Dạy sớm và viết mỗi ngày- thói quen mới cho học kỳ mới

2aad602a-57d6-424e-8138-815148ee01fe

Vậy là tôi đã bắt đầu kỳ thứ 4 của chương trình tiến sỹ được gần một tháng. Bắt đầu từ năm hai, tôi đã xây dựng được hai thói quen mới, giúp tôi làm việc hiệu quả và năng suất hơn hẳn năm thứ nhất. Mặc dù tôi đã quản lý công việc tốt hơn, tôi vẫn đang miệt mài học cách “đối phó” với những áp lực của quá trình học tiến sỹ.

Từ năm học này, tôi thường thức dạy từ 7 giờ sáng, và có mặt tại văn phòng lúc 8 giờ sáng. Lý do là vì chồng tôi đi làm từ rất sớm, thường từ 7:30. Cơ quan của anh lại ngay gần trường tôi, nên hai đứa lái xe đi làm cùng nhau. Anh thả tôi ở trường, rồi mới đến văn phòng. Ban đầu tôi cũng không thích bắt đầu một ngày mới từ 7 giờ sáng, vì tôi vốn là đứa có thói làm việc khuya và dậy muộn. Nhưng từ khi bắt đầu một ngày từ sớm, tôi thấy mình hoàn thành công việc hiệu quả và khoa học hơn hẳn. Sau khi đến văn phòng tôi dành mấy phút lên danh sách những việc cần làm trong ngày, rồi bắt tay vào việc một cách nghiêm túc. Tất nhiên có những ngày tôi chẳng làm được gì cả buổi sáng, đặc biệt là những ngày tôi không ngủ đủ giấc. Học tiến sỹ có rất nhiều áp lực, nên nhiều đêm tôi chợt tỉnh giấc nghĩ về công việc, nghĩ về bài nghiên cứu cần hoàn thành và những dự định sắp tới. Ai cũng nói là phải thư giãn, thoải mái, không nên căng thẳng lo lắng,nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Cường độ công việc cao kết hợp với đòi hỏi về chất lượng sản phẩm khiến bạn rất khó mà …thư giãn được. Tôi luôn có cảm giác một tuần trôi qua rất nhanh, và tôi không bao giờ có đủ thời gian giải quyết tất cả các việc cần làm. Tôi cũng quen dần với nhịp độ học tiến sỹ rồi nên dù có căng thẳng cũng đỡ hơn nhiều so với năm thứ nhất. Hôm qua, tôi tình cờ ngồi cạnh cô bạn mới bắt đầu năm thứ nhất, nhìn bạn lúc nào cũng trong trạng thái mất ngủ, căng thẳng. Bạn hỏi tôi: “Mai, cậu có bao giờ phải làm việc cuối tuần không? Tớ đang cố sắp xếp thời gian mà không được”. Tôi mới trả lời: “Tớ đã quen với khái niệm làm việc cuối tuần rồi. Thứ bảy, chủ nhật nào tớ cũng phải làm ít nhất 3-4 tiếng”. Hồi năm thứ nhất, tôi thường xuyên phải làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhưng nhờ thói quen dạy sớm hàng ngày, mà từ năm hai, tôi chỉ phải dành 3-4 tiếng cho công việc mỗi ngày cuối tuần. 

Tôi cũng hình thành được thói quen viết hàng ngày, mỗi ngày khoảng 1-2 tiếng (trừ cuối tuần). Tôi viết đủ thứ từ proposal xin tiền làm nghiên cứu, đi hội thảo, viết bài bình luận cho báo, viết bài nghiên cứu với thầy, và viết bài nghiên cứu năm hai của mình. Một lần tôi tình cờ đọc được một bài blog của một giáo sư, cô chia sẻ rằng để thành công trên con đường học thuật, bạn phải có kỹ năng viết thật tốt, và để viết thật tốt bạn phải viết thật nhiều. Và muốn có nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành, cô khuyên các sinh viên PhD cũng như giáo sư trẻ mới vào nghề nên hình thành thói quen viết mỗi ngày. Tất nhiên, bạn không phải viết một bài nghiên cứu mỗi ngày. Viết có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như chỉnh sửa bài viết đã có sẵn, bắt đầu viết một bài mới, viết proposal xin tiền, thậm chí viết ý tưởng nghiên cứu mới, vân vân và vân vân.  Bạn có thể đọc blog của cô tại đây:

http://getalifephd.blogspot.com/2012/01/ten-ways-to-write-every-day.html

 Trước đây, khi bắt tay vào một dự án nghiên cứu mới, tôi thường chỉ bắt tay vào viết sau khi đọc thật nhiều tài liệu, và có một ý tưởng rõ ràng về những gì mình muốn viết. Nhưng kỳ này tôi thử một cách mới, đó là bắt tay vào viết khi chưa đọc thật nhiều. Tôi viết hết ra những gì tôi đang nghĩ về đề tài đó, những giả thuyết và logic mà tôi muốn tìm ra. Tôi nhận thấy viết cũng giúp tôi suy nghĩ về đề tài của mình một cách sâu sắc hơn. 

Sau một thời gian tôi nhận ra viết hàng ngày có lợi thật. Tôi thấy mình viết nhanh hơn, viết tốt hơn và cho ra nhiều sản phẩm hơn. Tôi vừa gửi đi 2 proposal xin tiền làm nghiên cứu, trong đó một proposal đã được chấp nhận, và tôi đang đợi phản hồi về proposal còn lại. Tôi cũng vừa hoàn thành một bài bình luận ngắn (3000 từ) về một sự kiện ở Việt Nam với thầy hướng dẫn, khi nào bài được đăng sẽ gửi link để các bạn có thể đọc. Tôi cũng đang sửa lại một bài nghiên cứu dựa trên góp ý và nhận xét của các reviewers và gửi lại cho báo. 

Có lẽ thói quen viết hàng ngày phù hợp với tính cách và cách làm việc của tôi. Nhiều bạn cùng văn phòng với tôi viết rất nhanh, bạn có thể dành 2-3 ngày tập trung viết xong một bài nghiên cứu. Nhưng tôi phải luôn bắt đầu mọi thứ từ sớm, và mỗi ngày viết một chút một chút. Tôi muốn sau khi bản nháp hoàn thành, tôi có đủ thời gian để chỉnh sửa và hoàn thiện để bài viết đạt chất lượng tốt nhất trong khả năng của tôi. Nếu tôi để đến sát deadline mới bắt đầu làm thì tôi sẽ trở nên lo lắng cuống cuồng, và chắc chắn sản phẩm cuối cùng sẽ tệ. Tôi cũng rất thích viết nên có lẽ vì vậy mà viết hàng ngày không phải là vấn đề lớn đối với tôi. 

Học tiến sỹ vất vả nhưng tôi vô cùng yêu thích những gì mình đang làm. Tôi đã kinh qua nhiều công việc, môi trường khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình thật sự đam mê công việc của mình. Không biết tương lai ra sao, nhưng yêu thích những gì mình làm cũng là bước đệm tốt cho tương lai phải không?

Nhân tiện đây, tôi cũng muốn cập nhật với bạn đọc blog về cuốn sách đầu tay của tôi.  Tôi đã viết xong bản thảo và có thể quay lại với blog. Tôi sẽ cố gắng viết đều đặn mỗi thứ hai (để có cơ hội được viết tiếng Việt). Chủ đề của blog sẽ vẫn tập trung vào trải nghiệm sống và học tập ở nước ngoài, những bài học mà tôi học được từ cuộc sống, sách vở và những người xung quanh. Tôi không viết những điều “đao to búa lớn” như kinh tế, chính trị xã hội bởi những thứ đó là công việc hàng ngày của tôi (các nghiên cứu của tôi liên quan nhiều đến những vấn đề ‘to tát’ này). Blog là nơi tôi muốn được viết một cách nhẹ nhàng, viết đơn giản, viết để tìm kiếm sự bình yên giữa nhịp sống nhanh và sôi động tại đất nước cách xa Việt Nam hàng ngàn dặm này. 

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc blog của tôi đến những dòng cuối cùng này.

Chúc bạn một thứ hai thật nhiều niềm vui!

Thanh Mai 

7 thoughts on “Dạy sớm và viết mỗi ngày- thói quen mới cho học kỳ mới

  1. Em chào chị ạ. Em rất thích đọc những chia sẻ của chị. Mỗi lần đọc lại thấy mình có thêm biết bao động lực để cố gắng trên con đường học thuật đầy gian nan. Em rất mong đợi sẽ sớm được đọc cuốn sách của chị! Chúc chị một ngày với nhiều niềm vui^^

  2. giọng văn chị nhẹ nhàng quá. Chúc chị luôn an nhiên! sẽ dõi theo những bài viết của chị ạ.

Leave a Reply