Làm sao để tiếp nhận những lời phê bình mang tính xây dựng?

 

dsc00042

Trước khi kết thúc kỳ học mùa thu, một người thầy mà tôi vô cùng quý mến đã khuyên tôi:

“Mai này, khi ngồi trên máy bay về Việt Nam, em hãy thật thư giãn, đừng nghĩ nhiều đến công việc nhé. Kỳ học vừa rồi em đã cố gắng hết sức và làm việc rất chăm chỉ rồi”

Có lẽ tôi không phải là một đứa sinh viên “ngoan”, bởi trên máy bay tôi cứ nghĩ hoài về kỳ học đầu tiên của năm thứ hai. Tôi tự hỏi: “Mình đã học được những gì trong kỳ học vừa qua?”; “Mình đã trưởng thành thế nào suốt hơn một năm sống và học tập ở Mỹ?”. Tôi nhận ra, bài học lớn nhất mà tôi học được trong kỳ mùa thu là thái độ tiếp nhận những lời phê bình mang tính xây dựng của người khác. Khi quyết định theo con đường nghiên cứu sinh, tôi đã hiểu rằng các sản phẩm của tôi (bài viết, bài nghiên cứu) sẽ luôn bị đưa ra “mổ xẻ”, phân tích. Mặc dù tôi luôn làm việc với tâm thế: Sẵn sàng học hỏi từ những người xung quanh để ngày một tiến bộ và trưởng thành, nhưng thật sự tiếp nhận lời phê bình (dù là lời phê bình mang tính xây dựng đi nữa) không hề dễ dàng chút nào.

Trong một khóa học kỳ mùa thu, chúng tôi được yêu cầu phải gửi bài viết cuối kỳ cho cả lớp đọc và nhận xét. Chúng tôi tạo một folder chung trên google drive, và tải bài nghiên cứu cuối kỳ lên đó trước buổi học khoảng hai, ba ngày để cả lớp có thời gian đọc và góp ý. Thầy phân công một bạn trong lớp chủ trì buổi thảo luận bài viết của tôi. Trong buổi thảo luận đó, bạn này có trách nhiệm tổng hợp những lời nhận xét từ cả lớp và “chất vấn” tôi trước lớp. Tôi vẫn nghĩ tôi là đứa khá điềm tĩnh trước những lời phê bình, nhận xét của người khác, nhưng giây phút tôi đưa bài viết lên folder chung, một nỗi sợ hãi bao trùm lấy tôi. Cả ngày hôm ấy, tôi cứ loay hoay với câu hỏi: “Không biết mọi người nghĩ gì về bài viết của mình đây?”, “Mọi người sẽ khen hay chê nhỉ?”, “Nếu ai cũng bảo bài nghiên cứu này chỉ đáng…vứt đi thì mình sẽ làm thế nào?” Mãi đến buổi tối trước khi buổi học bắt đầu, tôi mới dám đọc nhận xét của các bạn. Tôi nhận được cả những lời nhận xét tích cực và tiêu cực. Tôi cũng không ngờ rằng, khi đọc những phê bình mang tính xây dựng, tôi lại buồn đến thế. Dù biết rất rõ, góp ý của bạn bè rất có ích cho bài viết của tôi, vì tôi dự định gửi bài nghiên cứu này cho một tạp chí khoa học, nhưng tôi không sao thoát được cảm giác thất vọng, muộn phiền.

Nhắc đến tạp chí khoa học, tôi chợt nhớ đến kỷ niệm lần đầu gửi bài viết đi. Sau ba tháng, thầy tôi email cho tạp chí và hỏi về “số phận” của bài báo. Tạp chí trả lời rằng, họ đang đợi phản hồi của một reviewer (nhà phê bình) nữa, và sau khi có đầy đủ nhận xét của các reviewers, ban biên tập sẽ đưa ra quyết định về bài viết của chúng tôi. Giữa tháng mười hai, năm tháng sau khi gửi bài báo đi, mà chưa có thông tin gì, thầy tôi lại email cho tạp chí một lần nữa. Lần này, chúng tôi chỉ phải đợi bốn, năm ngày nữa thôi. Khi biết tin “số phận” bài báo sắp được tiết lộ, tôi hào hứng vô cùng. Tôi tự nhủ, dù kết quả ra sao thì đây cũng là cơ hội tốt để tôi học hỏi, và phát triển. Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Ngay khi thấy điện thoại báo có email từ tạp chí, tim tôi đập loạn xạ. Lúc ấy, tôi đang ăn trưa cùng chồng. Tôi nói với chồng:

“Trời, có tin từ tạp chí rồi, nhưng em không dám đọc đâu. Nhỡ họ từ chối thì sao?”.

Anh ấy mới cười bảo:

“Em vừa bảo, đây là lần đầu gửi bài đi, kết quả ra sao em cũng chấp nhận mà”.

Mãi mấy phút sau, tôi mới đủ can đảm đọc email. Phù, họ yêu cầu thầy và tôi sửa lại theo góp ý của các reviewers và gửi lại cho tạp chí. Mấy ngày sau, tôi mới dám đọc kỹ góp ý của các reviewers. Đây thực sự là một trải nghiệm đau tim!

Trải nghiệm trên khiến tôi hiểu rằng, thật sự rất rất rất khó để ta có thể tiếp nhận góp ý từ người khác (dù đó là những góp ý mang tính xây dựng chân thành), một cách bình thản và điềm tĩnh. Tại sao lại khó đến vậy? Có thể vì loài người là sinh vật xã hội, và ta chỉ cảm thấy có giá trị khi được những người xung quanh công nhận. Ai cũng có nhu cầu được tôn trọng, được coi là quan trọng, được cho là có giá trị và ý nghĩa. Khi nhận được những lời góp ý tiêu cực, một tiếng nói đâu đó trong ta sẽ lập tức lên tiếng và đặt câu hỏi: “Liệu ta có đủ tốt/ đủ giỏi/ đủ thông minh không nhỉ?”; “Có phải ‘họ’ coi thường ta”; “Có phải ‘họ’ cho rằng ta không có năng lực để làm việc này, việc kia”,  vân vân và vân vân. Thay vì đánh giá những nhận xét, góp ý có tính xây dựng một cách lý trí, ta sẽ cho rằng, người khác đang tấn công ta, đang cố bới móc ra những thiếu hụt nơi bản thân ta. Lại nữa, có lẽ nỗi sợ lớn nhất của ta là sợ bị từ chối, bị cự tuyệt. Ta có xu hướng đánh đồng nhận xét tiêu cực với sự từ chối giá trị bản thân ta. Một khi bị cự tuyệt, cảm giác bản thân ta …vô giá trị sẽ bao vây ta một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cảm xúc và nỗi sợ hãi bị từ chối có thể khiến ta phóng đại hoặc hiểu lầm những nhận xét góp ý mang tính xây dựng từ người khác. Khi đọc góp ý của thằng Martin (tôi đã thay đổi tên vì có thể bạn ấy cũng đọc blog này), mắt tôi nhíu lại và cảm giác khó chịu tìm đến tôi. Tôi “tự vệ” bằng cách nói với bản thân: “Rõ là nó chả đọc kỹ bài của mình gì cả, thì mới nhận xét thế này chứ?”. Tệ hơn nữa, tôi còn nghĩ: “Chả biết, bài viết của nó có tử tế không mà ‘chê bai’ mình”. Nhưng khi nhu cầu “bảo vệ giả trị bản thân qua đi”, mấy ngày sau tôi đọc lại nhận xét của nó một lần nữa. Và lúc này tôi có một góc nhìn khác hẳn, tôi thấy góp ý của nó rất sắc sảo, và hữu ích cho bài nghiên cứu của tôi.

Vậy làm sao để tiếp nhận lời phê bình một cách bình thản?

Trước hết, ta cần phải chấp nhận rằng, thật sự rất khó tiếp nhận lời phê bình của người khác. Bất kể ta là ai- trẻ hay già, nam hay nữ, đã rất thành công trong sự nghiệp hay mới chỉ lững chững bước những bước đầu tiên- khi người khác phê bình, góp ý, ta sẽ luôn cảm giác bị tổn thương, thất vọng. Mấy ngày hôm nay, tôi lang thang trên mấy forum online nơi các giáo sư chia sẻ cách “đối phó” với việc bài nghiên cứu bị tạp chí từ chối, và cách trả lời những góp ý của reviewers. Có một giáo sư chia sẻ rằng, cô đã khóc nguyên một ngày khi nhận được thư từ chối của tạp chí, phải mất mấy ngày cô mới lấy lại được dũng khí để đọc kỹ góp ý của reviewers. Dựa vào những góp ý này, cô chỉnh sửa lại bài và gửi cho một tạp chí khác. Một nhà biên tập tạp chí khuyên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta cũng không nên viết một email tức giận, “chê bai” những reviewers, vì dù sao họ cũng đã dành rất nhiều thời gian và công sức đọc bài của ta.

Và khi đã hiểu được điều ấy rồi, ta đừng nên quá “khắc nghiệt” với bản thân. Sau khi nhận được góp ý (mang tính xây dựng) của sếp, thầy cô, bạn bè hay gia đình, nếu ta muốn khóc, muốn tức giận, muốn “chửi rủa”, ta hãy cứ làm như vậy. Nhưng điều quan trọng là không bao giờ được làm thế trước mặt người cho ta lời góp ý. Hãy dành ít nhất 1-2 ngày suy nghĩ trước khi ta quyết định “đối mặt” với “kẻ đó”. Tôi tin rằng, sau mấy ngày, “cơn giận” của ta sẽ nguôi ngoai, và ta sẽ xử trí khôn ngoan, mềm mỏng hơn rất nhiều. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến những ngày còn trẻ trâu. Ngày xưa, khi nhận được góp ý của ai, tôi sẽ xù lông bảo vệ bản thân bằng cách viết một email, gửi một tin nhắn với lời lẽ tức giận, hoặc nói những câu dễ gây mất lòng trước mặt người ấy. Nhưng thể nào, mấy ngày sau khi cơn giận nguôi ngoai, tôi sẽ ước: “Giá mà mình không làm thế. Lẽ ra mình không nên nói như thế”. Thật lòng, tôi đã mất đi nhiều người bạn tốt vì những lúc nóng giận như thế. Trường tôi có một quy định, sinh viên chỉ được phép đến gặp giáo sư hoặc trợ giảng để phàn nàn về bài kiểm tra 24 giờ sau khi biết điểm. Có lẽ những người đưa ra chính sách này hiểu rằng, 24 giờ là đủ để ‘cơn giận’ của sinh viên nguôi ngoai. Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều sinh viên lập tức viết email hẹn gặp tôi ngay sau khi biết điểm, nhưng cuối cùng lại quyết định không đến gặp tôi. Lý do là vì, có lẽ ban đầu các em rất bực tức về điểm của mình, nhưng khi điềm tĩnh lại, các em nhận thấy điểm đó là xứng đáng với bản thân và không còn nhu cầu phàn nàn, kêu cả nữa.

Dù khó đến đâu, ta hãy cố gắng coi mọi lời góp ý, nhận xét mang tính xây dựng của người khác là cơ hội để ta học hỏi và phát triển. Thật sự, ta sẽ không bao giờ có thể tiến bộ và trưởng thành nếu thiếu những góp ý của người xung quanh. Hãy thử nghĩ xem, nếu không một ai nói cho ta biết ta cần cải thiện chỗ nào thì ta sẽ ra sao? Hoặc là ta sẽ tự cao tự đại cho rằng, ta là hoàn hảo, hoàn thiện không còn gì phải học hỏi. Hoặc là ta sẽ luôn phải tự đoán xem chất lượng công việc, sản phẩm của ta thế nào. Đúng là nếu không bao giờ phải đối mặt với những lời nhận xét tiêu cực của người khác, cái tôi của ta sẽ được vuốt ve, bảo vệ, nhưng ta lại vô tình để vụt mất những ích lợi lâu dài. Một thằng bạn kể với tôi, nó bị tổn thương sâu sắc khi giáo sư hướng dẫn của nó nhận xét tiếng Anh của nó chưa đủ tốt, chưa đủ chuyên nghiệp. Cô khuyên nó phải nâng cao tiếng Anh nếu muốn đạt được thành công trên con đường nghiên cứu. Nó buồn mất cả tuần. Nhưng chính vì lời góp ý ấy, mà nó quyết định đăng ký một khoa học viết của trường, và tham gia nhóm viết với các sinh viên đến từ nhiều khoa khác nhau. Giờ đây, nó tự tin hơn rất nhiều vào trình độ tiếng Anh của bản thân. Mới đây nó còn thủ thỉ với tôi: “May mà ngày ấy, giáo sư thẳng thắn nhận xét tiếng Anh của tớ, nên tớ mới tiến bộ được như ngày hôm nay.” Thế mới thấy, những lời góp ý phê bình có tính xây dựng từ người xung quanh đóng một vai trò quan trọng trên con đường trưởng thành và hoàn thiện của bản thân ta.

Cảm ơn bạn đã đọc tâm sự của tôi đến những dòng cuối cùng. Chúc bạn một thứ hai tràn đầy niềm vui!

Thanh Mai

 

 

 

 

 

 

3 thoughts on “Làm sao để tiếp nhận những lời phê bình mang tính xây dựng?

  1. hehe, em đang đọc thì đúng lúc noti báo chị comment vào bài viết cũ. Thực ra là thấy từ chiều ở chỗ làm nhưng để dành tối về đọc cho thật kĩ 🙂
    Ngẫm ra đúng lúc công việc có nhiều mâu thuẫn cần giải quyết, âu chuyện gì cũng từ tâm ta mà ra trước chị ạ. Phê bình có tính xây dựng thực ra là những lời giá trị mà mình cần, vì nó hướng mình tới một tương lai tốt hơn. Hơn là những lời tán dương công nhân trên những điều đã qua.
    Tuy vậy, tâm thế của mình phải thực sự trưởng thành, để mở món quà này ra và dùng nó đúng cách.
    Nói thì dễ, làm mới khó chị ạ ^^. Cảm ơn vài post của chị và mong những bài viết sắp tới chị nha 🙂

    1. Cảm ơn em đã đọc bài. Đúng rồi, bao giờ làm cũng khó hơn mà. Chị nhận ra điều này, nhưng cũng chưa làm được đúng như những gì chị chia sẻ đâu 🙂 Chúc em một ngày vui nhé

Leave a Reply