Trải nghiệm năm đầu tiến sỹ của tôi!

IMG_4147

Tôi đã chính thức kết thúc năm thứ nhất của chặng đường nghiên cứu sinh. Sau khi nộp bài nghiên cứu cuối cùng của học kỳ, tôi rủ thằng bạn Hàn Quốc đi mua café ở StarBuck gần thư viện, rồi hai đứa đi bộ quanh sân trường. Tôi hỏi nó “Này, kết thúc một năm rồi đấy, cảm giác của cậu bây giờ thế nào?” Nó nhẹ nhàng nhấp một ngụm cafe thơm phức, và chậm rãi trả lời tôi “Tớ cảm thấy mình là một phần của cộng đồng nghiên cứu nơi đây, tớ đã trưởng thành và học hỏi được quá nhiều thứ  trong một năm qua”. “Tớ cảm thấy mình là một phần của cộng đồng nghiên cứu nơi đây”. Trời, câu trả lời ấy của nó như nói hộ ruột gan tôi vậy. Đó chính xác là những gì tôi cảm nhận sau một năm sống và học tập tại xứ sở xương rồng này. Thú thật, tôi rất thích nói chuyện với nó, bởi nó luôn nhìn cuộc sống với đôi mắt lạc quan, đầy hi vọng. Tuy nó kém tôi mấy tuổi, nhưng suy nghĩ và thái độ đối với cuộc sống của nó rất chín chắn và đáng học hỏi. Lần nào trò chuyện với nó xong, tâm trạng tôi cũng trở nên lạc quan lạ kỳ.

Mấy hôm trước, tôi nhận được tin nhắn của một em gái vừa được nhận vào một chương trình PhD ở Mỹ. Em hỏi tôi “Em chuẩn bị đặt những bước chân đầu tiên trên con đường nghiên cứu sinh, chị có kinh nghiệm gì chia sẻ để năm đầu trôi qua thật suôn sẻ không ạ?” Câu hỏi ấy của em chính là động lực để tôi viết bài blog tuần này. Tuy năm đầu của tôi không phải lúc nào cũng trơn tru, cũng màu hồng, nhưng những thất bại đã dạy cho tôi nhiều bài học quý giá. Và biết đâu những kinh nghiệm của tôi sẽ hữu ích với bạn!

Trước khi bạn đọc bài viết này, có hai điều tôi xin lưu ý với bạn. Thứ nhất, đây hoàn toàn là trải nghiệm của bản thân tôi dựa trên những gì tôi tự quan sát, tự phản ánh, tự học hỏi từ sách vở, thầy cô và bạn bè nơi tôi đang theo học. Những trải nghiệm này cũng phản ánh một phần tính cách con người tôi. Có thể những bạn PhD khác có kinh nghiệm hoàn toàn khác tôi. Vì thế bạn hãy đọc bài viết của tôi với thái độ phản biện cao nhất. Thứ hai, ngành học của tôi là Khoa học Chính trị tại Mỹ, nên trải nghiệm của tôi có thể không hoàn toàn phù hợp với các ngành học khác hoặc chương trình PhD ở các nước khác.

Xác định rõ mục tiêu học PhD của mình

Đây là câu đầu tiên mà thầy hướng dẫn hỏi tôi “Mai, nói cho tôi biết, mục đích học PhD của em là gì, và em muốn làm gì sau khi học xong?”. Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng, bởi mục tiêu PhD của bạn quyết định “chiến lược” học của bạn. Thầy nói, “Nếu em muốn làm việc tại một trường ĐH ở Mỹ, em cần có 3,4,5 bài nghiên cứu được đăng báo trước khi bước vào thị trường việc làm bởi thị trường bây giờ rất cạnh tranh. Vì thế em cần học chăm chỉ hơn các bạn khác rất nhiều. Nếu em muốn xin việc ở châu Á, hoặc làm ở một viện nghiên cứu tư nhân, thì “chiến lược” sẽ khác. Còn nếu em chỉ muốn đi dạy, không làm nghiên cứu, thì cũng cần có những kế hoạch khác”.

Tôi nghĩ nếu bạn có một mục tiêu cụ thể thì hãy chia sẻ với giáo sư hướng dẫn của mình, hoặc nếu bạn chưa có một người hướng dẫn cụ thể, bạn có thể chia sẻ với giám đốc chương trình PhD. Đừng ngại ngần nói ra những nguyện vọng và dự định của mình. Trường nào cũng muốn sinh viên của mình thành công (bởi đó là bộ mặt của trường mà) nên họ sẽ cho bạn những lời khuyên, chiến lược phù hợp với bạn. Khi đã xác định được mục tiêu rồi, hãy lập một kế hoạch dài hạn cho PhD của bạn. Nghe có vẻ lạ lùng nhỉ, lập kế hoạch cho tận 4-5 năm thì như thế nào? À, tất nhiên không phải là những kế hoạch “lặt vặt” như tuần hai của tháng thứ nhất năm thứ hai, ta hoàn thành bài tập toán. Mà hãy tập trung vào những mục tiêu lớn, ví dụ: khi nào thì nên đi hội thảo, khi nào thì nên gửi bài báo khoa học đầu tiên, khi nào thì bảo vệ luận văn, vân vân và vân vân. “Lập kế hoạch PhD” là bài tập đầu tiên chúng tôi phải làm khi bắt đầu học kỳ hai của năm thứ nhất dưới sự hướng dẫn của thầy giám đốc chương trình PhD. 4-5 năm nghe có vẻ nhiều, nhưng thật ra trôi rất nhanh, có kế hoạch sẽ giúp bạn không bị chệch hướng bởi mục tiêu của mình. Các giáo sư đã khuyên chúng tôi như thế!

Thiết lập mối quan hệ tốt với giáo sư hướng dẫn

Nhiều người ngoài ngành thường cho rằng, làm nghiên cứu chỉ cần ngày ngày vùi mặt vào sách vở thì sẽ ổn. Trên thực tế, để trở thành một sinh viên thành công, các mối quan hệ tốt rất quan trọng, đặc biệt là mối quan hệ với giáo sư hướng dẫn. Các sinh viên khoá trên thường khuyên tôi, tìm được người hướng dẫn phù hợp (hợp tính cách, hợp cách làm việc, chung sở thích nghiên cứu) là chìa khoá để con đường PhD trở nên dễ thở hơn. Nếu bạn có mối quan hệ tốt với giáo sư hướng dẫn, thầy/cô có thể “bảo vệ” bạn trong các cuộc họp đánh giá cuối năm (ở khoa tôi, cuộc họp đánh giá này rất quan trọng, và các thầy cô không ngại đưa ra những nhận xét cực kỳ “phản biện”), tìm cơ hội để bạn được làm các dự án nghiên cứu hay ho và giúp bạn có cơ hội mở rộng network.

Năm đầu tiên, dù trường không yêu cần bạn phải có một giáo sư hướng dẫn cụ thể, nhưng bạn cũng nên “ngó nghiêng”, tìm cách kết nối với những người bạn cảm thấy lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với mình. Nếu bạn may mắn tìm được sớm, hãy tìm cách duy trì một mối quan hệ tốt. Như mọi mối quan hệ khác trong cuộc sống, để có mối quan hệ tốt với giáo sư hướng dẫn, giao tiếp thường xuyên là chìa khoá. Thằng bạn Hàn Quốc cùng lớp với tôi tự đề xuất “lịch họp” hàng tuần với giáo sư mà bạn đang làm trợ lý để cập nhật tình hình công việc. Nó tâm sự với tôi “Mai biết không, lúc đầu tớ cũng e dè lắm. Nhưng gặp và trao đổi với cô hàng tuần thúc đẩy tớ làm việc chăm chỉ, và kết nối với cô tốt hơn. Ban đầu nói chuyện với cô cũng hơi “sợ” nhưng nói chuyện nhiều lại thấy hiểu cách làm việc của cô hơn, và tớ điều chỉnh sao cho phù hợp”. Đến kỳ 2, tôi và nó chọn khoá học khác nhau nên chẳng có thời gian mà hàn huyên tâm sự. Một tuần trước khi nộp bài nghiên cứu cuối cùng, tôi không thấy nó đến văn phòng làm việc. Hỏi ra mới biết nó cùng giáo sư của mình đi thực địa thu thập số liệu, và nghe đâu sắp tới sẽ cùng cô đi hội thảo ở Singapore. Tôi chợt tự nhủ “cuối cùng nó cũng không còn…sợ cô nữa, mà cả hai có vẻ làm việc rất hiệu quả cùng nhau”.

Giao tiếp thường xuyên giúp bạn có cái nhìn tốt hơn về phong cách làm việc của hai người. Nếu bạn là một người thích làm việc độc lập, nhưng thầy/cô lại thích quản lý chi tiết từng tí từng tí một, thì sẽ khiến bạn ngộp thở. Nếu bạn thích được chỉ bảo tận tình, mà thầy/cô lại chỉ đưa ra những gợi ý tổng quan, rồi để bạn tự bơi thì cũng mệt. Hiểu điều này càng sớm thì cơ hội bạn có thể thay đổi người hướng dẫn, hoặc điều chỉnh cách làm việc của mình càng cao.

Xây dựng mối quan hệ tốt với các bạn PhD khác

Một buổi sáng mùa đông se lạnh, thầy hướng dẫn khoá học “The Politics of Happiness” hỏi tôi “Mai, lớp PhD của em có tất cả mấy sinh viên”. Tôi trả lời “tất cả 9 người thầy ạ”. Rồi vẫn với giọng nói nhanh nhẹn, nhiệt thành, thầy khuyên tôi “một trong những yếu tố để thành công ở grad school là xây dựng mối quan hệ tốt với các bạn PhD khác. Mối quan hệ ấy còn giúp em rất nhiều sau khi ra trường và bắt đầu xây dựng sự nghiệp nữa. Thầy đã ra trường lâu lắm rồi, nhưng thầy vẫn giữ mối quan hệ tốt với một vài bạn khi xưa. Chúng tôi viết bài báo khoa học cùng nhau. Chúng tôi sẵn sàng đọc và nhận xét bài viết cho nhau. Bao cơ hội viết sách, viết báo đến với thầy cũng nhờ mối quan hệ với bạn học cũ em ạ”.

Nghĩ lại một năm qua, không hiểu tôi sẽ sống sót ra sao nếu thiếu sự hỗ trợ của bạn bè. Không giống nhiều chương trình PhD khác, sinh viên PhD khoa tôi chung nhau một phòng làm việc lớn. Mặc dù, những “tranh chấp” về chỗ ngồi đôi khi xảy ra (haha), nhưng thú thật nhờ làm việc cùng nhau mà tôi trở nên thân thiết với các bạn rất nhanh. Tôi nhận được vô cùng vô cùng nhiều sự giúp đỡ từ các bạn. Mỗi khi phần mềm R trên máy tính của tôi “chết”, tôi biết Drew sẽ sẵn sàng tìm mọi cách để khiến nó hoạt động lại. Matt, thằng bạn ngồi cạnh tôi, lại như một cuốn từ điển sống. Thỉnh thoảng đang viết bài mà cần tìm bằng chứng, tôi lại quay sang hỏi nó “này, cậu có biết ai có luận điểm là ABC không? Tớ đang cần để đưa vào bài viết này”. “À, ông XYZ chia sẻ luận điểm đó trong cuốn này này”. Rồi, nhanh như máy, nó mở tập tài liệu ôn thi vượt rào, và search tên tác giả/ bài báo cho tôi. Chưa đầy hai phút sau, tôi nhận được email của nó với đầy đủ thông tin mà tôi cần. Mùa hè đến rồi, tôi dành nhiều thời gian làm việc ở nhà hơn trước, nhưng tôi vẫn cố gắng đến văn phòng 2-3 buổi một tuần. Bởi tôi rất nhớ cảm giác trò chuyện và học hỏi từ các bạn!

Nghĩ đến bài đăng báo từ sớm

Nếu bạn muốn theo con đường học thuật thì phải có bài báo khoa học trước khi ra trường. Có thể bạn đang tự hỏi “tại sao lại cứ chạy theo…số lượng bài đăng báo? Bài báo khoa học có đánh giá được thực chất chất lượng của ứng viên hay không?” Một thực tế đáng buồn là thị trường việc làm trong các trường ĐH rất cạnh tranh, không có bài đăng báo gần như không thể xin được việc. Lại nữa, mục tiêu của nghiên cứu khoa học là chia sẻ những kiến thức, phát hiện mới đến người khác. Nếu không có bài báo khoa học, những kiến thức ấy sẽ được chia sẻ thế nào đây? Tôi cho rằng, ngay từ năm thứ nhất, ta nên bắt đầu nghĩ đến các bài báo khoa học. Đừng sợ mà nghĩ rằng, mới là sinh viên năm một, ta đã “biết gì đâu”, mà dám nghĩ đến bài đăng báo. Ý tưởng bài báo có thể đến từ các bài viết cuối kỳ mà!

Tôi khuyên những bạn chuẩn bị bước vào năm thứ nhất hãy “đối xử” các bài viết cuối kỳ thật nghiêm túc. Nhiều bạn trong lớp tôi chỉ coi các bài viết này như một nhiệm vụ phải làm cuối mỗi kỳ học. Viết chỉ để lấy điểm hoàn thành khoá học. Nhưng để hoàn thành một bài nghiên cứu cuối kỳ, ta cần bỏ rất nhiều thời gian công sức, và chất xám, tại sao không nghĩ “ta cần biến ý tưởng này thành một bài báo khoa học”. Nghĩ như vậy sẽ thay đổi hoàn toàn thái độ của ta đối với các bài term papers. Trên thực tế, không ai có thể gửi thẳng bài nghiên cứu cuối kỳ đền một tạp chí và…được đăng. Nếu ý tưởng bài viết của bạn thú vị, mới lạ, bạn có thể dần dần phát triển ý tưởng đó thành một bài báo hoàn chỉnh. Và dù có thất bại trong những lần đầu tiên, bạn cũng học được nhiều bài học quý báu về viết nghiên cứu. Ý tưởng bài viết cho hai môn học của tôi được thầy cho rằng có khả năng đăng báo. Làm việc với thầy để phát triển các ý tưởng đó thành một bài báo khoa học là một trong những trải nghiệm thú vị và quý báu nhất của tôi trong năm vừa qua.

Phát triển kỹ năng giao tiếp: viết và nói

Đừng để ai “mị” bạn rằng: “bọn làm nghiên cứu suốt ngày cắm mặt sách vở, cần gì giỏi giao tiếp đâu”. Nhầm, nhầm đấy. Chúng tôi luôn được dạy rằng, kỹ giao năng giao tiếp, cả nói và viết, là chìa khoá dẫn đến thành công của sinh viên PhD. Theo tôi, ta nên tìm cách cải thiện kỹ năng này ngay từ năm đầu tiên của chặng đường nghiên cứu sinh. Viết là kỹ năng vô cùng, vô cùng quan trọng. Dù ý tưởng nghiên cứu của bạn có hay đến đâu mà bạn không thể thể hiện bằng ngôn ngữ một cách rõ ràng, rành mạch, súc tích để người khác hiểu thì cũng vô ích. Ta có thể nâng cao kỹ năng viết bằng cách tham gia trung tâm dạy viết của trường (thường là miễn phí), viết mỗi ngày một chút, hoặc tham gia một nghiên cứu nào đó với giáo sư để học hỏi từ họ. Nếu bạn tập trung cải thiện kỹ năng viết một cách nghiêm túc, tin tôi đi, bạn sẽ kinh ngạc trước sự tiến bộ của mình sau một năm. Đừng quên nâng cao kỹ năng nói, đặc biệt là kỹ năng thuyết trình trước đám đông nữa nhé.

Tham gia các chương trình của trường

Có thể bạn đang thầm nghĩ “năm thứ nhất bận bỏ xừ, sách vở ngập đầu ngập cổ, đã thế còn phải hoàn thành nhiệm vụ TA/RA (teaching assistant/ research assistant) nữa chứ, lấy đâu ra thời gian mà tham gia cái gì nữa”. Nhưng hãy luôn sắp xếp thời gian tham gia các chương trình liên quan đến nghiên cứu như job talk (khi trường tuyển giáo sư mới), buổi trình bày các bài nghiên cứu của các giáo sư trong trường, vân vân. Ở khoa tôi, hàng tuần các giáo sư lần lượt trình bày các nghiên cứu của mình trước khoa để lấy ý kiến nhận xét. Thỉnh thoảng, lại có giáo sư trường khác đến trình bày nghiên cứu của họ. Mặc dù, không có quy định nào bắt buộc chúng tôi tham gia, nhưng các giáo sư ngấm ngầm đánh giá thái độ, tinh thần học hỏi và sự cam kết của sinh viên PhD thông qua các hoạt động này. Theo kinh nghiệm của tôi, thái độ của bạn đối với việc học và các hoạt động của trường cũng quan trọng không kém kết quả học tập của bạn, vì vậy dù có bận đến mấy, bạn cũng nên tham gia các hoạt động như vậy. Tham gia các hoạt động này còn khiến tôi cảm thấy bản thân là một phần của cộng đồng nghiên cứu nơi đây. Cảm giác mình thuộc về nơi bạn sẽ “hi sinh” mấy năm quý giá của cuộc đời, theo tôi, là một phần quan trọng để bạn yêu thích con đường mình đang chọn.

Ngẫm lại, một năm qua tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi khám phá ra bao điều về bản thân mà bao nhiêu năm tôi vẫn loay hoay đi tìm. Tôi nhận ra, tôi vô cùng yêu thích những gì mình đang làm. Tôi thích viết, thích đọc, và thích suy nghĩ về những gì tôi đọc. Mặc dù tôi chỉ là một sinh viên bình thường, nhưng tôi dành tất cả những gì tôi có- lòng nhiệt thành, năng lượng và sự hứng khởi- cho những gì tôi đang làm. Có thể bạn không tin, nhưng mỗi lần tự tìm ra được một câu hỏi nghiên cứu thú vị từ “đống” cơ sở lý thuyết (literature), hay tự mình tìm ra được quy luật của một bộ số liệu, tôi có thể vui âm ỉ cả mấy ngày. Có đôi khi tôi chỉ muốn chạy xuống phố, vừa đi vừa huýt sáo để thể hiện niềm vui của mình! Nói thế không có nghĩa một năm qua tôi, giây phút nào của tôi cũng màu hồng. Có nhiều lắm những khoảng xám, có nhiều lắm những lúc mệt mỏi, nhưng rồi tôi hiểu đó là những bài học quý giá giúp tôi trở thành một nhà nghiên cứu tốt hơn.

Cảm ơn bạn đã đọc những tâm sự của tôi đến dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai thật nhiều niềm vui!

Thanh Mai

 

 

4 thoughts on “Trải nghiệm năm đầu tiến sỹ của tôi!

  1. Chúc mừng chị đã hoàn thành xong năm đầu! Chị có định về VN hè không ạ?

Leave a Reply