Cải thiện kỹ năng viết khi du học tại xứ tư bản!

eldoctorow1-2x

Viết có thể coi là kỹ năng quan trọng nhất của các du học sinh, đặc biệt là các bạn theo khối xã hội. Vậy làm sao để nâng cao kỹ năng viết? Làm sao để viết không còn là gánh nặng mà trở thành một phần thú vị trong cuộc sống của du học sinh? Làm sao để các bài luận viết ra không bị các thầy cô…chê quá nhiều? Tôi là một người thích viết, tôi có thể dành hàng giờ viết không biết chán. Nhưng tôi hiểu, kỹ năng viết của tôi tiến bộ hàng ngày là do tập luyện. Tôi tin rằng, viết hay bất cứ kỹ năng nào trong cuộc sống hoàn toàn có thể cải thiện nếu ta chăm chỉ dành thời gian cho chúng.

Trong bài blog hôm nay, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm để cải thiện kỹ năng viết luận. Hi vọng bài viết sẽ hữu ích đối với các bạn du học sinh, và các bạn thích viết!

BÀI VIẾT CẦN CÓ LÝ LẼ CHẶT CHẼ?

Để viết tốt khi đi du học, trước hết bạn cần hiểu nền tảng của học thuật phương tây. Theo tôi, nền tảng đó có hai đặc điểm. Thứ nhất, nền học thuật phương tây khuyến khích suy nghĩ đa chiều, sinh viên được dạy rằng không có gì trên đời chỉ trắng hoặc đen, chỉ tốt hoặc xấu. Thứ hai, nền học thuật luôn khuyến khích bạn tự đưa ra quan điểm cá nhận dựa trên bằng chứng khoa hoặc sẵn có. Ở lớp, chúng tôi thường được đọc các bài báo có quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề khác hẳn nhau. Tác giả các bài báo cũng chẳng ngần ngại “chỉ tận tay” cái còn thiếu của đối phương: phương pháp luận chưa hợp lý, nền tảng lý thuyết chưa chuẩn, vân vân. Trong buổi thảo luận, các giáo sư thường hỏi “em đồng ý với ý kiến nào, vì sao?”. Bạn hoàn toàn có thể “chọn phe” mình muốn theo, nhưng phải dựa trên lý lẽ hợp lý. Thường bạn nào mạnh dạn “chọn phe” như thế sẽ được giáo sư khen “tốt, tôi thích những em nào có lý lẽ riêng như thế”. Điều này không dễ với sinh viên châu Á nói riêng và Việt Nam nói chung. Thật ra điều này không có gì khó hiểu cả: văn hoá của chúng ta thiên về “cộng đồng”. Chúng ta luôn được dạy phải làm sao để luôn giữ hoà khí, không để bản thân trở nên quá nổi bật giữa đám đông. Còn phương Tây- đặc biệt ở Mỹ, khuyến khích những cá nhân nổi trội, những cá nhân có quan điểm ý kiến riêng. Tất nhiên ý tưởng đó phải được dựa trên bằng chứng và thông tin đã được kiểm chứng. Tiếng anh gọi là “informed opinion”. Chỉ ra sự khác nhau như vậy, tôi không có ý chỉ văn hoá nước nào hơn nước nào. Tôi nhấn mạnh vào sự khác biệt này để các bạn hiểu những yêu cầu, kỳ vọng của các giáo sư

Vậy, thế nào là lý lẽ chặt chẽ? Thầy tôi thường bảo “the strongest arguments are nuanced arguments”. Nuanced argument là lý lẽ không chỉ có một mặt trắng hay đen rõ ràng. Ngược lại, bài luận của bạn phải chỉ ra được sự phức tạp của vấn đế, bạn phải nhìn nhận vấn đề từ mọi khía cạnh, không chỉ chăm chăm chỉ ra vấn đề đó là thuần tốt, thuần xấu, thuần trắng hoặc đen.

Hãy xem ví dụ dưới đây:

Giả sử bạn phải viết một bài luận để trả lời câu hỏi sau: “Cha mẹ có nên cho trẻ em dùng Ipad khi chúng còn nhỏ không?”.

Nếu bạn là người phản đối, có thể bạn sẽ đưa ra lý lẽ sau: Nếu trẻ em dành quá nhiều thời gian chơi Ipad, chúng sẽ mất khả năng kết nối và giao tiếp với mọi người. Rồi bạn đưa ra nhiều bằng chứng số liệu từ các nghiên cứu trước đấy để bảo vệ quan điểm của mình. Bạn cũng có thể argue: trẻ em chơi nhiều Ipad sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt, không tốt cho tương lai lâu dài. Bạn cũng chẳng quên thêm bắng chứng số liệu hoành tráng để chứng minh quan điểm này không sai.

Viết xong bài, bạn thấy mình lập luận rất chặt chẽ, bằng chứng đầy đủ. Bạn nói với mình “có chỗ nào mà người ta chê được, chặt chẽ thế này cơ mà”.

NHƯNG. Nếu người đọc bài của bạn là một người đồng ý quan điểm nên cho trẻ con chơi Ipad, họ có thể nói “Ối giời, rõ là không có trẻ con trong nhà nên không biết. Cho trẻ con chơi Ipad, giúp trẻ con tập trung, cha mẹ sẽ có thời gian để làm việc khác, như nấu những bữa ăn ngon cho gia đình, hay tham gia một hoạt động tạo thu nhập nào đó”. Một ai khác lại có thể cãi “nhà tôi chẳng có tiền đưa bọn trẻ đi du lịch hay đi học sớm, nhờ có Ipad mà tôi có thể cho chúng đi du lịch …trên mạng, chúng có thể học các khoá học online dành cho trẻ con”. Vân vân và vân vân.

Ví dụ đơn giản trên chỉ ra rằng: không có gì trên đời chỉ trắng hoặc đen. Mọi sự vật hiện tượng đều có hai mặt của nó. Tôi và bạn chắc chắn muốn “chặn họng” những kẻ có quan điểm khác với bài luận của bạn. Nhưng làm sao để chặn họng chúng đây? (Có thể chúng rất đông và thông minh). Để “chúng” không chê được bài luận của bạn, bạn phải thừa nhận những quan điểm trái với lý lẽ của bạn trong bài luận. Bạn không thể giả vờ không biết hoặc cố tình lờ đi những ý kiến khác với mình. Tất nhiên, thừa nhận quan điểm khác với mình không có nghĩa là bạn đồng ý với những ý kiến đấy. Ngược lại, bạn đề cập đến ý kiến trái chiều để làm nổi bật quan điểm của bạn. Làm sao để làm được như vậy? Hãy chỉ ra những ý kiến khác và chỉ ra rằng CHÚNG KHÔNG THỂ SO SÁNH VỚI LÝ LẼ CỦA BẠN.

Tiếp tục ví dụ trên, ta có thể viết thêm như sau (sau khi trình bày rõ ràng lý lẽ của bạn):

Có nhiều người nói rằng, cho trẻ con chơi Ipad sẽ giúp cha mẹ có thời gian để tập trung vào việc khác như nấu một bữa ăn ngon cho gia đình hoặc tham gia vào một hoạt động tạo thu nhập. NHƯNG, liệu đó có phải là cách duy nhất để cha mẹ có thêm thời gian? Nếu có thêm thời gian kiếm thêm tiền, nhưng đứa trẻ không thể giao tiếp với bố mẹ hoặc mọi người xung quanh, thì thế nào? Có người lại nói, đối với các gia đình không có điều kiện cho con đi du lịch hoặc tham gia các khoá học trực tiếp tốn kém, Ipad là cấu nối con trẻ đến với tri thức thông qua các khoá học online hoặc các chương trình về danh lam thắng cảnh trên mạng. Nhưng tôi nghĩ rằng, thay vì cho con tiếp cận với các kiến thức này trên mạng, cha mẹ có thể tìm thời gian để đọc sách cho con, hoặc dạy con các kiến thức cơ bản theo sách. Điều này vừa kết nối cha mẹ với bọn trẻ, vừa giúp chúng tiếp thu kiến thức mới. Vân vân và vân vân.

Trên chỉ là ví dụ tôi chợt nghĩ ra trong chốc lát. Chốt lại, để có lý lẽ chặt chẽ ta phải hiểu rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều không chỉ có thuần trắng hoặc đen. Bài luận tốt là bài luận dũng cảm đề cập đến những quan điểm, cách lập luận khác với người viết và khéo léo chỉ ra rằng, các ý kiến trái chiều đó KÉM QUAN TRỌNG hơn ý của ta

Vậy làm sao để nâng cao kỹ năng này:

Tôi nhận thấy kỹ năng  nhìn nhận sự việc đa chiều thường tăng với độ tuổi. Khi còn trẻ, tôi rất bướng bỉnh: tôi đã nghĩ điều gì đúng là chỉ có đúng, sai chỉ có sai. Nếu tôi tìm được lời giải thích cho một sự kiện nào đó, tôi thường cho rằng đó là cách giải thích duy nhất, không có cách nào khác. Tôi không thoả hiệp. Điều này ảnh hưởng nhiều đến tư duy viết của tôi. Tôi vẫn nhớ, năm thứ ba đại học, tôi tham gia một khoá học viết. Bài viết được 6 điểm, và thầy phê “biết cách cấu trúc, trình bày bài nhưng lập luận còn đơn giản”. Rồi thầy cũng chỉ ra cho tôi những thiếu sót của mình. Từ khi đọc và lắng nghe nhiều hơn, giờ đây sự vật trong mắt tôi không còn “trắng” hoặc “đen” nữa. Rõ ràng, kỹ năng tư duy phản biện là hoàn toàn học được. Chỉ cần chịu khó, để ý một chút là ta sẽ thành công. Dưới đây là những phương pháp tôi đã áp dụng để tăng khả năng tư duy phản biện, từ đó nâng cao kỹ năng viết.

Thứ nhất, trước khi đặt bút viết một bài luận, hãy lên dàn ý những luận điểm của bạn, song song với những luận điểm PHẢN BÁC lại bạn. Bạn có thể chia giấy thành hai cột, một cột viết những lý lẽ của bạn cùng những bằng chứng, cột kia là những lý lẽ khác với của bạn (cũng đừng quên chứng cứ nhé). Ví dụ, hiện tôi đang viết một bài nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng xã hội đến sự phát triển của những cuộc biểu tình ở vùng nông thôn trên thế giới. Tôi cho rằng, mạng xã hội làm thay đổi cấu trúc, cách tổ chức của những cuộc biểu tình nhỏ, khiến chúng không thể lớn mạnh như ta từng thấy trước đây trong lịch sử. Nhưng tôi biết còn nhiều lý lẽ khác có thể giải thích cho hiện tượng vì sao ta không còn thấy những cuộc cách mạng nông thôn nữa. Lý do có thể là do dân số nông thôn đã giảm mạnh, cuộc sống của người dân nông thôn đã cải thiện khiến họ không đòi hỏi nhiều từ nhà nước nữa, vân vân và vân vân. Viết ra khiến tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về những ý kiến khác. Từ đó, tôi có thể nghĩ cách “tấn công” lại chúng.

Thứ hai, tôi tâm niệm rằng, để viết tốt ta phải đọc nhiều. Đọc càng nhiều, viết càng tốt. Nhưng ta cũng phải đọc có chiến lược và phải đọc một cách phản biện. Ta có thể học kỹ năng đọc phản biện mọi lúc mọi nơi, trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Bạn không cần phải ngồi mấy tiếng đọc một bài báo khoa học khô khan để nâng cao kỹ năng này. Chỉ cần để ý một chút là ta có thể làm được. Ví dụ, khi đọc một news trên báo, mạng xã hội, ta không nên tin ngay lập tức. Ta hãy bình tĩnh suy xét và đặt các câu hỏi “tin/bài viết này do ai viết?”, “Mục đích họ viết ra là gì?”, “có cách nhìn nào khác cho sự việc này nữa không?”, vân vân và vân vân. Điều quan trọng là ta không bao giờ nên đồng ý ngay lập tức nếu quan điểm của bài viết giống ta, và cũng không nên “sồn sồn” phản ứng vì bài viết nghĩ khác ta. Hồi mới sang Mỹ học, tôi hay bị “danh tiếng” làm lu mờ. Cứ thấy bài báo nào do các giáo sư từ Havard viết, là tôi đã nghĩ “chắc chả có gì đế phản biện nữa”. Nhưng rồi tôi dần nhận ra, mỗi cá nhân là một thực thể riêng rẽ với những suy nghĩ, trải nghiệm sống khác nhau nên sẽ có những ý kiến đánh giá khác nhau về cùng một sự vật, hiện tượng. Vì thế, dù giáo sư Havard có viết hay đến mấy, đó cũng là dựa trên quan điểm của ông ấy. Bạn có thể có góc nhìn riêng đáng trân trọng.  Ngoài ra như tôi đã từng chia sẻ trong một bài blog về đọc sách (bạn có thể xem tại đây), để nâng cao tri thức, ta phải đọc đa dạng các loại sách, cả những cuốn sách đồng với tâm ta, và “sai quấy” với ta.

Thứ ba, tôi luôn quan niệm, học là cuộc sống. Nghĩa là, bạn học để làm đẹp thêm tâm hồn bạn, cuộc sống của bạn, và bạn có thể học từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống, để nâng cao kỹ năng học thuật của mình. Ví dụ, bạn muốn đọc và viết một cách phản biện, tại sao không bắt đầu từ việc “sống có phản biện”. Đơn cử như nếu nghe ai đó nói xấu một ai đó, thay vì tin ngay lập tức, hãy suy xét thật kỹ trước những lời nói đó. Bởi không một ai hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Hay đơn giản là nhìn những gì đang diễn ra khi ta trên đường đến trường, đi du lịch, đi học và đặt những câu hỏi như “tại sao sự việc ấy lại xảy ra?”, “làm cách nào để giải quyết?”, etc.

Tôi luôn tin rằng, mọi thứ trong cuộc sống là một khối tổng thể. Bạn không học viết tách biệt với cuộc sống. Bạn hoàn toàn có thể học viết từ cuộc sống và học về cuộc sống từ viết.

VIẾT THẬT NHIỀU

Sau một thời gian viết lách (Cả trên blog và ở trường lớp), tôi nhận thấy rằng, viết thực chất là nghĩ. Nếu bạn nghĩ rành mạch, rõ ràng, bạn sẽ viết được rành mạch, rõ ràng. Nếu suy nghĩ của bạn còn chưa thông tỏ, thì bạn cũng sẽ viết rối rắm, vụng về. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn chỉ bắt đầu viết khi suy nghĩ của bạn đã hoàn toàn sáng tỏ. Nếu như vậy bạn sẽ không bao giờ viết xong một bài luận nào cả!! Ngay khi có ý tưởng, hãy bắt tay vào viết, và đừng ngại ngùng nếu sau khi viết những dòng đầu tiên, bạn tự nói với mình “sao mình lại viết tồi thế này, mình viết cái quái gì thế này, viết thế này thì dám đưa cho ai đọc đây”. Hãy cứ viết! và đấy là lý do vì sao chúng ta có từ “draft”- bản nháp. Hãy tin tôi đi, những cuốn sách hay bạn đọc, những tác phẩm văn chương bất hủ mà bạn hằng ngưỡng mộ cũng phải trải qua hàng chục bản nháp mới được…bóng mượt như thế. Bản nháp đầu tiên là nơi bạn ghi lại một cách vụng về những ý tưởng ban đầu. Rồi từ đó, bạn sửa chữa, phát triển ý tưởng của mình. Thường các bài luận tôi sẽ có khoảng 4-5 bản nháp. Bây giờ khi đọc lại bản nháp đầu tiên của mình, tôi thường tự nói “it is so bad”. Nhưng nếu không có cái bản “so bad” đấy thì làm sao có bản thứ 5 hay thứ 6. Hãy nhớ rằng, nếu bạn không bắt tay vào viết bản đầu tiên- dù dở đến đâu, bạn sẽ không có nền tảng nào để dựa vào đó mà phát triển tiếp cả! Vậy nên, dù bạn đang học viết IELTS, viết luận xin học bổng, viết bài essay ở trường, hãy bắt tay ngay, hãy viết lại các ý tưởng của mình một cách vụng về trên giấy. Mỗi người có một phong cách học viết khác nhau. Có người viết mỗi ngày một chút, có người dành khoảng hai ngày chỉ để viết, có người chỉ viết khi có hứng. Tôi thường cố gắng dành khoảng 1-2 tiếng mỗi ngày để viết. Tôi viết một bản nháp vụng về, rồi mỗi ngày tôi lại chỉnh sửa bản nháp ấy. Cứ kiên trì như thế, đến một thời điểm nào đó bạn sẽ phải ngạc nhiên mà thốt lên “trời, từ bản nháp đến bản mình nộp cứ như một trời một vực”.

VIẾT MẠCH LẠC RÕ RÀNG

Mấy hôm trước, tôi đến gặp thầy để bàn luận về bài nghiên cứu tôi và thầy đang cùng làm. Tôi hỏi thầy:

-Ngày xưa thầy học viết thế nào ạ? Khi thầy còn đang là nghiên cứu sinh ý.
-À thầy viết hàng ngày từ khi thầy còn nhỏ. Thầy hay viết truyện ngắn, rồi sau này thầy học báo chí nên viết là một phần không thể thiếu rồi. Cứ viết nhiều thì sẽ viết tốt thôi em ạ.
-(Tiện thì tôi ..khoe luôn) Em có trang blog tiếng Việt ạ. Em cũng thích viết lắm.
-Đâu, cho thầy xem với.
Tôi mở blog cho thầy xem thì thầy khen blog nhìn đẹp. Haha. Rồi thầy nói
-Thầy rất bất ngờ về bài viết của em, em viết tiếng Anh tốt mà. Em viết logic, câu cú đơn giản, rõ ràng, cả bài là một flow, không lộn xộn.
-Em học cách viết của thầy đấy ạ.
-Thật à?
-Vâng, em thích cách viết của thầy: đơn giản, và rõ ràng.
-Ừ, ngày xưa khi còn ở trường báo chí, thày được dạy phải luôn viết như..một học sinh lớp tám, lớp chín. Tức là thật đơn giản để ai cũng hiểu. Xét cho cùng mục đích cuối cùng của viết là để người khác hiểu, chứ không phải để thế hiện là mình “sophisticated” lắm.
-Vâng ạ.

Vậy đây, nếu có bạn nào muốn nâng cao kỹ năng viết (để thi IELTS, viết luận xin học bổng, viết báo, vân vân), hãy nhớ những tips này nhé: học cách đưa ra lập luận chặt chẽ, viết thật nhiều, viết thật đơn giản, rõ ràng và rành mạch. Practice makes perfect!

Nếu bạn đang loay hoay viết luận  xin học bổng du học, bạn có thể tham khảo bài viết của tôi tại đây.

Cảm ơn bạn đã tìm đến blog của tôi! Chúc bạn một thứ hai thật nhiều niềm vui!

Thanh Mai

 

5 thoughts on “Cải thiện kỹ năng viết khi du học tại xứ tư bản!

  1. Đọc blog của chị em như được tiếp thêm động lực mỗi ngày vậy, cám ơn chị rất nhiều ạ. Chúc chị luôn khỏe

Leave a Reply