Nước Anh và nước Mỹ- khác nhau thế nào? (Phần 2)

IMG_0073 2

Tháng bảy này là tròn một năm tôi sống và học tập ở Mỹ. Để kỷ niệm năm đầu trên đất Mỹ, tôi xin tiếp tục chủ để về sự khác biệt giữa nước Mỹ và nước Anh. Bạn có thể đọc phần một “Nước Anh và nước Mỹ- khác nhau thế nào?” tại đây. Trong phần hai, tôi chia sẻ một số quan sát vui về sự khác biệt giữa hai nước liên quan đến thể thao, cách ăn mặc và cách thể hiện tình cảm lãng mạn nơi công cộng. Hi vọng bài viết sẽ đem lại nguồn năng lượng tươi mới cho bạn vào sáng thứ hai đầu tuần!

Thể thao

-Anh này, World Cup hôm nay khai mạc đấy?

-Ừ.

Chẳng buồn rời mắt khỏi cuốn sách đang đọc, bạn đồng hành cất một tiếng “ừ” nhẹ tựa tiếng chạm đất của một nhành hoa giấy sau cơn gió mùa hạ.

-Anh chỉ “ừ” dửng dưng thế thôi à? Đây là giải bóng đá lớn nhất hành tinh đấy?

-Ý em là…soccer phải không?

Ấy, tôi lại dùng nhầm từ. Ở Mỹ, người ta gọi bóng đá mà ta vẫn hay xem là “soccer”. Còn “football” là từ dùng để chỉ bóng đá Mỹ, hay còn gọi là bóng bầu dục Mỹ. Từ ngày đến Mỹ, tôi phải uốn lưỡi bảy lần trước khi chuyện trò về bóng đá với các bạn Mỹ. (Tôi phải sắp xếp trước trong đầu câu chữ, và nghĩ xem nên dùng football hay soccer đây). Cẩn thận thế mà thỉnh thoảng tôi vẫn mắc lỗi. Dù bạn đồng hành đã giải thích cho tôi bao nhiêu lần về luật chơi của môn bóng đá Mỹ, tôi vẫn thấy nó khó hiểu vô cùng. Đối với tôi, bóng đá của xứ sở này vừa kỳ quặc, vừa….bạo lực kiểu gì ý. Vì đây là môn thể thao dùng rất nhiều sức mạnh và va chạm rất mạnh, nên rủi ro bị chấn thương của các cầu thủ rất cao. Chính vì vậy, mỗi cầu thủ vào sân đều được trang bị một chiếc mũ bảo hiểm để tránh….sứt đầu mẻ trán. Tuy vậy, bóng bầu dục là một trong hai môn thể thao được yêu thích nhất nước Mỹ (sếp ngang hàng với bóng rổ). Bạn bè tôi kể là bây giờ nhiều bậc cha mẹ cũng ái ngại sự “bạo lực” của môn thể thao này, nên khuyến khích con cái chơi môn bóng đá “kiểu bình thường”. (Bạn có thể tìm hiểu về môn bóng đá Mỹ tại link sau: bong-da-my-va-bong-da-the-gioi )

-Nè anh, đội Mỹ có tham gia World Cup lần này không?

-Anh…không để ý nữa? Bạn đồng hành…trả lời qua quýt vậy thôi, rồi lại tiếp tục chìm đắm vào cuốn sách đang đọc.

Dù đã biết rằng, ở Mỹ người ta chẳng quan tâm lắm đến giải bóng đá thế giới, tôi vẫn bất ngờ trước sự thờ ơ của người dân nơi đây. Đôi khi tôi có cảm giác lẽ nào mình đang sống ở một…hoang đảo xa cách thế giới cả ngàn dặm. Tôi đành ngậm ngùi theo dõi diễn tiến của World Cup thông qua facebook, hoặc thỉnh thoảng xem một mình!!!

Tôi chợt nhớ đến những kỷ niệm về World Cup 2014. Hồi ấy, tôi vẫn còn sống ở Brighton, một thành phố biển miền nam nước Anh, đất nước của thiên đường bóng đá. Người Anh cuồng bóng đá thế nào thì chắc ai cũng biết rồi, nhưng tận mắt chứng kiến tinh thần bóng đá Anh mới hiểu họ …điên đến thế nào. Thành phố Brighton sắm cho người dân một cái màn hình rất to, và tổ chức cho người dân đến xem World Cup tại bãi biển. Và thế là cứ trước mỗi trận đấu, người người nhà nhà …vác cả chục thùng bia đến bãi biển, vừa uống vừa xem (ôi, cũng vì vậy mà tôi nhận ra người Anh uống nhiều đến thế nào). Tôi cũng mấy lần theo đám bạn đi xem bóng. Tại cái khoảnh chữ nhật được rào chắn cẩn thận bên bãi biển ấy, tôi được chứng kiến muôn vàn cách thể hiện tình yêu bóng đá, và những xúc cảm của người xem: kẻ khóc, người cười, những khuôn mặt buồn thiu, những nụ cười hớn hở, những ánh mắt tức giận…. Lại còn có người ngồi nhầm ví trí, cổ vụ cho đội A nhưng bị lạc vào khu vực của cổ động viên đội B thế là đành vỗ tay nhè nhẹ như thể gãi ngứa khi đội mình yêu thích ghi bàn. Đến lượt đội Anh đá mới thú vị. Trước trận đấu, thể nào người ta cũng bình luận về chiến thắng lừng lẫy, lần vô địch duy nhất của đội Anh vào năm…1966 với giọng đầy tự hào và hãnh diện. Nếu mà đội Anh thua trong trận ấy, cổ động viên Anh kiểu gì cũng…chửi bới, đập và ném vỏ chai để hiện sự thất vọng. Còn nếu thắng, …chắc các bạn hiểu không khí sẽ thế nào rồi đấy! (À, một lưu ý nhỏ là đội Anh tức là England team nhé. Dù UK gồm cả Scotland, Wales và England, nhưng họ không ưa nhau đến mức không thể có một đội bóng đá quốc gia).

Ăn mặc

-Em ơi, mấy ngày nữa là 4 tháng 7 (quốc khánh Mỹ), một đồng nghiệp mời anh đến nhà liên hoan (party). Em đi cùng anh nhé?

-Vâng, tất nhiên rồi.

Và thế là trước hôm quốc khánh, tôi cẩn thận giặt và là bộ váy mình thích nhất, bộ váy tôi dành riêng cho những dịp đặc biệt. Trước giờ khởi hành khoảng ba mươi phút, tôi trang điểm nhẹ nhàng, vận bộ đầm đó, và đi một đôi giày hơi cao gót một chút (đôi giày tôi mua cũng để dùng vào những dịp đặc biệt, như là thuyết trình, đi hội thảo, vân vân). Vừa thoáng thấy tôi bước xuống cầu thang, bạn đồng hành tròn mắt ngạc nhiên:

-Ôi, trông em đẹp quá…nhưng em “overdressed” (quá diện) rồi. Buổi tối ngày quốc khánh, mọi người thoải mái lắm, rồi em sẽ thấy, ai cũng quần short áo phông hết á. (Nhưng tôi thề bộ váy và đôi giày của tôi rất đơn giản và nhẹ nhàng :D).

Sống ở đây lâu, tôi nhận ra người Mỹ ăn mặc ít cầu kỳ hơn người Anh. Người Mỹ đề cao sự thoải mái, mặc sao mình thấy thoải mái là được. Bạn đồng hành có hàng chục cái cà vạt, và mấy bộ vest. Mỗi lần anh kể là ngày mai có cuộc họp với đối tác, tôi lại hỏi thế có cần mặc vest không? Câu trả lời kiểu gì cũng là không. Qua rất nhiều…cuộc họp như thế, tôi ngạc nhiên hỏi:

-Ô, thế anh có nhiều vest và cà vạt thế…để làm gì? Sao không thấy anh dùng trong các cuộc họp….quan trọng?

-À, chỉ để dùng trong các dịp…đặc biệt thôi?

Và lần đầu tiên tôi thấy anh mặc vest là trong ngày cưới của chúng tôi!!! Dịp đấy thì đúng là đặc biệt thật rồi…

Các giáo sư của tôi cũng ăn mặc vô cùng đơn giản và thoải mái. Ngoại trừ các buổi hội thảo ngành thì kiểu trang trọng nhất của các thầy là….quần bò và áo sơ mi dài tay.

Hồi còn ở Anh, tôi sống ở một ngôi nhà ngay sát đường, gần khu công sở. Cứ trưa trưa, tôi lại thấy các nam thanh nữ tú diện vest hoặc các bộ công sở trang trọng đi qua đi lại (có lẽ là đi ăn trưa?). Nhìn rất lịch sử, “đứng đắn” và đẹp nữa chứ! Còn ở Mỹ, nơi tôi đang sống, tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng ấy. Bạn đồng hành có giải thích với tôi là người Mỹ ở khu vực East Coast như New York hay Washington thì ăn mặc trang trọng hơn. Mỗi lần tôi …“than” với anh là tôi chẳng thấy đàn ông ở đây ăn mặc “lịch sự” gì cả, anh sẽ nói “khi nào lên Washington/ New York chơi em sẽ …nghĩ khác”. Nhưng anh cũng nói nhìn chung người Mỹ ăn mặc khá thoải mái khi đi làm, cũng như khi đi du lịch.

Thể hiện tình cảm nơi công cộng

Mấy hôm trước, một người bạn ở Việt Nam hỏi tôi:

-Nè, nước Mỹ tự do thế, người ta thể hiện tình cảm yêu đương nơi công cộng “hoành tráng” lắm nhỉ?

Theo quan sát của tôi thì không hề! Rất ít khi tôi thấy người ta trao cho nhau những cái ôm, hôn nồng cháy trên đường, trên xe bus, ga tàu hay sân bay. Những đôi yêu nhau thường chỉ nắm tay nhau nhẹ nhàng hoặc thỉnh thoảng trao cho nhau nụ hôn phớt qua. Điều này khác hẳn với những gì tôi quan sát thấy ở thành phố Brighton, Anh (và có lẽ là nước Anh nói chung?) nơi tôi đã từng sống trước đây. Brighton là một thành phố rất cởi mở, là “thủ đô” của những người mang giới tính thứ ba. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu bạn lang thang trên phố hoặc đi ngắm hoàng hôn dọc bãi biển và bắt gặp một đôi nam, đôi nữ, hoặc đôi nam nữ tay trong tay đi dạo, rồi thỉnh thoảng quay sang hôn nhau thắm thiết…

Nhưng có lẽ tôi chưa thấy nơi đâu mà người ta thể hiện tình cảm lãng mạn như ở Pháp và Ý. Mùa hè năm 2014, tôi đến thăm nước Ý xinh đẹp. Một buổi sáng, tôi bắt tàu từ Rome đến Bologna, và chính chuyến tàu ấy đã mở to mắt cho tôi trước cách mà người Ý thể hiện tình cảm. Chàng và nàng quyến luyến bịn rịn chia tay nhau trước giờ tàu chạy. Cả hai cứ đứng nhìn nhau trân trối. Ánh mắt họ trao nhau cho tôi biết rằng họ đã hoàn toàn quên đi thế giới xung quanh. Rồi khi còi tàu hú lên báo hiệu đã đến giờ tàu chạy, chàng và nàng mới thôi nhìn nhau và dành cho nhau một nụ hôn đắm say. Nàng chạy vội lên tàu, và…ngồi ngay cạnh ghế của tôi. Khi tàu bắt đầu lăn bánh, nàng vẽ một hình trái tim lên cửa sổ tàu, còn chàng cứ chạy với theo tàu, chàng cứ chạy miết như thế cho đến khi chàng chỉ còn là một cái bóng xa xa. Khi tàu chạy được tầm hai mươi- ba mươi phút, tôi quay sang hỏi nàng, nàng sẽ xa Rome bao nhiêu ngày. Nàng trả lời….một tuần, rồi buồn bã lấy điện thoại nhắn tin cho chàng. Cũng mùa hè năm ấy, tôi đến thăm Paris. Đi dọc con sông Seine thơ mộng, tôi cũng bắt gặp biết bao cặp đôi như chàng và nàng mà tôi kể trên!

Có thể bạn cho rằng, tôi đang sống ở Arizona, một bang khá là “bảo thủ” của Mỹ, nên người ta cũng “kín đáo” hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi lang thang ở San Diego hay Los Angles, thuộc bang California- một bang nổi tiếng là “điên rồ” của Mỹ, tôi cũng rất ít khi bắt gặp những cảnh tượng như trên. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi chưa từng bao giờ thấy người ta thể hiện tình cảm ở nơi công cộng, trên đất Mỹ. Nhưng tần suất tôi thấy ít hơn nhiều. Có lần tôi hỏi bạn đồng hành, vì sao ở Mỹ mọi người ít thể hiện yêu đương nơi công cộng thế, anh trả lời là “chắc là văn hoá ở đây như thế em ạ”.

Trên đây là một số cảm nhận vui của tôi về sự khác biệt giữa nước Mỹ và nước Anh. Tôi sẽ tiếp tục chủ đề này nếu quan sát được thêm điều gì thú vị! Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog của tôi, chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui!

(Còn nữa)

Thanh Mai

 

6 thoughts on “Nước Anh và nước Mỹ- khác nhau thế nào? (Phần 2)

  1. Em mới chỉ biết được sự khác biệt về bóng đá, 2 điểm còn lại chưa biết. Khá thú vị chị nhỉ?
    Chúc mừng đám cưới anh chị nhé ạ!!! Em không thấy có thông báo gì :))

  2. Hai bài viết của bạn rất hay. Mình được hiểu thêm về hai quốc gia này :). Tks bạn và mình tiếp tục mong chờ phần tiếp theo

Leave a Reply