Thế nào là một người cá tính?

IMG_0602

Một bạn đọc blog chia sẻ với tôi rằng, em luôn cảm thấy bản thân là một người nhạt nhẽo, hiền lành, không có gì nổi trội. “Em muốn trở thành một người có cá tính”. Em nhắn cho tôi như vậy, và không quên gửi kèm một icon mặt buồn. Tôi mới hỏi lại em “thế em định nghĩa thế nào là cá tính?”. Em trả lời rằng, một cô gái có cá tính là một cô gái ăn mặc khác biệt, có thần thái ngông nghênh, kiêu kỳ. Tôi mới hỏi em “thế em muốn trở thành người có cá tính vì mục đích gì?”. Em nói rằng, là một người có cá tính em có thể trở thành trung tâm những cuộc vui, em sẽ được người khác chú ý và săn đón. Và như thế, em sẽ có được cuộc sống thú vị và hấp dẫn.

Có lẽ em không phải là người đầu tiên định nghĩa như vậy về sự cá tính. Ngày trước tôi cũng hay phân loại tính cách bạn bè mình thành hai dạng giản đơn: cá tính và không cá tính. Nếu bạn tôi nói với tôi “cái đứa đấy cá tính lắm”. Không cần bạn tôi giải thích gì thêm, tôi cũng có thể vẽ lên trong đầu mình hình ảnh trọn vẹn về “cái đứa đấy”. Ngông ngênh. Ăn mặc khác biệt. Luôn bảo vệ quan điểm cá nhân. Còn nếu ai đó nói “nó chẳng có cá tính gì cả”. Thể nào tôi cũng mường tượng đến một cô gái nhu mì, hiền lành, ít nói.  Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra quan điểm ấy của tôi thật nông cạn và hời hợt, bởi tôi chỉ đánh giá sự cá tính hay hiền lành dựa trên vẻ bề ngoài. Có thật sự cá tính là phải trông thật khác người, còn hiền lành, nhẹ nhàng thì không được coi là cá tính? Không, tôi không cho là như vậy. Vì sao?

Thứ nhất, tôi dần học được rằng, một người có cá tính là một người khônbao giờ phải gồng mình trở thành một người không phải là bản thân mìnhTôi quan niệm rằng, nếu một cô gái hiền lành, nhu mì và sống đúng với bản thân mình, đó là sự cá tính. Nếu cô gái ấy thay đổi chỉ vì muốn trở nên khác người, chỉ để được mọi người chú ý, cô ấy đã tự đánh mất đi sự cá tính. Nếu một người có đầy đủ những đặc điểm của một người cá tính như ta vẫn hay định nghĩa (khác biệt, mạnh mẽ, ngông nghênh), và đó thật sự là bản chất thật của người ấy, đó là sự cá tính. Nếu người đó chỉ cố gồng mình để trở nên cá tính, đó không phải là sự cá tính thật sự. Vì sao? Vì sẽ luôn có khoảng cách giữa con người thật của người ấy và những gì người ấy cố tỏ ra ngoài.

Xã hội Mỹ ngợi ca những người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, có quan điểm cá nhân riêng.  Tuy nhiên, chính những kỳ vọng ấy khiến nhiều phụ nữ luôn phải gồng mình trở thành hình ảnh mà xã hội mong đợi. Họ cố gắng ăn nói, đi đứng, thể hiện quan điểm sao cho thật cá tính. Tôi quen một cô bạn nhìn bề ngoài rất mạnh mẽ và độc lập. Nhiều lúc tôi ước “giá mà mình được như cô ấy. Cách ăn nói, đi đứng, đưa ý kiến cá nhân của cô ấy toát lên một thần thái thật đáng ngưỡng mộ”. Nhưng tôi vô cùng bất ngờ, khi chứng kiến cách cô giải quyết một sự việc tưởng  chừng rất đơn giản. Hôm ấy, một sinh viên của lớp học cô đang làm trợ giảng đến văn phòng chúng tôi than phiền về điểm (sinh viên ấy nói năng rất lịch sự, nhã nhặn và không hề có ý xúc phạm cô ấy). Thật bất ngờ, cô ấy không kiềm chế được cảm xúc, và bật khóc nức nở. Rồi cô ấy than phiền không ngừng về những khó khăn mà mình gặp phải khi làm trợ lý cho lớp học đó. Bất chợt, tôi cảm thấy một khoảng cách lớn giữa những gì cô ấy cố tỏ ra bên ngoài và con người thật của cô. (Đừng hiểu nhầm ý tôi, chúng tôi ai ai cũng thông cảm cho cảm xúc và áp lực của cô ấy, bởi bọn tôi đều từng có những trải nghiệm không đáng yêu với sinh viên của mình)

Tôi tự hỏi “nếu một ai đó cố tỏ ra thật mạnh mẽ, thì người đó có thật sự mạnh mẽ?” Kỳ lạ, tôi và một thằng bạn cùng văn phòng có cùng câu trả lời cho câu hỏi này. Một lần, chúng tôi đi uống cafe trong sân trường, và không biết điều gì đưa đẩy, chúng tôi lại bàn chuyện “ai là người thật sự mạnh mẽ trong số những người mà chúng tôi cùng quen biết ở trường?”. Người mà chúng tôi đánh giá cao nhất lại là một cô gái nhỏ bé, một người nhìn qua có vẻ yếu đuối, nhưng cách bạn ấy xử lý vấn đề xung quanh lại vô cùng mạnh mẽ. Chúng tôi cùng cười, rồi kết luận “một người thật sự mạnh mẽ, sẽ không bao giờ phải cố chứng minh rằng mình mạnh mẽ”. (Tất nhiên, bạn bè tôi có những người từ vẻ bên ngoài đến bản chất bên trong đều thật sự mạnh mẽ)

Và như thế, tôi tin rằng, một người sống thật với bản thân mình là người cá tính nhất. Bởi sống thật với chính mình cần nhiều dũng khí và can đảm hơn bất cứ sự sao chép nào. Sống thật với chính mình yêu cầu ta thấu hiểu bản thân sâu sắc và bỏ ra ngoài tai những kỳ vọng của xã hội. Điều này thật sự rất khó!

Thứ hai, tôi dần hiểu rằng, một người có cá tính là một người tin vào giá trị của bản thân, một người xây dựng được cho mình thế giới quan riêng, không hùa theo đám đông.Bất kể người đó nói nhiều, hay nói ít, hướng nội hay hướng ngoại, ăn mặc sành điệu hay giản đơn, người đó sẽ không có cá tính nếu họ không bao học nhìn mọi thứ xung quanh theo cách của họ. Ấy, bạn cũng đừng hiểu nhầm rằng tôi khuyến khích mọi người luôn phải chống lại đám đông trong mọi trường hợp để trở nên thật “ngầu”, thật “cá tính”. Nếu quan điểm của ta giống với đám đông ngoài kia vì quan điểm ấy được xây dựng dựa trên quá trình tìm hiểu, suy nghĩ thấu đáo, thì đó là sự cá tính. Nếu quan điểm của ta giống với đám đông, nhưng ta muốn chứng tỏ sự  khác biệt nên ta cố tình hành xử khác đi , đó không phải là cá tính!

Là nghiên cứu sinh, chúng tôi luôn được khuyến khích đưa ra quan điểm cá nhân, nhiều khi chúng tôi phải “chọn phe” (tất nhiên là dựa trên bằng chứng khoa học và suy nghĩ thấu đáo). Ban đầu, tôi lúc nào cũng phải gồng mình “chọn phe”, mặc dù có lúc tôi cũng đồng ý với cả hai (hay nhiều) phe. Tôi đem tâm sự ấy chia sẻ với một người thầy mà tôi yêu quý. Thầy khuyên tôi rằng, “thế giới rất phức tạp, và đa dạng em ạ, đâu phải lúc nào ta cũng phải nhất nhất chọn phe. Nếu ai đó hỏi em “vậy cô ủng hộ quan điểm nào?”, và em trả lời rằng “vấn đề phức tạp hơn thế, và tôi chọn là người trung gian, tôi vừa ủng hộ, vừa phản đối quan điểm này vì những lý do sau”. Rồi, em nếu rõ lý do của mình. Điều đó hoàn toàn chấp nhận được, miễn là lý do em  đưa ra phải dựa trên bằng chứng và suy nghĩ thấu đáo”.

Đó thật sự là “aha moment” của tôi! Lời khuyên của thầy khiến tôi nhận ra rằng đứng trước bất cứ sự việc gì, tôi phải lùi lại một bước, nhìn sâu vào trong tâm hồn và con người mình, từ đó đưa ra suy nghĩ của bản thân về sự việc ấy. Và thầy cũng ngụ ý với tôi rằng, chỉ có như thế tôi mới ít bị hùa theo đám đông xung quanh.

Tôi hi vọng, sau khi đọc bài viết này bạn không tự nhủ rằng “Ấy, tác giả trang blog này khuyên ta sống thật với chính mình, bản thân ta như nào thì ta hãy yêu quý nó như thế. Nếu ta thấy bản thân thật nhàm chán, thì ta chẳng cần thay đổi đâu, bởi ta thay đổi thì làm gì còn cá tính”. Xin đừng hiểu nhầm rằng tôi cổ vũ cho lối sống luôn thoả mãn với bản thân. Nếu bạn đọc blog của tôi, bạn sẽ thấy tôi tin vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Tôi tin rằng, nếu mỗi cá nhân luôn phấn đấu, cố gắng hết mình, cá nhân đó sẽ thay đổi được cuộc sống và thực tại của mình không ít thì nhiều. Tôi luôn tự nhủ với chính mình phải không ngừng học hỏi và phát triển bản thân, để tôi của ngày hôm nay tốt đẹp hơn ngày hôm qua. Nhưng đó là sự cố gắng, hoàn thiện dựa trên những gì ta đã có sẵn: Con người thật của ta!

Nếu ta thấy bản thân mình thật nhàm chán, và ta hiểu rằng ta thấy vui khi ở một mình, hãy đừng khiến bản thân ta bớt nhàm chán bằng cách ăn diện thật đẹp và hoà mình vào tiệc tùng. “Con người thật của ta” có lẽ sẽ bớt nhàm chán hơn khi ta ở một mình, đọc sách nghe nhạc. Mặc dù, có thể xã hội ngoài kia cho rằng bản thân ta thật nhàm chán khi chỉ thích ở một mình, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc ta tự cảm thấy thế nào. Còn nếu ta là người quảng giao, thích gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, bản thân ta sẽ bớt nhàm chán hơn nếu ta tìm kiếm cơ hội được hoà mình vào cộng đồng.

Lại nữa, chắc bạn đang tự hỏi “cô tác giả blog này đã làm được như cô ấy chia sẻ trong bài viết chưa?”. Xin trả lời bạn là chưa! Tôi chỉ đang cố gắng học hỏi, nỗ lực để hiểu bản thân hơn mỗi ngày mà thôi. Và mỗi khi hiểu chính mình hơn một chút, những nỗ lực gồng mình để trở thành một cá nhân không phải là chính tôi cũng theo đó mà bớt đi!

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui!

Thanh Mai

 

 

 

 

16 thoughts on “Thế nào là một người cá tính?

  1. Thật sự luôn luôn thích các bài viết của chị Mai. Mỗi bài em đều thây bản thân mình trong đó, nhất là 2 bài gần đây ( bài về việc gây ấn tượng vs người khác và bài này). Em thấy việc có tỏ ra cá tính cũng có phần giống với việc cố gắng gây ấn tượng với người khác vậy. Càng cố thì càng không mang lại kết quả vì vốn dĩ con người mình không như vậy. Và thực sự thì sống đúng với con người thật của mình có lẽ là việc khó nhất trong cuộc đời này vì đâu phải ai cũng đủ dũng cảm để làm như vậy.
    Cảm ơn chị Mai về bài viết rất ý nghĩa này 🙂

  2. Đoạn cuối cùng khiến em nhớ đến một câu của Henri Frederic Amiel: ” Learn to… Be what you are, and learn to resign with a good grace all that you are not ”

  3. “Một người thật sự mạnh mẽ, sẽ không bao giờ phải cố chứng minh rằng mình mạnh mẽ”. (Tất nhiên, bạn bè tôi có những người từ vẻ bên ngoài đến bản chất bên trong đều thật sự mạnh mẽ)

    Em không thể đồng tình hơn với quan điểm này, và em cho rằng “nữ quyền” thực sự nằm ở việc khiến người khác làm theo ý mình mà vẫn không cần đao to búa lớn. Cảm ơn chị Mai đã viết bài này. <3

  4. hôm nay em hiểu rõ hơn nhờ bài viết của chị. Cảm ơn chị đã chia sẽ. Em rất thích những bài chị viết đấy ạ.

  5. Tôi không ngờ từ cá tính được hiểu như thế. Tôi nghĩ (không biết có sai lắm không) cá tính, là người có sở thích riêng, sở thích này có thể khác biệt với sở thích của người khác. Người có cá tính là người có quan điểm cá nhân. Họ có thể theo đuổi, bảo vệ quan điểm này, dù biết người khác không cùng quan điểm.

Leave a Reply