Tôi học được gì sau một kỳ học…đọc!

Tôi chuẩn bị kết thúc kỳ học đầu tiên của con đường nghiên cứu sinh. Tuần này là một tuần vô cùng bận rộn, bởi tôi đang phải hoàn thành ba bài nghiên cứu cuối kỳ. Bài nào cũng đòi hỏi 15- 20 trang. Ở mức độ tiến sỹ, yêu cầu của giáo sư đối với các bài viết cao hơn rất nhiều. Giáo sư dạy tôi môn chuyên ngành kỳ này, thậm chí còn đòi hỏi ở chúng tôi cao hơn nhiều giáo sư khác. Những bạn cùng lớp với tôi mà chọn ngành Quan hệ quốc tế hoặc Chính sách công, chỉ phải viết một bài nghiên cứu dưới dạng thiết kế nghiên cứu (Research design), tức là bài viết chỉ cần phân tích Cơ sở lý thuyết (Literature review), đề xuất phương pháp nghiên cứu, đưa ra giả thuyết (hypothesis), chứ không cần phải trình bày kết quả số liệu. Riêng chuyên ngành của tôi, thầy yêu cầu chúng tôi phải viết một bài nghiên cứu hoàn chỉnh có kết quả nghiên cứu hẳn hoi. Thầy cũng yêu cầu mỗi sinh viên phải trình bày bài nghiên cứu của mình trong vòng 15 phút trước lớp.

Mặc dù bận tối mắt tối mũi, nhưng tôi không hề cảm thấy mệt mỏi, hay chán nản. Mà ngược lại, tôi cảm thấy tôi đã học được rất nhiều điều thú vị từ quá trình viết bài nghiên cứu. Điều thú vị nhất là được đọc nhiều tài liệu về đề tài tôi quan tâm. Đề tài tôi chọn cho chuyên ngành của mình là hiệu quả của mạng xã hội trong việc nâng cao tiếng nói của người dân. Tôi chưa bao giờ đọc nhiều bài báo, sách vở về internet và mạng xã hội như 2-3 tuần vừa qua. Ngoài kiến thức chuyên ngành, tôi đã học được nhiều điều thú vị về việc đọc, và muốn chia sẻ với bạn hôm nay.

Đừng đọc những sách chỉ khẳng định quan điểm của bạn

Sách và bài báo chúng tôi đọc trên lớp luôn có những quan điểm khác nhau về cùng một sự việc, hiện tượng. Điều này khiến tôi phải suy nghĩ, và tìm câu trả lời: tại sao tác giả lại có những quan điểm khác nhau như vậy, quan điểm nào mình đồng ý, quan điểm nào mình thấy chưa hợp lý. Tôi dần hiểu rằng, để hiểu sâu về một sự việc, ta phải đọc các thông tin khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau về sự việc ấy. Nếu ta mãi đọc những gì đồng thuận với suy nghĩ của ta, thì ta chẳng bao giờ hiểu sâu được về bất cứ việc gì. Nếu để ý sẽ thấy ta rất dễ rơi vào cái bẫy thiên kiến “Hễ đồng với ta là phải, không đồng với ta là quấy”. Mang cái “tư tưởng” ấy mà đọc sách là ta đã vô tình giết chết con đường hiểu biết của ta rồi. Gần đây tôi đọc được một câu mà tôi rất thích:

If you resist reading what you disagree with, how will you ever acquire deeper insights into what you believe? The things most worth reading are precisely those that challenge your convictions

-Oliver Wendell Holmes.

(Nếu bạn từ chối đọc những gì sai quấy với tư tưởng của bạn, làm sao bạn có thể hiểu sâu sắc những gì bạn tin tưởng? Những thứ đáng đọc nhất chính là những thứ thách thức quan điểm của bạn)

Tôi tin rằng ta nên tránh hai thái độ sau khi đọc sách. Ta không nên “nhảy cẫng lên” vui sướng và không nghi ngờ gì những sách đồng thuận với ta. Ta cũng không nên phản đối, “chửi bới” tác giả nếu họ có quan điểm trái ngược hẳn với ta. Đem cả hai tâm thế ấy vào việc đọc không đem lại lợi ích gì cho ta cả. Tôi dần học được rằng tâm thế phù hợp khi đọc sách là luôn đặt câu hỏi: vì sao tác giả lại có quan điểm như thế, bằng chứng của tác giả là gì, từ góc nhìn của ta quan điểm của tác giả có phù hợp không? Mục đích đằng sau những luận điểm này là gì? Mục đích không phải lúc nào cũng là một từ tiêu cực. Mục đích của tác giả có thể là dán một mảnh ghép vào bức tranh lớn hơn. Và ta phải học cách nhìn ra bức tranh ấy.

Tôi đang viết về đề tài mạng xã hội và Internet. Vấn đề này có hai luồng quan điểm trái ngược nhau hoàn toàn. Một bên nói mạng xã hội giúp người dân tiếp cận nhiều thông tin hơn, từ đó đem lại tự do về kinh tế, chính trị và xã hội cho người dân, đặc biệt là ở các nước còn thiếu nhiều tự do. Bên kia phản bác và nói rằng, mạng xã hội đem lại tự do hời hợt, và rằng nếu người dân có thể tiếp cận thông tin, thì nhà nước cũng dựa vào Internet để quản lý thông tin. Tôi từng tin rằng Internet …thật sự tốt, nhưng càng ngày tôi càng hiểu rằng chẳng gì có thể hoàn toàn tốt và hoàn toàn xấu. Đọc hai luồng tư tưởng giúp tôi có cái nhìn tổng thể hơn rất nhiều. Và từ ấy tự hình thành quan điểm riêng của bản thân. Tôi tin rằng cởi mở với các thông tin nhiều chiều giúp ta bớt thiên kiến và cố hữu nhìn về một hướng. Cuộc sống đa sắc màu, và thật chẳng đáng để ta lúc nào cũng chỉ nhìn vào một màu. Như vậy thật nhàm chán phải không bạn?

Cảm giác đọc được một cuốn sách hay thích lắm

Không biết bạn thế nào, nhưng đối với tôi đọc được một cuốn sách hay …thích vô cùng. Cảm giác tựa như một kẻ lữ hành lạc đường trên sa mạc bỗng gặp một cơn mưa rào ấy. Hôm qua, tôi vừa mua một cuốn sách mới về đề tài mạng xã hội, cuốn sách hay vô cùng, luận điểm của tác giả như đưa tôi từ bóng tôi ra ánh sáng. Tôi vừa đọc vừa phải thốt lên “à, thì ra thế, hay quá”. Tôi lại còn tủm tỉm cười một mình nữa. Kiểu gì mấy đứa trong cùng văn phòng nghĩ tôi ….hâm. Thật ra, tôi cũng không phải là người duy nhất. Thằng bạn ngồi cạnh tôi, thỉnh thoảng cũng thốt lên”perfect” khi nó đọc được một ý hay trong sách. Đối với tôi, một cuốn sách hay là khi cuốn sách đó mở ra cho tôi một luồng tư tưởng và kiến thức mới, những điều tôi chưa hề biết đến. Cuốn sách hay cũng là cuốn sách mà tôi cũng có quan điểm như vậy nhưng không thể diễn ra được thành lời. Đọc được cuốn sách ấy khiến tôi như tìm thấy chính mình, và chợt nhận ra khuynh hướng thầm kín của bản thân.

Đọc để thấy ta…dốt

Đối với tôi, đọc sách đơn giản là một sở thích, và bây giờ là một việc ..phải làm hàng ngày. Tôi chưa bao giờ coi đọc sách là một điều gì đó để khoe khoang về bản thân, bởi thật ra càng đọc sẽ càng thấy ta…kém. Càng đọc sẽ càng thấy những gì ta biết thì ít, mà những gì ta không biết sao mà nhiều thế. Càng đọc sẽ càng thấy ta càng phải đọc. Càng đọc, tôi lại càng nhận ra sao nhiều người suy nghĩ được sâu sắc, thấu đáo, tinh tế đến thế. Có một thời nông nổi “trẻ trâu”, tôi từng nghĩ là tôi…cũng “giỏi” đấy, đấy chính là thời tôi đọc ít nhất và ít đi ra khỏi vùng an toàn của mình nhất. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy buồn cười trước những suy nghĩ trẻ con của mình hồi ấy. Nhưng cứ đọc sách, và bước ra khỏi ranh giới của bản thân là ta dễ nhận thấy thật ra ta biết rất ít, và ta còn phải phấn đấu rất nhiều trên con đường trí thức. Tôi thấy trân trọng những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy mình thật kém cỏi, bởi như thế có nghĩa là tôi còn muốn học.

Đọc về bề sâu

PhD yêu cầu tôi phát triển kỹ năng đọc cả…bề rộng lẫn bề sâu. Nghĩa là, chúng tôi phải đọc rất nhiều nhưng phải hiểu sâu dụng ý của tác giả, và phải học cách ghép các bài báo riêng lẻ vào bức tranh tổng quát về chủ đề mà bài báo hướng tới. Nếu không theo con đường học thuật, tôi sẽ lựa chọn đọc có chiều sâu. Ngày trước, tôi hay chạy đua theo số lượng sách đọc. Tôi tham gia Google Read và đặt kế hoạch đọc sách trong một năm. Có lần tôi quyết đọc 50 cuốn một năm. Tôi vẫn nhớ lần ấy, tôi đạt được kế hoạch nhưng thú thực, tôi thấy mình đọc chưa sâu. Thế nào là đọc có chiều sâu? Theo tôi, đọc có chiều sâu là khi ta nhìn sâu được ý của tác giả, hiểu sâu sắc vì sao tác giả có luận điểm ấy, và nó phù hợp với bức tranh tổng thế thế nào. Ta cũng phải hiểu quan điểm của tác giả đồng thuận hay sai quấy với những tác giả khác ở điểm nào, và sự sai khác ấy từ đâu mà có. Càng ngày tôi càng hiểu rằng, mọi sự trên đời đều liên quan mật thiết đến nhau. Nhiều sự việc nhìn riêng lẻ thì dường như chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng lại gần gũi nhau đến kỳ lạ. Một sự việc xảy ra là kết quả của một dọc nguyên nhân trước đó, và có lẽ mỗi nguyên nhân đó lại là kết quả của một loạt nguyên nhân khác nữa mà ta không hề biết đến. Nhiều lúc tôi mở to mắt ngạc nhiên trước những cuốn sách có thể kết nối các sự kiện dường như chẳng liên quan gì tới nhau. Sự thật là nếu ta nhìn một cách sâu sắc, ta sẽ thấy rằng cuộc sống và xã hội được gắn kêt bởi chằng chịt những sợi dây liên quan mật thiết đến nhau.

Tặng bạn câu nói mà tôi rất thích về việc đọc sách:

Tôi đọc lồi cả mắt và vẫn không đọc được đủ tới một nửa… người ta càng đọc nhiều, người ta càng thấy còn nhiều điều cần phải đọc.

– John Adams –

Cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui!

Thanh Mai

9 thoughts on “Tôi học được gì sau một kỳ học…đọc!

  1. Em rất thích câu quote cuối của John Adams chị viết. Có lẽ chỉ có những người đọc nhiều mới thấm thía ý nghĩa câu này. Chúc chị kết thúc kỳ đầu phd thật thành công nhé :))

  2. Nhiều lúc vì sách quá nổi tiếng, mà lúc đọc e đã tin tưởng hoàn toàn, không có một ý nghĩ phản kháng, chị nhắc mới nhớ. Cảm ơn chị đã chia sẻ.

  3. Bài viết của bạn hay, nhẹ nhàng và sâu sắc, có 2 lỗi chính tả nho nhỏ ở mục “Đọc để thấy ta … dốt” : suy nhĩ – suy nghĩ và ranh rới – ranh giới. Chúc bạn vui và hoàn thành khóa học thật tốt.

  4. Pingback: Thanh Mai's Blog
  5. Bạn Thanh Mai ơi, chỗ Google Read mình ngờ ngợ là Goodreads, không biết có phải trùng hợp không?

Leave a Reply