Khi làm khoa học giúp tôi nhận ra tôi không biết gì cả!

IMG_0511

Nhân một ngày gió mát, tôi và Susan rủ nhau đi uống trà sữa rồi đi dạo quanh sân trường. Susan lúc nào cũng khiến người nghe cảm thấy thoái mái bởi cách nói chuyện dí dỏm, nhẹ nhàng, thông minh luôn lắng nghe người đối diện. Trong mắt tôi và nhiều bạn cùng văn phòng, Susan luôn là một trong những nghiên cứu sinh khá nhất, giỏi giang nhất.

-Susan, cậu sắp ra trường rồi. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của cậu suốt chặng đường “học” làm nghiên cứu là gì?

-Cậu biết không, suốt những năm qua, tớ luôn nghĩ mình không đủ thông minh, không đủ giỏi. Hồi mới bắt đầu PhD, tớ cứ nghĩ càng học, kiến thức càng nhiều, tớ sẽ thấy mình thông minh, giỏi giang hơn. Nhưng dần tớ hiểu rằng, “cảm thấy mình dốt” có lẽ là một phần không thể thiếu để trở thành một nhà khoa học!

Vừa nói, cô vừa hất những lọn tóc vàng đang chơi đùa trên vai cô ra phía sau và đẩy cặp kính cận đang bướng bỉnh ngồi chễm chệ trên chiếc mũi cao thẳng về đúng vị trí của nó. Thế rồi, cô quay sang nhìn tôi và nở một nụ cười thật kỳ lạ- nụ cười không thể hiện sự vui sướng, nhưng cũng không có dáng dấp của nỗi đau buồn. Có lẽ đó là nụ cười của sự chấp nhận- chấp nhận rằng cảm thấy bản thân không bao giờ đủ là một trải nghiệm đáng nhớ của con đường làm khoa học!

Câu nói của Susan khiến tôi vô cùng bất ngờ. Tôi luôn coi cô là một trong những người thông minh nhất mà tôi từng gặp. Việc cô luôn nhận được sự khen ngợi từ các giáo sư và việc cô nhận được một công việc vô cùng tốt khi còn chưa bảo vệ luận án là minh chứng cho trí thông minh và năng lực của cô. Ấy thế mà cô luôn nghĩ mình không đủ giỏi, biết không đủ nhiều. Có lẽ càng làm khoa học, ta càng nhận ra mình “kém cỏi”.

Bạn biết không, trong suốt hơn một năm học PhD ở Mỹ, rất nhiều lần tôi bị bủa vây bởi những câu hỏi vọng ra từ tâm trí mình “Mai, mày có đủ giỏi/đủ thông minh để làm nghiên cứu khoa học không?” Cảm giác mình không biết đủ nhiều, không đủ nhanh nhạy, không đủ thông minh luôn thường trực trong tôi. Tôi chợt nhận ra, làm khoa học, làm nghiên cứu là đặt chân vào một con đường ngập tràn sự bấp bênh (uncertainties) và những điều mình không biết (unknown). Ngay cả khi ta có một câu hỏi nghiên cứu rất hay, ta nghĩ ra một luận điểm (argument) hợp lý và logic, ta vẫn không biết được điều gì đang đợi ta phía trước. Có thể số liệu mà ta có phản bội lại lý thuyết của ta? Có thể câu hỏi nghiên cứu của ta không quan trọng như ta nghĩ? Có thể ta thấy ý tưởng của ta logic đấy, nhưng giáo sư của ta sẽ chỉ ra đầy lỗi trong suy luận của ta.

Và một cảm giác rất khó chịu luôn đeo bám ta, đó là: ta không bao giờ cảm thấy kiến thức ta biết là đủ. Đọc bao nhiêu sách/báo thì ta sẽ thật biết về lĩnh vực này? Học đến bao giờ thì ta sẽ biết tuốt mọi thứ cần biết. Sẽ không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Ngày xưa khi học đại học, ta chỉ cần học cẩn thận một , hai cuốn sách thầy cô giao, rồi thể nào ta cũng tìm ra câu trả lời đúng, và dành được điểm cao. Nhưng khi đã bắt đầu học làm nghiên cứu, khi ta phải tự tìm ra câu hỏi nghiên cứu, tự thiết kế và phân tích nghiên cứu của ta, đúng và sai không rành mạch như thế. Đọc bao nhiêu để tự làm được nghiên cứu của mình cũng không dễ định lượng như thế.

Kỳ trước, tôi viết một bài term paper (bài viết của kỳ) về tham nhũng và bầu cử ở cấp địa phương. Tôi loay hoay không biết mô hình mình đưa ra có đủ “khoa học” hay không? Tôi vác sách lên hỏi thầy dạy phương pháp nghiên cứu của mình. Thầy gợi ý cho tôi rất nhiều, nhưng khi nói về vấn đề của bộ số liệu và vấn đề trong mô hình của tôi, thầy nói “Tôi cũng không biết, tôi chưa nghĩ ra giải pháp nào có thể hoàn toàn giải quyết được vấn đề này?” Tôi đã nghĩ, thầy nhiều kinh nghiệm thế mà còn không biết, thì làm sao tôi biết được?

Nhưng rồi tôi hiểu ra, đó là nghiên cứu của tôi, và tôi phải dựa vào chính mình để giải quyết vấn đề. Thầy chỉ là người gợi ý, chứ không phải là người giúp tôi làm tất cả mọi thứ. Thế rồi, tôi dành cả tuần tập trung cho bài cuối kỳ ấy, và thử các mô hình khác nhau. Tôi tự học được cách giải quyết vấn đề của mình. Khi lao mình vào đề tài ấy, tôi nhận ra, những gì tôi không biết là cả một đại dương rộng lớn. Làm khoa học, tôi sẽ luôn phải đối mặt với những điều tôi không biết, và tôi sẽ không bao giờ biết hết được những điều tôi cần biết. Những điều tôi không biết sẽ nhiều hơn hàng ngày, bất chấp tôi có học thêm bao nhiêu mỗi ngày đi nữa. Giây phút hiểu ra điều ấy tựa như tôi đã tìm ra “mặt trời chân lý” vậy. Và tự do cũng bắt đầu tìm đến tôi từ phút giây ấy- phút giây tôi làm bạn với cảm giác “tôi không bao giờ biết đủ nhiều”.

Tôi thấy tự do bởi từ nay tôi cho phép mình được mắc sai lầm, tôi cho phép được “liều lĩnh” theo đuổi những ý tưởng mà tôi sợ người khác sẽ thấy buồn cười, tôi cho phép mình được nói “tôi không biết”, tôi cho phép mình bớt hà khắc với bản thân, bớt trách móc bản thân khi tôi không làm được một điều gì đó. Và vì làm nghiên cứu là chấp nhận bước vào một hành trình toàn những điều ta không biết, nên cách tốt nhất để có một chuyến đi thú vị và đáng nhớ là cố gắng, là không ngừng học hỏi mỗi ngày.

Điều tuyệt vời nhất mà tôi học được từ ngày bắt đầu học làm khoa học là khoa học cho phép tôi đi lang thang, thơ thẩn giữa một rừng ý tường, có lúc bước chân của tôi đi đúng hướng, có lúc tôi lại lạc vào một khoảng tối vô định. Nhưng sau mỗi lần bước ra khoảng tối ấy, tôi lại học được vô vàn những bài học giá trị. Và tôi có thể tự tin nói rằng, học làm khoc học giúp tôi trưởng thành lên mỗi ngày!

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai thật nhiều niềm vui!

Thanh Mai

2 thoughts on “Khi làm khoa học giúp tôi nhận ra tôi không biết gì cả!

Leave a Reply