Nơi đâu là nhà?

43661830_10218289762654937_1783002844836659200_o

Vừa hạ cánh ở sân bay Los Angeles, tôi vội vã nhắn tin cho bạn đồng hành:

“Em sắp về đến nhà rồi!”.

Chưa đầy một phút thì tôi nhận được tin nhắn trả lời của anh: “Chào mừng em trở về nhà! Anh và Bẹp đang chờ em đây!”.

Tôi bật cười trước sự mâu thuẫn của bản thân. Mới đây thôi, trước khi bay về Việt Nam đi thực địa, chúng tôi vẫn còn “tranh cãi vui” thế này cơ mà:

“Lần này về Việt Nam một tháng, em có nhớ anh và Bẹp không?”

Tôi lẩn tránh câu hỏi của Anh, bởi niềm háo hức trở về Việt Nam đang quyện chặt lấy tâm trí và cảm xúc của tôi. Dường như hiểu được điều ấy, bạn đồng hành nói: “Vậy là em sẽ không nhớ phải không?”.

Tôi trêu: “Em sắp được về nhà mà!”

Tôi chợt nhận ra, giờ đây có hai đất nước, được tôi gọi trìu mến là nhà. Hai đất nước với sự khác biệt không thể lớn hơn, tại sao đều có thể trở thành nhà của tôi? Có lẽ, những tháng năm dịch chuyển, và trải nghiệm nhiều nền văn hoá khác nhau, đã làm thay đổi khái niệm “nhà” trong tôi. Ngẫm kỹ ra, hai đất nước tưởng như không có bất kỳ điểm tương đồng nào ấy, lại giống nhau đến kỳ lạ. Và chính sự tương đồng ấy, đã khiến chúng trở thành nhà nơi tôi!

Cả hai đất nước đều có những người tôi gọi là “gia đình”

Tháng trước, tôi về Việt Nam để làm một nghiên cứu liên quan đến bản sắc, danh tính cá nhân. Nhiều bản trẻ mà tôi có dịp trò chuyện gắn danh tính cá nhân với vùng miền hay thành phố mà bạn sinh ra và lớn lên. Cũng có bạn cảm thấy “là người Việt Nam” là một danh tính, bản sắc quan trọng. Kỳ lạ thay, “là người Việt Nam”, hay “sinh ra và lớn lên ở Việt Nam” chưa bao giờ là danh tính, tôi muốn gắn chặt với bản thân mình. Tôi luôn mong bạn bè tôi, dù ở trong nước hay quốc tế, nhớ về tôi với nhiều bản sắc khác nhau. Một người phụ nữ hiện đại. Một nghiên cứu sinh. Một người yêu thích đọc và viết lách. Một người cởi mở, và khát khao khám phá cuộc sống xung quanh. Tôi hiểu, “là người Việt Nam” là danh tính mà có lẽ, bạn bè quốc tế nào cũng nhớ về tôi, bởi đó là điều hiển nhiên, là điều tôi không thể thay đổi. Nhưng với riêng tôi, tôi muốn bản sắc cá nhân mình vượt ra ngoài điều không thể đổi thay ấy. Có lẽ vì không muốn gắn danh tính cá nhân với cụm từ “là người Việt Nam” nên tôi có thể mở rộng lòng mình mà đón nhận “những ngôi nhà mới”.

Nhà, không nhất thiết là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nhưng nhất định đó phải là nơi có những người tôi yêu thương, những người sẽ cho tôi tình yêu và sự ấm áp. Niềm háo hức trước mỗi chuyến bay về Việt Nam, có lẽ, không đến từ nỗi nhớ món canh cá chua, món bún riêu hay bún ốc thơm phức, nó cũng chẳng đến từ những lễ hội, những phong cảnh, những điều chỉ ở Việt Nam mới có. Những điều ấy sẽ chẳng khiến tôi cảm thấy Việt Nam là nhà, nếu ở đó không có những người thân của tôi. Nếu không có bố mẹ, em gái, và hai đứa cháu đáng yêu đang chập chững khám phá thế giới, thì mọi thứ rất Việt kia cũng chẳng có ý nghĩa gì với tôi.

Có lẽ cũng chính vì lẽ ấy, mà nước Mỹ cũng đã trở thành nhà của tôi. Sự gắn bó và yêu mến mà tôi dành cho mảnh đất này dường như lớn hơn, kể từ khi tôi xây dựng gia đình riêng nơi đây. Tôi háo hức quay lại Mỹ, không phải vì những cung đường du lịch rất đẹp, những công viên quốc gia làm say đắm lòng người, những cốc cà phê starbuck có tưới thêm chút kem ngọt lịm, hay bất cứ thứ gì rất Mỹ. Nỗi nhớ, chứ không phải những thứ kia, đã khởi sinh sự háo hức ấy trong tôi. Đó là nỗi nhớ dành cho bạn đồng hành, cho chú mèo trắng mắt hai màu, cho ngôi nhà mà chúng tôi chăm sóc và gây dựng, cho những phút giây cùng nhau nấu bữa tối hay chạy bộ, cho cảm giác ấm cúng hai đứa ngồi trò chuyện bên lò sửa mỗi tối mùa đông, cho vườn cà chua đang gan dạ chống chọi với cái nắng mùa hè, cho những cuộc trò chuyện nghiêm túc về tương lai. Đúng, chính gia đình đã khiến tôi dần cởi mở lòng mình mà gọi nước Mỹ là nhà!

Nhà là nơi ta sống thật chậm

Ta sống chậm là bởi ta biết, nhà sẽ luôn ở đấy, sẽ luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay để đón ta trở về. Hơi xấu hổ một chút, nhưng nhiều khi tôi coi nhà là một “điều đương nhiên”.

Vừa rồi, tôi có dịp về thăm gia đình một người bạn ở Thái Bình. Tôi rất thích thiết kế nhà bạn, một chiếc ao nhỏ nhỏ xinh xinh nằm cạnh sân nhà, được bao bọc bởi nhiều loài cây ăn quả. Thích đến nỗi, mới chỉ ngồi chơi với bố mẹ bạn được mười phút, tôi đã háo hức bảo hai bác đưa tôi ra xem ao vườn. Tôi vội vã khám phá và tìm hiểu, bởi tôi biết, có lẽ phải rất lâu nữa, hoặc không bao giờ nữa, tôi mới có cơ hội đến thăm gia đình bạn. Ta chỉ vội vã khi ở nhà người khác mà thôi!

Tôi về thăm mẹ, mẹ khoe, vườn mới đẹp lắm. Mẹ trồng thêm vài cây ăn quả, vài cành hoa lan, vài chậu hoa trạng nguyên. Mẹ còn hứng khởi chỉ cho tôi cây vối mới trồng đấy thôi mà đã cao lớn lắm rồi. Mẹ giục giã: “Con ra ngắm vườn đi”. Trái với sự háo hức nơi mẹ là phản ứng có phần dửng dưng của tôi. Phải đợi đến ngày thứ ba, tôi mới ra thăm khu vườn của mẹ. Không phải sự hứng thú đối với thiên nhiên trong tôi đã giảm sút, mà bởi tôi biết tôi còn rất nhiều dịp để khám phá khu vườn. Nhà tôi ở đây, sao tôi phải vội vã. Nếu không phải ngày hôm nay, thì sẽ là ngày mai, nếu không phải là chuyến thăm Việt Nam lần này, thì sẽ là chuyến thăm năm sau, năm sau nữa. Tôi có thể quay trở về và thăm khu vườn của mẹ bất cứ khi nào tôi muốn. Tôi không cần phải vội vã tại chính ngôi nhà của mình!

 Mỗi lần về Việt Nam tôi sống rất chậm. Tôi lười biếng ôm lấy chiếc giường đến tận sáng muộn, tôi nhâm nhi đọc sách, xem TV, trò chuyện với bạn bè và người thân. Dù có ai giới thiệu địa điểm du lịch mới thú vị, tôi cũng không cuồng cuống mà phải đi ngay cho bằng được. Lý do là bởi tôi biết, Việt Nam luôn ở đây, luôn dang rộng vòng tay để tôi trở về. Tôi có thể đến thăm địa điểm ấy bất cứ khi nào tôi muốn.

Tôi đã dần có cảm giác như vậy trên nước Mỹ. Tôi từ từ chầm chậm khám phá đất nước này, phần vì công việc bận rộn, nhưng phần lớn là vì tôi hiểu, tôi còn nhiều cơ hội để làm điều ấy trong đời.

Tôi vẫn nhớ những tháng ngày sống nhanh, sống gấp gáp trên đất Anh. Vừa kết thúc chuyến du lịch đến Oxford, tôi đã vội vã để tâm trí lạc lối trong kế hoạch đến thăm Stonehenge. Vừa mới thơ thẩn thả hồn mình vào quá khứ mang đầy sắc màu The Beatles ở Liverpool, tôi đã nghĩ: “Địa điểm đặt chân tiếp theo của mình sẽ là nơi nào đây?”. Khi âm hưởng lịch sử của thành phố Stratford-upon-Avon, nơi mọi ngõ ngách đều gắn liền với cuộc đời của Shakespeare, chưa vội tan, tôi đã thấy mình mơ mộng về hòn đảo Isle of Wight xanh rì. Tôi luôn vội vã, gấp gáp trên đất Anh, như thể nếu chỉ sống chậm đi một phút thôi, đất nước này sẽ mãi mãi biến mất trên quả địa cầu. Suốt gần hai năm sống ở Anh, tôi luôn thấy mình là một kẻ lữ hành, chỉ “ăn nhờ ở đậu” nơi đây mà thôi. Tôi luôn quay cuồng với câu hỏi: “Liệu bao giờ mới có cơ hội được quay lại đây?”. Bạn không hỏi như thế nếu đang ở nhà mình. Có lẽ vì nước Anh không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho tôi một cơ hội để quay trở lại, nên tôi phải sống vội, sống gấp, và tận dụng mọi giây phút để khám phá và tìm hiểu về đất nước.

Cuộc sống dịch chuyển đã thay đổi khái niệm “nhà” trong tôi. Nhà, không nhất thiết phải là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nhưng đó nhất thiết phải là nơi tôi có gia đình và là nơi ban tặng cho tôi cơ hội sống không vội vã!

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ cuả tôi đến những dòng cuối cùng này.

Chúc bạn một thứ hai thật nhiều niềm vui!

Thanh Mai

P/S: Xin vui lòng liên hệ tác giả nếu muốn sử dụng lại bài viết.

 

2 thoughts on “Nơi đâu là nhà?

  1. Chào mừng chị trở lại với ngôi nhà “blog”. Không có gì phải vội vã vì chị có thể viết bất cứ lúc nào ^^!

Leave a Reply