Xả rác bừa bãi có phải do bản chất văn hoá cộng đồng người Việt kém?

IMG_0723.jpg

Nhân dịp ngày lễ Lao Động của Hoa Kỳ (được tổ chức vào thứ hai đầu tiên của tháng chín hàng năm), tôi đến thăm đảo Bainbridge, một hòn đảo nhỏ nằm cách thành phố Seattle, bang Washington khoảng bốn năm phút đi phà. Vì đó là ngày lễ lớn, nên hòn đảo nhỏ bé, xanh biếc ấy mời gọi hàng trăm khách du lịch từ khắp mọi miền nước Mỹ đến cắm trại, tổ chức tiệc picnic và đi rừng. Điều khiến tôi vô cùng ấn tượng là sau hai ngày lễ tiếp đón hàng trăm người, hòn đảo vẫn giữ nguyên được vẻ xanh biếc, sạch sẽ, tươi mát. Bạn rất khó có thể tìm được một cọng rác nào lạc lối trên đường phố.

Đang thưởng thức vẻ mát lành của Bainbridge, tôi tình cờ đọc được các bài báo về dịp Quốc Khánh ở Việt Nam. Các điểm du lịch từ bắc chí nam ngập ngụa trong rác, sức lao động của nhân viên quét rác không sao theo kịp vận tốc xả rác của khách du lịch. Nhiều bạn đọc bình luận “văn hoá người Việt mình kém quá”, “làm sao thay đổi được văn hoá xả rác bừa bãi của người Việt đây”, “thật đáng xấu hổ vì văn hoá Việt”. Những bình luận ấy khiến tôi tự hỏi: “Tại sao thái độ đối với vấn đề xả rác nơi công cộng của người Việt và người Mỹ lại khác nhau đến vậy?”; “Liệu có phải vì văn hoá người Việt mình “lùn” hơn, nên ý thức thái độ của người dân kém hơn?”

Trong khoa học chính trị ở Mỹ, có hai trường phái không mấy ưa nhau. Một phe là văn hoá học (culturalist). Phe kia là thể chế học (institutionalist). Những người tin vào văn hoá cho rằng hành vi, thái độ, quan điểm, niềm tin của người dân đối với hệ thống chính trị, và các vấn đề xã hội xuất phát từ đặc điểm văn hoá có từ hàng nghìn đời của dân tộc ấy. Trái lại, những người ở phe thể chế phản bác rằng, chính thể chế chính trị cùng các điều luật, chính sách, quy địnhđãhình thành nên quy tắc và chuẩn mực ứng xử trong xã hội. Khi các quy tắc và chuẩn mực ấy bám rễ sâu vào xã hội, chúng dần trở thành một phần văn hoá. Có lẽ các nhà văn hoá học sẽ giải thích rằng “người Việt Nam xả rác bừa bãi là do văn hoá cộng đồng hàng ngàn năm của người Việt rất kém”. Còn các nhà thể chế học sẽ phản kháng “không đúng, bản chất văn hoá cộng đồng của người Việt không hề “lùn” hơn các dân tộc khác. Chỉ là do hệ thống luật pháp của Việt Nam không đủ mạnh để trừng phạt hành vi xấu”

Tôi tin vào cách giải thích thứ hai. Tôi tin rằng, thể chế chính trị có khả năng định hình văn hoá. Tấtnhiên không như nhiều đồng nghiệp của tôi ở chương trình nghiên cứu sinh, tôi không đứng hoàn toàn về phe nào cả. Tôi cho rằng văn hoá và thể chế có mối quan hệ qua lại chặt chẽ lẫn nhau, đôi khi không phân biệt được rạch ròi đâu là “qủa trứng”, đâu là “con gà”.

Trong cuốn sách “Sự tiến hoá của người Nhật- Xã hội và Tâm Lý” xuất bản năm 1903, Sidney Gulick miêu tả người Nhật như một giống loài lười biếng, dễ tính, thiếu lý trí, và bàng quan với tương lai. Lúc ấy, người phương Tây đến Nhật, ai nấy đều thốt lên “một dân tộc vừa lười biếng, vừa thiếu lý trí thế này làm sao mà phát triển được?” Ấy thế nhưng, theo thời gian người ta dần quên mất nhưng đặc điểm văn hoá xấu của người Nhật. Giờ đây, Nhật được coi là một trong những dân tộc chăm chỉ, đáng tin, và nghiêm túc trong công việc nhất thế giới. Nếu ta coi những đặc điểm xấu mà người phương Tây từng gắn cho người Nhật là nét văn hoá tiêu biểu hàng ngàn năm, thì tại sao nét văn hoá ấy lại thay đổi chỉ trong vòng một thế kỷ? Ha-Joon Chang, nhà kinh tế phát triển tại Đại học Cambridge đã chỉ ra rằng, trước đây thể chế chính trị Nhật còn yếu, không xây dựng được chính sách kinh tế mạnh tạo công ăn việc làm cho người dân. Khi người dân không có việc gì để làm, họ trông có vẻ như là lười biếng. Những phẩm chất xấu mà ta gắn cho một dân tộc như “lười biếng, thiếu ý thức, thiếu tin tưởng, thiếu ý thức cộng đồng” là sản phẩm của một thể chế yếu không thi hành được các điều luật chính sách đề ra. Một dân tộc có ý thức hơn, chăm chỉ hơn, đáng tin hơn không phải dân tộc ấy có nền văn hoá siêu phàm được thừa hưởng từ thế hệ này qua thế hệ khác, mà do họ xây dựng được thể chế chính trị đủ mạnh để trừng phạt hành vi xấu, và khuyến khích hành vi tích cực.

Nhiều người Mỹ đã quên mất quá khứ phân biệt chủng tộc oai hùng của mình, một quá khứ cách đây mới khoảng hơn sáu mươi năm. Trước những năm 1960s, người Mỹ gốc Phi phải chịu rất nhiều cay đắng trên chính quê hương mình. Họ không được bầu cử. Họ không được học cùng trường với người da trắng. Họ không được dùng chung bồn rửa mặt, nhà vệ sinh công cộng, bể bơi với người da trắng. Họ không được ở khách sạn của người da trắng. Họ không được đi chung xe bus với người da trắng. Họ không được làm những công việc chuyên môn kỹ thuật cao như người da trắng bất kể họ có giỏi giang đến đâu. Sau khi phong trào đấu tranh dân quyền đòi bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi nổ ra trên khắp nước Mỹ, chính quyền Mỹ đã thông qua bộ luật cấm phân biệt chủng tộc. Những ngày đầu, khi luật được thông qua, nhiều người Mỹ da trắng ấm ức phản đối vì phải chia sẻ các dịch vụ công và thị trường việc làm với người da đen. Nhưng khi luật được thực thi trong một thời gian dài, thái độ, hành vi của người da trắng đối với người Mỹ gốc Phi đã thay đổi. Đến nay, ít ai còn nhớ đến những ngày xưa ấy. Tất nhiên, người Mỹ gốc Phi vẫn chưa thể bình đẳng như người da trắng, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng cuộc sống và vị trí của người da đen trong xã hội Mỹ đã khác rất nhiều so với hơn nửa thế kỷ trước. Một phần văn hoá Mỹ đã thay đổi vì bộ luật đó.

Vậy, có phải người Việt ta xả rác bừa bãi, không quý trọng môi trường là do “bản chất, văn hoá người Việt thiếu ý thức cộng đồng?” Tôi tin người Việt không phải như thế. Tôi tin rằng, chỉ có cơ chế luật chặt chẽ với chế tài xử phạt thật nghiêm đối với những hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng, kết hợp với việc lắp đặt nhiều thùng rác ở các địa điểm du lịch, vui chơi, mới có thể thay đổi được hành vi của người dân. Ban đầu, những người có thói quen xả rác bừa bãi sẽ cảm thấy bị ép buộc vào khuôn khổ. Nhưng nếu chế tài xử phạt được thực hiện trong một thời gian dài, thói quen mới sẽ dần thay thế cho sự ép buộc ban đầu. Một, hai thế hệ qua đi, thói quen xả rác đúng nơi quy định sẽ bám rễ sâu vào văn hoá Việt. Tôi tin rằng những khẩu hiệu mang tính biểu tượng như “hãy nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đừng xả rác bừa bãi nữa” không bao giờ hiệu quả. Dùng khẩu hiệu để răn đe đồng nghĩa với việc ta mong muốn những người thiếu ý thức tự động thay đổi hành vi. Ta muốn họ bỗng một ngày ngủ dậy và nghĩ “thôi, từ hôm nay ta sẽ hình thành một thói quen mới, ta sẽ không xả rác bừa bãi nữa bởi đó không phải là một hành vi đúng đắn”. Đây là điều khó xảy ra, bởi khi hành vi xả rác được coi là bình thường trong xã hội, người xả rác không chịu bất cứ áp lực nào từ xã hội và luật pháp (họ không thấy xấu hổ vì hành vi này trước đồng loại của mình, họ không mất một chút tài chính hay danh dự gì vì hành vi này). Tôi tin rằng, nếu ta có thể sử dụng luật pháp để khuyến khích thói quen hành vi xả rác đúng chỗ, chỉ một hai thế hệ nữa thôi, biết đâu người Việt cũng như khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sẽ quên mất rằng có lúc họ đã nghĩ văn hoá cộng đồng của chúng ta thật “lùn”.

Cảm ơn bạn đã đọc những chia sẻ của tôi đến dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai thật nhiều niềm vui!

Thanh Mai

 

4 thoughts on “Xả rác bừa bãi có phải do bản chất văn hoá cộng đồng người Việt kém?

  1. Có references nào đề cập đến ảnh hưởng của 2 trường phái culturalist và institutionalist đến hành vi kinh tế không chị? Hay chỉ giới hạn các hành vi xã hội thôi ạ?

    1. Chị không đọc nhiều về hành vi kinh tế, mà đọc nhiều về hành vi chính trị. Những bài các giáo sư giao về kinh tế, đa phần là liên quan đến ảnh hưởng của thể chế đối với kinh tế. Hôm qua chị vừa đọc một bài giải thích thành công của nền kinh tế Đan Mạch. Các scholar cho rằng có hai loại capitalist có thể thành công được là kiểu thuần Liberal market economy như Mỹ hoặc thuần Coordinated market economy như Đức, Thuỵ Điển. Còn loại làng nhàng ở giữa thì thường không thành công. Tác giả phản biện là Đan Mạch kết hợp cả hai kiểu economy và rất thành công.

      1. Vâng. Em mới đọc 1 bài 1 gs khá nổi tiếng mới đề xuất ý tưởng là cultural evoluation shapes economic beliefs, tình cờ đọc bài chị thấy có đề cập đến vai trò của institutions nên tò mò. Có vẻ như có nhiều bài viết về ảnh hưởng của những trường phái này đối với kinh tế vĩ mô và tư tưởng kinh tế, chứ chưa đề cập vai trò của nó trong vi ở mức độ cá nhân.

        1. Uh, nghe hấp dẫn thế. Nếu em quan tâm, thì có thể đọc sách của Hajooon Chang. Ông cho rằng, văn hoá không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế mà ngược lại sự phát triển kinh tế mới ảnh hưởng đến kinh tế.

Leave a Reply