Học tiến sỹ khác học đại học và thạc sỹ như thế nào?

IMG_4033

Tuần trước, trường tôi tổ chức một sự kiện có tên là “recruitment event”, nhằm giới thiệu chương trình PhD cho các sinh viên tiềm năng. Có tất cả 6 bạn sinh viên tiềm năng đến dự sự kiện. Các bạn đã được trường nhận, nhưng còn đang cân nhắc các lựa chọn. Sự kiện này là cơ hội để trường “khoe khoang” và thuyết phục các bạn đặt bút viết hai chữ “đồng ý” vào thư mời nhập học (offer letter). Hoạt động mà tôi thấy thú vị nhất là buổi trao đổi giữa sinh viên tiềm năng và chúng tôi- những sinh viên “đương thời” của trường. Các bạn có thể đặt bất cứ câu hỏi nào về chương trình học, các hoạt động nghiên cứu/giảng dạy, về các giáo sư, về cuộc sống ở thành phố Tucson, vân vân và vân vân. Một bạn hỏi “học PhD thì khác học đại học và thạc sỹ như thế nào, các bạn có gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn trong quá trình “chuyển giao” không?”. Đó thật sự là một câu hỏi thú vị! Và hôm nay tôi muốn chia sẻ trên blog những suy nghĩ của tôi về sự khác biệt giữa học tiến sỹ và các cấp học khác. Mặc dù, tôi mới chỉ chân ướt chân ráo đi được 1/10 quãng đường nghiên cứu sinh thôi, nhưng tôi  dần hiểu được những đặc thù của việc học PhD. Hi vọng bài viết sẽ hữu ích cho những bạn đang tìm hiểu về con đường nghiên cứu sinh, đặc biệt ở Mỹ!

  1. Tiến sỹ thật ra là một professional training- chương trình đào tạo chuyên nghiệp

Bạn bè ở Việt Nam thường hỏi tôi “sao học lắm thế?”, “học mãi chưa chán à?”, “từng này tuổi còn học làm giề?”. Thật ra, học tiến sỹ không phải là kiểu học như ở đại học và thạc sỹ. Tiến sỹ là quá trình đào tạo để bạn trở thành một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Ở Mỹ, nghiên cứu là một nghề như bao nghề vậy. Chỉ có điều, để trở thành một nghiên cứu chuyên nghiệp, bạn cần trải qua quá trình đào tạo lâu dài, cực khổ. Thời gian đào tạo có thể dài hơn so với các ngành nghề khác, nhưng mức lương lại không cao hơn.

2-3 năm đầu, chúng tôi phải trải qua quá trình đào tạo gian khổ về phương pháp nghiên cứu và cơ sở lý thuyết cho ngành học. Chúng tôi lên lớp như những sinh viên thạc sỹ và đại học bình thường, nhưng cách học hoàn toàn khác. Đối với các khoá học phương pháp luận, chúng tôi phải hiểu được nền tảng lý thuyết và học cách ứng dụng. Ví dụ, tôi đang học phương pháp nghiên cứu định lượng, cụ thể là phân tích hồi quy (regression analysis) hai biến hoặc nhiều biến. Thầy giảng giải làm sao để chúng tôi hiểu được lý thuyết đằng sau mọi công thức, cách giải thích mô hình, cách tìm mô hình phù hợp nhất. Mặt khác chúng tôi phải làm rất nhiều các programming exercise (bài tập lập trình R) với số liệu cụ thể. Học không dễ, nhưng bản thân tôi thấy rất thú vị. Mỗi khi chúng tôi lo lắng về điểm số , các giáo sư sẽ nói “ở bậc tiến sỹ, điểm không còn quan trọng nữa. KHi đi xin việc, nhà tuyển dụng chỉ nhìn xem các em có khả năng làm nghiên cứu hay không thôi. Tôi hi vọng, sau khoá học này, cả lớp đều ở cùng một level, để có thể sử dụng R và phân tích số liệu”. Bài cuối kỳ của chúng tôi cũng rất research-oriented. Chúng tôi phải tìm một bộ số liệu, và phân tích bộ số liệu đó dựa trên câu hỏi nghiên cứu của mình. Đối với các môn học substantive course (các môn học thuộc về chuyên ngành), chúng tôi chỉ lên lớp để thảo luận. Không có chuyện giáo sư đứng lớp rồi giảng bài như ở bậc ĐH và thạc sỹ. Thầy sẽ giao bài đọc (RẤT NHIỀU) trước mỗi buổi học, và nhiệm vụ của chúng tôi là phải đọc để thảo luận trên lớp. Cách thảo luận cũng hoàn toàn khác: chúng tôi phải học cách thảo luận có phản biện. Chúng tôi học cách chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của bài báo. Thầy luôn nói “bây giờ, các em học cách criticise bài báo của người khác, để sau này các em chuẩn bị tâm lý khi bài báo của mình bị criticise và học cách bảo vệ luận điểm của mình. Sau 2-3 năm gian khổ, tôi hi vọng các em có thể tự tin đứng trước “đám đông” trình bày và bảo vệ nghiên cứu của mình”. Sau 2-3 năm, nếu bạn thi qua kỳ thi vượt rào, bạn sẽ được chứng nhận đủ điều kiện làm nghiên cứu, và bạn sẽ bắt đầu quá trình viết luận văn. Ở Mỹ, luận văn còn được gọi là job market paper, bởi đây là sản phẩm bạn dùng để “chào hàng” bản thân khi xin việc tại các trường ĐH. Mấy năm rèn luyện gian khổ trước hết là để bạn tự tin trình bày trước nhà tuyển dụng job market paper của mình!

2. Học tiến sỹ là học cách tạo ra kiến thức mới

Là một nghiên cứu sinh, bạn không còn là một sinh viên thụ động tiếp thu các kiến thức sẵn có nữa. Bạn đang dần học cách tạo ra những kiến thức mới. Bạn đang học cách làm chủ kiến thức. Tôi là một học sinh khá từ cấp 1 đến tận thạc sỹ. Tôi nhớ nhanh và có khả năng tự học tốt nhưng sự tự tin của tôi giảm đi rất nhiều khi bắt đầu chương trình tiến sỹ. Nhiều sáng, tôi thức dậy với bao câu hỏi về bản thân “liệu mình có làm nổi nghiên cứu không?”, “liệu mình có đủ năng lực để tạo ra kiến thức mới hay không?”, “sao mà mình lại dốt thế này?”. Cứ ngỡ tôi là người duy nhất trong khoa có tâm trạng “tiêu cực” như vậy, nhưng không, bạn bè tôi thậm chí cả những bạn đã học 3 năm tiến sỹ, vẫn luôn hoài nghi về bản thân như tôi. Càng học tôi càng thấy mình dốt, càng học tôi càng thấy làm nghiên cứu thật sự khó và phức tạp. Tôi dần nhận ra rằng, chấp nhận rằng mình…kém là cách tốt nhất để yêu thích quá trình học tiến sỹ. Chấp nhận rằng mình kém đem lại cho tôi động lực để học và tiến lên.

3. Lý thuyết và tư duy logic vô cùng quan trọng

Ngày trước, học đại học tôi rất không thích lý thuyết. Tôi thường bỏ qua nền tảng lý thuyết để vội ghi nhớ các công thức, các sự vật hiện tượng được nêu trong sách vở. Tôi cũng nghe nhiều người nói “các nhà nghiên cứu chỉ toàn lý thuyết, không có thực tiễn”. Nhưng tôi dần nhận ra rằng, lý thuyết là vô cùng vô cùng quan trọng để “làm thực tiễn” một cách đúng đắn và hiệu quả. Thiếu lý thuyết cũng giống như bạn mua một cái cây thân lá xanh tươi nhưng rễ khô héo trơ trụi về trồng. Cây nhìn qua thì xanh đấy, tươi đấy, nhưng rồi nó sẽ héo dần héo dần vì thiếu nền tảng vững chắc. Thiếu lý thuyết ta sẽ nhìn sự vật hiện tượng trong cuộc sống một cách rời rạc, riêng rẽ. Ta sẽ không thể nào hiểu được rằng một sự việc xảy ra là kết quả của một dọc nguyên nhân trước đó, và có lẽ mỗi nguyên nhân đó lại là kết quả của một loạt nguyên nhân khác nữa mà ta không hề biết đến. Lý thuyết cũng có thể được hiểu là “mechanism- cơ chế” đằng sau mỗi sự vật hiện tượng. Mỗi lần lên nói chuyện với thầy về ý tưởng nghiên cứu của tôi, câu đầu tiên thầy hỏi tôi thường là “lý thuyết của em là gì? Cơ chế để điều đó xảy ra là như thế nào? Hãy suy nghĩ thật kỹ về cơ chế đằng sau hiện tượng em muốn giải thích”. Và để làm được điều đó buộc ta phải tư duy thật logic! Không có tư duy logic không thể làm được nghiên cứu…

Hồi mới sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, tôi luôn bị dằn vặt bởi câu hỏi “mình nên làm nghiên cứu định lượng hay định tính”. Ban đầu tôi bị ảnh hưởng bới phương pháp luận định tính từ chương trình thạc sỹ ở Anh, nên cảm thấy khó hoà nhập với môi trường định lượng ở Mỹ. Nhưng rồi tôi dần nhận ra, phương pháp nghiên cứu chỉ là công cụ để làm nghiên cứu. Điều quan trọng hơn cả là câu hỏi nghiên cứu, là nền tảng lý thuyết, là cơ chế nhân -quả để giải thích cho sự vật, hiện tượng mà tôi quan tâm. Khi đã thấu tỏ những điều ấy rồi, tôi mới nghĩ đến công cụ để đi tìm lời giải cho nghiên cứu của tôi. Tuần vừa rồi, tôi lên gặp thầy để trao đổi về đề tài nghiên cứu cuối kỳ của tôi. Tôi muốn giải thích một hiện tượng liên quan đến tham nhũng và bầu cử ở các nước độc tài, và tôi muốn dùng phương pháp định lượng cho bài viết của mình. Thầy nói với tôi “em hãy suy nghĩ thật kỹ về lý thuyết cho nghiên cứu, nghĩ về cơ chế tại sao tình trạng tham nhũng lại tăng/giảm sau khi bầu cử? Tại sao tham nhũng lại biến động trong một vài trường hợp, và không thay đổi trong trường hợp khác?” Luôn nghĩ về câu hỏi “Tại sao” có lẽ là bài học lớn nhất tôi học được trong gần nửa năm qua!

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một sáng thứ hai thật nhiều niềm vui!

Thanh Mai

 

12 thoughts on “Học tiến sỹ khác học đại học và thạc sỹ như thế nào?

  1. Hay quá chị ơi. Cảm ơn chị vì những chia sẻ rất bổ ích! Chị ơi chị có thể chia sẻ thêm những dự định, con đường nghề nghiệp sau này khi học xong PhD được không chị?

    1. Cảm ơn em đã đọc bài! Sau khi tốt nghiệp chị muốn theo con đường giảng dạy, nghiên cứu! Có dịp chị sẽ chia sẻ trên blog một bài về các cơ hội việc làm sau PHD. Chúc em một ngày vui!

  2. cảm ơn bạn vì những chia sẻ vô cùng hữu ích. Mình thường xuyên đọc bài của bạn và cảm thấy đc truyền động lực rất nhiều từ trải nghiệm thú vị của mình. Mình đang theo học nghiên cứu sinh, mình đang trong giai đoạn khủng hoảng và ko biết là nên dừng lại hay tiếp tục. Sau khi đọc bài viết của bạn mình thích nhất là câu học nghiên cứu sinh vì mục đích thực dụng là phát triển bản thân. Đây là câu trả lời mình thấy vô cùng tâm đắc, cảm ơn vì đã giúp mình tìm lại đc mục đích của con đường đầy gian nan thử thách nhưng cũng đầy ý nghĩa này

Leave a Reply