Tuổi trẻ và những hoang mang

DSCN3179

Trước khi kết thúc buổi học xây dựng kỹ năng tạo dựng mối quan hệ (networking) cho các nhà nghiên cứu trẻ tuần trước, thầy hỏi chúng tôi: “Các em có yêu công việc mình đang làmkhông? Các em có yêu cuộc sống không?”. Mấy đứa chúng tôi nhìn nhau cười và lí nhí trả lời “có ạ”. Tôi có thể cảm nhận được, tôi và các bạn rất yêu công việc nghiên cứu, nhưng đứa nào cũng ngại thể hiện rằng mình đang vui lắm, ổn lắm, hạnh phúc lắm. Lý do là vì công việc nặng và vất vả, nhỡ đâu khi “khoe khoang” là mình hài lòng lắm, chúng tôi vô tình làm tổn thương cảm xúc của bạn mình, người đang phải vật lộn với bài vở thì sao. Thế là mỗi lần gặp nhau, thay vì nói về niềm vui của việc học, việc làm nghiên cứu, chúng tôi lại xoay quanh chủ đề năm thứ hai bận rộn, vất vả, thách thức như thế nào.

Nhưng sâu thẳm, chưa bao giờ tôi thấy yêu việc mình đang làm đến thế, và tôi sẽ không đánh đổi bất cứ điều gì khác cho những gì mình đang làm. Trước đây, mỗi khi cảm thấy lấn cấn về một vấn đề gì đó trong cuộc sống, dù có cố gắng gạt bỏ cảm giác lấn cấn ấy đi, tôi cũng hiểu rằng có một khoảng cách lớn giữa lựa chọn của tôi và mong muốn thật của tôi. Nhưng từ khi bắt đầu con đường nghiên cứu sinh, lần đầu tiên trong đời, cảm giác lấn cấn ấy không tìm đến tôi và tôi hiểu mình đang có một lựa chọn đúng. Vì hay chia sẻ trải nghiệm làm tiến sỹ, nên có lẽ nhiều bạn đọc blog cũng cảm nhận được niềm đam mê mà tôi dành cho công việc. Thậm chí, có bạn còn nghĩ rằng, tôi rất may mắn vì đã tìm ra hướng đi của cuộc đời từ sớm. Có bạn sinh viên  trẻ gửi tin nhắn cho tôi và xin lời khuyên làm sao để em tìm ra được niềm đam mê, điểm mạnh và hướng đi cho tương lai. Mỗi lần nhận được câu hỏi ấy, tôi đều ngừng lại và ngẫm nghĩ rất lâu. Thật lòng, tôi không có bất cứ lời khuyên gì cụ thể cả. Có một sự thật là tôi tìm ra điều gì thật sự làm tôi vui sướng khi đã qua cái tuổi sinh viên rất lâu rồi. Phải đến khi tôi 27-28, tôi mới hiểu bản thân mình hơn một chút. Cả một thời tuổi trẻ, từ khi ra trường đến những năm cuối của tuổi 20, tôi lúc nào cũng loay hoay đi tìm kiếm bản thân mình. Suốt mười năm, trong tôi luôn thường trực câu hỏi: “Điểm mạnh của tôi là gì?” ,“Ước mơ lớn nhất của tôi là gì?”, “Điều gì khiến tôi vui và hạnh phúc?”, “Tôi thật sự là ai?”. Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, hành trình tìm hiểu, khám phá bản thân mình không bao giờ là dễ dàng cả. Trên hành trình ấy, ta sẽ luôn phải đối mặt với những hoang mang, bất định, và hoài nghi. Đó hoàn toàn là điều bình thường!

Tôi đã từng không biết mình muốn làm gì

Khi mới tốt nghiệp Đại học, thay vì hoan hỉ, hứng khởi chào đón một chặng mới trong cuộc đời, tôi sống với rất nhiều câu hỏi. Hai câu hỏi lớn nhất đối với tôi lúc ấy là: “Tôi muốn làm gì?”, và “Tôi thật sự giỏi cái gì?”. Nhưng tôi không sao tìm ra được câu trả lời cho bản thân mình. Vì không rõ mình thật sự muốn gì, tôi lao vào bất cứ cái gì có thể. Mỗi khi xem lại tập folder lưu trữ hồ sơ xin việc khi tôi mới ra trường, tôi lại bật cười. Tôi có cảm giác như tôi đã rải hồ sơ cho bất cứ chỗ nào đăng tuyển. Từ tổ chức phi chính phủ, đến công ty tư nhân, đến doanh nghiệp nước ngoài. Thất nghiệp mấy thángsau khi ra trườnggiúp tôi sống chậm lại, và tĩnh tâm suy nghĩ điều gì khiến tôi cảm thấy muốn làm lúc bấy giờ. Tôi nhận ra, sâu thẳm trong tôi khát khao đi du học vẫn còn nguyên. Nhưng tôi lại gặp phải một vấn đề khác không kém phần gay go: Tôi không biết tôi muốn học gì. Tôi chép miệng: “Thôi cứ được đi học là tốt, học cái gì không quan trọng”. Và thế là, lúc thất nghiệp, tôi lại lao đi tìm học bổng. Tôi vẫn nhớ, một lần tôi về lại trường dự hội thảo học bổng Erasmus Mundus do mấy anh chị theo học ngành ngôn ngữ chia sẻ. Cảm giác được truyền cảm hứng khiến tôi bốc đồng muốn đi du học ngành ngôn ngữ. Khi sự bốc đồng qua đi, tôi chợt cảm nhận một cảm giác sợ hãi chạy dọc cơ thể khi nghĩ về việc dành 1-2 năm tuổi xuân vùi đầu đọc tài liệu liên quan đến syntax, lexicology và phonetics. “Học ngôn ngữ ư? Không, đó không phải là điều mình muốn”. Tôi tự đưa ra kết luận ấy. Và thế là, tôi lại tìm hiểu học bổng Chevening. Mùa hè năm ấy, tôi lóc cóc đến hội đồng Anh để xin hỏi lời khuyên về học bổng (năm ấy, hội đồng Anh vẫn phụ trách học bổng Chevening). Tôi vẫn nhớ như in cuộc trò chuyện với chị tư vấn (chị gì tôi quên mất tên rồi).

“Em muốn học ngành gì?”

“Dạ, em muốn học kinh tế ạ”.

“Vì sao em lại muốn học kinh tế?”

“Dạ, vì em muốn được đi du học ạ”. (Tôi thậm chí còn không hiểu rõ học kinh tế là học gì?)

“Em đã có kinh nghiệm đi làm chưa?”

“Em chưa ạ”

“Vậy, học bổng này chưa phù hợp với em, em phải có thêm kinh nghiệm đi làm nữa”

Trong giây phút hoang mang, vô định mà nhận được lời khuyên thẳng thắn như thế, chắc bạn cũng hiểu tôi cảm thấy thế nào.  Tôi tạm gác ước muốn đi du học lại và tập trung tìm việc. Sau hơn hai năm đi làm, tôi mới thực hiện được ước mơ đi du học. Và cũng nhờ trải nghiệm ấy, tôi mới tìm ra được sở trường, và niềm đam mê của mình.

Tôi cũng loay hoay đi tìm bản sắc riêng của cá nhân mình.

Khi còn trẻ hơn, tôi luôn có một mong ước mơ hồ rằng tôi muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt, một điều gì đó trở thành thương hiệu riêng của tôi, một điều gì đó khiến tôi cảm thấy tự hào về bản thân, điều mà khiến tôi có thể mỉm cười khi nằm trên giường bệnh năm tôi bảy mươi, tám mươi tuổi. Tôi luôn muốn một cuộc sống năng động, thú vị, phong phú và có ý nghĩa. Nhưng những năm tuổi trẻ, tôi không sao xác định rõ ràng được bản sắc của tôi là gì? Điều gì khiến tôi là chính tôi, điều gì khiến tôi khác với sáu, bảy tỷ người đang cùng chia sẻ hành tinh này với tôi. Thật lòng, những năm đầu 20, tôi chưa bao giờ muốn bản sắc của mình gắn liền với mấy chữ “một nhân viên bình thường”, “có một công việc ổn định (không quan trọng có yêu thích nó hay không)”. Đừng hiểu lầm, tôi rất tôn trọng lựa chọn người khác, chỉ là tôi không cảm thấy bản thân phù hợp với những lựa chọn ấy khi tôi mới ra trường.

Trong hành trình đi tìm bản sắc của mình, tôi đã thử rất nhiều việc. Tôi đi học đàn, thử kinh doanh, tham gia các khoá học phát triển bản thân, tham gia các hội nhóm. Nhưng sau mỗi lần thử một việc mới, trực giác lại thầm thì với tôi rằng”không, điều này không hợp với mày, và không phải dành cho mày”. Mãi cho đến khi tôi đi du học, tôi mới lờ mờ cảm nhận được điều gì khiến tôi thật sự yêu thích, điều gì tôi muốn gắn với bản sắc của mình. Tôi thích đọc, viết và cảm nhận những thay đổi trong suy nghĩ và nhận thức của bản thân khi được đặt vào môi trường khác. Trong khi nhiều bạn bè cùng lớp than phiền về việc học nặng, phải viết lách nhiều, tôi lại tìm thấy niềm vui trong những con chữ và bài viết. Mỗi lần thể hiện được ý tứ, quan điểm, suy nghĩ của mình vào các trang viết, tâm hồn tôi lại rung lên những xúc cảm vui sướng kỳ lạ. Tôi muốn trở thành một nhà nghiên cứu, một người viết, một người truyền năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh, một người đọc, một người đi và chiêm nghiệm về cuộc sống, một người có cách nhìn (tương đối) riêng về thế giới và cuộc sống, một người một khi đã muốn làm gì là sẽ không bao giờ bỏ cuộc, một người cởi mở và tôn trọng lựa chọn của mỗi cá nhân xung quanh, một người luôn coi những sai lầm, thất bại là cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân. Bản sắc của tôi còn bao gồm những nhược điểm rất riêng: một người không giỏi phương hướng chút nào, một người luôn lo lắng cho tương lai. Khi còn trẻ hơn, tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng bản sắc cá nhân mặc dù tôi không hoàn toàn biết tôi thật sự là ai. Tìm ra bản sắc cá nhân rất quan trọng vì nó giúp ta thôi bắt chước và sống theo cách của người khác. Từ khi tôi biết (tương đối) rõ tôi muốn trở thành người như thế nào, tôi đã bớt còn cố gắng trở thành một ai đó không phải là chính tôi nữa.

Thế còn lời khuyên?

Tiếc thay, bài viết này sẽ không đưa ra lời khuyên nào cụ thể cả, bởi như tôi đã chia sẻ hành trình của tôi rất gian nan, tôi cũng không có bí quyết gì rõ rệt. Nhưng trong hành trình của mình, tôi luôn áp dụng một nguyên tắc. Đó là, lắng nghe trực giác của bản thân. Mỗi khi cảm giác lấn cấn tìm đến ta, thay vì gạt bỏ nó đi, ta phải tĩnh tâm tìm hiểu xem điều gì khiến ta có cảm giác ấy. Cảm giác lấn cấn ấy đến là do một vài phút bốc đồng hay thật sự là do có khoảng cách lớn giữa con người thật của ta, mong muốn thật của ta và điều ta đang làm. Tất nhiên, nếu bạn mới bắt đầu một kế hoạch mới/công việc mới/mối quan hệ mới, và bạn cảm thấy lấn cấn chỉ sau mấy ngày, tôi không khuyên bạn nên tìm cách thay đổi ngay lập tức. Bởi đó có thể là cảm giác nhất thời. Nhưng nếu sau hai năm, ba năm mà cảm giác lấn cấn không chịu rời đi, thì ta cần phải xem xét nghiêm túc lựa chọn của bản thân. Sau mấy tháng bắt đầu công việc mà tôi làm trước khi sang Mỹ, tôi đã lờ mờ cảm nhận rằng công việc này không dành cho mình. Bằng chứng là tôi luôn cảm thấy không vui mỗi khi đi làm, tôi không thấy đam mê, tôi không hạnh phúc, tối về tôi thường xuyên tìm kiếm trên google “khi nào thì nên nghỉ việc”. Và quan trọng hơn, mỗi khi nghĩ đến việc gán tính chất công việc ấy cho bản sắc cá nhân, tôi cảm thấy không thiết tha. Nhưng tôi luôn lờ những chứng cứ vô hình ấy đi, và tìm cách động viên bản thân tiếp tục. Nhưng thời gian qua đi, cảm giác lấn cấn ấy không hề mất đi mà nó ngày một “béo” lên, ngày một phình to ra, lúc ấy tôi tự nói với mình “Đã đến lúc chấm dứt rồi”. Và khi sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, được ngày ngày đọc, viết và có khi chỉ lủi thủi một mình suy nghĩ về những thứ tôi quan tâm (mà có khi người khác cho là điên rồ), tôi lại cảm thấy rất mãn nguyện, bởi tôi biết đây thực sự là điều tôi mong muốn bấy lâu. Tôi cũng áp dụng nguyên tắc “cảm giác lấn cấn” ấy cho mọi việc trong cuộc sống.

Tất nhiên, tôi cũng hiểu cách sống này không phù hợp với tất cả mọi người. Tôi biết có nhiều người, dù cảm giác lấn cấn đã phình đến nỗi chỉ trực bùng nổ, nhưng vẫn không có hành động gì để thay đổi thực tại. Không có đúng, có sai chỉ có những lựa chọn. Chỉ là tôi luôn lựa chọn lắng nghe trực giác của mình để hành động và thay đổi mà thôi.

Và nếu bạn còn rất trẻ mà chưa biết mình thật sự là ai, hãy thử sức nhiều hoạt động khác nhau. Thử cho đến khi cảm giác lấn cấn không ôm chặt lấy bạn nữa thì thôi!

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui!

Thanh Mai

14 thoughts on “Tuổi trẻ và những hoang mang

  1. e chào chị Mai ạ, e đọc được bài viết và nhận ra mình trong đó.
    E tốt nghiệp năm kia, đi làm một năm nhưng e làm những 4 nơi, không nơi nào cho e cảm giác hạnh phúc mỗi sáng thức dậy, hạnh phúc vì được đi làm sớm. Rồi e cũng đi du học, nhưng là du học ngôn ngữ ở Trung Quốc. Em khao khát biết được em thích gì để không phải quay vòng trong nhận xét của người khác, cũng như chị nói, chính vì em không tim được bản sắc riêng nên hay bị dao động vì lời “khuyên” của người khác.
    Đồng nghiệp cũ có một chị đã 28 tuổi, chị cũng dành cả tuổi thanh xuân để thử thách, để xem mình hợp với điều gì. Nhưng đến tuổi này chị vẫn chưa nhận ra, vẫn tìm kiếm, và không có một tay nghề giỏi giúp chị sống tốt để tiếp tục tìm kiếm.
    Em có chút hoang mang, lỡ như bản thân cũng lao vào tìm kiếm nhưng có khi không tìm ra không ạ? Em xin lỗi nếu câu hỏi có hơi ngớ ngẩn.
    Em cảm ơn bài viết của chị.

    1. Chào em, cảm ơn em đã đọc bài và để lại comment. Chị không thấy câu hỏi của em “ngớ ngẩn” đâu. Chị cũng đã từng hỏi như thế rất nhiều lần. Thật sự, chị nghĩ không dễ để tìm ra được bản thân thực sự thích và phù hợp với điều gì. Em thử nghĩ xem thiên hướng từ nhỏ của em là gì. Em thích làm gì, điều gì khiến em thấy vui vẻ và thích thú. Mặc dù, chị thật sự nhận ra chị thích viết khi chị đi du học, nhưng ngay từ nhỏ chị đã thích viết (viết nhật ký, viết chuyện tưởng tưởng, hay viết báo). Mặc dù, chị quên sở thích ấy đi trong một thời gian dài, nhưng khi có cơ hội thực hiện, chị lại thấy yêu thích. Hi vọng comment của chị hữu ích! Chúc em một tuần vui 🙂

  2. mình k nghĩ câu hỏi của bạn ngớ ngẩn đâu. Mình cũng là người dành cả tuổi trẻ để đi tìm bản sắc riêng cho mình và đến giờ khi mình 26 tuổi rồi, mình vẫn chưa tìm được. Và cũng vì nỗi sợ không thể tìm nổi, mình hiện đang chấp nhận chọn lấy một thứ vì mình cũng rất sợ tương lai mình không thể tìm được, không có một tay nghề giỏi đủ để nuôi sống bản thân.

    1. Chị nghĩ đọc càng nhiều càng tốt, đọc nhiều thể loại khác nhau nữa. Sách về kỹ năng sống và tuổi trẻ, chị thích đọc sách của Nguyễn Duy Cần (như Tôi tự học, Óc sáng suốt, thuật tư tưởng). Tuy đây là sách cũ nhưng chị thấy rất phù hợp và ý nghĩa với thanh niên thời hiện đại!

  3. Hi chị. Em may mắn được học đúng ngành em thích và cũng dự định đi theo nghiên cứu, viết lách như chị. Em cũng mong giành được học bổng Eramus Mundus. Gần đây em đã tìm được chỗ thực tập như mong muốn, và đang hoàn thành từng chút một cho hồ sơ du học sau này.
    Cảm ơn chị về những bài viết chia sẻ chân thành, nhẹ nhàng, giúp em bình tĩnh hơn trong guồng quay công việc, học hành, sự nghiệp. Chúc chị sức khỏe và 20/10 vui vẻ ạ!

  4. Chào chị, em là một sinh viên ĐH chuyên ngành sư phạm Anh, em sắp tốt nghiệp.

    Hiện tại, em đang rất hoang mang vì em không biết con đường nào là cho em. Em có một ít kinh nghiệm làm việc bên Truyền thông của hoạt động xã hội – Hội thảo, bên Văn hoá địa phương, bên giảng dạy. Em thích nhất là giảng dạy, tuy nhiên em muốn có sự sáng tạo trong giảng dạy vì thế có nhiều lúc em rất mệt mỏi. Em có mơ ước sẽ apply thành công hb Master sau này. Chị có thể cho em lời khuyên làm sao để mình có thể tịnh tâm để lắng nghe chính mình được không ạ?

    Em hy vọng là nhờ lời khuyên của chị, em có thể chọn được con đường của em. Em xin cảm ơn chị nhiều ạ.

  5. Thân chào chị,

    Em cũng chỉ mới biết tới blog của chị qua 1 người bạn giới thiệu gần đây thôi nhưng thực sự em thấy có sự đồng điệu rất lớn (đặc biệt là bài viết này) vì lâu nay em cũng có nhiều cảm nhận và hành động như chị chia sẻ. Dù vậy, em vẫn luôn tự thấy còn có gì đó hơi mông lung và mơ hồ vậy. Khi đọc đến bài viết này em nghĩ dường như chị đang thay em nói hộ lòng mình vậy.
    Quả thực bây giờ em khá hoang mang vì chưa có định hướng, hình dung gì rõ ràng cho tương lai, có điều em luôn biết chắc chắn rằng em muốn có 1 cuộc sống và công việc ý nghĩa. Đến đây em lại có được lời khuyên từ chị là hãy thử trải nghiệm nhiều hơn, lắng nghe trực giác và chú ý tới tiếng nói bên trong của mình nhiều hơn. 😀😊😊

    Em cảm thấy mình thật may mắn khi biết tới chị và trang blog này. Vừa như em đang được nghe, được học từ một người đi trước ngồi trải lòng về những kinh nghiệm, câu chuyện, hành trình phát triển của mình để thế hệ sau như em có bước đi đúng đắn và bớt chông gai hơn; vừa như tìm được nơi để lắng lòng cảm nhận, tìm về chính mình và nhận được sự chia sẻ, đồng cảm, mở rộng góc nhìn và tâm hồn mình hơn.❤🍀🍀🥰
    Hy vọng chị và blog sẽ tiếp tục đồng hành cùng tụi em.😀😀

    Chúc chị nhiều sức khỏe!
    Thân.

    1. Chào Giang, cảm ơn em đã ghé đọc blog nhé! Khi chia sẻ bài viết này, chị cũng chỉ muốn viết thật lòng mình, không ngờ lại đồng điệu với suy nghĩ và cảm nhận của nhiều bạn trẻ như em. Chị chúc em sớm tìm được hướng đi cho mình!

  6. Em chào chị,

    Thật cảm ơn vì những chia sẻ chân thật của chị qua bài viết. Ngành học và con đường nghiên cứu về chính trị cũng là niềm trăn trở đối với em. Thật may mắn khi em đọc được bài viết này đúng vào thời điểm em đang loay hoay với bản thân mình về những quyết định trước lúc tốt nghiệp. Em theo dõi blog của chị cũng đã được một năm, chủ yếu là những bài viết về việc làm nghiên cứu, chuyện học và quản lý công việc. Mong sau này khi em tiếp tục đi trên con đường nghiên cứu, em cũng có thể viết với niềm đam mê và hứng khởi về mọi thứ như những dòng chị chia trên đây.

    Chúc chị sức khoẻ và an vui trong công việc, cuộc sống!
    Thân mến.

Leave a Reply