Và tất cả chỉ là sự khác biệt

IMG_2129

Tuần trước tôi xem một bộ phim rất hay và cảm động có tên “The Farewell” (Lời từ biệt). Phim kể về mối quan hệ phức tạp của một gia đình Trung Quốc, có nhiều thành viên sống ở các nền văn hoá khác nhau. Billi  một nhà văn u sầu, theo gia đình rời Trung Quốc sang Mỹ định cư từ khi còn là cô bé 6 tuổi. Cô dành tình yêu sâu sắc cho bà nội Nai Nai ở Trung Quốc. (Billi do Awkwafina thủ vai, tôi thích cô từ phim Crazy Rich Asians. Trong phim “The Farewell” cô đóng vai chính nên có nhiều đất diễn hơn). Mối quan hệ cuả các thành viên trong gia đình, và sự xung đột giữa các nền  văn hoá được đẩy lên cao trào khi Nai Nai, người bà yêu dấu của cả gia đình được chuẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn cuối, và chỉ có thế sống được thêm ba tháng nữa. Không ai nói cho Nai Nai về bệnh tình của bà, và thay vào đó, cả gia đình tổ chức một buổi họp mặt đám cưới để mọi người có cơ hội nói lời tạm biệt. Bà không hay rằng, đám cưới đó chỉ là cái cớ để con cái, cháu chắt gặp bà lần cuối mà thôi!

Billi là người duy nhất không sao hiểu được, mọi người lại dấu bà về căn bệnh ung thư bà đang mang trong người. Cô luôn dằn vặt với câu hỏi: Vì sao bà lại không được biết về tình trạng của mình? Nếu bà có điều gì muốn trăn trối với con cái thì sao? Nếu bà có những mơ ước thầm kín chưa kịp thực hiện thì sao? Tại sao không cho bà biết rằng bà chỉ còn ba tháng nữa thôi, biết đâu bà muốn dành những ngày tháng cuối cùng ấy để làm một điều đặc biệt? Những câu hỏi này quẩn quanh tâm trí cô, dằn vặt cô suốt những ngày cuối cùng sống bên bà. Cô loay hoay đi tìm lời giải thích cho lời bào chữa mà bố mẹ và các chú các bác muốn cô thấm nhuần: “Những tháng ngày cuối cùng của bà sẽ vui vẻ và hạnh phúc hơn, nếu bà không hay biết gì về bệnh tật của mình”.

Vì sao Billi lại suy nghĩ khác người thân của cô ở Trung Quốc đến vậy? Đó là vì cô đã tiếp thu nền văn hoá Mỹ từ nhỏ. Theo văn hoá Mỹ, người bệnh phải được biết đầy đủ về tình trạng sức khoẻ của bản thân. Bệnh nhân, chứ không phải gia đình của bệnh nhân, là người đầu tiên mà bác sỹ phải chia sẻ kết quả xét nghiệm và phác đồ điều trị (chỉ trừ trường hợp bệnh nhân không còn nhận thức nữa). Bác sỹ, cũng như người nhà bệnh nhân, phải tôn trọng quyền quyết định và lựa chọn có tiếp tục điều trị hay không của bệnh nhân. Đó là quyền cơ bản của một người bệnh! Chồng tôi kể, bác sỹ cũng như người nhà sẽ vướng vào vòng lao lý, nếu không chia sẻ thật và đầy đủ về tình hình bệnh với người bệnh, và không tôn trọng quyết định của bệnh nhân.

Billi hoàn toàn kinh ngạc khi ở Trung Quốc, cả gia đình, và bác sỹ “thông đồng” để dấu người bà thân yêu về căn bệnh ung thư. Cô không sao hiểu được, người nhà cô lại mang giấy xét nghiệm của bà đi chỉnh sửa ở cửa hàng photocopy. Cụm “u ác tính” được sửa thành “những vệt lành tính, không gây hại gì”. Cô cũng lạc lối khi thấy người nhà đưa cho bà viên thuốc chữa ung thư , nhưng lại vờ rằng đó chỉ là thuốc bổ mà thôi. Nước mắt cô đượm buồn khi bà cô đọc giấy xét nghiệm và mỉm cười: “Đấy, ta đã bảo rồi mà, ta chỉ ốm nhẹ thôi mà”.

Nếu xem bộ phim này mấy năm trước đây, cái thời mà tôi còn trẻ trâu, chắc chắn tôi sẽ tự hỏi: “Ai đúng ai sai? Billi đúng hay gia đình cô đúng?”. Tôi sẽ mong mỏi đi tìm một câu trả lời rõ ràng và cụ thể. Giờ đây, tôi hiểu rằng, đúng sai rất khó để tách bạch rạch ròi. Tôi hiểu rằng, văn hoá chỉ là sự khác biệt. Ta thường đánh giá đúng sai dựa trên chuẩn mực của bản thân, của xã hội mình đang sống, mà từ chối xem xét từ quan điểm, góc nhìn của người đến từ văn hoá khác.

Khi nhận thức được rằng, mỗi nền văn hoá đều có một tư tưởng nền tảng xuyên suốt, ta sẽ sẵn sàng mở lòng tiếp nhận sự khác biệt của nền văn hoá khác. Tư tưởng định hình văn hoá Mỹ là sự tôn trọng tính cá nhân độc lập của mỗi con người. Mỗi cá nhân được kỳ vọng tự chịu trách nhiệm về cuộc đời riêng cuả mình. Người ta tin rằng mỗi cá nhân có đủ năng lực để đưa ra quyết định cho bản thân. Ngược lại nền tảng văn hoá phương Đông, như Trung Quốc  là tính cộng đồng. Mỗi cá nhân là một thực thể của cộng đồng đó, và cuộc sống của một người bị chi phối bởi cộng đồng xung quanh. Sự khác biệt cơ bản này dẫn đến cách hành xử khác nhau. Một cô bạn người Mỹ của tôi tròn mắt ngạc nhiên khi tôi kể, cô giáo chủ nhiệm năm nhất Đại học gửi bảng điểm và kết quả học tập về cho gia đình tôi. Và ngược lại, có lẽ ít ai trong chúng ta hiểu được tại sao ở Mỹ, nếu bố mẹ muốn trường Đại học cung cấp bảng điểm lại phải có giấy uỷ quyền và sự đồng ý của con cái mình. Trước khi làm trợ giảng, tôi đã được học rất kỹ rằng, tôi không được phép tiết lộ điểm thi của sinh viên cho bất cứ ai, trừ khi được phép của sinh viên đó.

Mỗi lần về Việt Nam, ai đó lại hỏi tôi: “Thế sống ở Mỹ hay ở Việt Nam thích hơn?”,  “Cuộc sống ở đâu hay hơn”, hay “Văn hoá bên nào thích hơn”. Câu trả lời của tôi luôn là: “Hai nước rất khác nhau. Không có cuộc sống hay văn hoá bên nào hay hơn, đẹp hơn. Chỉ có sự khác biệt (rất khác biệt)”. Một người bạn đã nói với tôi: “Tớ thấy sống kiểu văn hoá phương tây vẫn hơn, tự do cá nhân được tôn trọng”. Nhưng ta lại quên mất rằng, “hệ qủa” của việc này là tình cảm gia đình có thể xa cách. Một người họ hàng của chồng tôi đã không trò chuyện với mẹ của chị suốt 10 năm qua, chỉ vì những cãi vã không đâu vào đâu. Hai người thường tránh mặt nhau, và nếu chẳng may chạm mặt nhau trong những cuộc họp gia đình, họ sẽ tránh ánh mắt nhau. Một người khác lại nói: “Tớ vẫn thấy kiểu cộng đồng gần gũi như Việt Nam vẫn hơn”. Nhưng chính kiểu cộng đồng ấy lại tạo ra những đứa con, có khi 30, 40 tuổi, vẫn không thể tự quyết định cuộc sống của mình. Và cũng chính kiểu cộng đồng ấy khiến bao người phải sống dằn vặt cả đời vì không dám sống và theo đuổi đam mê riêng để làm vui lòng gia đình và xã hội. Nếu bạn hỏi tôi, tôi thích văn hoá nào hơn. Tôi thật sự chỉ nhìn thấy những khác biệt.

Lời chia sẻ chân tình của người bác, có lẽ, đã phần nào làm nguôi ngoai cảm giác tội lỗi, dằn vặt nơi Billi:

“Cháu muốn thành thật với bà, vì cháu chỉ muốn xoá đi cảm giác dằn vặt của chính mình. Cháu không chịu nổi gánh nặng cảm xúc ấy. Đó là sự ích kỷ của bản thân cháu. Còn chúng ta, chúng ta không nói với bà vì muốn thay bà chịu đựng những gánh nặng cảm xúc ngày cuối đời.”.

Cuộc trò chuyện của hai bác cháu thật sự xúc động. Tôi thấy những người Mỹ xung quanh tôi trong rạp chiếu phim đưa tay quệt nước mắt vì cảm động. Có lẽ, nhiều người trong số họ, những người vốn tin vào sự vượt trội của văn hoá Mỹ, cũng đã phần nào đồng cảm với quyết định của gia đình Billie. Chồng tôi tâm sự, lúc đầu, anh cũng không chấp nhận được việc gia đình Nai Nai dấu bà về  bệnh tình của bà, nhưng đến cuối phim khi thấy bà thật sự vui vẻ và hạnh phúc những tháng ngày cuối, anh lại thấy đồng tình với quyết định của họ. Bật mí một chút, phim được dựa trên câu chuyện có thật của đạo diễn Lulu Wang. Mặc dù được chuẩn đoán chỉ có thể sống thêm 3 tháng, nhưng Nai Nai đã sống thêm được 6 năm nữa. Tôi trêu chồng: “Nếu gia đình Billi nói thật với bà ngay từ đầu, như cách người Mỹ làm, liệu gia đình có cơ hội được ở bên bà 6 năm nữa không?”. Anh cười: “Ừ, cũng có thể đấy!”

Phim còn dạy tôi rằng, đứng trước mọi việc, trước khi phê phán và đánh giá, ta hãy đặt câu hỏi “Tại sao”. Nếu luôn bắt đầu bằng câu hỏi “Tại sao”, tâm trí ta sẽ cởi mở hơn, bớt phán xét hơn, và sẵn sàng đón nhận những khác biệt trong cuộc sống! Đặt câu hỏi “Tại sao”, còn giúp ta suy xét sự việc đến tận gốc rễ, chứ không chỉ nhìn mọi vật hời hợt bề ngoài.

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui!

Thanh Mai

 

8 thoughts on “Và tất cả chỉ là sự khác biệt

  1. Bài viết này làm em nhớ tới 1 bài khác của chị, không nhớ cụ thể nhưng cũng về sự khác biệt trong văn hóa, rằng những người đi nhiều nhưng đầu óc thực sự không thông thoáng, trái tim không rộng mở thì dù cho có chu du khắp thế gian, cái thâm căn cố đế vẫn bám rễ và khó mà đón nhận thêm bất kì sự mới mẻ nào.
    Em đi chưa nhiều, nhưng đó là bài học cho những chuyến đi sau của em, rằng hãy giữ con mắt – cách nhìn của một đứa trẻ, của một tờ giấy trắng. Hãy đặt câu hỏi vì sao nhiều hơn là phán xét đúng – sai, sự tò mò và tinh thần học hỏi không ngừng mới là hành trang vững chắc nhất cho bất kì giai đoạn nào trong cuộc sống. Em cho rằng sự hiểu biết còn nông cạn của bản thân cũng là một lợi thế, bất kì khi nào em cho rằng mình biết hơn người khác, giỏi hơn họ, dù ít dù nhiều, là lúc em kém thông minh nhất!
    Viết dòng comment này cho bài chị viết, em đã biết chủ đề bài blog tuần này của em là gì rồi ^^! Chúc chị một tuần mới với nhiều khám phá mới và lắng đọng những điều hay!

  2. Cám ơn bài viết của chị. Em luôn nghĩ mình là một người cởi mở đón nhận những khác biệt văn hóa, em vẫn nghĩ nó không có chỗ nào sai cho đến một ngày em rơi vào bi kịch của sự khác biệt văn hóa đó. Ngày trước em đến nước Mỹ, và vô tình “yêu phải” một anh đạo Hồi, em có thể để mình hiểu được những giá trị trong tôn giáo của họ mà suốt mấy mươi năm trước em không thể nào hiểu và thông cảm được (như kiểu fasting, hay không ăn cái này cái kia, hay phải cầu nguyện những 5 lần một ngày, hay abcxyz gì đó) nhưng một ngày anh ấy nói với em rằng anh ấy có một người bạn gái, và anh ấy yêu cả 2 người (em và người bạn gái ấy) ngang nhau, đó là văn hóa, là quan niệm của họ, và chuyện đó hết sức bình thường. Em biết đó là khác biệt văn hóa và mình không thể phán xét rằng việc đó đúng hay sai, chỉ là em vẫn nghĩ tình yêu là điều gì đó hết sức universal, rằng đó là chuyện của 2 người, chứ không phải là cách san sẻ “công bằng” kia.
    Dù sao thì điều đó cũng không làm em ngừng đi và trải nghiệm những điều mới, đó cũng là một bài học lớn, để thấy thế giới này quá rộng và có những điều mình chắc sẽ không bao giờ hiểu được.

    1. Chào em, cảm ơn em đã chia sẻ câu chuyện thú vị của em! Đúng như em chia sẻ, có những điều thuộc về văn hoá mà người ngoài thấy rất khó hiểu và chấp nhận. Ngoài ra, đôi khi có người nhân danh văn hoá để “đàn áp” những người ít quyền lực hơn nữa. 🙂 Chúc em có nhiều trải nghiệm vui trong cuộc sống!

Leave a Reply