Cứ đi thật nhiều thì tâm trí ta sẽ bớt thiên kiến, hẹp hòi?

414E7DCC-52A5-4E86-8AC3-47C5062B37BB

Dạo gần đây, tôi thấy trên mạng rộ lên phong trào cổ vũ người trẻ xách va li lên và đi- đi du lịch, đi du học. Người ta chỉ ra biết bao lợi ích của việc đi. Đi giúp ta hiểu biết hơn về cuộc sống xung quanh. Đi giúp tâm trí ta cởi mở, bớt đi những suy nghĩ thiên kiến, hẹp hòi. Đi có thể không giúp ta ‘làm đẹp’ túi tiền, nhưng lại làm tâm hồn ta tươi mới, thú vị hơn. Tôi cũng là người thích dịch chuyển, và luôn ủng hộ cuộc sống đi đó đi đây. Những bài viết đầu tiên của tôi trên blog đều ngầm nhắn nhủ các bạn trẻ hãy tìm kiếm cơ hội ra đi. 

Tôi từng tin chắc rằng: Đi giúp tâm ta bớt thiên kiến, hẹp hòi.

Gần đây, suy nghĩ của tôi có phần thay đổi. Có thật sự đi giúp tâm trí ta cởi mở hơn? Nếu vậy thì tại sao có những người đi khắp thế gian những vẫn suy nghĩ một chiều? Có khi càng đi họ lại càng tìm thấy bằng chứng bảo vệ thế giới quan, nhân sinh quan “cũ kỹ bảo thủ” của bản thân. Trước khi đặt chân đến một địa điểm mới, họ đã xây dựng sẵn cho mình một thành kiến vững chắc về con người, xã hội nơi ấy. Và khi đặt chân đến đó, họ chỉ mê mải kiếm tìm chứng cứ chứng minh cho nhận định của mình. Bất kể chân họ đi đến đâu, họ luôn đánh giá cuộc sống, xã hội và con người nơi ấy theo lăng kính và hệ giá trị của bản thân mình. Không một chút linh động!

Cũng có nhiều người, thấy cái đẹp của người khác thì từ chối học hỏi, và khư khư đi tìm…cái xấu. Câu cửa miệng của họ luôn là: “Ở nước ngoài cũng thế thôi, mình có cần phải thay đổi gì đâu”. Tôi lúc nào cũng tròn mắt ngạc nhiên trước những lời biện hộ như thế này: “Ở nước ngoài, cũng đầy người vứt rác bừa bãi, sao cứ phải bày đặt thay đổi làm gì?”.  Tôi cũng thấy nhiều người đi du lịch nhưng chẳng dám bước chân ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Nhiều bạn trẻ từ các nước phát triển đến Việt Nam sẵn sàng hoà mình vào cuộc sống của người bản địa, họ dám thử những đồ ăn kỳ lạ nhất, dám đặt chân đến những vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhất, dám trò chuyện với những người bản địa mà có thể theo hệ giá trị của họ rất buồn cười và khác đời. Nhưng lại cũng có những bạn đến Việt Nam chỉ giao du với những người cùng đất nước với mình, và chỉ ở những khu vực sang trọng nhất, đắt đỏ nhất. Cứ ai rủ họ đi tìm hiểu cuộc sống bản địa xung quanh thì họ lắc đầu từ chối vì sợ thực phẩm bẩn, sợ không khí ô nhiễm, sợ bị cướp….họ sợ nhiều lắm.

Nếu đi giúp tâm trí ta cởi mở, vậy thì tại sao lại có sự khác biệt này?

Gần đây tôi lại nghĩ, mối quan hệ giữa “đi du lịch” và “nuôi dưỡng một tâm trí cởi mở” không đơn giản như ta nghĩ. Có lẽ không phải đi giúp tâm trí một người cởi mở, khoáng đạt hơn, mà ngược lại, có lẽ vì người ấy sở hữu một đầu óc, tính cách cởi mở sẵn sàng học hỏi nên họ tìm cơ hội để được đi. Có khi họ còn không nhận ra rằng, ẩn sâu trong con người họ là tính cách ấy. Tính cách ấy chỉ bộc phát ra khi được đặt vào đúng môi trường, đúng hoàn cảnh. Đi là một dòng nước tươi mát nuôi dưỡng một tâm hồn vốn đã cởi mở, rộng lượng, không thiên kiến. Nếu không sở hữu một tâm hồn như thế, thì có đi mãi ta vẫn hẹp hòi, bảo thủ mà thôi.

 Một lần, một em gái chia sẻ với tôi: “Em cảm thấy rất may mắn, vì đã có cơ hội đi du học, cơ hội ấy đã giúp em nhận ra rằng, ta không nên đánh giá ngừoi khác, đặc biệt là những người từ các nền văn hoá khác bằng lăng kính, hệ giá trị của nơi ta được sinh ra và lớn lên. Đi du học đã thay đổi con người em”. Lúc ấy, tôi hoàn toàn đồng ý với em: đi du học là nguyên nhân giúp em trở nên bớt bảo thủ, định kiến. Nhưng giờ đây, tôi lại muốn nhắn nhủ em rằng: Có lẽ không phải đi du học đã thay đổi con người em. Đi du học chỉ là tác nhân khiến tâm hồn vốn đã nhạy cảm và cởi mở của em nảy nở và bộc lộ ra mà thôi!

Vậy khi đã hiểu rằng đi không tự động khiến ta trở nên sống cởi mở và bớt định kiến hơn, ta phải làm gì? Tôi luôn cổ vũ tuổi trẻ đi thật nhiều, nhưng đi thôi chưa đủ. Ta hãy đi với trái tim không định kiến, một trái tim sẵn sàng học hỏi, một trái tim “trong sáng như một tờ giấy trắng”. 

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi! Chúc bạn một thứ hai thật nhiều niềm vui.

Thanh Mai 

6 thoughts on “Cứ đi thật nhiều thì tâm trí ta sẽ bớt thiên kiến, hẹp hòi?

  1. Mình cũng có những băn khoăn việc đi nhiều không hẳn làm thay đổi tư duy (từ quan sát cuộc sống của những người đi nhiều quanh minh) nhưng không biết chia sẻ với ai từ rất lâu rồi. Mãi cho đến khi đọc bài này của bạn thì mình tin là mình đã đúng.

    Cám ơn bạn nhiều!

    1. Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Mình luôn nghĩ, nếu thiếu một tâm trí rộng mở, và sẵn sàng học cái mới, thì dù ta có đi nhiều đến đâu, ta cũng không thay đổi được. 🙂

Leave a Reply