Tôi học về tự do biểu đạt, tự do ngôn luận ở Mỹ!

write

(Nguồn ảnh: Bronco Round Up)

“Cậu có thấy mấy câu hỏi của tớ trên lớp đơn giản và cơ bản quá không?”

Tôi vừa hỏi cô bạn cùng lớp vừa thưởng thức vị ngọt của cốc trà sữa mua ở nhà hàng Việt Nam trong trường. Một thoáng suy tưởng về sự pha trộn giữa Việt và Mỹ khiến tôi mỉm cười.

“Không hề. Những điều cậu hỏi trên lớp, người Mỹ đều cho là đương nhiên. Bọn tớ ít khi tự đặt câu hỏi tại sao. Ví như khi cậu hỏi thầy “Tại sao các thẩm phán của Toà án Tối cao Mỹ lại được tổng thống chỉ định mà không phải do dân bầu ra?”, tớ cũng không nghĩ ra ngay được câu trả lời. Nhưng tớ thấy rất thú vị khi nghe ý kiến và quan điểm của một người nước ngoài như cậu trong một lớp học về chính trị Mỹ”

“Tớ thấy may mắn vì đã quyết định chọn môn học này. Tớ hiểu hơn rất nhiều về nước Mỹ, cả những mặt tốt và mặt xấu. Giờ tớ mới thấm, để hiểu và có một cái nhìn sâu sắc về một đất nước-không phải là nơi ta sinh ra-cần rất nhiều nỗ lực và thời gian”

Cô bạn người Mỹ đáng yêu của tôi im lặng trong giây lát để mò tìm những hạt boba bùi bùi trong cốc trà sữa, rồi quay sang nhìn tôi trìu mến:

“Những ý kiến của cậu trong lớp rất thú vị. Đừng ngại hỏi những câu “cơ bản” nhé, điều đó cũng khiến sinh viên Mỹ như tớ phải suy nghĩ đấy”

Tôi cảm thấy phấn chấn hơn hẳn sau lời động viên của cô bạn cùng lớp. Kỳ này, tôi liều chọn một môn học thuộc chuyên ngành Chính trị Mỹ. Tôi chọn môn học ấy phần để thoả mãn trí tò mò của bản thân (tôi thật sự muốn hiểu hơn về đất nước tôi đã chọn lựa để gửi gắm mấy năm tuổi thanh xuân :D). Phần vì thầy tôi khuyên nếu tôi muốn sống và làm việc tại đây, biết chút ít về chính trị là một điểm cộng.

Hai tuần gần đây chúng tôi học về Toà án Tối cao Mỹ, một cơ quan quan trọng đảm bảo công lý được thực hiện trên nước Mỹ. Hầu hết các bài đọc đối với tôi đều thức thách bởi tác giả bài viết hướng đến những người đã có kiến thức nền về chính trị Mỹ. Những kiến thức cơ bản như thẩm phán Toà án Tối cao được bầu thế nào, toà án bang hoạt động ra sao, hiến pháp Mỹ gồm những tu chính án nào đều mới mẻ đối với tôi. Tôi mất nhiều thời gian hơn các bạn vì tôi phải đọc để xây dựng cho bản thân một kiến thức nền cơ bản. Thật may, bạn đồng hành và những người bạn cùng văn phòng luôn sẵn sàng giúp tôi bất cứ khi nào tôi có câu hỏi, dù “ngớ ngẩn” đến đâu.

“Cậu biết không? Điều tớ ấn tượng nhất sau gần một tháng học là vấn đề “tự do biểu đạt, tự do ngôn luận” ở Mỹ. Tớ không nghĩ là nó lại thật và quan trọng đến thế ở đất nước cậu”

“Ừ, nhưng bây giờ có nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề này lắm, đặc biệt là “liệu bọn tớ có thể tự do biểu đạt đến đâu, bởi bây giờ có nhiều người lợi dụng điều này để “trình bày” những phát ngôn thù hận- hate speech”.

“Tớ hiểu, internet và mạng xã hội càng làm vấn đề ấy trở nên nghiêm trọng nhỉ”.

Ngày trước, có ai đó nói với tôi, tự do ngôn luận và biểu đạt ở Mỹ chỉ là trò lừa bịp mà chính quyền Mỹ “bịa ra” để mị dân, rằng người dân thật sự không được thực hành quyền ấy. Tôi không suy nghĩ nhiều về điều này cho đến khi đi sâu vào nghiên cứu. Tôi thật sự bất ngờ với những gì mình đọc và học. Trên thực tế, quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng được quy định trong tu chính án đầu tiên (First Amendment) của hiến pháp Mỹ. Hiến pháp ở Mỹ cực kỳ quan trọng, nhiều khi tôi cảm giác người Mỹ bị “ám ảnh” bởi hai chữ “Hiến pháp”. Các thành viên trong gia đình bạn đồng hành của tôi đều từng đọc hiến pháp. Trên tường lớp học của tôi có treo hiến pháp Mỹ. Bài đọc nào liên quan đến toà án cũng ít nhiều liên quan đến hiến pháp. Bạn đồng hành hiểu rất rõ các tu chính án trong hiến pháp. Mỗi lần tôi hỏi đến vấn đề gì , bạn có thể nói “trong hiến pháp, tu chính án số 1,2,3 cho rằng…” Đôi khi tôi cảm thấy hơi tội lỗi vì chưa bao giờ đọc hiến pháp Việt Nam (tôi vừa quyết định sẽ đọc hiến pháp nước mình một cách nghiêm túc để hiểu hơn về nơi mình sinh ra).

Thẩm phán của Toà án Tối cao có quyền lực rất lớn, bởi họ được phép diễn giải hiến pháp để đưa ra quyết định trong các vụ án. Tôi thấy các vụ án liên quan đến tự do ngôn luận, tự do biểu đạt vô cùng thú vị. Giờ tôi mới hiểu tại sao một thằng bạn học luật và chính trị Mỹ của tôi có thể thao thao bất tuyệt về toà án và các vụ án hàng giờ không biết chán. Người ngoài ngành như tôi còn thấy thú vị thế cơ mà!.

Các vụ án liên quan đến tự do ngôn luận/ từ do biểu đạt chỉ liên quan đến chính quyền (liên bang hoặc bang) và người dân, và đa phần chính quyền sẽ thua. Tôi ấn tượng nhất là vụ án có tên Texas v. Johnson. Năm 1989, một nhóm do người dân tự lập có tên là “Revolutionary Communist Youth Brigade” biểu tình ở thành phố Dallas, Texas. Trong quá trình biều tình, một người tên là Jonson đã đốt lá cờ Mỹ để thể hiện những bất mãn đối với chính quyền bang và một số công ty lớn đang hoạt động tại thành phố. Johnson được cho là vi phạm luật của bang Taxes (ở Mỹ mỗi bang có thể có các luật khác nhau)- luật này cấm người dân không được phá huỷ những vật được cho là đáng được tôn trọng. Ông bị bắt giam một năm tù và bị phạt 2000 USD. Ông đã kiện lên toà án tối cao, và toà án đã phán quyết rằng bang Taxes đã sai khi giam giữ ông. Các thẩm phán cho rằng, theo Tu chính án thứ nhất của hiến pháp, hành động của Johnson là một cách biểu đạt, và được bảo vệ bởi hiến pháp. Kết luận của toà án tối cao không phải khiến ai cũng phục! Tôi thấy rất thú vị khi các vụ án về tự do ngôn luận liên quan đến chính quyền và người dân, rất hiếm khi chính quyền có thể thắng.

“Anh có biết vì sao các founding fathers của nước anh lại đặt các quyền tự do biểu đạt vào tu chính án thứ nhất của hiến pháp không?”

Tôi hỏi bạn đồng hành khi hai đứa đi bộ quanh công viên River park một chiều đông tràn đầy nắng ấm.

“Theo anh hiểu thì là vì họ bị đối xử tệ khi biểu đạt điều mình muốn đối với chính quyền Anh thời Mỹ còn là thuộc địa của Anh”

“Thật thú vị! Nhưng em có một câu hỏi, quyền tự do biểu đạt có khi nào “đối đầu” với các luật khác không? Ví dụ, em biết ở Mỹ, tội phân biệt chủng tộc rất lớn. Giả sử, em viết lên facebook một status chê bai người da đen. Rõ ràng là em có quyền làm điều ấy vì em được hiến pháp bảo vệ, nhưng điều đó rất “đối xử phân biệt” phải không?

“Em có thể viết, không ai cấm, em sẽ không bị bắt hay bị phạt. Nhưng có quyền biểu đạt không có nghĩa là bất cứ điều gì em làm và viết sẽ được đón nhận. Mọi người có thể ghét em, xa lánh em, không thèm kết bạn với em. Ngoài ra, em chỉ..phạm tội phân biệt chủng tộc nếu em có hành động gây ảnh hưởng đến người thiểu số dựa trên chủng tộc của họ. Ví dụ, nếu em sa thải một nhân viên vì họ là người da màu thì em sẽ bị phạt. Nhưng vấn đề phân biệt chủng tộc phức tạp hơn thế rất nhiều, ở đây lâu dần em sẽ cảm nhận được điều đó”

Uhm, thế về vụ án “đốt lá cờ”, anh có đồng ý với phán quyết của Toà án Tối cao không?”

“Anh đồng ý, anh không nghĩ chính quyền nên bắt phạt người dân chỉ vì đốt là cờ, nhưng anh cũng hoàn toàn không đồng ý đối với hành đồng đốt lá cờ, đó là một sự thiếu tôn trọng với đất nước. Nhưng sự ghét bỏ của mọi người đối với ông ta là đủ rồi”

“Có vụ án nào mà anh thấy thú vị nữa không?”

“Anh thấy vụ án Pentagon Papers (Hồ sơ Lầu Năm góc) rất thú vị. Chính là vụ án trong phim The Post mà chúng ta xem ở rạp mấy tuần trước ý”

Đó là một bộ phim hay về chính quyền Mỹ thời chiến tranh Việt Nam đầu những năm 1970. Bộ phim có tên là “The Post”. Nếu có thời gian, tôi mong bạn sẽ tìm xem bộ phim này. Hồ sơ lầu năm góc có tên chính thức là “Quan hệ Hoa Kỳ- Việt Nam, 1945-1967: Một nghiên cứu chuẩn bị bởi Bộ quốc phòng”. Đây là tài liệu lịch sử về sự tham dự chính trị-quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam từ năm 1945 đến 1968 do bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nghiên cứu. Hồ sơ lầu năm góc đã chứng minh rằng chính phủ của tổng thống Johnson đã nói dối một cách có hệ thống trước cả công chúng và quốc hội về sự tham dự, và khả năng chiến thắng của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Daniel Elisberg- một thành viên trong nhóm nghiên cứu- đã đánh cắp tài liệu mật này và giao cho tạp chí New York Times phát hành, bởi ông không chịu được sự dối trá của chính quyền. Sau khi sử dụng thông tin từ hồ sơ lầu năm góc để viết bài, tờ New York Times đã vấp phải sự phản đối và đe doạ của chính quyền. Daniel tiếp tục gửi tài liệu đến tờ báo the Washington Post. The Washington Post lúc ấy là một tờ báo gia đình, do một người phụ nữ không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và báo chí làm chủ-bà thừa kế tờ báo từ người chồng đã mất. Bà đứng trước lựa chọn vô cùng khó khăn. Nếu cho đăng những thông tin tuyệt mật về cuộc chiến ở Việt Nam, tờ báo có thể bị chính quyền trả thù, đồng nghĩa với việc tờ báo bị đóng cửa, niềm tự hào gia đình tan vỡ, hàng trăm nhân viên mất việc. Nếu không cho đăng, số phận của những người lính Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam sẽ thế nào? Lại nữa, làm sao bà có thể chịu nổi sự dối trá của chính quyền. Vậy là, bà và những thành viên trụ cột của The Washington Post quyết định phát hành các bài báo dựa trên thông tin của hồ sơ lầu năm góc.

Ngay sau đó, chính quyền lập tức yêu cầu The Washington Post ngừng đăng những bài báo nhạy cảm, ảnh hưởng đến chính quyền. Lúc này, tờ báo yêu cầu Toà án Tối cao vào cuộc. Số phận của tờ báo hoàn toàn phụ thuộc vào phán quyết cuối cùng của Toà án. Và Toà án đã đứng về phía the Washington Post. Toà án cho rằng, chính quyền đã vi phạm Tu chính án thứ nhất của hiến pháp về quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Chính quyền đã thua, và tờ báo the Washington Post tiếp tục được phép đăng tải các bài báo dựa trên những thông tin mật của tài liệu. Phán quyết của toà án tối cao đã trao sự tự do gần như vô hạn cho nền báo chí Mỹ. Từ đó trở đi, nếu tài liệu mật của chính quyền “chằng may” rò rỉ ra ngoài, chính quyền không thể cấm báo chí đăng tải.

“À, em nhớ vụ án đó rồi. Bao giờ mình phải xem lại bộ phim ấy mới được!”

Tôi chợt nhớ đến giọng nói run run, dường như mất kiểm soát của Katharine Graham khi bà đưa ra quyết định cho phát hành các thông tin từ hồ sơ lầu năm góc…Lúc xem phim, tôi tự hỏi “Nếu tôi là Katharine, liệu tôi có dám đánh đổi số phận của tờ báo, niềm tự hào của gia đình, sinh kế của bao nhân viên..để đổi lấy sự thật không?”

“Em phải tiếp tục đọc bài cho tuần sau đây, chủ đề cũng rất thú vị: Yếu tố nào ảnh hưởng đến phán quyết của các thẩm phán toà án tối cao?”

Bạn đồng hành “để mặc”tôi với đống tài liệu, và tiếp tục chơi đùa với chú mèo Bẹp.

Một tuần mới lại đến, và tôi chưa bao giờ hết háo hức về những trải nghiệm, những kiến thức mới tôi thu nạp mỗi ngày!

Cảm ơn bạn đã tìm đọc blog của tôi! Chúc bạn một thứ 2 thật nhiều niềm vui!

Thanh Mai

 

 

6 thoughts on “Tôi học về tự do biểu đạt, tự do ngôn luận ở Mỹ!

  1. Lần trước nước mình sửa đổi hiến pháp cũng có lấy ý kiến người dân, còn phát mỗi nhà 1 quyển nhưng mà em thấy nhìn chung người trẻ không ai quan tâm, người lớn tuổi thì có một số ít. Bên Mỹ có thế không chị?

  2. Mình đã biết thêm rất nhiều điều qua bài viết này.
    Nhân đây là một người mới biết tới blog của Mai, mình cũng xin tò mò một chút là với chương trình giáo dục tại Việt Nam (các môn về chính trị được dạy bởi 1 học thuyết duy nhất, không có sự so sánh), làm thế nào bạn có thể tìm đam mê và theo ngành liên quan đến chính trị Mỹ (với các ngành khoa học tự nhiên thì có thể học tiến sỹ tại các nước tư bản là điều dễ hiểu, nhưng ngành của bạn mình khá tò mò).

    Thêm nữa là sau khi hoàn thành khóa học, bạn sẽ làm việc ở Mỹ hay Việt Nam ? Mình cũng tò mò vì kiến thức chính trị Mỹ ở Việt Nam có lẽ khó được ứng dụng, theo sự hiểu biết của mình thôi. (Xin lỗi nếu câu hỏi nhạy cảm).

    Nếu bạn đã có post nào đã trả lời 2 câu trên thì giới thiệu mình nhé 🙂
    Cám ơn Mai.

    1. Cảm ơn bạn đã ghé đọc và để lại comments! Thật ra, mình không nghiên cứu chính trị Mỹ, mình chỉ chọn một vài môn học về Mỹ để hiểu hơn về đất nước này thôi. Và sau khi học thì mình thấy chính trị Mỹ thật sự phức tạp (do bối cảnh lịch sử) nhưng rất thú vị. Nghiên cứu chính của mình tập trung vào các nước Đông Nam Á.

      Sau khi tốt nghiệp, mình mong muốn sẽ có cơ hội làm việc ở một trường Đại học nào đó để tiếp tục con đường nghiên cứu. Nơi nào nhận mình và mình thấy phù hợp với sở thích và nguyện vọng, thì mình sẽ đồng ý làm cho họ. 😀

      Mai dự định sẽ viết một bài về những lựa chọn nghề nghiệp sau khi học tiến sỹ trong thời gian tới, bạn đón đọc nhé 🙂

Leave a Reply