Xuất bản bài báo khoa học đầu tiên và những gì tôi học được

DSC00465 2.JPG

Vì thị trường lao động trong lĩnh vực học thuật cực kỳ cạnh tranh, nên lũ nghiên cứu sinh chúng tôi luôn được khuyến khích cho ra các sản phẩm xuất bản (publications) ngay khi còn đang đi học. Sản phẩm xuất bản có thể mang nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là một bài phê bình sách (book review); một bài bình luận gửi cho một tờ báo có đối tượng bạn đọc đại chúng (ví dụ bài phê bình gửi cho tờ the Diplomat, vân vân); một chương trong một cuốn sách mà mỗi chương của sách được viết bởi các tác giả khác nhau (edited volume); và đó cũng có thể là một bài báo khoa học đăng trên một tạp chí chuyên ngành (peer-reviewed publication).

Trong số các sản phẩm trên, xuất bản một bài báo khoa học trên một tạp chí chuyên ngành có sức nặng và ảnh hưởng tích cực nhất đến sự cạnh tranh của bạn trên thị trường lao động. Lý do là vì, để được chấp nhận xuất bản trên một tạp chí, bài báo phải trải qua quy trình bình duyệt khoa học khắc nghiệt. Vì thế, xuất bản một bài báo khoa học thường khó hơn rất nhiều so với việc xuất bản một sản phẩm khác.

Trong buổi gặp đầu tiên với giáo sư hướng dẫn khi tôi mới đặt chân đến Mỹ, thầy hỏi tôi: “Mong muốn nghề nghiệp của em sau khi tốt nghiệp là gì?”.

Tôi cũng chia sẻ thành thật với thầy rằng, tôi đã kinh qua nhiều công việc văn phòng, và nhận ra tôi không muốn trói buộc số phận mình quanh một chiếc bàn, bốn bức tường tám tiếng mỗi ngày. Tôi nói với thầy khát khao được theo con đường giảng dạy và nghiên cứu tại một trường Đại học quốc tế. Tôi hiểu rất rõ, chương trình tiến sỹ mà tôi theo học không phải là trường hàng đầu ở Mỹ, nên đường đi của tôi sẽ dài và vất vả hơn nhiều. Nghe tôi nói vậy, giáo sư khuyên:

“Hãy cố gắng xuất bản (nhiều) bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín, trước khi ra trường”

Sau khi lắng nghe lời khuyên của giáo sư, tôi tự hứa với bản thân rằng, tôi sẽ nắm bắt mọi cơ hội xuất bản nếu có. Tôi gửi bài báo đồng tác giả đầu tiên với thầy đến một tạp chí vào kỳ hai năm thứ nhất, và bài báo được chấp nhận xuất bản ở tạp chí đó vào năm thứ hai. Không có gì đảm bảo, tôi sẽ tìm được một công việc như mong muốn sau khi tốt nghiệp. Nhưng tôi muốn sau này nhìn lại có thể tự hào rằng, tôi đã cố gắng hết sức trong khả năng có thể của bản thân.

Tôi đã trưởng thành và học được rất nhiều bài học quý báu sau khi xuất bản bài báo khoa học đầu tiên. Và tôi muốn chia sẻ với bạn đọc blog về những bài học ấy trong bài viết tuần này.

Tôi đã xuất bản bài báo khoa học đầu tiên như thế nào?

Kỳ đầu tiên của năm thứ nhất, tôi nhận lớp do thầy hướng dẫn của tôi giảng dạy. Tôi đặc biệt thích đọc các bài nghiên cứu liên quan đến sự ảnh hưởng của mạng xã hội và Internet đối với phong trào xã hội. Tôi thấy có điều gì đó thiếu thiếu trong cơ sở lý thuyết (literature) liên quan đến đề tài này. Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào vai trò của Internet đối với phong trào và sự nổi dậy ở các thành phố lớn, như phong trào Arab Spring ở Trung Đông, hay các vụ biểu tình gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hiện nay, ta ít thấy các phong trào xã hội lớn ở khu vực nông thông. Gần như không có bài nghiên cứu nào viết về Internet và phong trào ở nông thôn. Tôi quyết định viết bài nghiên cứu cuối kỳ về đề tài này. Tôi lập luận rằng, trong khi Internet thúc đẩy phong trào xã hội lớn ở thành phố, nó lại cản trở phong trào xã hội ở nông thôn. Tôi gửi bài đi và không mong gì hơn một điểm A cho bài viết. Sau mấy ngày, tôi bất ngờ nhận được email của thầy. Thầy viết:

“Bài viết có ý tưởng tốt, và có triển vọng phát triển thành một bài báo hoàn chỉnh và gửi cho một tạp chí. Đầu kỳ mùa xuân, lên gặp tôi để bàn về tương lai của bài báo”

Ngày đầu tiên của kỳ hai năm thứ nhất, tôi vác sách vở lên gặp thầy. Thầy nói:

“Bài này có triển vọng. Nếu em cần tôi giúp đỡ, và cần tôi là đồng tác giả bài báo, tôi rất sẵn sàng, nhưng sẽ cần sự cam kết và nỗ lực rất lớn ở em”.

Lúc ấy, tôi chưa thể hình dung ra được quy trình xuất bản bài báo như thế nào, nên tôi muốn nắm lấy cơ hội này để học hỏi. Khát khao được chứng minh và khẳng định bản thân của một sinh viên quốc tế khiến tôi không ngần ngại mà hứa với thầy rằng, tôi sẽ nỗ lực và cố gắng hết sức để gửi bài đi trong năm thứ nhất!! (Nghĩ lại vẫn hơi liều vì tôi dám hứa như thế!!). Và thế là, suốt kỳ hai năm nhất, cứ hai tuần tôi lại gửi bài cho thầy và đến gặp thầy để bàn về tiến độ bài viết. Viết, rồi lại sửa lại, rồi lại viết lại. Đến tầm tháng 4 và tháng 5 của học kỳ 2, tôi xin thầy tạm dừng viết bài nghiên cứu này vì phải tập trung vào việc chấm bài cho sinh viên và hoàn thành các bài viết cuối học kỳ. Sau khi kết thúc học kỳ hai, tôi lại bắt tay vào viết bài. Chúng tôi gửi bài nghiên cứu đi vào tháng 7/2018, và nhận được lời chấp nhận xuất bản từ tạp chí vào tháng 4/2019.

Tôi đã học được gì từ quá trình xuất bản bài báo khoa học đầu tiên?

Thứ nhất, tôi học được cách lựa chọn tạp chí để gửi bài viết đi.

 Đối với Political Science, ba tạp chí lớn nhất ở Mỹ là American Journal of Political Science, American Political Science Review và Journal of Politics. Ba tạp chí này nhận đăng các bài báo thuộc bất cứ ngành nhỏ nào liên quan đến Political Science như Quan hệ quốc tế (International Relations), Chính trị học so sánh (Comparative Politics), Hành chính công (Public Administationn) và Chính trị Mỹ ( American Politics). Có lẽ, ai làm nghiên cứu về Political Science, cũng đều mong muốn có bài đăng trên ba tạp chí hàng đầu này! Nếu bài báo đạt một trong ba tiêu chuẩn sau, thì có thể có cơ hội được xuất bản tại đây: (1) bài báo có một lý thuyết/ luận điểm rất mới, có số liệu và phương pháp nghiên cứu để chứng minh luận điểm ấy; hoặc (2) nếu lý thuyết không quá mới mẻ thì phương pháp nghiên cứu phải đặc biệt ; hoặc (3) phải có bộ số liệu hiếm, đặc biệt.

Phía dưới ba tạp chí lớn này, là các tạp chí dành cho chuyên ngành nhỏ hơn của Political Science. Ví dụ, Quan hệ quốc tế thì có tạp chí Journal of Peace Research hay Journal of Conflict Resolution. Ngành Comparative Politics mà tôi đang theo đuổi, có một số tạp chí uy tín như: Comparative Political Studies, Comparative Politics, vân vân.

Ngoài ra còn có những tạp chí chuyên về vấn đề chính trị ở một khu vực địa lý cụ thể, như Journal of East Asian Studies, Journal of Current Southeast Asian Affairs, vân vân.

Thầy nói rằng bài viết của tôi nên gửi cho Comparative Politics, vì ba lý do chính. Một là, tạp chí này hay đăng các bài tập trung vào phát triển lý thuyết, mà không cần phải có sử dụng nghiên cứu định lượng (mới học năm thứ nhất, nên tôi chưa được học hết các mô hình định lượng, hay thí nghiệm. Đối với bài nghiên cứu này, chúng tôi so sánh hai case studies). Hai là, tạp chí này đăng nhiều bài viết liên quan đến mạng xã hội và phong trào xã hội. Thứ ba là, tạp chí này là tạp chí uy tín, sẽ tốt cho hồ sơ của tôi!

Bạn nên xác định, bạn muốn gửi bài cho tạp chí nào trước khi bắt tay vào viết, vì mỗi tạp chí lại yêu cầu số lượng chữ, và cách trích dẫn nguồn khác nhau. Thầy dạy tôi rằng, khi chuẩn bị cho phần cơ sở lý thuyết (Literature Review) nên để ý xem những bài mình đọc được đăng ở các tạp chí nào. Nếu thấy rất nhiều bài mình đọc được xuất bản ở một tạp chí cụ thể nào đó, thì hãy gửi bài đến tạp chí đó!

Sau trải nghiệm này, tôi có cảm nhận tốt hơn về loại tạp chí phù hợp với các bài nghiên cứu của mình. Tôi đang viết một bài nghiên cứu về danh tính xã hội (social identity) ở những nước không có hoặc có rất ít sự cạnh tranh chính trị. Hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào danh tính xã hội ở những quốc gia có sự cạnh tranh chính trị cao, và họ cho rằng (1) danh tính xã hội đóng vai trò quan trọng trong các quyết định chính trị xã hội của quốc gia đó, và  (2) chính phủ có thể “điều khiển” danh tính xã hội để đem lại lợi ích cho mình. Họ cho rằng, ở những quốc gia không có sự cạnh tranh chính trị, đặc biệt là khi những quốc gia đó không có sự chia rẽ về sắc tộc, thì danh tính xã hội (1) gần như không tồn tại, hoặc (2) không quan trọng.

Nhưng, tôi lại không nghĩ như vậy! Tôi đang làm một nghiên cứu thăm dò (exploratory research) ở một nước châu Á. Nghiên cứu thăm dò là phù hợp ở giai đoạn này, vì tôi cần biết những danh tính xã hội nào đang tồn tại ở bối cảnh trên, trước khi có thể sử dụng khảo sát hoặc thí nghiệm để chứng minh một lý thuyết/luận điểm cụ thể nào đó. Và tôi xác định sẽ gửi bài viết đến một tạp chí chuyên về châu Á.

Thứ hai, tôi học được cách phản ứng với những lời phê bình.

 Sau khi gửi bài báo đến một tạp chí, bài báo sẽ được xem xét bởi ban biên tập tạp chí. Nếu bài viết của bạn không đạt chuẩn hoặc không đúng trọng tâm của tạp chí, bài viết sẽ bị từ chối tại bàn(desk rejection- bị từ chối ngay trước khi được gửi cho các nhà phê bình bên ngoài- external reviewers- để bình duyệt ). Nếu bài viết của bạn đủ tiêu chuẩn, ban biên tập sẽ gửi bài báo đến khoảng 2-3 nhà phê bình bên ngoài (số lượng nhà phê bình tuỳ thuộc vào từng tạp chí).

Các tạp chí của Political Science đều áp dụng quy trình bình duyệt “mù đôi” (double-blind review), nghĩa là bạn không biết ai là người phê bình bài viết của bạn, và người phê bình cũng không biết tác giả bài báo là ai. Sau khi bài báo được xem xét bởi các nhà phê bình, bạn sẽ nhận được thông báo từ ban biên tập tạp chí về số phận bài viết. Bài viết sẽ (1) bị từ chối xuất bản (Rejection) ; hoặc (2) được yêu cầu sửa lại theo góp ý của nhà phê bình và gửi lại cho tạp chí (Revise and Resubmit); hoặc (3) được chấp nhận xuất bản luôn mà không cần chỉnh sửa hoặc chỉnh sửa rất ít (trường hợp này rất rất hiếm!)

Thầy nói:

“Hãy sẵn sàng đón nhận tin xấu- bị từ chối. Chỉ cần nhận được tin “sửa và gửi lại” là có thể ăn mừng rồi”.

Thật lòng, lúc thầy gửi bài viết đi, tôi không dám hi vọng gì cả. Comparative Politics chỉ nhận đăng khoảng 15 đến 20% bài viết gửi đến hàng năm, nên tôi rất bi quan về số phận bài báo. Tôi thường phải tự nhủ rằng: “Thôi, quan trọng là mình đã học được rất nhiều từ trải nghiệm này. Không nên hi vọng nhiều để rồi lại thất vọng!”

Năm tháng sau, tôi nhận được một tin rất vui! Bài báo được yêu cầu chỉnh sửa lại dựa trên góp ý của các nhà bình duyệt và gửi lại cho tạp chí. Ngay sau email của tạp chí, là email động viên của thầy:

“Chúc mừng em. Đây là một tin rất tốt. Cố gắng lên”.

Lúc ấy giáo sư đang đi công tác tại một viện nghiên cứu ở châu Á, nên thầy hẹn tôi trò chuyện qua Skype để hướng dẫn cách chỉnh sửa. Tôi vẫn nhớ như in hướng dẫn của thầy:

“Quá trình sửa lại bài viết theo yêu cầu của các nhà bình duỵệt có thể rất đau đầu. Em phải cố gắng chỉnh sửa theo đóng góp của họ, tiếp thu ý kiến của họ, mà không làm cho luận điểm của mình quá khác đi so với ban đầu. Nếu có ý nào em không đồng ý, thì em phải nói rõ tại sao. Không được lờ đi!!”

Vậy là tôi mày mò cách chỉnh sửa bài nghiên cứu dựa trên góp ý của các nhà bình duyệt. Tôi viết một lá thư cho ban biên tập và nói rõ chúng tôi cảm thấy biết ơn các góp ý như thế nào và nêu ra những chỉnh sửa chính của bài. Phía dưới là thư, tôi liệt kê từng góp ý của từng nhà bình duyệt, và câu trả lời của chúng tôi cho góp ý đó.

Sau khi viết và chỉnh sửa xong, tôi gửi lại thư và bài viết cho thầy. Thầy góp ý, tôi chỉnh sửa lại, rồi thầy gửi bài viết đã sửa đi! Tạp chí sẽ gửi lại bài đã chỉnh sửa cho các nhà bình duyệt.

(Tôi có viết một bài trên blog về cách tiếp nhận lời phê bình, bạn có thể đọc tại đây)

Thứ ba, tôi học được cách nắm bắt cơ hội.

 Là một người trẻ mới chập chững bước vào con đường nghiên cứu, tôi hiểu mình  phải nắm bắt mọi cơ hội để được học hỏi từ những người nhiều kinh nghiệm hơn. Khi mới bắt đầu, đừng quá để ý đến việc tên bạn đứng thứ mấy trong bài báo, bạn có phải là tác giả duy nhất của bài báo hay không. Hãy đặt mục tiêu được học hỏi lên hàng đầu! Hãy nắm lấy mọi cơ hội được làm việc cùng giáo sư hoặc những sinh viên nhiều kinh nghiệm hơn. Học thông qua thực hành bao giờ cũng nhanh và sâu sắc hơn qua sách vở. Tôi đã đọc rất nhiều bài báo khoa học trước đó, nhưng chỉ khi viết bài nghiên cứu này, tôi mới sáng tỏ cách tổ chức một bài nghiên cứu, cách thảo luận về điểm yếu của bài mà vẫn làm rõ những đóng góp quý báu của bài, cách dùng từ ngữ sao cho tự tin mà không thành tự phụ, vân vân và vân vân. Nhờ làm việc với giáo sư mà phần lý thuyết của bài cũng trở nên hoàn thiện và thú vị hơn rất nhiều so với ban đầu.

Và khi cơ hội đến, hãy làm việc hết mình và chuyên nghiệp. Nếu đã cam kết sẽ theo đuổi đến cùng, đừng bỏ cuộc. Nếu gặp khó khăn khi viết, hãy hẹn gặp, chia sẻ với giáo sư và hỏi ý kiến giáo sư cách gỡ rối. Một cách khiến tôi cam kết theo đuổi bài nghiên cứu này đến cùng, là tự đưa ra deadline gửi bài cho thầy. Ví dụ, tôi thường viết email như này: “Em sẽ gửi phần lý thuyết cho thầy vào tối thứ 4”. Và đúng tối thứ tư, tôi sẽ gửi bài. Tôi sẽ cố gắng viết hết sức các ngày trước đó, và gửi sản phẩm đi vào tối thứ 4, dù đó chưa phải là sản phẩm hoàn hảo nhất đi chăng nữa! Cách này có thể không phù hợp với tất cả mọi người! Tôi làm việc tốt hơn dưới áp lực, và có deadline rõ ràng, nên “cam kết trước” thế này rất hợp với phong cách của tôi.

Hành trình để một bài báo được xuất bản rất dài và mệt mỏi. Cảm giác muốn bỏ cuộc là không thể tránh khỏi. Mỗi lần chán nản, tôi lại nghĩ về tương lai khi mà bài viết đã thành hình thành khối! Nghĩ về sản phẩm cuối cùng là động lực để tôi tiến lên mỗi ngày. Đây là quá trình bài viết trải qua:

  • Tháng 12/2017: Nộp bài nghiên cứu cuối kỳ cho lớp
  • Tháng 1/2018-7/2018: Sửa và viết lại bài viết
  •  Ngày 10/07/2018: Gửi bài đến tạp chí
  •  Ngày 20/12/2018: Nhận được Revise and Resubmit
  •  Ngày 18/02/2019: Gửi lại bài đã chỉnh sửa
  •  Ngày 16/04/2019: Chấp nhận xuất bản

Bài nghiên cứu này cũng là nền tảng cho luận văn của tôi. Tôi sẽ chứng minh lý thuyết bằng phương pháp định lượng và thí nghiệm! Và đây cũng là nghiên cứu làm tiền đền cho hướng đi và những bài nghiên cứu tôi muốn thực hiện trong ba năm còn lại của chương trình tiến sỹ.

Khi bài báo được chấp nhận xuất bản, thầy email cho tôi và viết: “Chúc mừng em! Hãy tự hào về những gì mình làm được! Và cảm ơn em vì đã theo đuổi bài viết này đến cùng” (Đúng chữ thầy dùng là: Thanks for always pushing this forward)!

Và đúng rồi, tôi còn học được cách tự hào về bản thân mình nữa. Tôi không đếm xuể, từ khi bắt đầu con đường nghiên cứu sinh, có bao nhiêu ngày tôi tự vấn: “Liệu mình có đủ tốt để làm nghiên cứu không?”, “Tại sao mình không suy nghĩ sắc sảo/ giỏi phương pháp được như người ta?”, “Tại sao mình không viết hay như người ta”, “Mình thật quá là bình thường”.

Nhưng tôi đã hiểu! Tôi là một người bình thường, nhưng sẽ là một người bình thường kiên trì, không ngại bước từng bước nhỏ và chậm! Và thay vì so sánh bản thân với những con người siêu giỏi ngoài kia, tôi sẽ học cách tự hào, và “ăn mừng” mỗi bước đi của bản thân. Dù đó là việc viết xong phần lý thuyết của một bài nghiên cứu, tìm ra một “lỗ hổng” trong cơ sở lý thuyết, học thêm được một đoạn code mới, hay dành được một số tiền nho nhỏ để làm nghiên cứu. Dù có thể những thành tựu nhỏ này rất bình thường, nhưng nếu mình đã nỗ lực hết sức để đạt được, thì cũng đáng tự hào phải không?

Và bạn cũng vậy nhé, hãy học cách tự hào về mỗi bước đi nhỏ của bản thân!

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi. Chúc bạn một thứ hai thật nhiều niềm vui!

Thanh Mai

 

 

13 thoughts on “Xuất bản bài báo khoa học đầu tiên và những gì tôi học được

  1. Cảm ơn chị về độ chi tiết của bài viết, bài này đã cho em thêm vài tư duy mới trong bài viết học thuật. Nếu có thể, hy vọng chị sẽ viết bài về vài cách tư duy để đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của một bài báo học thuật khi chúng ta nghiên cứu nó. Hehe…

  2. Mong được đọc bài viết của chị về kĩ năng đọc báo khoa học và viết tóm tắt.

  3. Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Mình học được rất nhiều từ bạn. Khi nào bạn “cách ly mạng xã hội xong” thì lại post các bài như này nhé. hihihi

    1. Cảm ơn bạn đã ghé đọc bài nhé! Trong thời gian tới mình có mấy ý tưởng về học tiến sỹ muốn viết. Hi vọng bạn sẽ ghé đọc 🙂

Leave a Reply