Thành kiến- kẻ thù của kiến thức và sự cảm thông

18

Đầu những năm 20 của thế kỷ 20, một đoàn khoa học của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứ về minh triết, những điều huyền bí, và khả năng siêu nhiên của con người ở xứ nhiệt đới này. Ấy thế nhưng, suốt hai năm rong ruổi khắp các đền chùa, các ngang cùng ngõ hẻm được cho là bí hiểm, cả đoàn chỉ nhìn thấy sự mê tín dị đoan, lừa đảo, vô văn minh. Có thật Ấn Độ chỉ có như thế hay mắt họ không thể nhìn xa hơn?

Một ngày, giáo sư Blair Spalding (một thành viên của đoàn khoa học, và cũng là tác giả cuốn sách “Hành trình về phương đông”- sách kể về hành trình của đoàn tại Ấn Độ) đang thong thả dạo bước quanh bờ sông thành Benares, thì bắt gặp một đạo sĩ có đôi mắt sáng, tinh anh và vóc người lực lưỡng. Vị đạo sĩ đã nói một câu có sức mạnh vang dội trong lòng giáo sư:

 “Hiện giờ đầu óc bạn vẫn còn suy nghĩ như người Âu, nghĩa là lý luận theo một chiều. Bạn phải cởi bỏ các THÀNH KIẾN sẵn có thì mới mong học hỏi được những điều mới lạ”.

Giáo sư Spalding chợt bừng tỉnh. À thì ra, từ trước đến nay, ông, các thành viên trong đoàn của ông và bao người Âu khác vẫn có những thành kiến rất thiển cận về người châu Á. Nhiều người trong số họ coi thường dân châu Á, xem họ như loại người chậm tiến, kém văn minh, không lịch sự. Vì cứ mãi bám riết những thành kiến như thế, họ không sao nhìn thấy vẻ đẹp trong minh triết và văn hoá Ấn Độ. Từ khi ý thức và quyết gạt bỏ những định kiến lâu đời ấy đi, đoàn khoa học được tiếp xúc với bao vị đạo sĩ, tu sĩ và các bậc chân tu thông thái, minh anh sống ẩn dật ở thị trấn hay trên rặng Tuyết Sơn. Nhờ thế, họ đã học được nhiều bài học sâu sắc, quý báu về văn hoá Ấn Độ như yoga, thuật chiêm tinh, thiền định, các phép dưỡng sinh, nhân duyên, vân vân.

“Hành trình về phương đông”, cuốn sách mỏng, giản dị ấy đã dạy tôi một bài học vô cùng sâu sắc: nếu muốn học hỏi những điều mới mẻ, muốn trưởng thành và hoàn thiện bản thân mỗi ngày, ta phải nhận biết và gạt bỏ những thành kiến có sẵn. Xin lưu ý rằng, tôi không phải là người duy tâm nhưng tôi cố gắng không chỉ trích, phê phán những sự kiện huyền bí mà tác giả chứng kiến. Tôi muốn để tâm trí mình rộng mở đón những điều khác biệt, bởi biết đâu những điều ấy là đúng chỉ là tôi chưa đủ kiến thức để hiểu

                                                          Thành kiến là gì?

Thành kiến là những nếp suy nghĩ, quan điểm, niềm tin chủ quan sẵn có- thường là tiêu cực- đối với một người, một nhóm người dựa trên lối sống, nghề nghiệp, quan điểm chính trị, màu da, sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo, giới tính, vân vân. Thành kiến thường được định hình trong ta theo thời gian, từ trải nghiệm của bản thân, do được tuyên truyền, do thế hệ trước truyền lại, do môi trường sống.

Để tôi kể cho bạn nghe một chuyện vui về thành kiến nhé.

Khi còn là sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, tôi thường nghe người ta xì xầm về ngoại hình của con gái BK “Gái Bách Khoa như củ sắn lùi”. Còn bọn con gái chúng tôi ngày ấy thường đùa nhau rằng, sau này “quyết” không yêu trai kinh tế vì họ đều là những người “coi trọng đồng tiền”, hay không yêu dân ngoại giao vì họ “nói chứ không thật lòng” (haha). Giờ đây, khi hiểu hơn về cuộc sống, nhìn lại thấy đó là những thành kiến rất ngây thơ và trẻ con.

Ở mức độ tiêu cực nghiêm trọng hơn, tôi thường thấy những thành kiến kiểu như: bọn châu Phi thì ngu dốt, người không học Đại học thì đều là thất bại, bọn Trung Quốc thì ai cũng xấu và có tư tưởng “bành trướng”, người nghèo thì lười biếng, người xăm xổ đầy mình là người không ra gì, vân vân và vân vân. Ta cũng có thể hình thành định kiến về những cá nhân riêng lẻ: A là người xấu/giả tạo/độc đoán/gia trưởng.

Ngày trước, tôi không bao giờ tự “chất vấn” những thành kiến mình có về người khác bởi tôi tin rằng những gì tôi nghĩ về họ là đúng, không có gì phải suy xét. Nhưng càng đi nhiều, học nhiều, đọc nhiều, đặc biệt là khi trở thành nạn nhân của các thành kiến trong thời gian sống và học tập ở phương Tây- nơi người ta còn nhiều thành kiến về người nhập cư nói chung và người Á nói riêng- tôi chợt hiểu rằng: giữ thành kiến chẳng khác gì “nuôi” một loại virus, không chỉ làm hại bản thân ta, mà còn gây tổn thương sâu sắc đến những người mà ta có thành kiến. VÌ SAO LẠI NHƯ VẬY?

                  Vì thành kiến là bức tường khổng lồ ngăn ta tiếp cận những kiến thức mới

Để học những điều mới mẻ- dù là học ở trường lớp, học cách nuôi dạy con, học kiến thức mới, vân vân- tôi tin rằng, ta phải sẵn sàng gạt bỏ những lớp suy nghĩ cũ kĩ, và cởi mở với tư tưởng rằng “ta có thể không đúng, và người khác có thể đúng”. Tôi luôn quan niệm, học từ người khác rất quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả học ở trường lớp, sách vở, nên nếu mãi giữ các thành kiến ta đã vô tình cắt đứt sợi dây nối ta với kiến thức mới. “Người khác” ở đây không chỉ là những người giống ta, mà còn là những người khác ta rất nhiều. Đôi khi chính sự khác biệt lại dạy cho ta nhiều điều hơn cả! Tôi thích nghe những quan điểm mới, tiếp xúc với những người nhìn thế giới ở một góc khác tôi, và lắng nghe cách họ giải thích vì sao họ lại có suy nghĩ và quan niệm như vậy. Sau mỗi lần như thế tôi lại nhận ra rằng thế giới quả thật rất đa dạng, và những điều ta chưa biết là vô cùng vô cùng lớn trong khi kiến thức của ta chỉ là hạt cát.

                Vì thành kiến  khiến ta đưa ra những quyết định sai lầm.

Hàng ngày ta phải đưa ra rất nhiều quyết định. Thời gian hạn hẹp và mức độ phức tạp của sự việc khiến ta dễ dàng bấu víu vào cảm tính và các thành kiến sẵn có (một cách vô thức) để đưa ra quyết định. Thành kiến có thể để lại hậu quả nặng nề hơn ta nghĩ, bởi nó tri phối cảm xúc và hành động của ta với người khác. Nó có thể khiến bạn quyết định không giúp đỡ, không lắng nghe, không thân thiện, không nói tốt, không trao cơ hội cho người khác,vv. mà lẽ ra họ phải được hưởng những điều ấy. 

Một người bạn tâm sự với tôi rằng, khi mới vào làm việc ở một công ty, chỉ vì một vài sơ suất ban đầu mà sếp đã có thành kiến không tốt về bạn. Người sếp đó quyết định không tạo cơ hội cho bạn làm việc một cách tử tế nữa. Đôi khi sếp còn nói nhiều câu khiến lòng tự trọng của bạn bị tổn thương sâu sắc.

Hồi còn trẻ trâu, vì hiểu lầm mà tôi gán cho một người bạn của tôi cái mác “giả tạo” hay “xấu tính”. Và từ đó, mọi hành động, lời nói của bạn tôi đều soi ra cái xấu và sự giả dối. Giờ đây, khi nhìn lại, tôi ước thay vì vội vàng phán xét, tôi đã bình tĩnh lắng nghe hơn, biết đâu tôi đã không mất đi một tình bạn. Tôi đã có nhiều quyết định sai lầm như thế chỉ vì bướng bỉnh không chịu “buông tha” những thành kiến…

                            Vì thành kiến khiến ta vô tình gây ra vết thương lòng cho người khác

Tôi đã gặp nhiều câu chuyện mà những người/ nhóm người bị gán thành kiến phải chịu đựng sự tự ti, mất mát và xấu hổ.

Mỗi lần về thăm nhà (ở một thành phố nhỏ), tôi lại nghe người ta bàn tán về chị- một phụ nữ đã 40 tuổi chưa lập gia đình và vẫn ở với cha mẹ. Người ta nhẫn tâm gọi chị- hay những người như chị- là “không bình thường”, “dở hơi” và gia đình có con gái như thế là “không có phúc”. Người ta chỉ thích nói cho “sướng mồm” chứ đâu để ý gì đến cảm xúc của chị.

Tôi chợt nhớ đến nhân vật Boo Radley trong tiểu thuyết “Giết con chim nhạn” của nhà văn Mỹ Harper Lee. Vì có ngoại hình khác người mà cả thị trấn Maycomb gán cho anh cái mác”dở người”, họ còn chẳng ngại ngần xây dựng bao điều độc ác về anh: bạo lực với cha mẹ, chuyên lẻn ra ngoài ban đêm để ăn thịt mèo, rình mò nhà hàng xóm, vân vân. Hàng chục năm trời, cứ khi trời sáng là anh lại giam mình trong nhà để trốn tránh ánh mắt soi mói của cả thị trấn, đến mức quên cả các kỹ năng xã hội. Lần nào khi đọc đến “lời thức tỉnh” của Jem về Boo, tôi cũng thấy mình chảy nước mắt:

“Scout, I think I’m beginning to understand something. I think I’m beginning to understand why Boo Radley’s stayed shut up in the house all this time…it’s because he wants to stay inside”

Bạn thấy đấy, những thành kiến như thế rất thiếu nhân văn. Nó vô tình làm người khác tổn thương, nó khiến ta từ chối tìm hiểu và lắng nghe người khác: biết đâu đằng sau họ là cả một câu chuyện, nỗi niềm và những vấn đề. Thậm chí, nó còn để lại hậu quả nặng nề cho cả xã hội. Nước Mỹ- một đất nước nhìn bề ngoài tưởng chừng “đáng mơ”- có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, một trong số đó là những thành kiến về người da đen, khiến họ bị cô lập, hắt hủi và không được hưởng nhiều quyền lợi như người da trắng.

Từ khi “giác ngộ” rằng thành kiến là bức tường khổng lồ ngăn tôi học hỏi và cảm thông với người khác, tôi luôn tự nhủ phải gạt bỏ chúng ra khỏi tâm trí. Nếu bạn cũng như tôi, mong muốn loại trừ những tư tưởng xấu xí này để ngày một khôn lớn hơn, hãy cùng tôi cố gắng (mặc dù không dễ chút nào):

  Nhìn sự việc từ quan điểm của người khác

Nhân vật Atticus- một luật sư chuyên bảo vệ công lý, lẽ phải và là một người cha đầy thông thái trong cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhạn”- đã nói một câu mà tôi rất tâm đắc:

“Con không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi con xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó….Cho đến khi con sống bên trong anh ta và đi lại cư xử y như anh ta.”.

Đúng vậy, ta bao giờ cũng có xu hướng đánh giá người khác dựa trên tiêu chuẩn và thang đo của bản thân. Tuy nhiên, ta thường vô tình quên mất rằng, những viên gạch để xây nên tiêu chuẩn và thang đo ấy của ta và người khác là khác nhau. Đó có thể là sự khác nhau về môi trường sống, phông nền văn hoá, gia đình, thậm chí là thông tin ta được tiếp cận và những cuốn sách ta đọc, vân vân và vân vân. Vì vậy, như Atticus đã khuyên hai người con, trước khi đánh giá người khác hãy cố nhìn sự việc từ góc độ của họ, biết đâu ta sẽ thông cảm và bớt thành kiến.

                                                             Tôn trọng sự khác biệt

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người có xu hướng “thích giao du” với những người giống ta: giống ta về quan điểm chính trị, sở thích, thói quen, lối sống, vân vân. Và vì chỉ thích tiếp xúc với những người có xu hướng giống ta, ta thường cho rằng quan điểm, lối sống, cách suy nghĩ của ta là đúng, là chuẩn mực, còn của những người khác ta là sai. Từ đó ta từ từ xây dựng những thành kiến không hay về những người khác ta.

Tôi quan sát được một điều rất thú vị ở những người Mỹ mà tôi đã gặp: những ai có xu hướng ủng hộ Trump thì gần như có rất ít/hoặc không có một người bạn nào có quan điểm chính trị khác họ; và những người không ủng hộ Trump cũng rất ít giao du với người có tư tưởng cộng hoà.

Hạn chế “giao lưu” với người khác ta góp phần củng cố những thành kiến, và giảm khả năng chịu đựng sự khác biệt trong ta. Nhưng làm sao để ta nhìn sự khác biệt một cách thiện cảm hơn?. Một người bạn mà tôi rất quý vì tính cách cởi mở, sâu sắc, và ân cần, đã từng khuyên tôi “nếu cậu muốn tháo bỏ những thành kiến, hãy kết nối với nhiều người khác hẳn mình, hãy đọc những thông tin mà từ trước đến nay cậu không muốn tin, hãy tìm đến những loại sách cho cậu những điều mà cậu chưa từng biết tới”. Tôi tin đó là một lời khuyên đúng đắn!

   Hãy nhìn mọi người như một cá nhân, không phải một nhóm

Giáo sư Spalding và đoàn khoa học của ông đã thừa nhận rằng, hai năm đầu tiên rong ruổi ở Ấn Độ, họ đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng khiến thất bại là một kết quả không thể tránh khỏi:  ĐÁNH GIÁ MỘT NHÓM NGƯỜI DỰA TRÊN HÀNH ĐỘNG CỦA MỘT VÀI CÁ NHÂN, RỒI GẮN KẾT ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÓM CHO TỪNG CÁ NHÂN.

Vì có những trải nghiệm tiêu cực với những vị đạo sĩ, chân tu mạo danh, mà cả đoàn đã cho rằng minh triết Ấn Độ chỉ dặt một lũ lừa đảo. Trong đời sống hàng ngày, ta cũng dễ dàng rơi vào những cái bẫy như thế: vì trải nghiệm với những người đàn ông không tốt, mà ta thường kết luận “tất cả đàn ông đều xấu”; vì yêu phải  một hai phụ nữ “đào mỏ”, mà ta cho rằng “phụ nữ ai ai cũng như vậy”; vì gặp phải một vài công an bạo lực, mà ta tin rằng “tất cả những người làm trong nghề này đều bạo lực”, vân vân và vân vân. Gần đây khi báo chí phương Tây định hướng dư luận chống lại những người hồi giáo, ta lại có xu hướng tin rằng tất cả người theo đạo hồi đều cực đoan, khủng bố. Không! Tôi có nhiều bạn đạo hồi là những người tốt và hiền lành.

 Tôi tin rằng, không có một nơi nào, một quốc gia nào, một nhóm người nào chỉ toàn người tốt hoặc toàn người xấu. Thậm chí không một cá nhân nào chỉ toàn ưu điểm hoặc chỉ toàn khuyết điểm.

                                 Nhìn vào ưu điểm của người khác

Nếu bạn để ý sẽ thấy, ta thường có xu hướng nhìn thấy điều tốt đẹp của bản thân, nhưng lại chỉ nhìn thấy những sai quấy nơi người khác.

Trước đây, tôi cũng chỉ chăm chăm đi tìm điểm xấu của người khác. Dường như, tôi đã có sở thích gán tính từ cho những người tôi gặp: A là kẻ “giả tạo”, B là người “khó tính”, C là người “vô duyên”, vân vân.

Hậu quả tôi nhận được là gì? Thành kiến trong tôi ngày càng chồng chất, nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy tiêu cực, và tâm tôi luôn biến động. Dần dần tôi nhận ra rằng, dù người khác có khác ta đến mấy, họ cũng có rất nhiều ưu điểm. Và tôi xin nhắc lại một quan điểm mà tôi đã đề cập nhiều lần trong các bài viết trên blog: đằng sau bất cứ ai ta gặp trên đường đời cũng là cả một câu chuyện, và trong họ luôn có điều gì đó cho ta học hỏi. 

Trong cuốn sách “Alain nói về hạnh phúc”, có một câu tôi rất thích:

“Mà gần như trong truyện gì cũng có thứ để khen, bởi chúng ta không bao giờ biết đến những động cơ thực chất, và chẳng mất gì khi ta giả định rằng người này là một người đúng mực, người kia đang thể hiện tình bạn chứ không hề giữ kẽ”

Và sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi tự nhủ sẽ cố gắng tìm nét đẹp trong mỗi người tôi gặp. Chỉ khi ta nhìn vào ưu điểm của người khác, những thành kiến cố hữu mới ngoan ngoãn rời bỏ ta.  

Tôi xin kết bài bằng một câu nói “hồn nhiên”, “ngây thơ” cúa cô bé Scout trong truyện “Giết con chim nhạn”:

There is just one kind of folks. Folks (Tôi nghĩ chỉ có một loại người thôi. Tất cả đều là Con người.)

Cảm ơn bạn đã đọc tâm sự của tôi đến những dòng cuối cùng. Chúc bạn một thứ hai vui vẻ từ phía bên kia Thái Bình Dương!

Thanh Mai

P/S: Tôi đang có dự định viết một loạt bài có liên quan đến chủ đề “Điều gì cản trở ta học hỏi mỗi ngày”, và “Thành kiến- kẻ thù của kiến thức và sự cảm thông” là bài đầu tiên trong chủ đề đó! 

Nếu bạn muốn sử dụng nội dung bài viết, xin hãy ghi rõ nguồn! Xin cảm ơn ^^

 

7 thoughts on “Thành kiến- kẻ thù của kiến thức và sự cảm thông

  1. Ngày trước học cấp 2 em học cùng lớp với một số đứa khá là nghịch ngợm mà phụ huynh thường không thích con mình tiếp xúc nhiều. Nhưng cũng vì không có cơ hội ngaỳ ngày ngồi tán gẫu hay chí chóe như chúng em nên phụ huynh chẳng thể biết được mấy đứa bạn ấy lại rất tốt tính, nghĩa khí và quan tâm đến bạn bè. EM nghĩ may mắn là em đã không vội có thành kiến nặng nề với chúng nó nên có biết bao kỷ niệm đẹp thời ấy, đến nỗi hôm nào ốm là tiếc từng tiết học trên lớp =)))) Đến giờ sau chục năm ra trường thì chúng nó vẫn là những đứa bạn mà em chẳng ngần ngại trò chuyện và cũng luôn nhớ đến em trong những cuộc vui =)))).

    1. Câu chuyện của em đáng yêu quá. Chị cũng có những kỷ niệm như thế, và đó là một trong những lý do chị thật sự muốn viết bài này 😀

      1. Các bài viết của chị em phải đọc đi đọc lại vì sợ quên, nên chưa đọc được nhiều (mới biết blog chị được mấy ngày) ^.^.
        Chúc chị thật nhiều sức khỏe và có nhiều cảm hứng để thêm những chia sẻ cho đàn em học hỏi 🙂

Leave a Reply