Đặc quyền của một người bình thường!

DSCN3242

Dường như mối quan hệ giữa tôi và nước Mỹ đã bước qua giai đoạn trăng mặt rồi. Một kỳ trăng mật thật ngắn ngủi phải không? Vỏn vẹn chưa đầy hai tháng mà. Sự hứng khởi, nhiệt thành ngày nào đã nhường chỗ cho những suy nghĩ như “Tôi là ai trên đất nước này”, “Tại sao tôi lại chọn nơi này mà không phải là một nơi khác”. Tôi là ai ư?. Tôi dần định hình được rằng, tôi là một người nhập cư trên một đất nước đa dạng và rộng lớn. Tôi, một người nước ngoài, một cô gái Á Đông với một tâm trí cởi mở sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận những cái đẹp của một nền văn hoá vô cùng khác biệt. Từ một người tạm gọi là “middle class” ở Việt Nam, tôi sang đây làm nghiên cứu sinh với mức lương bình thường và cuồng quay với các dự án nghiên cứu và học thuật. Xin đừng hiểu lầm ý tôi, tôi thật sự thích môi trường làm việc và học tập của mình. Tôi luôn cảm thấy may mắn vì lựa chọn của mình: tôi được gặp các giáo sư và bạn bè tốt, tôi được học những thứ mà tôi thật sự yêu thích. Ấy thế nhưng, có những hôm một mình từ trường về nhà, những suy nghĩ như “Tôi là ai”, “Đâu mới là nhà của tôi” cứ bám riết lấy tôi. Đây là nhà, nhưng cũng không phải là nhà, đây là nơi xa lạ nhưng cũng phải là nơi xa lạ. Vậy thành phố này là gì đối với tôi? Và tôi là ai? Hay tôi chẳng là một ai cả.

Bạn bè tôi đều đến từ các nước phát triển. Mỹ. Hàn Quốc. Châu Âu. Nói chuyện với các bạn tôi thấy một niềm tự hào và yêu nước mạnh mẽ. Rồi tôi tự hỏi “Tôi có yêu và tự hào về Việt Nam không? Tôi có tự hào là một người Việt Nam không?”. Tự sâu thẳm tôi hiểu rằng, điều đáng sợ nhất là khi ta còn phải tự hỏi gốc rễ của ta là đâu? Thật may vì tôi vẫn tin rằng dòng máu, tính cách, con người tôi là một người Việt Nam. Thế nhưng có những lúc đối diện với lòng mình, tôi đã từng ước rằng, nếu được chọn lựa nơi sinh ra, tôi sẽ chọn một đất nước khác. Tôi sẽ chọn một đất nước mà chỉ riêng việc được sinh ra ở đấy thôi đã là một đặc quyền rồi. Tôi sẽ chọn một đất nước mà chỉ riêng việc nói thứ ngôn ngữ của đất nước ấy thôi đã là một đặc quyền rồi. Có thể bạn đang rất tức giận, và tự nói với mình “đúng là kiểu cuồng bọn phát triển”, nhưng nếu một lần rơi vào hoàn cảnh bị phân biệt kỳ thị, có lẽ bạn sẽ hiểu được cảm giác của tôi.

Đã có lúc tôi cảm thấy vô cùng bất lực khi ngay cả những người châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng có cái nhìn thiên kiến về mình chỉ vì mình đến từ một nước “không giàu”. Những lúc ấy tôi đều tự hỏi chính mình “bản thân mình có gì không đúng? Mình làm mọi thứ bằng sức lực của mình, mình đạt được những thành công dù nhỏ thôi nhưng từ nỗ lực của bản thân”, “vì sao mình lại bị đối xử không xứng đáng”. Tất nhiên phần lớn những người tôi gặp đều rất tốt và tôn trọng tôi, nhưng không hiểu sao có những lúc suy nghĩ ấy cứ lướt qua tôi. Một lần tôi và thằng bạn Hàn Quốc tâm sự, nó hỏi tôi rằng “Mai có thấy chỉ cần sinh ra ở đây thôi đã là một đặc quyền rồi không?”. Tôi chỉ biết gật đầu tắp lự. Đúng thế, đôi khi người ta không biết nơi họ sinh ra đã cho họ nhiều đặc quyền thế nào.

Nhưng tôi sớm nhận ra rằng, là một người Việt Nam, tôi cũng có những đặc quyền mà có lẽ bạn bè tôi đến từ các nước phát triển không có được.

Đó là sự đồng cảm với những nhóm người thiệt thòi trong xã hội

Có thể bạn đang tự hỏi, phải chăng tôi đang cố tỏ ra đạo đức, hay tôi đang cố thể hiện là “một người tử tế”. Đúng, sự tử tế là điều tôi muốn vươn tới trong cuộc đời này, nhưng tôi đang thật sự nói ra những suy nghĩ trong lòng mình. Ngày trước, tôi cũng không thể đồng cảm được với những ai yếu thế trong xã hội, tôi cũng không thể cảm thông cho những người có cách nhìn nhận sự việc khác với tôi. Nhưng khi bản thân mình trở thành “một người vô cùng ít quyền lực trong xã hội”, khi bản thân trở thành nạn nhân của những thành kiến định, định kiến, tôi mới hiểu được cảm giác của những người mà trước đây tôi đã không đồng cảm. Càng ngày tôi càng thấm thía được rằng, ta không bao giờ hiểu được suy nghĩ và cảm giác của người khác trừ khi ta rơi vào chính hoàn cảnh như họ. Chỉ đến khi ta bị đứt tay ta mới hiểu được khi bạn ta bị đứt tay họ đau như thế nào. Vì đã có những lúc tôi bị kỳ thị, nên tôi sẽ cố gắng không đánh giá, nghĩ xấu về bạn bè tôi đến từ những nước “ít phát triển”. Chắc chắn rằng nếu bản thân ta bị tổn thương trước những lời nói “móc mỉa” thì những người mà ta nói “móc mỉa” cũng sẽ tổn thương như ta thôi.

Đó là cố gắng sống sao cho cuộc đời là một câu chuyện thú vị

Phần lớn bạn cùng lớp tôi còn trẻ, chỉ tầm 24-25 tuổi. Các bạn đều có định hướng theo con đường học thuật từ sớm. Nhiều lúc tôi cũng ghen tị lắm chứ, nếu tôi nhận được sự hướng dẫn, chỉ bảo của ai đó, có lẽ tôi đã không mất nhiều năm tự loay hoay mày mò như thế. Nhưng có một điều tôi có thể ít nhiều tự hào: tôi đã cố gắng sống một cuộc sống thú vị nhất có thể trong khả năng của tôi. Cuộc đời tôi có thể rất bình thường so với những người mà tôi đã gặp, nhưng tôi tự hào với chính mình rằng tôi đã không bỏ qua những mơ ước của bản thân, dù dại khờ đến thế nào.

Tôi chợt hiểu sâu sắc rằng, tự mình lang thang mày mò cũng là một “đặc quyền”. Đó là đặc quyền có một tâm trí cở mở, sẵn sàng nhìn nhận sự việc từ các góc độ khác nhau. Tôi cảm thấy phấn chấn vì giờ đây trước bất cứ sự việc nào, tôi có thể cố gắng nhìn nhận, đánh giá nó từ góc độ của một người châu Á và một người phương Tây. Mặc dù, văn hoá, triết học phương tây đối với tôi vẫn như một thứ ngoại ngữ xa lạ , tôi đã có thể so sánh quan điểm của hai bên. Đó là lợi thế mà bạn không có được nếu bạn chỉ sống mãi ở một nền văn hoá, đặc biệt là khi bạn được sinh ra ở một đất nước mà bạn cho là “đẳng cấp” hơn. Thứ 6, tuần này tôi đọc một cuốn về Trung Quốc, cuốn sách của một giáo sư Mỹ, sống và làm việc ở Trung Quốc. Điều đặc biệt là cuốn sách viết về chính trị Trung Quốc từ quan điểm của văn hoá, lịch sử TQ. Không như các tác giả khác, ông không tập trung, phê phán và chỉ trích chính trị TQ dựa trên các giá trị của phương Tây như bầu cử tự do, một người một phiếu bầu, vân vân. Ông chia sẻ trong sách rằng, ông không thể viết được cuốn sách này nếu như ông không sống ở TQ, và rằng ông thấy buồn cười khi người ta vô tư dùng giá trị phương Tây để đánh giá chính trị, văn hoá Á Đông nhưng nếu ai đó dùng các giá trị Khổng Tử để đánh giá hệ thống chính trị phương Tây, kẻ đó lại bị coi là dị hợm. Tôi đọc cuốn sách này một cách say mê. Cuốn sách như tiếng dội của lòng tôi, cuốn sách như thì thầm nói với tôi “vì cuộc sống là một bàn tiệc đa dạng, hãy nhìn nhận mọi thứ từ mọi góc độ”. Tôi lại lan man rồi, nhưng ý chính tôi muốn nói là một người bình thường cũng có nhiều đặc quyền lắm, chỉ là ta có biết nắm bắt hay không thôi.

Chính những cảm xúc thế này đã là một điều thú vị

Mỗi lần trên xe bus từ trường về nhà, tôi thường cố gắng tách mình ra khỏi công việc và để mặc tâm trí mình miên man đến những khía cạnh khác của cuộc sống. Trước khi bắt đầu hành trình nghiên cứu, tôi đã tự nhủ với mình phải học cách cân bằng cuộc sống và công việc, bởi cuộc sống còn nhiều điều thú vị khác nữa. Và thế là, những giây phút trên xe bus là cơ hội quý báu để tôi tìm lại cân bằng trong cuộc sống của mình. Đây cũng là những khoảnh khắc mà những suy nghĩ về bản thân thường tìm đến tôi nhiều nhất. Có lúc tôi cảm thấy mệt mỏi vì chúng nhưng tôi dần nhận ra rằng, tôi cảm thấy biết ơn những suy nghĩ ấy. Chúng khiến tâm hồn tôi bớt nhàm chán và khô khan hơn rất nhiều. Tôi luôn tin rằng cuộc sống sẽ thật vô vị nếu ta sống mà không trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Vui. Buồn. Tuyệt vọng. Lạc quan. Hi vọng. Thất vọng. Những cảm xúc ấy khiến ta trưởng thành hơn và hiểu sâu sắc hơn bản thân mình. Mặc dù, tôi mong muốn trở thành một nhà nghiên cứu, một công việc đòi hỏi tư duy khách quan và ‘khô khan”, tôi cũng mong sẽ giữ được những cảm xúc như thế này. Có thể nào tôi cân bằng được không?

Cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng tâm sự cuối cùng tôi. Và hãy cùng tôi tin rằng, dù xuất phát điểm của ta từ đâu, ta cũng có rất nhiều đặc quyền, chỉ cần ta luôn biết cách tìm ra những đặc quyền của mình thôi.

Chúc bạn một sáng thứ hai vui vẻ!

 

 

5 thoughts on “Đặc quyền của một người bình thường!

  1. Chị ơi, cứ mỗi thứ Hai em lại thấy post mới và vội vào đọc ngay 🙂
    Ai cũng có những đặc quyền riêng trong cuộc sống, ít hay nhiều, mạnh hay yếu. Và đặc quyền lớn nhất là mỗi người đều tự quyết định sẽ dùng những đặc quyền còn lại để viết nên cuộc sống của mình theo cách mà mình muốn 🙂
    Chúc chị một tuần mới nhiều điều thú vị nhé

    1. Cảm ơn em đã theo dõi blog nhé! Đợt vừa rồi chị thi giữa kỳ nên bận quá, đến tuần này mới sắp xếp được thời gian viết một bài post mới. Viết xong thấy thảnh thơi quá em ạ. Chúc em một tuần mới vui nhé 😀

  2. Bài viết có lẽ nói lên cảm nhận nhiều người. Mình luôn chứng kiến các bạn ngoại quốc sang VN làm cho các công ty nước ngoài có văn phòng ở VN, rất rất nhiều bạn thua người Việt về trình độ và kinh nghiệm nhưng chỉ cần mang quốc tịch của nước phát triển là mức lương đã khá thoải mái để thuê những căn hộ hạng sang, sử dụng những dịch vụ luxury mỗi ngày mà các bạn VN ở cùng vị trí không thể có. Quả là một đăc ân từ nơi mình sinh ra !

    Nhân tiện, Mai có thể cho xin tên cuốn sách của tác giả Mỹ trong bài không ?

Leave a Reply