Kể chuyện đi học, chuyện làm trợ giảng, chuyện đi chợ và chuyện đồ ăn

DSCN3185

KỂ CHUYỆN ĐI HỌC!

Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao tôi lại đi theo con đường PhD nhiều gian truân vất vả này. Nếu tôi chọn con đường khác, có lẽ thay vì phải đọc hàng trăm trang báo và viết mấy bài luận mỗi tuần, giờ này có phải tôi đang nhàn nhã đọc tiểu thuyết, xem TV hay ôm mèo không. Nhưng tôi lại chẳng đánh đổi điều đó. Tôi dần nhận ra rằng trong sâu thẳm, tôi thực sự thích học. Mỗi ngày qua đi được học một điều mới mẻ khiến tâm hồn tôi sung sướng như những bông hoa lâu ngày không được tắm nước mưa ý. Cảm giác thốt lên “à thì ra là thế” nó thú vị lắm. Hôm qua chúng tôi thảo luận về Hitler và so sánh Hitler với những nhân vật chính trị mới nổi như Donald Trump, Marie Le Pan, Farage. Trước đây tôi cứ nghĩ mình cũng biết ít nhiều về Hitler cơ, nhưng thật ra mình chả biết gì cả. Haha. Điều thú vị hơn cả là học từ các bạn. Mỗi người một phông nền văn hoá, trải nghiệm cá nhân khác nhau nên cách nhìn nhận, và phân tích vấn đề cũng khác nhau. Mà đâu chỉ học ở sách vở. Tôi cũng học được bao nhiêu điều mới từ những cuộc trò chuyện với học sinh, với giáo sư. Đó là những bài học về cách giao tiếp, và đối nhân xử thế. Tôi có một sinh viên bị điểm 0 trong bài kiểm tra. Khi chấm bài tôi có thể nhận ra em học và đọc rất chăm chỉ, chỉ có điều em chưa chọn đúng thông tin để trả lời câu hỏi. Tôi bảo em đến gặp tôi để thảo luận về bài. Trước khi gặp em, tôi có nói chuyện với thầy, thầy bảo rằng “em hãy cố gắng động viên em ấy, để em ấy không bị tổn thương mà luôn phấn đấu”. Nói thì dễ nhưng làm không hề dễ. Tôi phải chuẩn bị kỹ để không nói “lỡ lời” trong cuộc gặp. Phê bình, chỉ trích bao giờ cũng dễ hơn là nói những lời động viên, tránh gây tổn thương.

Càng học tôi càng thấy mình dốt. Đây không phải là những lời nói khiêm tốn của tôi đâu. Thật lòng, tôi thấy mình còn quá nhiều thứ không biết và phải học hỏi. Những gì tôi biết chỉ là một hạt cát, mà những gì tôi không biết nó lại to bằng cả đại dương. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng, học là để thấy mình tiến bộ mỗi ngày, để thấy mình của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Học không phải vì điểm số, không phải vì “oai” với bạn bè, cũng không phải vì tấm bằng, không phải vì thầy cô, vì bố mẹ. HỌC LÀ CHO CHÍNH BẢN THÂN MÌNH! Học để nuôi dưỡng tâm hồn mình thế thôi! Học chả có ý nghĩa gì nếu ta biết bao điều về chính trị, lịch sử nhưng ta không rút ra được bài học gì cho bản thân, và tâm hồn ta vẫn khô khan, thờ ơ với cuộc sống xung quanh!

KỂ CHUYỆN LÀM TRỢ GIẢNG! 

Hôm qua là buổi thứ hai tôi tham gia khoá học “The Politics of Happiness” với vai trò là một trợ giảng. Thú thực, tôi cũng không biết dịch tên của khoá học sang tiếng Việt thế nào cho xuôi tai. Về cơ bản, khoá học dạy sinh viên những giá trị văn hoá, đạo đức, chính trị, lịch sử của mười hai quốc gia trên thế giới. Điều đặc biệt là hệ giá trị của các quốc gia này rất khác nhau, và đôi khi trái ngược hẳn nhau. Chẳng hạn, sinh viên sẽ có cơ hội tìm hiểu về chủ nghĩa cá nhân (Individualism) ở Mỹ và nhà nước phúc lợi xã hội (Social Welfare State) ở Thuỵ Điện. Một lần giáo sư thiết kế khoá học đã tâm sự với tôi rằng, ở Mỹ có nhiều người chỉ suy nghĩ một chiều, họ chưa học được cách tôn trọng những giá trị đem lại hạnh phúc cho người dân ở các quốc gia khác, nhiều người chỉ biết phê phán, mà không bao giờ đặt câu hỏi tại sao. Vì thế, mục đích cao nhất của khoá học là giúp sinh viên nhận thức, tôn trọng sự khác biệt, từ đó phát triển sự thấu cảm (empathy) cho sinh viên. Thầy chỉ mong sau khoá học sinh viên sẽ học được cách giữ tâm trí cởi mở và luôn đặt mình vào hoàn cảnh/vị trí của người khác, đặc biệt những người đến từ các quốc gia có giá trị khác với mình.

Khoá học thu hút gần ba trăm sinh viên đại học từ nhiều chuyên ngành khác nhau như văn học, vật lý, toán học, lịch sử, cơ khí, vân vân.

Là một trợ giảng, công việc của tôi không có gì quá phức tạp. Tôi chỉ cần tham gia lớp học, giúp thầy phân phát tài liệu học, đảm bảo sinh viên không có những hành động gây ảnh hưởng xấu đến cả lớp, chấm bài thi, và mở văn phòng để sinh viên đến hỏi nếu chúng có bất cứ câu hỏi gì về khoá học.

Điều tôi thích nhất là lên lớp nghe giảng bởi cách dạy của thầy rất hấp dẫn, sinh động và dễ hiểu. Hôm nào sinh viên cũng được nghe nhạc (mỗi hôm thầy sẽ bật nhạc của một quốc gia khác nhau), sinh viên luôn được tham gia các câu đố vui, và những buổi thảo luận thú vị. Nhiều khi tôi quên mất vai trò của mình là một trợ giảng. Tôi cứ nghĩ mình là một trong đám sinh viên ấy bởi chính tôi cũng học được rất nhiều từ khoá học.

Trước khi bắt đầu bài học của tuần này, thầy đưa ra một câu đố: Theo thời báo The Economist năm 2013, nước nào là nước đáng để chào đời và sinh sống nhất trên thế giới? Sinh viên sôi nổi phát biểu, em thì cho rằng đó là Na Uy, em thì tin chắc không nước nào đáng sống hơn Thụy Điển. Thật bất ngờ, phần lớn sinh viên đều cho rằng đó là Thụy Sĩ. Và câu trả lời đúng là Thụy Sĩ! Khi thầy hỏi theo sinh viên, nước Mỹ đứng vị trí thứ mấy, rất hài hước là có một sinh viên đã đưa ra con số ..172. Thầy cười lớn và nói “chúng ta không tệ thế đâu em”. Câu trả lời là Mỹ đứng thứ 16 cùng với Đức. Rồi thầy cho sinh viên xem hình ảnh Obama đang tham gia một nghi thức đặc biệt của Ấn Độ, trong chuyến thăm của ông đến quốc gia này vào năm 2015. Thầy chia sẻ với sinh viên “Ấn Độ là một quốc gia rất tuyệt vời, có một nền văn hoá, lịch sử và tôn giáo rất đặc biệt. Obama là tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa kỳ đến thăm Ấn Độ. Tôi thật sự không hiểu vì sao người Mỹ chưa quan tâm nhiều đến quốc gia tuyệt vời này”. Tôi nhớ thầy có hỏi sinh viên một câu đố về Trung Quốc “Theo các em, ở Trung Quốc, số người theo đạo Thiên Chúa nhiều hơn, hay số đảng viên Đảng cộng sản (ĐCS) nhiều hơn”. Sinh viên thay nhau đưa ra các giả thuyết. Có em cho rằng ở Trung Quốc, số người theo Đạo Thiên Chúa nhiều hơn vì Trung Quốc có một lịch sử rất lâu đời, còn ĐCS cũng chỉ mới nắm quyền thôi. Một em khác khẳng định đảng viên ĐCS có số lượng nhiều hơn vì ĐCS Trung Quốc không cho phép tự do tôn giáo nên Đạo Thiên Chúa luôn bị đàn áp. Câu đố của thầy về nước Đức khiến tôi rất xúc động: “Biểu tượng mà bạn luôn thấy trong các nghĩa trang nơi chôn cất những người lính Đức đã chết trong chiến tranh thế giới thứ 2 là gì?”. Đó là Iron cross (huân chương chữ thập sắt). Thầy nói về người Đức “Tôi luôn ấn tượng về cách nước Đức, và người Đức nhìn nhận và học hỏi từ quá khứ, tôi thật sự khâm phục”. Thầy kết thúc bằng câu hỏi “Trên thế giới chỉ có đúng một quốc gia có các quy định về bảo vệ môi trường trong hiến pháp, đó là nước nào?”. Không ai trả lời đúng! Thầy nói “Đó là Bhutan, một quốc gia nằm bên triền đông của dãy Himalaya, kẹp giữa bởi Ấn Độ và Trung Quốc. Chúng ta sẽ học về quốc gia này trong khoá học”.

Mỗi lần thấy sinh viên dè dặt phát biểu, thầy lại động viên “Tôi đã sáu ba tuổi, tôi có nhiều kinh nghiệm sống hơn các em, nhưng không có nghĩa là tôi giỏi hơn các em. Các em còn trẻ, có thể chỉ mời mười chín hay hai mươi, nhưng hãy mạnh dạn nói lên suy nghĩ và quan điểm của mình. Kinh nghiệm sống, ý kiến của các em rất đáng trân trọng”.

Khoá học để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi đã học được rằng, một giáo sư giỏi là một người luôn tôn trọng sinh viên, và luôn khuyến khích sinh viên nói lên suy nghĩ của bản thân…

KỂ CHUYỆN ĐI CHỢ Ở XỨ TƯ BẢN! 

Tôi may mắn tìm được căn hộ khá rộng rãi (đủ cho một người và một mèo béo^^) ở một vị trí khá thuận lợi: gần 3 siêu thị, gần một cửa hàng bán thức ăn cho chó mèo, gần bến xe bus và gần một quán ăn Việt Nam. Một, hai tuần đầu ở Mỹ, vì chưa có nhiều việc để làm, tôi dành phần lớn thời gian vào việc nấu ăn, ăn và đi siêu thị 😀. Tôi sớm nhận ra một sự khác biệt lớn giữa siêu thị ở Mỹ và ở Anh: SIÊU THỊ Ở MỸ DÙNG RẤT NHIỀU TÚI NILON!!

Mỗi lần đi siêu thị về là tôi thấy nhà mình ngổn ngang túI nilon: đủ màu sắc, kích thước và độ dày. Thông thường, tất cả các loại thịt, rau đã được để sẵn trong túi hoặc hộp rồi. Nếu bạn mua trái cây, rau (đặc biệt là các loại rau thơm), củ, không được bọc sẵn, bạn sẽ phải tự cho vào các túi nilon nhỏ được đặt gần đó. Tại quầy thanh toán, một người sẽ soi mã vạch của sản phẩm để tính tiền, và một người khác sẽ cất đồ của bạn vào túi- lại là túi nilon. Vì họ quan tâm đến khách hàng, nên dường như cứ mỗi hai sản phẩm bạn mua, họ sẽ cho vào một túi nilon to. Có lần tôi mua 10 món đồ. Nhẩm tính có thể thấy, tôi mang về nhà khoảng 15 túi nilon tất cả!!!. Quá nhiều! Tôi quyết định mua túi sử dụng nhiều lần và mang theo mỗi lần đi siêu thị.

Là một người hay xem các chương trình về trái đất và động vật, tôi rất sợ tác hại mà túi nilon gây ra cho môi trường. Tôi vẫn nhớ hình ảnh xác những chú cá voi, rùa và nhiều sinh vật biển khác dạt vào bờ, và chúng chết vì nuốt phải túi nilon. Tôi không nhớ chính xác tên của chương trình đó là gì, nhưng sau khi xem, tôi tự hứa với mình sẽ cố gắng giảm đến mức tối đa việc sử dụng túi nilon.

Hồi còn sống ở Anh, tôi rất phục đất nước này vì họ quản lý việc sử dụng túi ni lông rất hiệu quả. Dù bạn đi siêu thị cỡ nhỏ, hay siêu thị hạng sang, bạn phải mang theo túi đựng của mình. Nếu bạn quên, thì bạn có hai lựa chọn: 1) mua loại túi có thể sử dụng nhiều lần; 2) trả thêm tiền nếu muốn dùng túi nilon. Ngoài ra, nếu bạn phải dùng túi nilon của siêu thị, họ sẽ cho tất cả sản phẩm của bạn vào 1 hoặc 2 túi. (Ở Mỹ, có thể vì họ muốn bạn xách thoải mái hơn, nên phải cho đồ của bạn vào rất nhiều túi. Haha)

Thật ra, nhiều thành phố ở Mỹ cũng đã có chính sách hạn chế sử dụng túi nilon ở các siêu thị. Tuy nhiên đa phần các thành phố này đều là thành phố “liberal” (cởi mở chứ không bảo thủ -conservative). Thành phố Minneapolis có tính thêm phí cho mỗi túi nilon bạn mua ở siêu thị. Chicago, San Francisco và Seatle cấm hoàn toàn việc dùng túi nilon ở siêu thị. Hôm qua thầy có nói với tôi rằng, tuy Arizona là bang bảo thủ, nhưng Tucson- thành phố tôi đang sinh sống- là thành phố “liberal” nhất. Hi vọng, một ngày không xa, thành phố sẽ có những biện pháp giảm sử dụng túi nilon!

KỂ CHUYỆN ĐỒ ĂN VIỆT NAM! 

Ngày xưa ở Brighton, cái gì tôi cũng ưng, chỉ có đúng một điều tôi không ưng cái bụng: Brighton có quá ít quán ăn Việt Nam. Cả Brighton, chỉ có đúng một quán phở trên đường Black Lion (nếu tôi không nhớ sai tên đường).

Trái ngược hẳn với Brighton, Tucson là thiên đường đồ ăn Việt. Thật ra, điều này không có gì bất thường cả, nước Mỹ chắc chắn có nhiều cộng đồng người Việt hơn nước Anh rồi. Một tháng qua, cái bụng tôi đã kinh qua mấy quán: một quán đối diện nhà, một quán trong khuôn viên trường, và một quán nằm giữa trường và nhà. Hồi mới sang Mỹ, thầy hẹn tôi đến quán phở trong khuôn viên trường có tên là “Miss Saigon” để trò chuyện. Tôi gọi một bát phở bò tái. Bát to,nhiều thịt và phở. Ấy thế nhưng, tôi chỉ ăn được có nửa bát. Món ăn bị “Mỹ hoá” quá nhiều, nên mất hết cả vị thơm ngon của phở Việt. Trông thầy ăn ngon lành, húp đến nhưng giọt nước dùng cuối cùng, mà tôi phát ngại. Ăn xong thầy nhìn tôi một cách lạ lùng, thấy vậy, tôi cố giải thích một cách hài hước “Phở bị Mỹ hoá quá, em chưa quen, vài bữa nữa em có khi lại ăn được vài bát ý chứ”. Một lần, tôi vừa chạy bộ về thì bị cơn thèm đồ Việt dày vò. Tôi đành tự thưởng cho mình một bữa tối thịnh soạn tại quán Việt Nam đối diện bên đường. Quán này nấu đúng chuẩn Việt. Ngon ơi là ngon! Một mình tôi chén hết một bát phở và hai cái nem to!!! Có lẽ đây là quán Việt ở nước ngoài ngon nhất mà tôi từng ăn.

Trong chương trình Orientation dành cho sinh viên quốc tế sáng nay, chúng tôi được đãi bữa sáng pancake miễn phí (thật ra cũng không hẳn là miễn phí, vì mỗi sinh viên phải đóng 75 USD phí tham gia- bắt buộc). Vừa ăn, chúng tôi vừa chơi một trò chơi có tên “đây là pancake nước nào”. Có một câu hỏi về bánh xèo Việt Nam (như trong ảnh), mà chỉ đội tôi trả lời đúng. Bạn biết lý do rồi đấy! 😀

Năm nay khoa tôi nhận chín sinh viên PhD, trong đó có năm sinh viên quốc tế, và bốn sinh viên Mỹ. Buổi chiều, thay vì tham gia chương trình như lịch, mấy đứa quốc tế chúng tôi (Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc) đi hàn huyên tâm sự ở Starbuck trong thư viện. Vì rất nể phục chính sách xây dựng soft power (quyền lực mềm của Hàn Quốc) thông qua K-pop, tôi đã hỏi bạn Hàn Quốc rất nhiều với mong muốn được nghe trải nghiệm của chính người trong cuộc. Câu chuyện đang hào hứng sôi nổi, thì bạn quay sang nói với bạn Trung Quốc “Hàn Quốc chỉ có quyền lực mềm, còn Trung Quốc có …quyền lực cứng (hard power) cơ mà, quyền lực cứng còn quan trọng hơn ấy”. Rồi hai đứa nó (vì lịch sự, tôi nghĩ thế) mà cứ tung hứng nhau, người này khen người kia. Tôi mới trêu “dù sao, có được một loại quyền lực là tốt rồi, Việt Nam chả có cứng hay mềm gì đây”. Thấy thế các bạn quay sang nhìn tôi cười và nói “Không, Việt Nam có…food power mà (không biết dịch là gì đây)”. Nên vui hay buồn nhỉ 😀

3 thoughts on “Kể chuyện đi học, chuyện làm trợ giảng, chuyện đi chợ và chuyện đồ ăn

Leave a Reply