trạng thái tiếc nuối sang biết ơn, tôi thấy mình không còn coi đó là một lựa chọn sai lầm nữa.

Tôi tin rằng, quay lại thời gian là không thể nhưng học từ những hối tiếc ấy là hoàn toàn có thể. Hôm qua tôi đi ăn trưa với một người chị mà tôi rất yêu quý, chị nói với tôi rằng “Nếu mình muốn học, thì không điều gì, hay một “thế lực thù địch” nào có thể cản trở mình được“. Và tôi tin rằng, lời khuyên ấy có thể áp dụng được cả cho việc học từ những tiếc nuối.

THAY VÌ TIẾC NUỐI, TÔI TẬP TRUNG VÀO NHỮNG GÌ TÔI CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC

Alphonse Karr đã viết một câu trong tác phẩm “A Tour Round My Garden” mà tôi thấy vô cùng tâm đắc và có ý nghĩa: “We can complain because rose bushes have thorns, or rejoice because thorns have roses” (Ta có thể phàn nàn vì bụi hồng có gai, hay có thể cảm nhận niềm hạnh phúc vì trong gai lại mọc ra hoa hồng). Trong tâm trạng thất vọng, tôi thấy thật khó bị thuyết phục thay đổi cách nhìn về một sự vật, sự việc nào đó. Nhưng tôi dần hiểu rằng nhìn mọi thứ từ một lăng kính khác là vô cùng quan trọng để hướng năng lượng vào những gì ta có thể thay đổi được, và giải phóng bản thân khỏi những thứ mà rễ đã cắm sâu vào trong tầng đất quá khứ.

Hồi trẻ trâu, tôi dễ nóng nảy, kiêu ngạo, luôn cho rằng mình biết nhiều thứ hơn những người khác. Vì thế, tôi rất cứng đầu cứng cổ, luôn cho mình là đúng và hiếm khi chịu nghe lời khuyên của ai!! Nhưng càng đi ra ngoài, tiếp xúc với thế giới, gặp gỡ nhiều người thật sự giỏi giang, tâm huyết, khiêm tốn, tôi nhận ra rằng những gì mình biết chỉ là một hạt cát sông hằng. Và học hỏi, trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân là quá trình cả đời. Ôi, có một dạo tôi cứ hối tiếc mãi, chỉ muốn du lịch ngược thời gian để…dạy cho tôi hồi trẻ một bài học. Nhưng rồi, tôi dần không nhìn đó như một trải nghiệm “xấu” nữa mà chỉ đơn giản là một phần không thể thiếu của quá trình học hỏi. Thay đổi thái độ khiến tôi hướng năng lượng vào những bài học quý giá và cố gắng điều chỉnh hành xử trong tương lai thay vì dằn vặt những gì tôi đã làm trước đây.

TA SẼ BỚT TIẾC NUỐI NẾU HIỂU RẰNG MỌI SỰ CHỈ LÀ TƯƠNG ĐỐI

Tôi tình cờ phát hiện ra rằng, một giáo sư của một trường ĐH tôi liên hệ trước khi nộp hồ sơ PhD (về sau tôi không được trường này chấp nhận hồ sơ :D) bằng tuổi tôi.. Rồi tôi lại tình cờ quen một em nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng mà đã gần có bằng PhD và sẽ sớm bắt đầu sự nghiệp nghiên ở một trường Đại Học ở Mỹ. Không hiểu sao khi gặp những người như thế, tôi lại bắt đầu thầy nuối tiếc. Có lúc tôi tiếc vì đã không đi học sớm hơn, nếu không có lẽ tôi cũng có thể đi gần nửa quãng đường, chứ không phải bây giờ mới chập chững những bước đầu tiên. Tôi dần nhận ra mình dễ rơi vào bẫy “giá mà”, “ước gì” khi so sánh bản thân với người khác. Và luôn luôn là như thế, khi so sánh bản thân với người khác, ta có cảm giác cỏ ở bờ bên kia bao giờ cũng xanh hơn.

Tuy nhiên nhìn kỹ thì sự so sánh này không hề tương đồng, như thể ta đang so sánh cam với táo vậy. Khi so sánh mình với người thầy hoặc người em kia, tôi quên mất rằng: Họ có background khác tôi, có thể họ nhận ra ước muốn của bản thân sớm hơn tôi, có thể họ đã cố gắng/chăm chỉ/quyết tâm hơn tôi rất nhiều, vân vân và vân vân. Và tôi cũng đã quên mất rằng, thời gian tôi đi làm trước khi tôi đi học cho tôi nhiều kinh nghiệm thực tế mà có thể trường học không mang lại cho tôi.

TÔI TIẾC NUỐI NHIỀU HƠN NHỮNG THỨ TÔI ĐÃ KHÔNG LÀM

Thật lạ, khi đã bắt đầu tuổi ba mươi, nghĩ lại những gì tôi tiếc nuối, rất nhiều trong số đó là những thứ tôi không làm, những cơ hội tôi đã không nắm bắt. Càng ngày tôi càng nhận ra thế giới này rất rộng lớn, và cuộc sống có quá nhiều thứ để làm, nhiều điều để học hỏi, nhiều nơi để khám phá….mà thời gian lại không đầy như nước đại dương.

Mark Twain đã nói một câu đầy cảm hứng:

Twenty years from now you will be more disappointed by the things that you didn’t do than by the ones you did do. So throw off the bowlines. Sail away from the safe harbor. Catch the trade winds in your sails. Explore. Dream. Discover.

Hai mươi năm sau lúc này, bạn sẽ thấy thất vọng vì những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm. Vậy nên hãy tháo nút dây. Hãy cho thuyền rời khỏi bến cảng an toàn. Hãy căng buồm đón gió. Tìm tòi. Ước mơ. Khám phá.

Khi trẻ hơn, tôi từng nghĩ rằng chỉ khi nào có thời gian tôi mới nên theo học một khoá học nào đó, khi nào có tiền mới nên đi du lịch, khi nào viết thật tốt mới viết blog, và chỉ khi nào có điều kiện mới thực hiện ước mơ của mình, vân vân và vân vân. Nhưng tôi dần hiểu rằng ta không có nhiều thời gian đến thế đâu, nếu muốn làm gì HÃY LÀM NGAY VÀ LUÔN!! Và hãy thu lượm những bài học bổ ích trong quá trình hành động ấy.

Cảm ơn bạn đã đọc những tâm sự của tôi đến dòng cuối cùng! Chúc bạn một cuối tuần thật vui vẻ và không “tiếc nuối”♠

4 thoughts on “Bạn có bao giờ tiếc nuối?

      1. Bài viết của chị tạo cảm hứng rất nhiều cho em. Giờ em sẽ cũng sẽ đóng thuyền, chuẩn bị lương thực để giong buồm ra khơi ^.^.

Leave a Reply