Vì sao ta nên ngừng đưa ra những lời khuyên “vô duyên”?

EE4E5077-0D92-49E3-B142-5F42DE878E94

Sau khi chia sẻ một bài viết ngắn về những điểm cần lưu ý trong giao tiếp và ứng xử ở Mỹ trên trang facebook của blog (bạn có thể đọc tại đây), tôi nhận được nhiều phản hồi của các bạn về điểm số 10- ở Mỹ ta không nên đưa ra lời khuyên khi không được hỏi. Từ chia sẻ của các bạn, tôi nảy ra ý định viết một bài blog chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của tôi về vấn đề này. Bài viết tuần này sẽ tập trung trả lời câu hỏi “vì sao ta nên ngừng đưa ra những lời khuyên vô duyên?”

Trước hết ta cần định nghĩa thế nào là những lời khuyên “vô duyên”. Theo tôi, đó là những lời khuyên về cuộc sống riêng tư của người khác khi người được khuyên không có nhu cầu/yêu cầu nhận được lời khuyên. Dù những lời khuyên “vô duyên” được thể hiện dưới nhiều “hình thức” khác nhau (như lời khuyên về vẻ ngoài, cách ăn uống, sinh hoạt, cách nuôi dạy con cái, cách sống, vân vân), chúng có chung hai đặc điểm: không mang tính xây dựng, và soi mói vào cuộc sống riêng tư của người khác. Một lần, tôi suýt đánh rơi cốc nước đang cầm trên tay, khi đọc được lời nhận xét thế này về bức ảnh một người bạn của tôi chia sẻ trên facebook: “bạn không nên mặc màu này vì da bạn không sáng”, “bạn nên đi tập thể dục đi cho …chân đỡ bị to”, “bạn nên để tóc kiểu này cho mặt đỡ to/đỡ nhỏ”. Thỉnh thoảng tôi còn thấy người ta “dạy dỗ” nhau trên facebook nữa cơ. Bạn tôi đăng ảnh con lên facebook, và y rằng sẽ có một vài nhận xét thế này “ôi, sao lại nuôi con thế này, sao để nó gầy thế/béo thế”. Không chỉ trên thế giới ảo, bước ra cuộc sống “thực” ta cũng không ít lần chạm trán những kẻ vô duyên. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng bị một người bạn, người quen không mấy thân thiết đưa ra lời khuyên khi tình cờ gặp trên phố. Kiểu như cứ nhìn thấy ta, câu cửa miệng của họ là “dạy” ta “Đến tuổi này rồi nên lấy chồng/sinh con đi bạn à, học hành làm gì nữa?”, “bạn nên giảm cân/tăng cân đi”. Họ chuyên đi reo rắc những lời khuyên như thể đó là sứ mệnh cuộc đời họ vậy. Lời khuyên vô duyên nhất mà tôi từng nhận được là từ một người bạn nam không quá thân thiết. Khi biết tôi chuẩn bị sang Mỹ học PhD, bạn khuyên tôi nên suy nghĩ kỹ về việc đi học, và rằng tôi nên cân nhắc chuyện lấy chồng và sinh con. Lúc ấy tôi thầm nghĩ “bạn biết gì về tôi mà khuyên răn tôi như thế?”

Tại sao ta nên ngừng đưa ra những lời khuyên “vô duyên”?

Thứ nhất, đưa ra lời khuyên “vô duyên” thể hiện ta không nhạy cảm với cảm xúc của người khác.

Một lần tôi đọc được một bài báo của một tác giả có cùng quan điểm với tôi về vấn đề này. Tôi vô cùng kinh ngạc khi có nhiều comment rất gay gắt: “đúng là bị nhiễm phương Tây mới thế”, “văn hoá người Việt mình như thế sao phải thay đổi”, “Tây hoá mất gốc”. Tôi tự hỏi “văn hoá người Việt là hay tọc mạch chuyện riêng tư của người khác sao?” Đọc thêm nhiều comment nữa, tôi mới tá hoả. À thì ra, ở đây mọi người đánh đồng văn hoá với “Sự quan tâm”. Để bào chữa cho sự “duyên dáng” của mình, nhiều người ngụy biện rằng “vì tôi quan tâm đến bạn, nên tôi mới muốn khuyên bảo bạn, vì tôi quan tâm đến bạn nên tôi muốn bạn có một cuộc sống tốt hơn”. (Mặc dù, những người muốn tốt cho ta thậm chí còn …không biết gì về cuộc sống, quan điểm, suy nghĩ của ta). Tôi thì không cho đấy là sự quan tâm bởi nếu ta thật sự quan tâm đến một người, ta sẽ quan tâm trước hết đến CẢM XÚC của người đó. Nếu ta thật tâm quan tâm đến một ai đó, ta sẽ tự hỏi “mình có nên khuyên cô ấy/anh ấy lấy chồng/lấy vợ, sinh con, thay đổi cách ăn mặc, thay đổi cách sống không nhỉ” bởi biết đâu lời khuyên của ta sẽ chạm vào nỗi đau, điều khó nói của họ. Biết đâu, họ vừa mới trải qua một cuộc tình đau buồn, biết đâu họ gặp khó khăn trong tình yêu/chuyện sinh con đẻ cái, biết đâu họ vừa mất một công việc tốt. Vì ta có một tình yêu tuyệt đẹp, những đứa con xinh xắn, một công việc tốt nhiều tiền, không có nghĩa người khác cũng được may mắn như ta. Lời khuyên của ta lại cứa sâu thêm nỗi đau của người khác thì sao? Lại nữa, nhận xét rồi khuyên bảo người khác về ngoại hình là rất vô duyên. Hình thức là thứ không dễ thay đổi, có phải cứ nhận được lời khuyên thì người khác thay đổi được đâu. Càng khuyên chỉ khiến người ta thêm tổn thương mà thôi. Nếu ta quan tâm đến ai đó ta sẽ cho họ sự tự do và quyền quyết định có chia sẻ cuộc sống riêng tư với ta hay không. Vì thế, tôi tin rằng chỉ trừ người khác xin ta lời khuyên, ta không nên vô tư “dạy dỗ” người khác.

Thứ hai, đưa ra những lời khuyên “vô duyên” chứng tỏ ta không tôn trọng quyết định, lựa chọn và cuộc sống của người khác.

Viết đến những dòng này, tôi chợt cảm thấy xấu hổ khi nghĩ đến những ngày còn trẻ. Tôi từng là người đưa ra lời khuyên nhiệt tình nhất, háo hức nhất. Thậm chí, khi gặp lại một người bạn lâu ngày không trò chuyện tôi sẽ sốt sắng: “cậu nên để kiểu tóc mới đi, tóc dài/ngắn sẽ hợp hơn đấy”, “cậu nên mặc màu xanh/màu đỏ đi”, “cậu nên yêu đương đi vì yêu cũng thú vị lắm”. Ấy là những ngày tôi tin rằng chỉ có một kiểu tóc, một kiểu thời trang, một cách sống duy nhất đúng. Nhưng khi trưởng thành hơn, khi từ bỏ vùng an toàn của mình và đặt chân ra thế giới, tôi học được một bài học quý giá-bài học đã thay đổi cách suy nghĩ của tôi mãi mãi. Đó là: cuộc sống rất đa dạng, không có một tiêu chuẩn chung cho cái đẹp, niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau. Vì vậy, mỗi cá nhân (dù thuộc cùng một nền văn hoá) vẫn là một cá thể riêng biệt có suy nghĩ, giáo dục, tính cách, và thậm chí phông nền văn hoá khác nhau. Mỗi cá nhân được quyền lựa chọn cách sống sao cho phù hợp với hạnh phúc của họ. Lựa chọn và cuộc sống cá nhân của mỗi người cần được tôn trọng. Không ai trong chúng ta có quyền đánh giá và đưa ra lời khuyên cách sống cho người khác. Vì thế, những lời khuyên “vô duyên” trở nên càng vô duyên hơn bởi nó chứng tỏ ta không hề tôn trọng người khác.

Thứ ba, đưa ra lời khuyên “vô duyên” chỉ nhằm tôn lên cái tôi của ta mà thôi

Ẩn đằng sau nguỵ biện “vì tôi quan tâm đến bạn nên tôi mới cho bạn lời khuyên, với hi vọng bạn sẽ có một lựa chọn/quyết định tốt hơn” là hàm ý “hãy làm/sống như cách của tôi bởi cách của tôi là tốt nhất”. Điều đó cũng có nghĩa là ta lấy ta làm tiêu chuẩn để người khác noi theo. Tôi cho đó là lối suy nghĩ “suy bụng ta ra bụng người”. Một người đưa ra lựa chọn, quyết định trong cuộc sống dựa vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm trong quá khứ, môi trường giáo dục gia đình và xã hội, quan điểm sống, vân vân. Nếu ta khuyên người khác hãy sống như cách của mình nghĩa là ta cho rằng những yếu tố nền tảng đó cuả họ giống hệt ta. Nhưng ta quên mất rằng, nền tảng của mỗi người không bao giờ có thể đồng nhất hoàn toàn!

Ngược lại, tôi cũng cho rằng những người chuyên đi reo rắc lời khuyên “vô duyên” cũng rất cần được thông cảm bởi có thể họ không tự tin vào cách sống và lựa chọn của mình. Họ cần đi tìm sự công nhận về giá trị bản thân nơi người khác. Vì không tự tin, nên họ phải đi tìm “đồng minh”. Thêm được một “đồng minh” là bớt đi trong họ sự hoài nghi về lựa chọn và cách sống của mình!

Vậy làm sao để đối phó với những chuyên gia chuyên đi phân phát lời khuyên “vô duyên”. Tôi cũng không biết câu trả lời nữa….Tôi vừa nhận ra một điều rằng, dù bạn có đối phó bằng cách nào-gắt gỏng bảo kẻ đó đừng dạy đời mình, hay nhã nhặn từ chối nhận lời khuyên, hay từ tốn giải thích rằng bạn đang có nhiều kế hoạch khác, những chuyên gia đó sẽ không bao giờ thay đổi cách nghĩ về bạn hay về lựa chọn cuộc sống của bạn. Một người chỉ thay đổi khi họ nhận ra cần phải thay đổi thông qua những trải nghiệm cá nhân hoặc một sự kiện gì đó tự bản thân họ được khai sáng. Khi hiểu được điều ấy, tôi đã chọn cách nhã nhặn cảm ơn và TẬP TRUNG HOÀN TOÀN VÀO VIỆC CỦA MÌNH. Khi ta biết điều gì khiến ta cảm thấy vui và hạnh phúc, khi ta luôn có những kế hoạch và mục đích trong cuộc sống, thì ai khuyên gì thì kệ họ thôi. Ta cứ cảm ơn, rồi.. phớt lờ lời khuyên đó và tập trung vào cuộc sống của riêng mình!

Tất nhiên, có những người khuyên bảo ta vì họ thật sự yêu thương và quan tâm đến ta như cha mẹ, anh chị em hay bạn bè thân. Với người thân, rất khó để ta …phớt lờ lời khuyên. Nếu lời khuyên của người thân phù hợp với mong muốn của ta, nhưng vì lý do nào đó ta chưa thực hiện được như kỳ vọng của họ, ta có thể nói “đó cũng là mong muốn của con/em/tớ nhưng vì lý do này, và con/em/tớ cũng đang cố gắng để thực hiện điều đó”. Nếu lời khuyên của người ta yêu thương không phù hợp với ta, ta cũng cần chia thẳng thắn điều gì thật sự làm ta hạnh phúc. Cá nhân tôi cho rằng, ta không nên đánh đối hạnh phúc của bản thân để làm hài lòng người khác, bởi nếu cả đời ta sống trong hối tiếc, bất hạnh thì ta gián tiếp làm người thân của ta không hạnh phúc. Tôi luôn tin rằng, món quà tuyệt vời nhất dành tặng cho người ta thương yêu là đứng thật vững trên đôi chân của mình và sống một cuộc sống thật hạnh phúc, đủ đầy!

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui!

Thanh Mai

8 thoughts on “Vì sao ta nên ngừng đưa ra những lời khuyên “vô duyên”?

  1. Cháu là nhà triết học thông minh mà! Bác chỉ nói chuyện về thể thao và thời tiết.

  2. Em nghĩ các bài viết của chị rất hay, nhưng khá trừu tượng với một bộ phận lớn người đọc vì sự khác biệt về nền giáo dục chị được hưởng. Ở việt nam giờ họ dùng mạng vô ý thức lắm. Có khi họ khuyên bảo mình nhưng mục đích là để khoe mẽ, tỏ ra ưu việt hơn so với người khác thôi. Nên mình đừng để tâm nhiều chị ạ

    1. Cảm ơn em đã đọc bài viết và để lại chia sẻ. Chị không bị ảnh hưởng nhiều bởi những gì họ nó. Chắc do chị làm nghiên cứu, nên chị hay để ý những xu hướng hành vi trong xã hội, và muốn giải thích tại sao mọi người lại cư xử như vậy. 🙂 Chúc em một ngày vui!

      1. Ai cũng có bệnh nghề nghiệp mà ^^ nhưng có khi đơn giản thôi cũng tốt chị ạ. Như em nhiều khi ghét tính ăn thua, hay ghen tị của mình lắm. Nhưng chấp nhận vì đó là con người mình. Không đi quá giới hạn là được. Con người không ghen tị thì khó giỏi hơn lắm

Leave a Reply