Học PHD ở Mỹ cực như thế nào?

 

PhD-TransparentWIthName

Theo thống kê, 50% số lượng sinh viên PhD ở Mỹ bỏ trường trước khi hoàn thành chương trình học. Ngày trước, mỗi khi đọc những con số thống kê như thế tôi sẽ tự nói với mình “sao mà người ta lại thiếu ý chí đến thế nhỉ? Tại sao đã tự lựa chọn theo PhD rồi lại bỏ?”. Tôi cũng chẳng ngần ngại gắn cho họ cái mác “loser- kẻ thất bại”. Tôi cũng cảm thấy “khó chịu” khi ai đó đưa ra hàng loạt lý do bi quan kiểu như “cứ học đi rồi biết, chán lắm”, hay “học để làm gì” nhằm khuyên can tôi đi theo con đường này. Nhưng đúng như một câu nói mà tôi đã đọc ở đâu đó “Đừng tuỳ tiện chỉ trích khi bạn chưa hiểu rõ về hoàn cảnh của người khác”. Sau gần một năm theo con đường nghiên cứu, tôi phần nào hiểu được vì sao nhiều sinh viên không theo được đến cùng con đường nghiên cứu. Tôi đã ngừng gọi “những kẻ bỏ học” là “kẻ thất bại”, và tôi đã thấu hiểu hơn những lời khuyên mà người khác dành cho tôi trước đây. Trong bài blog tuần này, tôi xin chia sẻ một số những lý do (tôi nghĩ) khiến sinh viên bỏ PhD giữa chừng, và một số trải nghiệm để khiến con đường PhD bớt nhọc nhằn hơn!

 NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA SINH VIÊN PHD

 Học PhD có vất vả không?

Câu trả lời là CÓ. Rất vất vả và gian khổ. Hãy thử so sánh “hai cuộc sống” sau, rồi bạn sẽ thấy cuộc đời PhD cực thế nào. Hồi còn ở Hà Nội, mỗi khi đi làm về, tôi có thể rảnh rang đi chơi với bạn bè hoặc về nhà thưởng thức một bộ phim hay hay chìm đắm vào một cuốn tiểu thuyết trữ tình, sâu sắc. Buổi tối là thời gian tôi dành cho bản thân mình, hai chữ “CÔNG VIỆC” xin tạm được gác lại ở một góc thật xa trong ngăn tủ cuộc sống. Nhưng từ khi sang Mỹ học PhD, dường  như công việc và cuộc sống đối với tôi là một. Tôi làm việc 10-12 tiếng một ngày. Lên lớp. Làm trợ giảng. Làm nghiên cứu riêng. Viết bài. Đọc đọc. Viết viết. Kỳ này, gần như tuần nào, tôi cũng làm việc cả thứ 7 và chủ nhật. Thế nhưng, làm việc nhiều không có nghĩa là bạn có thể LÀM HẾT VIỆC. Hồi mới học, tôi thấy rất “khó chịu” vì không bao giờ hoàn thành hết những việc mình muốn làm, nhưng rồi tôi dần bao dung hơn với bản thân. Công việc, nghiên cứu xuất hiện cả trong các giấc mơ của tôi. Có những đêm, tôi chợt tỉnh giấc vì lo lắng cho bài nghiên cứu sắp tới. Lại có những đêm, tôi có những giấc mơ rất kỳ lạ. Ví dụ, tôi mơ thầy dạy tôi môn Political Institutions quyết định chuyển về Việt Nam dạy ngôn ngữ học, và thầy quyết định đánh trượt tôi vì tôi học dốt. haha. Lại nữa, tôi mơ thấy mình chuẩn bị lên đường đi thi toán, nhưng tôi không tìm thấy chìa khoá để mở cửa …Đến lớp, tôi kể lại giấc mơ của mình cho thầy và hội bạn, thầy nói “ám ảnh công việc đối với người làm trong ngành academics không bao giờ hết. Ngày xưa, tôi cứ nghĩ rằng khi tìm được việc tôi sẽ sống thật thoải mái và nhàn nhã, nhưng không tôi vẫn thường xuyên có các giấc mơ về việc thi trượt, bài nghiên cứu bị phê bình, etc.”.

Ngoài ra, khi học PhD bạn sẽ hiểu thế nào là một cuộc sống nhanh (fast-paced). Thời gian chỉ là một con số tương đối, một kỳ, một năm trôi qua vô cùng nhanh. Bạn cứ thấy mình luôn tay luôn chân hoài mà mãi không hết việc. Nếu bạn muốn đi học PhD để được thoả thích đi du lịch miễn phí, thì tôi tin rằng cảm giác thất vọng sẽ sớm xâm chiếm bạn. Là một người thích đi lại khám phá, nhưng tôi chưa thể đi đâu trong học kỳ này.

Theo tôi, liệu một người có thể chịu nổi sự vất vả này không phụ thuộc vào tính cách và mục đích học Phd của người đó. Bản thân tôi cảm thấy sức mình chịu được cuộc sống này, bởi tôi thật sự thích làm nghiên cứu và thích đọc viết. Mỗi lần viết xong một bài nghiên cứu hay chạy được một mô hình tôi quan tâm, tôi cảm thấy rất phấn khởi, tựa như vừa đạt được điều gì to tát trong cuộc sống. Lại nữa, cuộc sống bận rộn khiến tôi ít khi buồn, và suy nghĩ linh tinh vì tôi…chẳng có thời gian mà nghĩ nữa!! Tôi cũng chẳng quan tâm đến việc người này nghĩ gì về mình, người kia nói mình ra sao, tôi cũng xa cách dần những phù phiếm vớ vẩn của cuộc sống.

Học PhD có khó không?

Như tôi đã chia sẻ trong bài blog tuần trước, học PhD hoàn toàn khác với học thạc sỹ và học đại học. Ở cấp độ PhD, bạn được kỳ vọng sẽ trở thành một nhà nghiên cứu, đồng nghĩa với việc bạn phải sáng tạo ra những kiến thức mới. Vậy có dễ không? Tất nhiên là không rồi! Nếu bạn gặp kẻ nào dám vỗ ngực nói “ta đây vô cùng thông minh, PhD chả là gì?”, xin chúc mừng, bạn đã gặp được kẻ dối trá ngạo mạn nhất thế gian này! Một hiện tượng mà rất nhiều sinh viên PhD gặp phải là “imposter syndrome”- đây là hiện tượng chỉ những cá nhân luôn hoài nghi khả năng của bản thân, và luôn cho rằng những thành công mình đạt được là do may mắn, do ai đó giúp đỡ, do..trên trời rơi xuống, etc. Những cá nhân này cũng luôn sợ “sự kém cỏi” của mình sớm hay muộn sẽ bị ..người khác phát hiện ra! Ban đầu tôi cứ ngỡ chỉ những sinh viên non nớt mới có những suy nghĩ ấy, nhưng tôi biết kể cả những sinh viên rất thành công (với nhiều bài báo khoa học), và cả những giáo sư mới vào nghề cũng có thể có những suy nghĩ đó. Nhiều sinh viên mắc triệu chứng này trong một thời gian dài, khiến công việc nghiên cứu và sức khoẻ thể chất bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng gốc rễ của hiện tượng “imposter syndrome” là thái độ luôn so sánh bản thân ta với người khác. Thỉnh thoảng tôi cũng hay mày mò CV của những bạn cùng trường thậm chí của các thầy cô trong trường. Mỗi lần xem xong CV của họ, tôi lại chợt nghĩ “mình chả bao giờ có thể làm được như họ..”. Nhưng tôi thường xuyên so sánh táo với cam vì tôi so sánh mình của bây giờ với những bạn sinh viên đã học gần ra trường hoặc các giáo sư đã bắt đầu đi làm!! Thật là hài hước!

Ra trường có bằng PhD thì xin được việc …lương cao?

Sự thật lại không ngọt ngào như thế..Trong khoá học professionalization, giáo sư kể với lớp tôi “tôi và các đồng nghiệp thỉnh thoảng lại ghen tị với bạn học cũ “nhìn bọn bạn làm ngân hàng, hoặc làm trong các lĩnh vực lương cao mà có chút ghen tị”. Chúng tôi cũng nhiều khi ước có nhiều tiền hơn. Nhưng khi được hỏi có sẵn sàng bỏ việc để làm ngành khác không, thì không ai trong chúng tôi nói có. Tuy không nhiều tiền, nhưng công việc này cho tôi sự tự do về thời gian, về cách sắp xếp công việc, tôi lại được theo đuổi những chủ đề mình yêu thích”. Câu chuyện của thầy tôi nhắn nhủ điều gì? Nếu bạn theo học PhD vì muốn kiểm được nhiều tiền thì tôi khuyên không nên. Tất nhiên, tôi đang chia sẻ từ góc độ của một sinh viên PhD ngành xã hội, tôi không rõ các ngành khác thì thế nào nữa. Bản thân tôi cũng đôi khi ghen tị với các bạn của mình những người đã đề huề tiền tài danh vọng, nhưng mỗi khi như vậy tôi lại hỏi bản thân “tôi có đánh đổi tất cả để được như thế không?”. Khi câu trả lời là không, tôi hiểu rằng tôi đang đi đúng hướng mình chọn!

LÀM SAO ĐỂ CON ĐƯỜNG PHD BỚT CỰC

Học PhD cực như thế, vậy làm sao để con đường ta đi bớt gập ghềnh sỏi đá. Tôi mới chỉ đi một quãng rất ngắn trên con đường vạn dặm này thôi, nên sẽ thật ngạo mạn nếu tôi nói rằng tôi thấu tỏ câu trả lời cho câu hỏi ấy. Nhưng xin phép được chia sẻ với bạn một số “bí kíp” nhỏ tôi rút ra được từ bản thân mình, cũng như học hỏi từ bạn bè, thầy cô và những anh chị có kinh nghiệm đi trước. Biết đâu những chia sẻ này sẽ hữu ích với bạn!

Sức khoẻ

Từ khi bắt đầu học PhD, tôi mới hiểu thấu câu nói “có sức khoẻ là có tất cả”. Tôi vẫn nhớ những trận ốm học kỳ đầu tiên. Lần ấy, có những hôm tôi làm việc đến 3 giờ sáng, và gần như không ngày nào tôi đi ngủ trước 12 giờ đêm. Tôi trụ được khoảng 2 tuần thì ..lăn ra ốm. Từ lần ấy, tôi tự hứa với mình phải giữ sức khoẻ thật tốt. Tôi cố gắng nghủ 7-8 tiếng mỗi đêm để đảm bảo đầu óc luôn tỉnh táo và tinh thần luôn lạc quan. Tôi nhận ra, ngủ ít ảnh hưởng vô cùng lớn đến tâm trạng của bạn. Đó là kẻ thù của một tinh thật lạc quan, hoạt bát yêu đời. Tôi quan sát những người bạn xung quanh tôi. Những bạn học tốt nhất, những bạn có nhiều bài báo nhất đều là những bạn rất hoạt bát- yêu vận động, yêu thể dục thể thao, yêu khám phá một thế giới ngoài trường học. Như Mathew, thằng bạn nằm 3 của tôi, chỉ còn một tuần nữa là nó thi vượt rào, nhưng ngày nào nó cũng đi Gym hoặc đi bơi. Hay như Alexis hay Isabel, hai cô bạn đáng yêu cùng lớp với tôi, chiều nào cũng rủ nhau đi chạy hoặc đi gym.

Từ khi tôi nhận ra tầm quan trọng của sức khoẻ, tôi cố gắng đi bộ khoảng 45 phút mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc. Tôi thấy tâm trạng và tinh thần mình khác hẳn, tôi nhìn mọi thức lạc quan hơn rất nhiều! Tất nhiên, có những hôm công việc không cho phép, nhưng tôi hạn chế đến mức tối đa những hoạt động ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình.

Các mối quan hệ tốt

Có được các mối quan hệ tốt với bạn bè và thầy cô là điều vô cùng quan trọng để học PhD bớt mệt mỏi. Tất nhiên điều này đôi khi nằm ngoài mong muốn của ta! Ta chỉ có thể kiểm soát được việc ta nghĩ gì về người khác, chứ không thể kiểm soát được việc người khác nghĩ gì về ta. Nhưng từ khi bắt đầu PhD, (có thể vì thời gian quá bận hoặc vì môi trường học thuật khiến tôi trưởng thành hơn), tôi chỉ đầu tư cho những mối quan hệ đem lại cho tôi cảm giác thoải mái. Tôi thích đến văn phòng mỗi ngày, để vừa làm việc vừa trò chuyện với mọi người. Cảm giác gắn kết với mọi người khiến tôi cảm thấy mình là một phần của cộng đồng nghiên cứu nơi đây, một phần của ngôi trường này! Quan hệ với thầy cô cũng rất quan trọng. Tôi chưa có một giáo sư hướng dẫn cụ thể, nhưng tôi đã tìm thấy một giáo sư có cùng sở thích nghiên cứu. Tôi và thầy cố gắng họp một tuần/lần để cùng thảo luận bài nghiên cứu chúng tôi đang làm, và đó cũng là cơ hội để tôi học từ thầy. Tôi sẵn sàng nhận những comment “gay gắt” mà không cảm thây bị “tổn thương” vì chỉ có như vậy tôi mới trưởng thành về mặt nghiên cứu được.

 Hãy nhớ bạn có một cuộc sống ngoài PhD

“Mai, sao giờ này còn ở văn phòng? Cậu còn có một cuộc sống riêng nữa chứ?”. Mark nói với tôi như thế vào một ngày mùa đông cách đây mấy tháng. Nó có việc phải đến văn phòng và vẫn thấy tôi ngồi kỳ cạch chạy số liệu bên máy tính! Câu nói của nó khiến tôi bừng tỉnh. Đúng vậy, tôi còn có một cuộc sống ngoài PhD nữa mà. Từ ấy, tôi coi PhD như là công việc của tôi! Một công việc tuy không cho tôi nhiều tiền, nhưng là điều tôi thật sự yêu thích muốn làm. Mặc dù yêu thích đấy, nhưng tôi cũng cần những khoảnh khắc ..không làm việc, những khoảnh khắc tôi dành riêng cho bản thân mình. Tìm một sở thích riêng ngoài nghiên cứu cũng vô cùng quan trọng! Điều đó giúp cuộc sống của bạn cân bằng hơn. Mấy đứa bạn tôi, ai cũng có một sở thích riêng. Alexis thích đan và vẽ. Cứ khi stress là bạn lại mang áo ra đan hoặc cùng người yêu đi vẽ tranh. Isable lại thích đọc tiểu thuyết, và cô nàng tham gia một nhóm đọc sách. Họ thường xuyên gặp nhau và chia sẻ những cảm nhận về văn học. Minwoo cứ rảnh rỗi là đi nhà thờ cầu nguyện, và tham gia vào nhóm chuyện giúp đỡ những người vô gia cư. Bản thân tôi thích viết blog và đọc tiểu thuyết. Tôi coi đây là hai sở thích giúp mình…cân bằng lại cuộc sống bận rộn. Chia sẻ những trải nghiệm, suy nghĩ, quan điểm của tôi qua từng con chữ khiến tôi vui và hạnh phúc. Tôi viết cho bạn và cũng là cho tôi, cho bản thân tôi!

Hãy từ bỏ nếu bạn muốn

Hãy coi PhD như một công việc, như một thứ nghề nghiệp mà bạn đang theo đuổi. Và vì đó chỉ là công việc, hãy can đảm từ bỏ khi bạn không còn ..yêu, không còn gắn bó, không còn cảm thấy phù hợp với mình nữa. Suy nghĩ của tôi rất đơn giản: ta chỉ có một cuộc sống thôi, nên ta phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của chính mình. Nếu một công việc không đem lại cho bạn niềm vui, chi bằng hãy buông bỏ để tìm một công việc khác phù hợp hơn. Dù bạn mới bắt đầu PhD, hay đã đi được một quãng xa, hãy dũng cảm từ bỏ nếu bạn không thấy con đường này là của mình. Mặc cho những-kẻ-thiển-cận-như-tôi-đã-từng “nghĩ xấu” bạn. Mặc cho những thất vọng của cha mẹ, bạn bè, thầy cô. Mặc cho ai nói gì thì nói. Mặc cho cả…thế giới quay lưng với bạn. Cuộc sống là của bạn, và không ai có thể đưa ra quyết định giúp bạn, NGOÀI CHÍNH BẠN!

Cảm ơn bạn đã đọc tâm sự của tôi đến những dòng cuối cùng này! Chúc bạn một thứ hai thật nhiều may mắn và niềm vui!

Thanh Mai

10 thoughts on “Học PHD ở Mỹ cực như thế nào?

  1. Cảm ơn chị Mai thật nhiều. Em cũng đã từng đi làm sau đó quay trở lại đi học thạc sĩ, và hiện giờ thì đang trong thời gian thực tập. Dù em chưa có đi học PhD nhưng em thực sự hiểu cái cảm giác công việc và cuộc sống hòa làm một. Ở cty cũng làm 8h như mọi người và sau đó về nhà thì phải tiếp tục đọc tài liệu và hoàn thành báo cáo thực tập, cảm giác cuộc sống không có gì ngoài “LÀM VIỆC”. Em cũng bị ám ảnh bởi công việc, cũng bị hội chứng imposter, chắc là khá nặng do em còn học hơi trái ngành nên kiến thức không vững bằng mọi người, làm gì, nói gì cũng sợ :)).

    1. Cảm ơn em đã đọc bài và chia sẻ câu chuyện của em! Hi vọng em sẽ sớm thoát khỏi tình trạng công việc và cuộc sống hoà là một 😀

  2. Rất đồng cảm với bài viết của Mai (lời từ một người đã làm Phd ở Pháp 🙂 )

    Thật thú vị khi biết đến khái niệm imposter syndrome.

  3. Em xin cảm ơn chị rất nhiều về bài viết của chị. Đối với em, bài viết này thực sự truyền cảm hứng mãnh liệt. Cảm ơn chị. 😀

Leave a Reply