Khi ta yêu người đến từ một nền văn hoá khác

IMG_4805A

Tối hôm ấy, trời bất ngờ đổ mưa. Cứ mỗi lần trời mưa, chú mèo Bẹp nhà tôi lại trở nên hân hoan, hạnh phúc lạ thường. Cơ thể chú phập phồng một sức sống mãnh liệt, hai mắt chú sáng rực như ngọc bích và cái đuôi ve vẩy như lông đuôi của một chú chim đang tìm cách tán tỉnh bạn gái. Chú đặt hai bàn tay lên bậu cửa sổ và ngắm nhìn những hạt mưa tí tách đang làm dịu cơ thể của đám xương rồng chưa được uống ngụm mưa nào cả tháng nay rồi. Ngắm mưa chán chê, chú lao vùn vụt quanh nhà như thể sau 7 năm cuộc đời, cuối cùng chú đã được nhìn thấy mưa, được nghe tiếng mưa! Chú chạy vội vã, mặc những chướng ngại vật trên đường. Bàn ghế ư, mấy chậu cây hoa cảnh ư, không hề gì! Kể cả đầu chú có va vào vật gì đi nữa, chú cũng mặc kệ mà hoàn thành đường chạy. Nhưng bất ngờ, một tiếng động rất lớn phát ra từ phòng khách. Giật mình, bạn đồng hành gần như đánh rơi cuốn sách đang cầm trên tay, và lao vội ra phòng khách.

“Em ơi, Bẹp nghịch kiểu gì mà đánh rơi cả cuốn ảnh cưới của chúng ta này”.

Tôi vội vã chạy ra phòng khách và chứng kiến một cảnh tượng “kinh hoàng”. Cuốn ảnh cưới hình chữ nhật của chúng tôi nằm gọn ghẽ dưới sàn nhà, bìa một nơi, ruột một nơi. Trang đầu của cuốn album lung lay, như thể muốn được giải phóng khỏi cuốn sổ lắm rồi.

Bạn đồng hành vừa nhặt cuốn album lên, phủi phủi những sợi lông trắng mà chú mèo Bẹp vừa ban tặng cho cuốn sổ, và nói:

“Lâu rồi, bọn mình cũng không xem lại ảnh cưới nhỉ. Chắc là Bẹp đang nhắc khéo bọn mình đấy. Hay mình dành chút thời gian tối nay cùng xem lại những kỷ niệm nhé.”

Và thế là, nhờ có Bẹp, chúng tôi có cơ hội ôn lại kỷ niệm cũ. Dường như hiểu được điều ấy, chú mở to mắt nhìn chúng tôi, ánh nhìn ngây thơ như chờ đợi một lời cảm ơn vậy.

“Anh không bao giờ nghĩ rằng, một ngày mình sẽ yêu và kết hôn với một người phụ nữ đến từ một nền văn hoá khác. Cuộc đời anh đã thay đổi hoàn toàn đấy!” Anh vừa nói vừa đi về góc đọc sách ở phòng khách.

“Em cũng vậy. Hồi còn trẻ, em không bao giờ nghĩ, một ngày mình sẽ “làm dâu xứ người” thế này.” Tôi cười và đáp trả chia sẻ của anh một cách hài hước.

Chúng tôi cùng lật giở từng trang của cuốn album. Mỗi tấm ảnh lại gắn với một kỷ niệm đặc biệt nào đó. Xem lại ảnh, tôi chợt nhận ra, chúng tôi đã cùng sánh bước trên biết bao cung đường cả ở Mỹ và Việt Nam. Đang mải miết ôn lại kỷ niệm, bạn đồng hành bất ngờ hỏi tôi:

“Em nghĩ kết hôn với một người đến từ một nền văn hoá khác thì có gì vui và thú vị?”

Câu hỏi của anh mở màn cho một cuộc trò chuyện vui vẻ và hài hước kéo gần 1 tiếng giữa anh và tôi. Người ta đã nói quá nhiều về những khó khăn và trắc trở của việc yêu và kết hôn với người nước ngoài, vậy còn những “lợi ích”, niềm vui và sự thú vị thì sao? Trong bài viết tuần này, tôi chia sẻ với bạn đọc blog những điều mà chúng tôi cho là thú vị của một tình yêu xuyên biên giới.

Thứ nhất, yêu một người khác văn hoá giúp cuộc sống trở nên thú vị và mạo hiểm hơn

Bạn đồng hành thường nói với tôi, anh cảm thấy cuộc sống thú vị, mạo hiểm và nhiều thách thức hơn kể từ khi chúng tôi yêu nhau. Anh cứ nghĩ anh là một người thích làm mọi việc theo kế hoạch, nhưng nhờ từ khi “dại dột” yêu tôi, mà anh nhận ra, ẩn sâu trong con người anh là chút tính cách “tự phát” và điên rồ. Điều điên rồ nhất mà anh từng làm là bay cả nửa vòng trái đất chỉ để gặp người yêu trọn vẹn hai ngày cuối tuần. Sáng thứ năm lên máy bay bay sang Việt Nam, gặp nhau chỉ đủ để ăn que kem, rồi lại tất tưởi bay về Mỹ để kịp cho công việc ngày thứ hai.

Hồi mới quen nhau, bạn đồng hành đang sống và làm việc ở Minnesota, một bang gần Canada, còn tôi là một cô nhân viên văn phòng của một tổ chức quốc tế ở Việt Nam. Anh may mắn có một người sếp rất rất tốt. Sếp anh rất ủng hộ chuyện tình cảm của chúng tôi, và sẵn sàng cho anh nghỉ phép ba tuần để sang Việt Nam ăn tết cùng gia đình tôi. Ba tuần ở Việt Nam đó đã cho anh cơ hội được trải nghiệm những điều mà theo anh là rất kỳ diệu. Lần đầu, anh được ăn ốc, được ăn bánh chưng, được tự tay mua một cây quất trang trí tết, và tìm hiểu về phong tục tết của Việt Nam. Bạn đồng hành thường hay trêu tôi: “Nếu không có em, thì anh sẽ không có cơ hội được đón một cái tết rất Việt Nam, rất đặc biệt như thế. Cảm ơn em.”

Và có lẽ, điều điên rồ thứ hai trong cuộc đời anh, là bỏ lại tất cả gia đình, bạn bè và cơ hội thăng tiến ở Minnesota để chuyển xuống Arizona với tôi. Hồi anh mới chuyển xuống Arizona, nhiều khi tôi cảm thấy “tội lỗi”, bởi anh chẳng có bạn bè hay người thân nơi đây (may mắn là anh đã mau chóng kết thân với những người bạn thân của tôi). Một lần, tôi nói với anh: “Em cảm thấy hơi dằn vặt một chút, vì em chọn Arizona, mà anh phải chuyển xuống đây với em”. Nhưng anh đã nói một câu làm thay đổi hẳn cách suy nghĩ của tôi. Anh bảo, đó là do anh lựa chọn để được ở bên tôi, chứ không phải do tôi ép buộc gì. Nếu anh không muốn lựa chọn như thế, anh sẽ không làm.

Và đôi khi, cả hai chúng tôi lại cùng nhau làm những việc điên rồ, như bay đến thăm một hòn đảo ở Utah vào thứ bảy, và lái xe 12 tiếng về Arizona vào chủ nhật chẳng hạn.

Thứ hai, yêu một người khác văn hoá khiến bạn nhận ra những “nét đẹp” tiềm ẩn của bản thân.

Bạn đồng hành hay nhìn tôi và nói: “Em có đôi mắt, nụ cười và chiếc mũi rất đẹp!” Tôi tròn mắt ngạc nhiên, vì tôi thấy mình vô cùng bình thường. Hồi trước, tôi còn hay ước, giá mà mình có ngoại hình khác đi. Cao hơn một chút này, mảnh mai hơn một chút, tóc mỏng hơn một chút này. Còn chiếc mũi ư? Tôi cực kỳ không thích chiếc mũi của mình, bởi nó chẳng hề cao và thẳng. Thỉnh thoảng tôi cũng hay phàn nàn với bạn đồng hành về chiếc mũi của mình, và lần nào anh cũng nói: “Anh thấy có vấn đề gì đâu, sao em lại không thích chiếc mũi của mình”. Còn tôi, tôi lại rất thích chiếc mũi của anh. Mỗi lần tôi khen anh mũi đẹp, anh lại gạt đi và nói: “Nó hơi to, chẳng có gì đẹp cả, anh muốn nó nhỏ đi một chút cơ”.

Cũng nhờ anh, mà tôi mới nhận thấy một vài ưu điểm trong tính cách của mình. Từ nhỏ, tôi đã có nhiều hoài bão, một khi đã muốn làm gì tôi sẽ luôn cố gắng hết sức để đạt được điều đó, và một khi đã không thích gì thì sẵn sàng bỏ đi ngay. Nhưng tôi biết, tính cách đó đôi khi không phù hợp với văn hoá và xã hội Việt Nam. Nhưng bạn đồng hành lại thấy đó là điểm mạnh của tôi: “Em là một phụ nữ độc lập, có ước mơ, đó là điều anh yêu nhất ở con người em.” Tôi rất cảm kích bởi nó khiến tôi tự tin và yêu bản thân hơn!

 Thứ ba, yêu một người khác văn hoá, khiến ta được tiếp xúc với những thú vui rất kỳ lạ

Bạn đồng hành rất đam mê tìm hiểu về lịch sử gia đình. Anh thường xuyên bay đến thành phố Salt Lake City, bang Utah nơi có thư viện về lịch sử gia đình (family tree) rất lớn, để tìm hiểu về nguồn gốc gia đình, hoặc giúp đỡ bạn bè tìm hiểu về gia đình họ. Ở đó, ta có thể ‘truy lùng” nguồn gốc lịch sử của rất nhiều dòng họ khác nhau ở Mỹ, và thậm chí ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Sau những tháng ngày miệt mài tìm kiếm, anh tìm ra rằng, bên họ nội nhà anh có một người từng làm nghề cầm đuốc trong một lâu đài ở Đức hồi thế kỷ 17. Còn bên ngoại nhà anh lại đến từ một làng nhỏ ở Hà Lan.

Một lần, anh đưa tôi đến thăm thư viện. Chúa ơi, tôi cứ nghĩ thư viện nhỏ nhỏ xinh xinh thôi, nào ngờ nó lớn và hiện đại vô cùng. Anh đưa tôi đến khu vực các họ châu Á, nhưng thật tiếc, không có tài liệu về các họ ở Việt Nam. Ngoài thích tìm hiểu về lịch sử gia đình, anh còn thích đọc về sân bay và các loại máy bay- những thứ mà tôi không hề mảy may bận tâm trước đây. Nhờ có anh, mà tôi hiểu hơn về cách hoạt động của sân bay và các hãng hàng không.

Không làm trong lĩnh vực học thuật, nhưng anh lại thấy những nghiên cứu của tôi rất thú vị, và luôn hào hứng nghe tôi kể về một nghiên cứu mới. Anh đọc tất cả các bài viết của tôi, kể cả là những bài luận ngắn trên lớp, và cho tôi ý kiến về bài. Anh cũng là khán giả đầu tiên của mỗi bài thuyết trình của tôi.

Trước khi trình bày bài nghiên cứu năm hai trước hội đồng giáo sư và các bạn sinh viên, có lẽ tôi đã trình bày cho anh nghe đến 15 lần không ít. Tôi muốn anh- một người không nghiên cứu gì về political science- có thể hiểu bài nói của tôi từ đầu chí cuối. Tôi vẫn nhớ, anh cảm thấy phần tôi diễn giải về phương pháp nghiên cứu khá khó hiểu. Tôi sử dụng phương pháp Survey Experiment cho bài nghiên cứu, và cứ ngỡ mình đã trình bày rất rõ ràng nhóm nhận tác động (treatment group) và nhóm được kiểm soát (control group) rồi. (Khi làm nghiên cứu, đôi khi ta quá quen thuộc với bài viết của mình và ngỡ rằng, ai cũng hiểu bài viết của ta như chính ta!!!). Vậy là chúng tôi, cùng nhau nghĩ cách làm sao để phần phương pháp luận của bài rõ ràng, rành mạch nhất có thể- đến mức một đứa trẻ 15 tuổi chưa biết gì về đề tài tôi chọn cũng có thể hiểu được.

Tôi thường hỏi anh: “Đọc mấy bài viết của em, anh có thấy chán không?”. “Không, nhờ có em anh mới biết đến những điều thú vị như vậy.” Anh thường trả lời tôi thế. Thỉnh thoảng, anh cũng tò mò liệu tôi có thấy chán những cuộc trò chuyện về lịch sử gia đình không. Tất nhiên là không rồi, vì đây cũng là điều mới lạ với tôi mà.

Anh cũng hay kể, nhờ có tôi mà anh mới để ý đến thú vui viết blog. Có lẽ anh là độc giả đầu tiên và trung thành nhất của tôi. Bởi, mỗi lần đăng một bài mới, anh lại sao chép ra Google Translate và dịch bài của tôi ra tiếng Anh. Thỉnh thoảng, tôi lại thấy anh ngoác miệng cười, vì không hiểu tôi viết cái gì. Ví dụ, trong bài viết “Và tất cả chỉ là sự khác biệt” cách đây không lâu, tôi có nhắc đến nhân vật người bà tên Nai Nai. Thế quái nào, mà Google lại dịch thành Moose (con nai!!). Anh ném cho tôi một ánh nhìn kỳ lạ cùng một câu hỏi trời ơi đất hỡi: “Sao đang viết về bộ phim, em nhắc gì đến…con nai thế?”. Phải mất một lúc, tôi mới hiểu điều gì đang diễn ra!!

Thỉnh thoảng tôi cũng hay trêu anh: “Có phải anh thường ra vào blog của em hàng chục lần mỗi ngày, để em có cảm giác là blog của em có độc giả phải không?”

Thứ tư, yêu một người khác văn hoá khiến ta trở nên sáng tạo hơn.

 Một trong những trở ngại của việc yêu và kết hôn với người nước ngoài, là rào cản ngôn ngữ giữa bạn đời và gia đình của bạn. Bạn đồng hành không biết tiếng Việt, và mẹ tôi không nói được tiếng Anh, nên mỗi lần hai người chuyện trò phải có tôi (hoặc em gái tôi) làm trung gian. Nhưng chúng tôi đã tìm ra cách!! Công nghệ thật diệu kỳ các bạn ạ! Hiện có một phần mềm cho phép hai người khác ngôn ngữ có thể giao tiếp với nhau. Mỗi lần trò chuyện với mẹ tôi, anh mở phần mềm lên, nhấn nút “Tiếng Anh”, nói điều anh muốn nói rồi nhấn nút “Tiếng Việt” để phần mềm dịch câu nói đó ra tiếng Việt . Mẹ tôi chỉ cần đọc đoạn đó, trả lời bằng tiếng Việt, rồi nhấn nút dịch sang tiếng Anh. Lần ấy, tôi có việc bận nên không thể làm phiên dịch cho mẹ và anh được, tôi mới bảo anh thử nói chuyện với mẹ bằng cách đó xem. Và thật tuyệt vời, họ có thể trò chuyện với nhau được cả nửa tiếng. Mẹ tôi còn biết được là, họ nội nhà anh đến từ Đức, và có một người tổ tiên làm nghề đốt đuốc trong một lâu đài ở Đức!!

Tôi cũng thấy mình sáng tạo hơn trong mỗi bữa ăn. Chúng tôi thường nấu bữa tối cùng nhau, nhưng rất ít bữa thuần Việt hoặc thuần…Mỹ. Tôi thường cách điệu các món Việt cho có hơi hướng Mỹ một tí. Và anh cũng nấu các món Mỹ dành cho một người Việt.

Và cuối cùng là, cưới rất nhiều lần!!

 Chúng tôi có tất cả 3 đám cưới!! Đám cưới lần đầu tiên là ở Arizona, để hợp thức hoá giấy tờ của tôi ở Mỹ. Tôi sang Mỹ theo diện du học sinh, nên có visa học sinh. Nhưng nếu tôi kết hôn, mà không đổi sang thẻ định cư thì khi xuất cảnh khỏi Mỹ, tôi sẽ không được phép nhập cảnh vào Mỹ. Sau khi có giấy tờ hợp lệ, chúng tôi lên kế hoạch đám cưới ở Việt Nam. Cứ ngỡ, làm đám cưới ở Việt Nam là xong rồi, nhưng bố mẹ anh lại muốn tổ chức một buổi tiệc nhỏ ở Minnesota, để tôi có cơ hội gặp gỡ toàn thể gia đình họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp cũ của anh. Vậy là, tôi lại…cưới một lần nữa. Tôi thường hay trêu anh: “Tại sao em cưới ba lần, mà chỉ với một người. Thật là chán ý!!”. Nhiều đám cưới quá, khiến chúng tôi khá mệt vì phải di chuyển và lo nghĩ nhiều mà. Sau bữa tiệc ở Minnesota, chúng tôi nhìn nhau và nói: “Lần này là hết thật rồi đấy nhỉ!”

Tháng trước khi về Việt Nam làm nghiên cứu, có người hỏi, tôi đã chuẩn bị gì trước khi kết hôn với người nước ngoài. Từ tận đáy lòng, tôi chưa bao giờ nghĩ đến câu hỏi này. Nó khiến tôi nhớ đến một câu hỏi, mà một vài người em hay hỏi tôi: “Trước khi xin học bổng, chị đã chuẩn bị những gì”. Một buổi sáng khi 22-23 tuổi, tôi thức dậy và quyết tâm lên kế hoạch chuẩn bị xin học bổng. Tôi chuẩn bị bằng cách cố gắng học tiếng Anh, học viết luận, đọc thông tin về trường, vân vân và vân vân.  Nhưng không có sáng nào, tôi tỉnh dậy và nghĩ: “Một, hai hay mười năm nữa, mình sẽ …yêu và kết hôn với một người đến từ một nền văn hoá khác”. Mọi chuyện đến vô cùng tình cờ và tự nhiên!

Yêu và kết hôn với một người đến từ một nền văn hoá khác chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, và trở ngại hơn rồi. Vì thế, ta cần thời gian tìm hiểu dài hơn và chọn lựa kỹ càng hơn. Tôi thích để ý đến những điều nhỏ bé trong cách cư xử của người đó không chỉ dành cho tôi, mà còn dành cho gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp xung quanh nữa.

Tôi không cảm mến bạn đồng hành từ cái nhìn đầu tiên, nhưng tôi vẫn nhớ giây phút tôi thấy trái tim mình lung lay trước bạn. Đó là khi anh rơm rớm nước mắt kể về ông bà nội, khi lái xe đưa tôi đến thăm ngôi nhà ông bà anh ở ngày xưa (ngôi nhà giờ đã có chủ mới). Anh kể, một ngày khi còn đang làm việc cho một đài truyền hình, anh nhận tin được tin bà nội mất. Anh vừa khóc vừa vội vã lái xe về quê để gặp bà lần cuối. Anh nhận được sự chăm sóc lớn lao từ ông bà khi còn nhỏ, nên vẫn giữ những kỷ vật ông bà để lại.

Khi bà nội anh bước vào tuổi 80, bà dần bị mất trí nhớ. Một lần gia đình đưa bà đi xem triển lãm tranh, bà cứ xem đi xem lại mãi một bức tranh, và lần nào cũng khen: “Đây là lần đầu tiên bà được xem một bức tranh đẹp thế này”. Bà thậm chí còn không nhớ rằng, bà mới chỉ xem bức tranh ấy năm phút trước đây thôi. Tôi mới hỏi, sao anh không nói cho bà biết bà vừa xem bức tranh ấy rồi, và dẫn bà đi ngắm những tác phẩm khác. Bạn đồng hành trả lời: “Nhưng, nếu bà cảm thấy vui và hạnh phúc, thì mình cứ để bà tận hưởng em ạ.”

Rồi khi biết tôi sẽ mang em mèo sang Mỹ cùng tôi, anh lại tất tưởi đi tìm thức ăn và chậu cát cho chú (để khi đến Mỹ chú có cái mà dùng ngay). Anh gửi cho tôi hình ảnh mấy mẫu chậu cát và hỏi tôi xem mẫu nào Bẹp sẽ thích. Chẳng hiểu sao những hành động nhỏ nhỏ này lại khiến tôi xúc động!

Tôi tin rằng, để tình yêu và hôn nhân giữa hai người đến từ hai nền văn hoá khác nhau bền vững, chắc chắn phải có sự đồng thuận và ủng hộ của hai bên gia đình. Thậm chí sự ủng hộ của gia đình còn quan trọng hơn so với trường hợp hôn nhân cùng văn hoá. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp hôn nhân, tình yêu tan vỡ vì gia đình một bên từ chối chấp nhận người yêu/ bạn đời của con mình. Nếu ta yêu một người nói cùng một thứ tiếng, thì dù gia đình người ta có phản đối, ta vẫn có thể giao tiếp và tìm cách thể hiện bản thân (dù không phải lúc nào cũng thành công, nhưng ít nhất ta còn có cơ hội). Hãy tưởng tượng, nếu bạn không thể giao tiếp với gia đình người yêu (trong trường hợp người đó không đến từ một quốc gia nói tiếng Anh)? Cơ hội thể hiện gần như bằng không. Lại nữa, nếu bạn quyết định sống ở nước ngoài, thì sự ủng hộ, yêu quý và tôn trọng của gia đình đối phương lại càng quan trọng. Một mình ở nước ngoài đã đủ khó khăn rồi, ta không muốn phải đối phó với ánh nhìn và thái độ không thiện cảm của gia đình người ta nữa.

Ta cũng cần nhớ rằng, con người dù đến từ nền văn hoá nào đi nữa, thì cũng có những cung bậc cảm xúc như nhau. Yêu thương. Hạnh phúc. Tổn thương. Đau khổ. Dù ta đến từ Việt Nam, Đài Loan, Anh, Mỹ, Costa Rica, hay bất cứ đâu trên quả địa cầu này, ta cũng đều có những xúc cảm ấy.

Một lần, bạn đồng hành có chia sẻ với tôi thế này: “Anh nghĩ, dù hai người đến từ hai nền văn hoá khác nhau, nhưng nếu họ có cùng quan điểm sống, cùng hệ giá trị, cùng những mong muốn trong cuộc đời, cùng một phông nền văn hoá gia đình, và giáo dục thì họ có thể thu hút nhau, yêu nhau và sống với nhau hạnh phúc, bất chấp những khác biệt văn hoá”.

Tôi hoàn toàn đồng ý với cách nghĩ của anh!

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi. Chúc bạn tối thứ hai thật vui!

Thanh Mai

 

 

 

 

 

10 thoughts on “Khi ta yêu người đến từ một nền văn hoá khác

  1. Cảm ơn những điều dễ thương bạn Thanh Mai chia sẻ. Mình có thể xin tên của phần mềm nói chuyện mà bạn kể được không ạ? Cảm ơn bạn. Lê

    1. Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog! Bọn mình dùng phần mềm Google Translate. Bạn nhấn vào nut “Conversation” và chọn hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt là được!

      1. Cảm ơn Mai nhé. Nhờ bạn mình mới biết Google Translate có chức năng kỳ diệu vậy! Hôm qua trong lúc đợi bạn trả lời, mình và bạn mình tìm hiểu xem có app nào dịch được các tin nhắn không thì tải được 1 app tên là NEEO, dùng được cho cả iOS và Android. Nếu các bạn cũng muốn dùng 1 app “chat” với bố mẹ ở Việt Nam thì bạn cũng thử xem sao nhé. Chúc Mai cuối tuần vui vẻ!

  2. Cảm ơn bài viết của chị.
    Em đọc mà cứ cười miết, không dừng lại được :D.
    Em thích phần “Thứ hai, yêu một người khác văn hoá khiến bạn nhận ra những “nét đẹp” tiềm ẩn của bản thân.” Đúng là, khi tiếp xúc với 1 người đến từ nền văn hóa khác, em nhận ra mình đáng yêu hơn mình nghĩ chị ạ. Ahihi, vì mắt em bị khuyết tật bẩm sinh, em rất tự ti; nhưng khi em tiếp xúc với người nước ngoài, họ khen miệng em xinh =)), rồi có 1 anh Tây cứ đi theo em, nói “mắt của em đẹp”, em bảo “anh đừng nói dối em”, anh ấy khẳng định chắc nịch “Anh không nói dối”. Tự nhiên em thấy vui ở trong lòng.

    Chúc chị có nhiều niềm vui. You are an apply of his eye <3

    1. Cảm ơn em vì lời bình rất dễ thương. Câu chuyện của em đáng yêu quá, khiến chị cũng cười khi đọc nè 😀 Chúc em một ngày mới vui nhé 🙂

  3. Em cảm ơn chia sẻ của chị ạ. Cũng tương tự như chị vậy, em lỡ thương một anh người Pháp, một điều mà em chưa từng nghĩ tới trước đây. Cảm ơn chị đã giúp em có thêm niềm tin và lạc quan khi nhìn về tương lai ạ 🙂

Leave a Reply