Những hiểu lầm về học tiến sỹ

8BDC163D-16ED-4318-A85C-A204992741B7

Tuần trước, tôi và cô bạn người Trung Quốc đang học tiến sỹ năm nhất, đi ăn trưa trong cantin trường (cô học cùng trường nhưng không cùng khoa với tôi). Trông cô vô cùng mệt mỏi. Đôi mắt trũng sâu, đượm buồn “tố cáo” cô đã mất ngủ mấy đêm rồi. Chúng tôi gọi salad và một bát súp khoai tây. Cô ăn rất chậm như thể đang chìm sâu vào một suy nghĩ nào đó . Bất chợt, cô cất tiếng hỏi tôi:

“Mai này, tớ chợt nhận ra, trước đây, tớ có rất nhiều hiểu lầm về học tiến sỹ. Mấy tuần qua, tâm trạng tớ lúc nào cũng đầy lo lắng. Kỹ năng gì cũng cần phải học. Tớ ‘ghét’ nói trước đám đông, cứ tưởng theo con đường nghiên cứu sinh thì có thể thoát được kỹ năng này. Nào ngờ…”. 

 Cô ngừng nói và thở dài buồn rầu.

“Tớ cũng từng trong tâm trạng như cậu, nhưng đừng lo, dần cậu sẽ quen với môi trường mới thôi” 

Tôi đành trấn an cô như vậy.

Tâm sự của cô khiến tôi nhớ lại những ngày đầu bước chân vào con đường nghiên cứu sinh. Tôi cũng từng có rất nhiều ngộ nhận, và hiểu lầm về con đường mà mình chọn. Tôi nhận ra, rất nhiều bạn bè, người thân và những người xung quanh tôi chưa có cái nhìn đúng về học tiến sỹ. Trong bài viết này, tôi chia sẻ một số hiểu lầm phố biến về học tiến sỹ. Những suy nghĩ này hoàn toàn được đúc kết từ trải nghiệm và quan sát của riêng bản thân tôi, nên có thể không đúng với tất cả mọi trường hợp. Tôi mong được nghe câu chuyện và trải nghiệm của bạn. Nếu có thể, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn ở phần comment nhé!

Bạn cần phải thông minh xuất chúng để học tiến sỹ

Rất nhiều người đã nói với tôi thế này khi tôi chia sẻ về con đường học tiến sỹ trên blog cũng như khi trò chuyện ngoài đời. “Em rất ngưỡng chị, chị giỏi quá”. Thật lòng, tôi rất ngại khi nhận được những lời khen như thế, vì tôi không phải là người giỏi xuất chúng. Xung quanh tôi có rất nhiều các bạn trẻ thật sự xuất sắc và giỏi giang, các bạn còn trẻ những đã đạt được nhiều thành tựu và có nhiều đóng góp cho xã hội. Tôi luôn nghĩ mình là một người bình thường, tôi có những tố chất nhất định để theo con đường nghiên cứu như đam mê nghiên cứu, kiên trì, chăm chỉ, và có thể một chút thông minh. Nhưng tuyệt nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người quá giỏi. Ngẫm ra, để theo học tiến sỹ, bạn cần rất nhiều kỹ năng như quản lý thời gian, chăm chỉ, kiên nhẫn, sáng tạo, đam mê. Tất nhiên, nếu bạn có một bộ não thông minh xuất chúng, bạn sẽ có lợi thế. Nhưng nếu chỉ có mỗi bộ não thiên tài mà không có những tính cách và yếu tố khác, có lẽ bạn cũng không thể đi xa được.

Nếu học giỏi ở bậc đại học, bạn sẽ học tiến sỹ một cách dễ dàng

Như tôi đã chia sẻ trong bài viết “Học tiến sỹ khác học đại học và thạc sỹ như thế nào”, học đại học rất khác với học tiến sỹ. Học đại học giúp ta tiếp thu kiến thức mới, trong khi học tiến sỹ yêu cầu ta “sản xuất” kiến thức mới. Và để có thể nghĩ ra được những ý tưởng nghiên cứu hay, ta phải có con mắt tinh tường để tìm ra “lỗ hổng” trong đống tài liệu đọc, hoặc nhạy cảm với cuộc sống xung quanh. Ở bậc đại học, bạn có thể trở thành học sinh giỏi nếu chăm chỉ học hành, nhưng chăm chỉ chưa chắc đảm bảo bạn sẽ học tiến sỹ “giỏi”. Tôi có cậu bạn tiến sỹ luôn thích kể về khoảng thời gian “vàng” khi còn học đại học. Bạn nói hồi học đại học, bạn là ngôi sao sáng nhất lớp, và bạn không sao quên được thời gian ấy. Bạn bước vào con đường tiến sỹ đầy tự tin, kiêu hãnh nhưng sau một năm, bạn bị bua vây bởi cảm giác bỡ ngỡ và thất vọng tràn trề. Bạn nói: “Chỉ đến khi học tiến sỹ, tớ mới nhận ra tớ không…giỏi và thông minh như tớ nghĩ”.  Ngược lại, tôi cũng thấy nhiều bạn không phải là ngôi sao sáng khi học đại học, nhưng lại luôn có những ý tưởng nghiên cứu rất hay, độc đáo và sâu sắc. 

Những kỹ năng học được từ chương trình tiến sỹ không thực tế

Hoàn toàn sai, ít nhất từ kinh nghiệm của bản thân tôi. Mới bước vào con đường tiến sỹ hai năm, nhưng tôi đã học được quá nhiều kỹ năng từ nói trước đám đông, networking, viết CV, cách “quảng bá” một cách tự tin về bản thân, tư duy phản biện/ phân tích, kỹ năng bảo vệ quan điểm của bản thân, vân vân và vân vân. Tôi đã từng có kinh nghiệm nói trước đám đông khi học đại học, thạc sỹ và khi đi làm, nhưng chỉ đến khi học tiến sỹ tôi mới cảm thấy tự tin hơn vào khả năng nói trước đám đông. Vì đây là kỹ năng vô cùng quan trọng, nên hầu như ở lớp học nào, tôi cũng phải thuyết trình ít nhất một lần. Ngoài ra, khoa còn tạo rất nhiều điều kiện để chúng tôi trình bày ý tưởng nghiên cứu trước các thầy cô và bạn bè. Khi đã “cứng cáp” một chút, chúng tôi được khuyến khích tham gia trình bày tại hội thảo của ngành. Một giáo sư của tôi chia sẻ rằng, chỉ đến khi học tiến sỹ và bây giờ khi đã trở thành giáo sư cô mới nhận thấy, nói trước công chúng là một trong những kỹ năng quan trọng nhất để thành công trên con đường học thuật. Một kỹ năng mà tôi cho rằng cũng rất quan trọng đó là xây dựng thương hiệu bản thân (tôi sẽ viết một bài blog cụ thể về kỹ năng này trong thời gian tới). Rõ ràng, những kỹ năng trên rất quan trọng cho bất cứ ngành nghề nào trong xã hội. 

Các đề tài nghiên cứu xa rời thực tế

Có thể đúng đối với một số ngành học, nhưng với ngành của tôi thì tôi không thấy đúng chút nào. Tất cả những ý tưởng nghiên cứu của tôi đều xuất phát từ nhu cầu hiểu những gì đang diễn ra trong xã hội. Tôi theo dõi thường xuyên những sự kiện trong nước và ở những nước tôi quan tâm, và đôi khi ý tưởng nghiên cứu đến từ những sự kiện ấy. Có nhiều người nói, làm nghiên cứu xa rời thực tế vì các nghiên cứu không đóng góp gì cho xã hội. Có thể đúng. Tuy nhiên, đây là quan điểm của mỗi cá nhân. Đã từ lâu rồi, tôi không có khát khao thay đổi thế giới (bạn có thể đọc quan điểm của tôi về vấn đề này tại bài “Ai cũng từng muốn thay đổi thế giới”), tôi làm nghiên cứu vì muốn thoả mãn nhu cầu tìm hiểu sự vận hành của thế giới xung quanh. Thế thôi. Nếu các nghiên cứu của tôi có đóng góp gì cho xã hội, tôi sẽ rất vui. Nhưng nếu ai đó nói nó quá xa rời thực tế, tôi vẫn…vui vì đơn giản tôi làm nghiên cứu vì mục đích rất “thực dụng”- phát triển bản thân!

Điểm rất quan trọng

Khi theo học tiến sỹ ở Mỹ, bạn sẽ phải tham gia học coursework 2-3 năm. Chỉ sau khi vượt qua kỳ thi vượt rào (comprehensive exam), bạn mới chính thức bước vào giai đoạn làm luận văn. Mục đích của coursework là giúp bạn nắm được cơ sở lý thuyết của chuyên ngành bạn chọn và hiểu được các phương pháp nghiên cứu. Hồi mới bắt đầu học tiến sỹ, tôi rất chú ý đến điểm. Tôi muốn được điểm cao để có bảng điểm thật đẹp. Bây giờ, khi nhìn thấy nhiều bạn năm một cũng hay hoang mang, lo lắng về điểm tôi lại bật cười. Tôi thường nói với các bạn: “Điểm không quan trọng đâu, đừng lo quá”, nhưng có vẻ các bạn không tin. Hồi năm nhất, ai nói với tôi thế, tôi cũng không tin mà. Nhưng bây giờ tôi nhận ra, điểm thật sự không quan trọng chút nào, miễn là bạn không bị điểm C, D hoặc quá nhiều B. Tất nhiên, điểm cũng giúp bạn hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nhưng “đạt điểm cao” không nên là mục tiêu của việc học tiến sỹ. Năm nay, thay vì nghĩ về điểm, tôi nghĩ rất nhiều về ý tưởng nghiên cứu, hội thảo, viết proposal, ý tưởng luận văn, và kế hoạch thu thập số liệu cho luận văn hai năm nữa. 

Bạn biết tất cả mọi thứ sau khi tốt nghiệp

Không đúng. Chương trình tiến sỹ đào tạo bạn trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực/đề tài khá hẹp, nên bạn có thể biết rất nhiều về lĩnh vực đó, trong khi không có nhiều kiến thức về lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, sau 4-5 năm đào tạo chuyên sâu, bạn sẽ biết cách tự học, tự nghiên cứu để lĩnh hội kiến thức ở đề tài khác (nếu bạn muốn)

Người ta nói bạn học quá nhiều, mà không chịu xây dựng sự nghiệp.

Tôi thật sự “khó chịu” khi ai đó nói với tôi: “Sao cứ học mãi thế, sao không đi làm/xây dựng sự nghiệp các thứ”. Tôi coi học tiến sỹ là quá trình đào tạo chuyện nghiệp cho bất cứ ai muốn trở thành nhà nghiên cứu độc lập. Tất nhiên, không phải ai học tiến sỹ cũng đều có mong muốn đi theo con đường nghiên cứu, học thuật sau khi tốt nghiệp. Nhưng đó là mục đích đào tạo của bất cứ chương trình tiến sỹ nào. Đối với riêng tôi, học tiến sỹ là bước đi quan trọng để theo đuổi sự nghiệp mà tôi mong muốn trong tương lai. 

Cuộc sống trở nên nhàm chán, một màu

Điều này đúng hay sai tuỳ thuộc vào trải nghiệm, và suy nghĩ của mỗi người. Có thể nhiều người thấy cuộc sống suốt ngày cặm cụi đọc đọc viết viết thật chán, nhưng tôi lại thấy vô cùng thú vị.  Niềm vui đến với tôi rất đơn giản. Đó có thể là đọc được một cuốn sách hay, một bài báo hay khiến tôi phải thốt lên sao tác giả có thể lý luận sâu sắc, tinh tế đến thế. Có những cuốn sách tuyệt đến mức, mọi câu chữ trong sách đều vô cùng thấm thía. Có khi tôi đã gập sách lại mấy tuần, mấy tháng rồi, nhưng luận điểm, cách nhìn của tác giả khiến tôi suy ngẫm mãi không thôi. Lại có những cuốn sách, bài báo cho tôi một thế giới quan, nhân sinh quan mới. Niềm vui có thể đến từ những giây phút tôi nghĩ ra được một ý tưởng nghiên cứu thú vị, và lên kế hoạch để biến ý tưởng ấy thành một bài nghiên cứu hoàn chỉnh. Niềm vui lại có khi là những cuộc trò chuyện với đồng nghiệp, bạn bè xung quanh về một chủ đề tôi quan tâm. Thậm chí, niềm vui cũng đến từ những giây phút hoài nghi chính bản thân mình (thật sự, cảm giác này luôn thường trực trong tôi). Điều tuyệt nhất của việc làm nghiên cứu là được theo đuổi nhiều đề tài khác nhau mà tôi thật sự yêu thích (tất nhiên là được giáo sư ủng hộ và chấp thuận. Tôi chưa đủ kinh nghiệm để có thể biết chắc chắn đề tài nào là khả thi). Thật lòng, công việc hiện tại của tôi nặng, vất vả và căng thẳng hơn tất cả những công việc mà tôi đã làm trước đây. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống thú vị và nhiều màu sắc như bây giờ. 

Môi trường lành và đơn giản

Một lần, có em gái xin tôi lời khuyên liệu em có nên đi học tiến sỹ. Tôi mới hỏi lại em: “Thế vì sao em muốn học tiến sỹ?”. Em trả lời: “Môi trường công việc em đang làm quá chán và phức tạp. Em muốn đi học cho đơn giản”. Trời, đây thật sự là một hiểu lầm lớn. Cũng giống như bất cứ môi trường công sở nào, môi trường học thuật cũng có những “politics” rất đau đầu, phức tạp. Nếu bạn đi du học ở bậc đại học và thạc sỹ, có thể bạn sẽ không nhận thấy sự phức tạp ở môi trường này. Nhưng khi đã học tiến sỹ, nghĩa là khi bạn phải làm việc khá trực tiếp và thường xuyên với các giáo sư, bạn sẽ thấy những vấn đề của nó. Bạn cũng phải suy nghĩ kỹ khi chọn người hướng dẫn và  chọn người trong hội đồng luận văn. Ví dụ, bạn cũng phải để ý ở trong khoa, ai thích ai, ai không thích ai, ai là người có nhiều tiếng nói, quyền lực, hay ai sẽ có tiếng nói trong tương lai. Và bạn cũng phải khéo léo khi làm việc với giáo sư hướng dẫn của mình, dù giáo sư hướng dẫn không phải là sếp của bạn (theo nghĩa thông thường), nhưng đây lại là người có tiếng nói lớn nhất đối với sự thành công và đường đi của bạn. 

Trên đây là một số những hiểu lầm phổ biến về việc học tiến sỹ mà tôi quan sát được. Cảm ơn bạn đã đọc tâm sự của tôi đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai cuối cùng của năm thật nhiều niềm vui và một năm mới tràn đầy may mắn và hạnh phúc. Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đồng hành cũng blog suốt năm qua!

Thanh Mai

8 thoughts on “Những hiểu lầm về học tiến sỹ

  1. Cảm ơn những chia sẻ của chị! Em thích nhất đoạn chị viết về cuộc sống của nghiên cứu sinh – có đơn điệu và buồn chán hay không là tùy thuộc vào mình. Mong đọc được thêm nhiều bài viết từ chị.

  2. Mình đồng ý với bài này, bạn viết khá sát với thực tế. Nhưng còn một vấn đề nữa, nếu được bạn có thể đưa thêm một quan điểm vào bài viết. Đó là: “có bằng tiến sĩ rồi thì ai cũng sẽ nhận lương trên trăm ngàn USD phải không?”. ^.^

  3. Cảm ơn những chia sẽ thực tế của chị. Tháng 8 năm nay em cũng sẽ chuyển sang Mỹ để bắt đầu học tiến sĩ ngành khoa học chính trị. Blog chị đã truyền nhiều động lực cho em trong suốt quá trình viết hồ sơ, đặc biệt là khi người Việt học cao học ngành khoa học xã hội đã ít, mà trong polisci lại càng ít.

Leave a Reply