Nước Anh và nước Mỹ- khác nhau thế nào? (Phần 1)

FullSizeRender

Một chủ nhật, tôi và bạn đồng hành đến thăm thị trấn Tombstone ở bang Arizona- một thị trấn vẫn gìn giữ và tái hiện văn hoá truyền thống miền Tây nước Mỹ cho khách du lịch. Trên đường đến Tombstone, tôi thích thú ngắm những loại cây bên đường, và cố lý giải vì sao tôi chẳng nhìn thấy một cây Saguaro (loại xương rồng khổng lồ) nào cả, mặc dù chúng tôi mới chỉ lái xe ra khỏi Tucson được vài cây số, và vẫn trong địa phận bang Arizona.

“Có lẽ khu vực này nhiều mưa quá, nên Saguaro không sống nổi”, tôi đưa ra giả thuyết và cảm thấy hài lòng với lời giải thích của mình. Ấy thế nhưng bạn đồng hành chẳng nói gì cả, tôi cứ ngỡ bạn thấy lời giải thích của tôi hài hước quá. Mặc kệ,  tôi tiếp tục: “Nhìn xem này, cùng trong một bang mà khu này có các loại thực vật khác hẳn”. Vẫn một sự im lặng đến khó hiểu. Bất chợt, bạn đồng hành quay sang tôi và nói:

“Anh rất vui vì anh cảm nhận em rất hạnh phúc ở môi trường mới”. Rồi bạn đồng hành khen tôi nhanh thích ứng với thành phố. Bạn thấy tôi mới đến Mỹ được gần hai tháng mà đã quen thêm nhiều bạn mới, và luôn giữ thái độ tích cực, hứng khởi với chương trình học và công việc ở trường.

“Có lẽ trải nghiệm ở Anh đã giúp em rất nhiều”. Bạn hỏi tôi.

Câu hỏi của bạn đồng hành bất giác khiến tôi nhớ lại những tháng ngày mới đến Anh: đầy bỡ ngỡ, lo lắng, hồi hộp nhưng cũng đầy phấn khởi, và lạc quan. Tôi không còn cảm giác bỡ ngỡ ấy khi chuyển đến sống ở Arizona, có lẽ những tháng ngày sống ở xứ sở sương mù đã rèn luyện cho tôi tinh thần mạnh mẽ, tích cực, khiến tôi nhanh hoà hợp được với môi trường mới.

“Em thấy nước Anh và nước Mỹ có nhiều điểm giống nhau không?”. Câu hỏi này của bạn đồng hành khiến tôi không thốt lên lời. Một câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng lại không hề đơn giản chút nào. Hai quốc gia này có giống nhau không ư? Không, cảm nhận của tôi về hai quốc gia này khác nhau nhiều lắm. Chẳng phải đến tận hai tháng sau mà ngay lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, các giác quan của tôi đã thì thầm với tôi rằng “đất nước này khác xứ sở sương mù mà mày quen thuộc lắm. Nhưng rồi mày sẽ quen dần thôi, và rồi biết đâu mày cũng yêu nó như mày đã từng yêu xứ sương mù kia.” Thấy tôi im lặng một lúc lâu, bạn đồng hành chạm nhẹ vào khuỷu tay tôi như nhắc khéo tôi rằng, bạn đang đợi một câu trả lời.

“Giống lắm, bởi cả hai đều là nước tư bản”. Tôi trả lời một cách hài hước.  Đùa vui vậy thôi, chứ thật lòng, câu hỏi đã khiến tôi suy nghĩ. Tôi cảm nhận rõ sự khác biệt mà không sao nói ra được một cách rõ ràng, rành mạch. Suốt quãng đường từ trường về nhà ngày hôm qua, tôi đã bị câu hỏi này “dày vò” không ngừng. Và tôi quyết định viết một bài blog về chủ đề này. Tôi tin rằng, khi viết ra, tôi sẽ cảm nhận được sự khác biệt một cách sắc nét hơn.

Tôi đã yêu thiên nhiên một cách khác nhau khi ở Anh và ở Mỹ

 Có những hôm trên xe bus về nhà, tôi rất nhớ nước Anh. Tôi nhớ lắm những khung cảnh thanh bình, xanh biếc mà đồng quê Anh ban tặng. Hồi còn ở Anh, tôi thích nhất cảm giác ngồi cạnh cửa sổ trên một chuyến tàu, đeo tai nghe và để mặc tâm hồn mình mê mải ngắm những đồng cỏ xanh mơn mởn nơi bao đàn cừu trắng đen lẫn lộn đang nhẩn nha gặm cỏ. Tôi cũng không sao quên được những cánh đồng hoa vàng, hoa đỏ- đẹp như một bức tranh đủ màu- lướt nhanh ngoài cửa sổ khoang tàu. Cảm giác vô cùng thanh bình và nhẹ nhàng. Những lúc một mình trên tàu như thế, tôi thường hay tự nhủ với mình “hạnh phúc chỉ đơn giản thế này thôi, sao phải tìm đâu xa nhỉ”.  Tàu cứ đi mãi như thế mà tôi vẫn không thấy chán. Đôi khi cả khoang tàu chỉ có mình tôi, nhưng tôi chẳng hề cảm thấy cô đơn, mà ngược lại tôi yêu sự tĩnh lặng và riêng tư ấy vô cùng.

Nước Mỹ chẳng có những đồng cỏ và những con tàu như thế. Mà cũng có thể có đấy nhưng không phải là nét đặc trưng nên tôi không hề hay biết. Thế nhưng, tâm hồn tôi lại được biết đến một thứ thiên nhiên khác, dữ dội hơn, mạnh mẽ hơn và hùng vĩ hơn. Phải thừa nhận rằng, cảm tình mà tôi dành cho nước Mỹ sẽ giảm đi nhiều phần nếu đất nước này không có các vườn quốc gia thiên nhiên tuyệt vời. Chính phủ Mỹ thành lập vườn quốc gia nhằm bảo tồn hệ sinh thái phong phú, bảo tồn nhiều loại động- thực vật có nguy cơ tuyệt chủng và bảo vệ những vùng đất có địa mạo độc đáo. Hè năm ngoái, tôi có cơ hội đến thăm Yellowstone- vườn quốc gia đầu tiên ở Mỹ- được thành lập năm 1872. Tâm hồn  yêu thiên nhiên của tôi đã hoàn toàn bị chinh phục. Mạch nước phun Old Faithful. Suối nước nóng. Rặng núi hùng vĩ Yellowstome.  Đàn trâu rừng Bison. Vẻ đẹp của chúng khiến tôi nghẹt thở. Lẻ loi trước núi non hùng vĩ, tôi đã nhận ra rằng, thiên nhiên có quá nhiều điều thú vị,  trái đất có quá nhiều điều kỳ thú mà tôi không biết đến, và con người thật quá nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn bao la. Chỉ khi lặng nghe tiếng gió thổi rì rào trên những ngọn cây cao, tiếng những loài chim ca hát gọi nhau, tiếng nhiều loại thú rừng đang lẩn khuẩn đâu đó, ngắm nhìn những mạch nước, những hòn đá khổng lồ đa màu sắc mà Yellowstone ban tặng, tôi mới thấu hiểu tâm sự của nhà văn Natsume Soseki trong tiểu thuyết “Gối đầu lên cỏ”: Không gì đem lại cho bạn niềm hạnh phúc sâu sắc, yên bình, và trọn vẹn hơn thiên nhiên. Khi được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của Yeallowstone, tâm hồn tôi rạo rực sung sướng như một người hành khất được tu một chai nước đầy sau một ngày lang thang nơi sa mạc. Thầy từng tâm sự với tôi rằng “Để hiểu được nước Mỹ, chắc chắn em phải đến thăm các vườn quốc gia. Đất nước của thầy có 58 vườn quốc gia, em hãy cố gắng dành thời gian đến thăm những vườn đặc sắc nhất nhé”. Và đây cũng là mục tiêu tôi đặt ra cho bản thân mình trong thời gian sống và học tập ở xứ sở cờ hoa này.

Thiên nhiên mỗi quốc gia thật khác nhau, nhưng thiên nhiên ở đâu cũng vậy, luôn dang tay chào đón tôi và trao cho tôi sự bình yên, lạc quan mỗi khi tôi gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống. Xin cảm ơn thiên nhiên!

Tinh thần cá nhân Mỹ phảng phất khắp mọi nơi.

 Ngay từ những ngày đầu sống ở Mỹ, tôi đã cảm nhận được cái gọi là “chủ nghĩa cá nhân” của quốc gia này. Chỉ bước chân ra đường thôi, là bạn đã cảm nhận được rồi. Ví dụ, nước Mỹ, hay ít nhất là bang Arizona nơi tôi đang sống và học tập, không có hệ thống phương tiện công cộng phát triển như ở Anh, và một số nước châu Âu khác. Người dân phải tự chịu trách nhiệm về các loại phương tiện đi lại, đó không phải là trách nhiệm của chính phủ. Người ta tập trung vào mục tiêu của bản thân, và mỗi cá nhân luôn được khuyến khích theo đuổi cá tính, mục tiêu riêng. Hồi mới sang Mỹ, khi được nghe kể rằng, phụ nữ sau khi sinh không có chế độ nghỉ có lương lâu dài như ở nước mình và ở châu Âu tôi đã rất bất ngờ. Dần tôi nhận ra rằng, ở Mỹ họ coi sinh con là một lựa chọn của gia đình bạn, và bạn phải có trách nhiệm đối với lựa chọn của mình.  Không gian riêng tư là điều vô cùng quan trọng. Tất nhiên, không gian riêng đều là điều quan trọng đối với người Anh và người Mỹ, nhưng ở Mỹ dường như người ta “cá nhân” hơn. Thầy mà tôi làm trợ giảng có lần đã tâm sự với tôi rằng, nếu xếp hạng các nước về chủ nghĩa cá nhân, nước Mỹ luôn đứng thứ nhất. Kém Mỹ một chút có lẽ là Canada. Hồi bạn đồng hành đến ăn tết nhà tôi, tôi thấy thích lắm, nhưng ở lâu có lần tôi hỏi “nhớ nhất điều gì ở nước Mỹ”. “Anh nhớ nhất là có không gian riêng”.

Khi trò chuyện với thầy, và với sự tự quan sát của bản thân, tôi dần hiểu hơn thế nào là “chủ nghĩa cá nhân” ở Mỹ (mặc dù bây giờ vẫn còn nhiều điều chưa hiểu. Haha). Đó là người dân phải có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, với lựa chọn của mình. Ngay từ những ngày đầu lập nước, người ta đã tranh luận gay gắt vai trò của chính phủ và những quyền cơ bản của con người.  Ở Mỹ, vai trò của chính phủ đối với nền kinh tế, và cuộc sống của người dân là một vấn đề luôn nóng bỏng,  và đây cũng chính là sự khác biệt lớn nhất giữa hai đảng chính của Mỹ là đảng Dân chủ và Đảng Cộng Hoà. Đảng Dân chủ ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Họ cho rằng, sự can thiệp ấy làm tăng chất lượng cuộc sống. Nhưng Đảng Cộng hoà lại có niềm tin ngược lại: họ không tin rằng sự can thiệp của chính phủ có thể đem lại cuộc sống tốt hơn cho họ. Tôi vẫn nhớ, trong một bài giảng về nước Mỹ, thầy có nói rằng, nếu bạn hỏi người Mỹ, phải đến hơn 50% cho rằng họ tin vào vai trò của khu vực tư nhân, và muốn kinh doanh riêng. Con số này thấp hơn ở châu Âu, và ở Anh. Nước Mỹ phổ cập giáo dục đến hết cấp 3 nhưng không có phổ cập y tế. Người dân không được tiếp cận chăm sóc y tế miễn phí như ở Anh. Obamacare là bước đầu tiên (dù còn rất xa) để giúp người dân có quyền tiếp cận với chăm sóc y tế.  Bên ủng hộ cho rằng, tiếp cận với y tế là quyền của mỗi người dân. Bên phản đối lại cho rằng, đó là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi người có trách nhiệm với sức khoẻ của chính mình.

Nước Anh khác hẳn. Hồi mới sang Anh và được nghe kể về National Health Service (hệ thống dịch vụ y tế toàn quốc) tôi ngạc nhiên lắm. Người dân được chữa bệnh miễn phí. Bạn tôi-  một sinh viên quốc tế- cũng được hưởng dịch vụ y tế miễn phí sau khi bị tai nạn. Đối với nước Anh, y tế là quyền cơ bản của người dân. Tuy nhiên, y tế miễn phí toàn quốc thế này cũng có nhiều vấn đề. Bác Mary bạn tôi kể rằng, nhiều người Anh không có trách nhiệm về sức khoẻ của bản thân. Hơn 60% người dân Anh béo phì, họ mắc rất nhiều bệnh, nhưng lại được chữa trị miễn phí từ tiền thuế của nhiều người khác. Điều này phần nào tạo nên gánh nặng cho nền y tế.

Trước đây, trước một sự việc, hiện tượng nào đấy, tôi thường hay chê bai, phàn nàn một cách thiếu cơ sở. Tôi dần nhận ra rằng, hiểu được tại sao nó lại xảy ra như thế là bước đầu tiên để tôi có thể đưa ra kết luận. Nhiều khi tôi tự hỏi, vì sao vai trò của chính phủ và quyền của người dân đối với y tế, giáo dục lại khác nhau  giữa Mỹ và Anh. (Mỹ và Anh vẫn còn nhiều điều tương đồng, người dân ở cả hai nước đều có quyền tiếp cận giáo dục đến hết cấp 3. Nhưng nếu so sánh Mỹ với các nước bắc Âu sẽ thấy sự tương phản. Người dân ở Bắc Âu, có quyền tiếp cận y tế, và tiếp cận giáo dục miễn phí hết ĐH).  Có lẽ lý do dẫn đến sự khác nhau thì rất nhiều, và tôi cũng không làm nghiên cứu về đề tài này nên không thể hiểu hết được. Tuy nhiên tôi tin rằng lịch sử đóng một vai trò quan trọng. Cuốn sách “Call the Midwife” của Jennifer Worth đã có tác động rất lớn đến suy nghĩ của tôi về nước Anh. Cuốn sách đã cho tôi thấy một thế giới khác của London sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy là thủ đô của một quốc gia thắng cuộc, nhưng nó vẫn khoác lên mình đầy đủ những đặc điểm của một nạn nhân chiến tranh : hoang tàn, nghèo đói, bệnh tật. Chính phủ nhìn thấy như thế đã quyết định cung cấp dịch vụ y tế miến phí cho người dân. Nước Mỹ lại không như vậy. Khi người châu Âu đến châu Mỹ sống, họ tách dần ra sống ở các bang khác nhau, có khi rất xa chính phủ vì vậy họ phải hoàn toàn tự lo cho cuộc sống của mình. Ngoài ra, nước Mỹ không bị ảnh hưởng mạnh bởi Cách mạng Pháp, và là nước ít bị ảnh hưởng nhất bởi Marx, trong khi đó Anh, Đức, Thuỵ Điển, Pháp, Ý, vv. đều ít nhiều chịu chi phối bởi tư tưởng của Marx.

(Còn nữa)

Đó là một số suy nghĩ của tôi về hai nước mà tôi đã có cơ hội sống và học tập. Cảm ơn các bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này. Chúc các bạn một thứ hai vui vẻ!

 

 

 

 

 

 

 

10 thoughts on “Nước Anh và nước Mỹ- khác nhau thế nào? (Phần 1)

  1. Hay lắm cháu. Cám ơn cháu đã viết. Sau bài này cô sẽ xem phim Call the midwives. Thấy Netflix có chiếu phim này nhưng cô không muốn xem vì nghĩ khác về nó.

  2. em tìm kiếm sự khác biệt giữa Anh và Mỹ, thì lại tìm đến trang này của chị. Khúc đầu hơi cảm xúc :3 nên em tính thoát ra, may quá phần sau của blog có nói về sự khác biệt khách quan đến từ kinh nghiệm của chị và nguồn tài liệu chị đọc được, thanks chị Mai nhiều ạ. Em đã SHARE bài này cho chị rồi nhé :3

Leave a Reply