Đối mặt với định kiến- Khó khăn lớn nhất của du học sinh

IMG_0164

Một hôm, thằng bạn Trung Quốc hỏi tôi:

“Mai có cảm nhận thế nào về năm đầu tiến sỹ? Kết quả học tập của Mai tốt chứ?”

“Mọi thứ đều ổn cậu ạ. Tớ đã cố gắng hết sức trong khả năng có thể rồi?” Cố gắng quên đi khối lượng bài vở cao như núi, tôi trả lời câu hỏi của nó với một tinh thần lạc quan nhất.

“Ừ, vì Mai không chỉ học cho bản thân cậu, Mai học cho cả nước Việt Nam mà”. Nó cười lém lỉnh và trêu tôi. Tôi ngừng hút những hạt boba trong cốc trà sữa thơm ngon đang cầm trên tay và tròn xoe mắt nhìn nó. Dường như sợ rằng câu nhận xét đó sẽ đem đến không khí u ám ảm đạm cả ngày cho tôi, nó chấn chỉnh lại giọng điệu sao cho thật nghiêm túc:

“Trông cậu ngạc nhiên chưa kìa, tớ chỉ đùa vui thôi mà. Nhưng có điều này cậu cần nhớ: Cậu là sinh viên Việt Nam đầu tiên của khoa, nên sẽ không tránh khỏi việc mọi người dựa vào kết quả học tập, và thái độ làm việc của cậu để đánh giá cộng đồng sinh viên Việt Nam nói chung, và thậm chí cả dân tộc Việt Nam nữa đấy”. Nụ cười lém lỉnh lúc trước của nó biến đâu mất, thay vào đó là ánh mắt nghiêm nghị và lời căn dặn đầy “trách nhiệm”. Bỗng nhiên, tôi cảm nhận một gánh nặng đè lên vai tôi- một sinh viên thiểu số của khoa.

Một lần khác, tôi nghe mấy nghiên cứu sinh khoá trên bàn tán về một cậu sinh viên đến từ Ấn Độ. Cậu sinh viên này đã bị đuổi khỏi chương trình tiến sỹ mấy năm rồi, nhưng “tiếng thơm” về cậu vẫn dính chặt lấy văn phòng chúng tôi. Thằng Preston, vừa khịt khịt mùi thơm của cốc cà phê, loại cà phê nó mua ở Colombia trong chuyến đi khám phá Nam Mỹ mùa hè, vừa tếu táo:

“Mọi người còn nhớ thằng Maneck không, cái thằng bị đuổi khỏi chương trình tiễn sỹ vì thái độ làm việc không nghiêm túc ấy? Tớ vẫn nhớ, nó thường xuyên không nộp bài viết đúng hạn. Một lần nó còn cố tình đổ cà phê ra máy tính, rồi gửi ảnh máy tính nhoe nhoét cà phê cho cả khoa, và giáo sư hướng dẫn của nó. Nghĩ lại email nó viết cho khoa mà tớ vẫn không nhịn được cười: “Tôi chẳng may làm đổ cà phê vào bàn phím, máy tính hỏng rồi nên tôi không thể hoàn thành được bài viết. Xin giáo sư cho phép tôi được nộp bài muộn”.

George lại thêm vào:

“Thái độ không tốt, nhưng nó lại hay cãi lý. Luôn cho rằng mình là người duy nhất giỏi, duy nhất đúng”

Đang bàn tàn về những sinh viên mang “tiếng thơm”, thằng bạn Hàn Quốc bất ngờ đồi chủ đề. Nó hỏi cả văn phòng:

“Năm tới, khoa mình có nhận sinh viên quốc tế nào vào học không nhỉ?”

“Nghe nói là có một sinh viên đến từ Đài Loan, và một đến từ Ấn Độ”

“Tớ hi vọng, sinh viên Ấn Độ lần này sẽ để lại danh tiếng tốt, sau trường hợp thằng Maneck, các giáo sư cũng cẩn trọng lắm”. Một tiếng nói từ góc văn phòng vang lên. Thằng Bernie từ nãy đến giờ im lặng, bỗng đưa ra một câu nhận xét khiến cả bọn gật gù.

Riêng tôi là không gật gù. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho bạn sinh viên Ấn Độ sắp đến học kia. Không biết bao nhiêu soi mói, bàn tán và đánh giá sẽ đổ vào bạn đây? Bạn Ấn Độ bị đuổi và bạn Ấn Độ sắp đến học này, có lẽ chỉ giống nhau ở một điểm: Đó là cùng có dòng máu Ấn chảy trong người. Nhưng đó là hai cá thể khác biệt, với tính cách, tư duy, quan điểm sống, thậm chí phông nền văn hoá khác hẳn nhau. Vậy tại sao chỉ vì một cá nhân “chệch khỏi đường ray” mà lại đánh đồng đó là thái độ, cá tính của cả một dân tộc? Đây là kiểu tư duy thiếu lý tính, nhưng nó rất phổ biến dành cho nhóm thiểu số trong xã hội.

Từ trải nghiệm của bản thân và chứng kiến những câu chuyện về sinh viên quốc tế, như trường hợp của cậu Ấn Độ kể trên, tôi chợt nhận ra rằng đối mặt và vượt qua thành kiến của người nước ngoài là khó khăn lớn nhất mà một sinh viên Việt Nam phải đối mặt khi đi du học. Tôi không phủ nhận rằng phần lớn sinh viên Việt Nam gặp bỡ ngỡ về ngôn ngữ, văn hoá, giao tiếp, và tài chính khi mới chân ướt chân ráo sang nước bạn sinh sống và học tập. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là những khó khăn nằm trong khả năng kiểm soát của ta, bằng nỗ lực, cố gắng ta hoàn toàn có thể vượt qua được. Tham gia các hoạt động của hội sinh viên, hay năng trò chuyện tâm tình với bạn bè đến từ nước bản địa sẽ giúp ta cải thiện ngôn ngữ. Muốn vượt qua được cú sốc văn hoá ư? Ta có thể đọc sách hoặc tìm cơ hội sống với gia đình người bản địa, và sẵn sàng mở cửa trái tim để học hỏi và đón nhận những điều mới mẻ. Tất nhiên, sẽ rất khó để ta hoàn toàn hoà nhập được vào văn hoá nước bạn, đặc biệt là nếu ta bắt đầu du học ở cái tuổi mà văn hoá Việt đã quyện chặt lấy tâm hồn và con người ta, nhưng dần dần ta sẽ hiểu được tại sao người ở đó lại hành xử, và tư duy như họ vẫn làm. Khó khăn về tài chính ư? Chi tiêu tiết kiệm, tìm một công việc phù hợp hoặc xin học bổng có thể là giải pháp cho vấn đề này.

Nhưng, ta đối mặt với thành kiến của người nước ngoài như thế nào? Đâu phải cứ cố gắng, nỗ lực là ta có thể thay đổi được thành kiến người ta dành cho mình. Thật lòng, tôi luôn cảm thấy vô cùng áp lực trước những thành kiến, đánh giá mà người nước ngoài dành cho người Việt Nam nói chung và dành cho bản thân tôi nói riêng.

Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng không mắc sai lầm

Ý tôi không phải là những sai lầm nhỏ nhặt như phát biểu sai trong lớp, bị một vài điểm B cuối kỳ hay nói tiếng Anh chưa chuẩn mực như người bản xứ. Nếu bạn có những khiếm khuyết trên nhưng bạn chân thành muốn cải thiện, ai ai cũng sẽ coi trọng và sẵn sàng giúp bạn hoà nhập vào môi trường mới. Nhưng nếu bạn có thái độ làm việc đi ngược lại giá trị, kỳ vọng của xã hội Mỹ, hậu quả để lại sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Nước Mỹ đánh giá cao những cá nhân có thái độ làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, có tiếng nói và bản sắc riêng. Đặc biệt họ rất ác cảm với những trò lừa đảo, gian dối trong thi cử như quay cóp, nhờ người khác thi hộ hay viết bài hộ. Hiểu được giá trị và kỳ vọng của nước bạn đang theo học sẽ giúp bạn tránh (vô tình hay hữu ý) mắc những sai lầm đáng tiếc, những sai lầm có thể giết chết niềm tin và sự tôn trọng mà người khác dành cho bạn và thậm chí là quê hương bạn. Năm ngoái, khi chấm bài viết cuối kỳ cho sinh viên lớp tôi đang làm trợ giảng, tôi phát hiện ra hai em sinh viên đạo văn, một em người Mỹ và một em có quốc tịch nước ngoài. Đạo văn là vấn đề vô cùng nghiêm trọng, nên giáo sư quyết định báo cáo lên trường. Điều khiến tôi ấn tượng hơn cả là cách mọi người bàn tán về hai trường hợp đạo văn này.

“Trời ơi, với tính cách gian dối thế, nó sẽ không thể tiến xa được trong cuộc sống đâu. Ai có thể tin tưởng mà giao việc cho nó đây”. Mấy đứa bạn tôi đã thốt lên trong kinh ngạc khi nghe tôi kể về em sinh viên người Mỹ đạo văn.

“Mai có nghĩ một phần là do văn hoá không? Có thể ở quốc gia ấy, người ta không nghĩ ăn cắp ý tưởng của người khác cũng là một dạng dối lừa”. Và đây là cách người ta nhận xét em sinh viên đạo văn đến từ nước ngoài.

Bạn thấy không, cùng một sự việc, nhưng người ta lại có cách nhìn rất khác nhau. Từ những trải nghiệm và quan sát như thế, tôi lao vào tìm hiểu về giá trị và kỳ vọng của nước Mỹ đối với mỗi cá nhân. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng giữ thái độ làm việc nghiêm túc, trung thực, không gạt lừa ai, và không dối trá với chính bản thân mình. Vì tôi hiểu rằng, một người Mỹ mắc sai lầm thì người ta chỉ phê bình cá nhân ấy. Còn nếu tôi mắc sai lầm, người ta sẽ cho rằng đó là vì tôi là người Việt Nam, tôi là sản phẩm của cả một nền văn hoá.

Đôi khi phải tách mình ra khỏi cộng đồng người Việt

Thật lòng, tôi cảm thấy buồn khi phải viết những dòng này. Trước khi giải thích vì sao có những phút giây tôi muốn tách biệt mình với cộng đồng Việt, hãy cùng tôi tìm hiểu câu chuyện sau đâu.

Một lần, tôi vô tình nhận được tin nhắn của dịch vụ viết luận thuê trên Facebook. Tôi sẽ được trả khoảng hai đến ba triệu nếu tôi viết một bài luận cho một sinh viên Việt Nam đang theo học ở Anh. Tất nhiên, tôi thẳng thừng từ chối, nhưng tính tò mò thúc đẩy tôi tìm đến trang Facebook đó và tìm hiểu về dịch vụ này. Một ai đó đã chia sẻ:

“Đây là hành động gian dối, các bạn đừng làm như vậy, nếu nhà trường biết được sẽ không hay đâu. Gian dối như này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của sinh viên Việt Nam nói chung nữa”.

Đáp lại lời chia sẻ chân thành ấy, là sự tức giận tột cùng của những bạn đang sử dụng dịch vụ viết luận thuê. Tôi tròn mắt ngạc nhiên trước những biện hộ như thế này:

“Tôi không có thời gian học vì còn phải làm việc kiếm tiền gửi về cho gia đình. Có phải ai cũng sung sướng như bạn đâu”

“Không biết gì về hoàn cảnh của người khác thì đừng nói”

“Tiếng Anh của em chưa đủ tốt để tự viết luận, nếu em không nhờ người viết hộ thì em sẽ thi trượt môn này mất”

“Ối giời, làm sao nhà trường biết được cơ chứ”

Chưa hết, tôi còn choáng váng khi một bạn bỉ bôi dịch vụ không tốt, không chuyên nghiệp. Bạn ấm ức viết:

“Tôi đã nhờ dịch vụ, tưởng được điểm cao nào ngờ nó (người viết luận hộ) lại đi đạo văn , trích dẫn y nguyên trong sách, khiến tôi bị trượt. Tảy chay hội này đi”.

Trời, tôi đang đọc gì thế này, một kẻ cắp đi chê bai một kẻ cắp khác ư?

Tôi hoàn toàn đồng cảm với những khó khăn về ngôn ngữ, tài chính của du học sinh, nhưng nếu lấy hoàn cảnh để bao biện cho các hành vi gian dối thì quá dễ dàng và hèn nhát. Nếu bạn còn bận kiếm tiền phụ giúp gia đình, vậy thì chấp nhận điểm của mình sẽ thấp hơn một chút đi. Hãy làm hết sức có thể và chấp nhận kết quả bạn nhận được. Nếu tiếng Anh của bạn còn kém, tại sao không tìm cách nâng cao khả năng ngôn ngữ. Viết luận và nhận được phản hồi của thầy cô cũng là một cách giúp bạn biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình phải không?  Tôi chợt nhớ đến Lucan, một sinh viên đến từ châu Phi đang theo học lớp tôi làm trợ giảng. Năm ngoái, Lucan không gửi bài luận cuối kỳ cho tôi, mặc cho tôi đã khuyên nhủ nếu em không gửi bài luận, em sẽ bị điểm không, nếu em gửi cho tôi một nửa bài luận, tôi sẽ vẫn chấm cho em. Em không gửi bài luận và nhất quyết học lại năm sau. Năm nay, tôi may mắn được tiếp tục làm trợ giảng cho khoá học đó. Trong buổi học đầu tiên, Lucan chia sẻ với tôi và giáo sư :

“Năm nay em học lại môn này ạ. Em sẽ cố gắng để không trượt”

“À, tôi nhớ em rồi, vì sao em không nộp bài luận để bị điểm 0 vậy”. Sau vài giây bất ngờ, giáo sư cũng nhận ra cậu học trò hay nói, có nụ cười tươi và ánh mắt thông minh.

“Dạ, năm ngoái em gặp khó khăn về tài chính nên em nhận làm mấy việc một lúc ạ. Em làm nhiều quá đến mức không có thời gian viết bài. Nhất định năm nay em sẽ học hành cẩn thận và nghiêm túc hơn”.

Tôi rất thích thái độ và cách chịu trách nhiệm của em. Rõ ràng, ai cũng có hoàn cảnh, nhưng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cách ta đối phó với hoàn cảnh. Ngoài bản thân ta ra, rất ít người thấu hiểu cho hoàn cảnh của ta. Bạn bè nước bạn sẽ không đoái hoài gì đến những khó khăn của ta, họ sẽ chỉ cho rằng lừa dối là một phần tính cách, văn hoá người Việt. Mỗi lần nghe những câu chuyện về sinh viên Việt Nam gian lận khi viết luận tôi lại cố gắng tách mình ra khỏi cộng đồng đó và tự nhủ với bản thân:

“Mình sẽ cố gắng là một sinh viên chăm chỉ, giỏi giang, để thay đổi cách nhìn của người ta về sinh viên Việt. Mình là một cá nhân riêng lẻ và không liên quan gì đến nhóm người đó cả. Và những lúc như thế, tôi lại trấn an bản thân bằng cách nghĩ về những tấm gương người Việt xuất sắc và thành công ở nước ngoài”.

Luôn nỗ lực phấn đấu gấp mười lần người khác

Sống ở nước ngoài một thời gian, bạn sẽ hiểu rằng, để nhận được sự tôn trọng và công nhận của xã hội, một người nhập cư phải cố gắng, nỗ lực trong công việc gấp mười lần người bản xứ. Có lúc tôi vô cùng bất lực khi ngay cả những người châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng có cái nhìn thiên kiến về tôi chỉ vì tôi đến từ một nước “không giàu”. Những ngày đầu chân ướt chân ráo sang đây học tiến sỹ, tôi cảm nhận một sự hoài nghi mơ hồ mà bạn bè cũng như thầy cô trong trường dành cho tôi. Có lẽ người ta nghĩ tôi chỉ là “một đứa Việt Nam”, “một đứa châu Á”, liệu có theo học được không?  Thằng Haziel, trợ lý hành chính cho khoá học tôi làm trợ giảng kỳ trước, đã xác nhận cảm nhận của tôi không hoàn toàn sai. Một lần, nó thầm thì với tôi:

“Mai này, lúc biết Mai được phân công làm trợ giảng cho khoá học này, giáo sư cũng có phần lo lắng. Thầy không biết Mai có tự tin không, tiếng Anh của Mai có tốt không, Mai có mất nhiều thời gian để quen với việc giảng dạy ở môi trường mới không?”.

Nó ngập ngừng một lúc, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi và tâm sự :

“Nhưng Mai đã làm rất tốt, và thầy thật sự ấn tượng”. Tôi hiểu vì sao thầy lại ấn tượng về tôi. Vì tôi đã cố gắng nỗ lực trong mọi việc, từ việc nhỏ đến việc lớn không quản khó khăn. Tôi không coi công việc trợ giảng kém quan trọng hơn công việc nghiên cứu. Tôi dành thời gian để chấm bài và trò chuyện với sinh viên một cách nghiêm túc và chân tình. Thật lòng, khát khao được công nhận và tôn trọng đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trong thời gian đầu.

Có thể bạn đang tự hỏi, sống và học tập ở nước ngoài đầy rẫy những vất vả như vậy, liệu có đáng cho ta từ bỏ cuộc sống ở Việt Nam mà ra đi không? Câu hỏi này có lẽ còn quan trọng hơn nữa đối với những cá nhân thuộc tầng lớp trung lưu, những cá nhân có một công việc tốt ổn định, và cuộc sống sung túc ở Việt Nam. Đối với riêng bản thân tôi, câu trả lời luôn là “có” mặc dù tôi hiểu rõ những cái nhìn thiên kiến của người nước ngoài dành cho người Việt. Nhưng nếu không có những phút giây ngậm ngùi, mặc cảm và những nỗ lực vượt qua định kiến mà người ta dành cho mình, tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay.

Thành quả của những nỗ lực vượt qua định kiến ngọt ngào lắm bạn ạ. Tôi dần nhận được sự tôn trọng, tin tưởng từ những người ban đầu hoài nghi khả năng của tôi. Tôi dần tìm thấy lòng can đảm để đi tìm tiếng nói và bản sắc riêng cho bản thân. Tôi cũng chợt nhận ra chỉ khi cố gắng hết mình, ta mới khám phá hết nội lực của bản thân. Nếu cuộc sống luôn dễ dàng và bằng phẳng, có lẽ ta sẽ chỉ dậm chân mãi một chỗ mà thôi.

Quá trình sống và học tập ở nước ngoài cũng giúp tôi có cái nhìn khác về khái niệm yêu nước. Về nước và cống hiến mới là yêu nước? Chọn sống ở nước ngoài là “phản bội” đất nước? Cách định nghĩa hạn hẹp như vậy chỉ nhằm giới hạn lựa chọn hạnh phúc của mỗi cá nhân mà thôi. Giờ đây, tôi tin rằng, yêu nước là luôn hành xử văn minh, luôn sống ngay thẳng, chân thành để thay đổi định kiến của người nước ngoài dành cho người Việt. Có người luôn bỉ bôi, chê trách cá nhân Việt quyết định sống và lập nghiệp ở nước ngoài, nhưng bản thân họ lại dối lừa, xu nịnh khi sống ở nước ngoài, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cả nước. Nhiều người khác, tuy sống xa quê hương, nhưng bằng nỗ lực tự thân đã nhận được sự tôn trọng của bạn bè nước ngoài. Họ giúp người bản xứ có cái nhìn khác về trí tuệ và tinh thần của người Việt chúng ta. Theo bạn, ai là người yêu nước hơn?

Cuối cùng, chỉ khi bản thân trở thành nạn nhân của định kiến, tôi mới hiểu rằng thế giới này, cuộc sống này không chỉ có hai mặt đen-trắng, tốt-xấu rõ ràng. Có rất nhiều những khoảng màu xám giữa hai thái cực. Tốt hay xấu, đúng hay sai, trắng hay đen cũng chỉ tương đối mà thôi. Có lẽ đây là bài học lớn nhất mà tôi học được từ quá trình sống và học tập ở nước ngoài.

Cảm ơn bạn đã đọc tâm sự của tôi đến những dòng cuối cùng! Chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui!

Thanh Mai

P/S: Xin vui lòng liên hệ tác giả nếu muốn sử dụng lại bài viết.

7 thoughts on “Đối mặt với định kiến- Khó khăn lớn nhất của du học sinh

  1. Đồng cảm nhiều thứ với chị… Là người ngoại quốc đi học, đi làm ở nước ngoài lúc nào cũng phải cẩn trọng trong hành động vì biết mình đang đại diện cho cả dân tộc. Mình làm sai, họ sẽ bêu xấu cả cộng đồng mình. Ngược lại, cộng đồng mang tiếng thì mình cũng vạ lây…

    1. Đúng đó em ạ. Chỉ ai đã từng có trải nghiệm ở nước ngoài mới có cảm giác này em nhỉ. Nhưng cũng chính vì những trải nghiệm đó mà bản thân mình cũng trở nên trưởng thành hơn 🙂

Leave a Reply