Suy nghĩ về điều kiện và cơ hội!

Woman walking on the road with opportunity text

Chủ nhật tuần trước, vợ chồng tôi đi mua đồ ăn ở siêu thị châu Á Lee Lee Oriental Supermarket. Đây là siêu thị nằm ở phía Tây thành phố nơi chúng tôi đang sống, siêu thị do người Việt thành lập và quản lý, phần lớn nhân viên của siêu thị là người Việt. Một bác trai hơi đậm người, không cao lắm với khuôn mặt phúc hậu và giọng nói miền nam nhẹ nhàng giúp chúng tôi thanh toán giỏ hàng. Vì lâu không được giao tiếp với người Việt Nam, nên tôi háo hức kể cho bác về cuộc sống của mình ở Mỹ. Tôi kể với bác, tôi đang làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Arizona và tôi đã sống ở xứ sở xương rồng này được hơn một năm rồi. Khi tôi hỏi về con đường đến Mỹ của bác, bác tâm sự với tôi:

-Bác cũng mới qua đây được một năm thôi. Vẫn còn nhiều cái chưa quen với cuộc sống và văn hoá nơi đây, cháu ạ.
-Thế bác qua đây theo diện nào ạ, chắc các anh các chị nhà bác đang ở đây cả chứ ạ.

Thấy tôi hỏi thế, ánh mắt bác sáng lên. Bác tâm sự về con trai và con gái với giọng đầy tự hào:

-Ừ, hai đứa nhà bác đang sống và làm việc ở đây. Con trai thì đang làm nghiên cứu sinh ngành Khoa học Máy tính ở trường MIT (Massachusetts Institute of Technology) còn con gái thì là giáo sư ở trường Cornell. Hai trường đều là trường hàng đầu cả cháu ạ!

Tôi còn biết rằng “anh chị” nhà bác thực ra cũng chỉ tầm tuổi tôi thôi. Không hiểu sao sau khi nghe bác kể thế, tinh thần tôi xuống hẳn. Trên đường về, chồng hỏi tôi nói chuyện gì với bác, mà sao tự nhiên tôi im lặng thế. Tôi kể lại câu chuyện về con trai, con gái bác và không quên kết thúc bằng câu “EM NGHĨ, CÁC BẠN ẤY ĐƯỢC SINH RA TRONG MỘT GIA ĐÌNH CÓ ĐIỀU KIỆN NÊN TUY CÒN TRẺ MÀ ĐÃ TIẾN XA ĐƯỢC NHƯ THẾ?” Nhưng tận đáy lòng, tôi hiểu tôi chỉ đang tìm kiếm một lời ngụy biện cho sự thành công chậm chạp của mình mà thôi. Tôi chợt nhận ra, mỗi khi ta thấy ai đó đi được xa trong cuộc sống, ta có xu hướng gán cho họ ba chữ “có điều kiện”. Thậm chí ta còn không thể định nghĩa chính xác “có điều kiện” là gì? Nhưng lời giải thích đơn giản ấy, khiến ta cảm thấy thoải mái hơn, dễ chịu hơn bởi nó thầm thì vào tai ta rằng “ngươi không làm được như họ không phải vì ngươi kém cỏi, lười biếng, thiếu thông minh, mà là vì ngươi không có điều kiện như họ”.

Dạo này tôi nghĩ nhiều về điều kiện và cơ hội. Tôi từng nghĩ, điều kiện, cơ hội luôn mang hình thái của đồng tiền. Tôi từng nghĩ nếu ta được sinh ra trong một gia đình đủ đầy, dư dả về kinh tế, ta hiển nhiên có bước đệm rất tốt trong cuộc sống. Ví dụ, nếu sinh ra trong một gia đình có điều kiện, ta có thể được học ở những ngôi trường tốt nhất, có những giáo viên/gia sư tốt nhất, được định hướng và chỉ bảo từ nhỏ. Nếu có tiền, ta có thể đi du học từ sớm, mà không cần vất vả xin học bổng. Tôi luôn ước có cơ hội được đi du học từ thời Đại học khi tính cách và con người tôi đang định hình. Nếu được thế, có lẽ tôi đã không mất một thời gian dài loay hoay đi tìm chính mình. Nhưng dần dần, tôi nhận ra rằng, điều kiện và cơ hội có thể ở những dạng khó định hình hơn, không nhất thiết phải mang tên “tài chính”. Cơ hội có thể đến từ việc gặp được một người thầy, một người sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ ta trong cuộc sống; cơ hội có thể đến từ việc đọc được những cuốn sách phù hợp (Tôi là người tin vào sự ảnh hưởng của sách, một cuốn sách có thể không thay đổi ta, nhưng rất nhiều cuốn sách có thể); cơ hội có thể đến từ việc bố mẹ ta (mặc dù có thể không quá giàu có) đánh giá tầm quan trọng của giáo dục như thế nào.

Khi trưởng thành hơn, tôi cũng hiểu rằng, cơ hội và điều kiện không tự động “chuyển hoá” thành thành công; cơ hội và điều kiện cũng không phải là điều kiện tiên quyết quyết định một người có thể đi được bao xa trong cuộc sống. Đơn cử như một người sinh ra trong gia đình giàu có, chưa chắc đã ham học hỏi, chưa chắc đã có thành tựu gì trong cuộc sống. Hay như hai người cùng đọc một cuốn sách, nhưng một người được truyền cảm hứng sâu sắc dẫn đến thay đổi trong hành xử, người kia lại chỉ coi là trò “nhảm nhí”. Hay một người được bố mẹ đầu tư nhiều vào giáo dục, nhưng lúc nào cũng chây lì, lười biếng, chỉ biết sống dựa dẫm, ỉ lại. Dần tôi hiểu ra một điều: nhận ra rằng mình có cơ hội, điều kiện để làm bàn đạp trong cuộc sống, cũng là một loại “cơ hội”. Tôi gọi đó là cơ hội về nhận thức. Thế mới biết, những nhận xét ban đầu của tôi dành cho con trai, con gái bác thu ngân mà tôi gặp ở siêu thị Lee Lee thật nông cạn. Cuộc nói chuyện không đủ dài để tôi biết về điều kiện, cơ hội của gia đình bác, nhưng dù điều kiện ban đầu tốt đến đâu đi nữa, để tiến xa được như thế, hai bạn nhà bác chắc chắn phải nhận thức được cơ hội ấy. Và quan trọng hơn cả, các bạn đã biến điều kiện, và cơ hội thành thành công. Dù có điều kiện, nhưng họ chắc chắn phải nỗ lực và phấn đấu rất nhiều. Rõ ràng rồi, thành công ở một đất nước cạnh tranh như Mỹ không thể chỉ dựa vào tiềm năng ban đầu được.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, những ai có cơ hội và điều kiện ban đầu có khả năng thành công sớm hơn những người thiếu những yếu tố này. Mỗi khi đọc báo hoặc nghe kể về những bạn trẻ chỉ mới mười tám, hai mươi tuổi nhưng đã suy nghĩ sâu sắc, đã có nhiều trải nghiệm quốc tế, và được nhận vào các trường Đại học hàng đầu trên thế giới, thật lòng tôi cảm thấy rất vui. Nhiều người cho rằng, giới trẻ bây giờ không được như xưa, các bạn chỉ biết hưởng thụ, ỉ lại. Tôi thì cho rằng, các em ngày càng giỏi, dám nói dám làm, tư duy độc lập, nhìn các em mà có lúc tôi ghen tị lắm!! Tôi tự hỏi, vì sao bây giờ có rất nhiều các bạn trẻ xuất sắc như thế? Mặc dù tôi hoàn toàn tin rằng, tự thân các bạn rất thông minh, chăm chỉ và nỗ lực, tôi không thể phủ nhận rằng các bạn có những điều kiện, cơ hội ban đầu rất tốt. Và quan trọng hơn cả, các bạn nhận ra và tận dụng được những điều kiện ấy. Hãy tưởng tượng đến những bạn cũng mười tám, hai mươi đấy, cũng thông minh, sáng dạ như thế, nhưng không có điều kiện giáo dục tốt nhất, không có người hướng dẫn chỉ bảo, không được đọc những cuốn sách hay truyền cảm hứng, hay đơn giản là không nhận ra rằng mình có cơ hội, các bạn chắc chắn phải loay hoay rất lâu. Có thể phải mất vài năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa. Với sự cố gắng và nỗ lực, các bạn sẽ vẫn tiến xa trong cuộc sống, nhưng sẽ muộn hơn, có thể muộn hơn rất nhiều!

Vậy nếu ta thành công, giàu có, ta cũng đừng nhìn những người “kém cỏi” hơn ta và nói rằng “các người dậm chân tại chỗ là vì các người lười, lúc ta đang chăm chỉ làm việc, phấn đấu thì các người làm gì?”. Khi ta tiến được xa trong cuộc sống, ta rất dễ dàng cho rằng người khác đi chậm là vì bản thân họ kém cỏi, dốt nát, lười biếng. Nhưng ta đâu biết rằng, có thể ta có cơ hội và điều kiện hơn họ rất nhiều. Và hãy tự cảm thấy may mắn vì mình đã nhận thức được cơ hội ấy. Còn nếu ta mãi vẫn loay hoay một chỗ, cũng đừng nhìn những người đi được xa, và phán xét “cái A, cái B làm được như thế là vì nó có điều kiện mà thôi”. Sai, sai rồi, nếu A và B không nỗ lực, phấn đấu, không nhận thức được cơ hội mà họ có, không biến những cơ hội ấy thành hành động, họ cũng sẽ không thể đi được xa. Nếu ta không may mắn có được những điều kiện ban đầu, hãy tự đi tìm cơ hội cho mình. Đừng vin vào lý do “ta không có điều kiện” mà dễ dàng thoả hiệp với những hạn chế của bản thân. Ta có thể tiến được xa dù muộn. Nhưng muộn còn hơn không bao giờ nhấc chân lên đi phải không?

Quá trình loay hoay đi tìm kiếm bản thân mình, và trải nghiệm sống và học tập ở nước ngoài, đặc biệt những quan sát về cuộc sống của người thiểu số ở nước ngoài, đã giúp tôi nghiệm ra những điều này. Đầu tháng bảy, tôi và chồng đến thăm thành phố Atlanta, thuộc bang Georgia, một bang miền Nam nước Mỹ với hơn năm mươi phần trăm dân số là người Mỹ gốc Phi. Đi bộ qua khu vực người da màu sinh sống giúp tôi có cái nhìn mới về nước Mỹ. Tôi thấy rất nhiều người vô gia cư, tôi cũng thấy ở đó những bụi bẩn, nhếch nhác, luộm thuộm. Những cảnh tượng ấy khiến ta dễ dàng thốt lên“họ mãi nghèo là vì họ lười biếng, dốt nát, không có khả năng” (Thực tế, nhiều người da trắng có tư tưởng phân biệt chủng tộc là vì tư duy như thế). Dành cả buổi chiều tại bảo tàng Martin Luther King (King là một nhà hoạt động dân quyền cả đời đấu tranh cho người Mỹ gốc Phi, ông tin vào đấu tranh bằng phương pháp ôn hoà, phi bạo lực) đã giúp tôi phần nào tìm ra lời giải đáp. Đến tận đầu thập niên 1960, qua gần một trăm năm xóa bỏ chế độ nô lệ nhưng người Mỹ da đen vẫn bị phân biệt đối xử trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Họ chưa có được quyền bầu cử; họ bị tách biệt trên chính đất nước đang ngày càng phồn thịnh của mình (ví dụ, người đen không được ngồi cạnh người da trắng trên xe bus, không được dùng chung bồn rửa tay, không được đi cùng một cửa vào nhà hàng, người da đen không được học chung trường với người da trắng, vân vân). Sau khi các phong trào dân quyền do King và các lãnh tụ khác nổ ra, người Mỹ gốc Phi dần dần được đối xử bình đẳng tử tế hơn: họ có quyền bầu cử, họ có quyền sống và sinh hoạt như người da trắng. Tuy rằng, bây giờ người da đen ở xã hội Mỹ được đối xử công bằng hơn rất nhiều so với trước, nhưng họ vẫn chịu nhiều thiệt thòi hơn người da trắng. Từ quá trình lịch sử như thế, người Mỹ gốc Phi thiếu những điều kiện và cơ hội tốt về kinh tế, chính trị, giáo dục, có thể giúp họ thành công trong cuộc sống. Không thể phủ nhận, bây giờ có nhiều người da đen thành công trong xã hội Mỹ, nhưng trong khi người da trắng đã đi được rất xa thì người da đen mới có những bước đi đầu tiên. Trải nghiệm này đem đến cho tôi cái nhìn mới mẻ hơn về tầm quan trọng của điều kiện và cơ hội!

Suy nghĩ về cơ hội và điều kiện còn dạy cho tôi một bài học sâu sắc: ta hãy cảm thông với người ít điều kiện hơn ta, và trân trọng những cơ hội mà ta đang có! Và dù cơ hội của ta có “trù phú, phì nhiêu” đến mấy, ta vẫn cần đến sự cố gắng, nỗ lực, bền bỉ để những hạt cơ hội nảy mầm và nở hoa.

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi đến những dòng cuối cùng này! Chúc bạn một thứ hai thật nhiều niềm vui!

(Ảnh minh hoạ bài viết được download tại đây)

Thanh Mai

8 thoughts on “Suy nghĩ về điều kiện và cơ hội!

  1. Cứ như là bạn đi guốc trong bụng mình vậy, đã nói ra những suy nghĩ của mình nhưng với một góc nhìn tích cực và suy nghĩ sâu sắc hơn rất nhiều. Thanks! Chờ các post tiếp theo của bạn thứ hai hàng tuần 🙂

  2. Những suy nghĩ của chị rất sâu sắc, em cũng rất nhiều lần tự lấy 4 chữ “họ có điều kiện” kể làm lí do cho việc mình còn lười biếng, chưa nỗ lực, chưa cố gắng,chưa nhận thức được cơ hội của mình. Rất thích các bài viết của chị, thanks a lot!!!

  3. Em cũng hay bị bạn bè than vãn kiểu ghen tị “mày nhà có điều kiện”. Những lúc thế em chỉ cười ầm lên bảo, đúng rồi, tao nhà giàu đó! Trong lòng em cũng chẳng để tâm. Bao nhiêu năm đi học, ngoài tiền học thêm em chẳng xin gì của bố mẹ, em tự thi vào trường em muốn, chẳng xin xỏ ai bao giờ. Nhưng nhiều khi so với người khác cũng thấy mình kém thật. Kiểu mình chạy nhanh mà sao người ta còn chạy nhanh hơn :)) Thậm chí có bạn nhà nghèo giỏi hơn em, em đổ là bạn ấy thông minh, còn em chỉ được cái chăm. Giờ nghĩ lại buồn cười và ngớ ngẩn. Những suy nghĩ đó chỉ lắm chậm bước chân của em thôi. Em mong mình có thể thừa nhận mình yếu kém để giỏi hơn nữa, mà không phải ngụy biện để rồi phớt lờ đi

  4. Bài viết rất hay chị ạ. Em chỉ muốn góp ý là những bạn nhà có điều kiện có một thứ rất quan trọng mà người bình thường ko hoặc ít có, đó là sự lựa chọn. Các bạn ấy có back up tốt nên có nhiều sự lựa chọn hơn người bình thường. Các bạn ấy có thể theo đuổi cái mình thích, mình đam mê ngay từ khi còn trẻ, có thể kinh doanh, trải nghiệm nhiều ý tưởng mà không quá lo lắng về thất bại hay tài chính vì họ vẫn còn những lựa chọn khác. Những người bình thường thường chỉ có một hay rất ít lựa chọn, và phải đánh đổi một số cơ hội vì không có back up sau lưng. Anw một điều chắc chắn là người thành công hay giỏi giang…đều rất đáng khâm phục và học hỏi vì chẳng có thành công nào là dễ dàng cả.

Leave a Reply