Kỷ niệm nước Anh: Một cái duyên bất ngờ (Phần 1)

IMG_3283

Mây đen như một mảng tơ xám xịt được dệt bởi hàng ngàn chú nhện khổng lồ đang ôm chặt lấy bầu trời phía tây thành phố. Trước khi chút xuống thành phố những hạt mưa nặng và buốt lạnh, ông trời chuẩn bị tâm lý cho các cư dân sa mạc Arizona về một trận bão sắp tới bằng cách gửi xuống mặt đất những cơn gió rít giận giữ. Cây cối là nạn nhân đầu tiên của bão. Ngọn cây không sao cưỡng nổi sức gió, đập liên tiếp từng hồi vào cửa sổ tạo ra tiếng kêu lách cách lúc to lúc nhỏ đủ làm giật mình những kẻ nhát gan.

Tôi mở cửa hào hứng đón trận bão sắp về. Chắc các bạn đang cười thầm: “Sao lại có người mong bão cơ chứ?”. Hãy hỏi những cư dân sa mạc Arizona, nơi ông trời chỉ cho phép mưa vi hành xuống mặt đất vào tháng bảy và tháng tám hàng năm, bạn sẽ hiểu vì sao bão lại được yêu quý đến thế. Lúc tôi và chú mèo bước ra hiên nhà cũng là lúc những hạt mưa đầu tiên đáp xuống mặt đất. Hạt mưa đọng trên những chiếc lá xanh đang đung đưa theo gió, và ôm chặt lấy thân cây xương rồng gai góc. Mưa làm bừng lên mùi gì đó rất đặc trưng ở vùng sa mạc. Thơm mát. Dịu ngọt. Nồng nàn. Chẳng chiếc mũi nào có thể cưỡng lại nổi!

Đang thưởng thức vị ngọt mát của mưa hè, tôi thoáng thấy bóng dáng cao cao, gầy gầy của bạn đồng hành. Anh đang kiểm tra hòm thư của gia đình ở phía bên kia con phố. Bỗng nhiên anh nhìn về phía tôi và nở một nụ cười thật tươi. Anh vẫy tay và cố nói với tôi điều gì đó. Sau khi kiểm tra hòm thư, anh lái xe về nhà.

“Em có thư từ tận nước Anh này. Hôm nay trời mưa mát mẻ quá, chú mèo của em có vẻ cũng thích mưa đấy”. Anh vừa nói vừa vuốt ve chú mèo đang chăm chú nhìn đàn chim trời ráo rác tìm chỗ trú mưa.

“À, thư của bác Hanah anh ạ, em có dịp sống cùng gia đình bác mấy tháng sau khi kết thúc khoá học thạc sỹ ở Anh. Không biết vì sao bác lại viết thư cho em nhỉ”. Tôi đưa tay lấy lá thư từ anh, và nói.

“Anh nhớ bác ấy rồi! Em đọc thư đi, anh cũng sốt ruột đây này”.

Tôi nhẹ nhàng bóc lá thư có dấu bưu điện từ xứ sở sương mù và chậm rãi đọc nội dung thư cho anh. Bác Hanah hỏi thăm cuộc sống mới của tôi ở Arizona. Bác hỏi tôi có yêu trường học và những người bạn mới không? Chương trình nghiên cứu sinh của tôi có vất vả quá không? Bác còn hài hước hỏi liệu cái nắng cái nóng của Arizona có làm vơi đi chút nào nhiệt huyết học tập và nghiên cứu của tôi không? Thế rồi, bác kể với tôi về công việc của bác. Bác đã hơn sáu mươi tuổi nhưng vẫn tha thiết với công việc giúp đỡ người tật nguyền. Cậu con trai John của bác rất yêu trường Đại học, bác rất vui vì cậu bé thích học và có ý định học lên tiến sỹ. Bất chợt một tin buồn khiến tôi chìm vào im lặng. Bác viết:

“Suki đã mất vì căn bệnh của tuổi già. Bác cho Suki uống thuốc để chú chó được chết một cách thanh thản và yên bình. Trước khi tiễn Suki về thiên đàng, bác và Alex (người bạn thân của bác) lái xe đưa Suki đi qua tất cả các cung đường mà chú chó yêu thích. Cháu còn nhớ, cháu đã nói gì khi bác cháu mình chia tay ở sân bay Gatwick bốn năm về trước không? Cháu nói rằng, cháu sẽ sớm quay lại Anh và cùng bác dẫn Suki đi dạo quanh thành phố. Cháu chưa kịp quay lại thì Suki đã mất rồi. Bác vẫn giữ tấm ảnh cháu chụp với Suki đấy. Tấm ảnh được đặt ở một vị trí rất đặc biệt trong phòng ngủ của bác”

Suki thuộc giống chó Golden Retriver. Với bộ lông dài ánh vàng, đôi tai cụp, ánh mắt thơ ngây, và tính tình tinh nghịch, chú dễ dàng lấy lòng bất kỳ vị khách nào chú gặp trên đường. Ngày tôi còn ở với bác Hannah, Suki đã tám tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Bất chợt bao kỷ niệm về nước Anh neo bám vào từng câu chữ trong lá thư tìm về với tôi. Tôi chìm vào hoài niệm bốn năm về trước.

 Ngày 24 tháng 12 năm 2014

Chín giờ tối ở nhà ga Chichester trước đêm giáng sinh không hề lạnh lẽo dù gió đông đang đành hanh quất xối xả vào mặt, vào tai khách bộ hành. Một người đàn ông cao lớn trong một chiếc áo choàng đen dài đến đầu gối, vẫy tay chào tôi:

“Chúc cô giáng sinh vui vẻ nhé!” Ông nhoẻn miệng cười, một tay vẫy chào tôi còn tay kia giữ chặt chiếc mũ len ngăn cho gió lạnh không chạm vào da thịt mình.

“Cảm ơn bác! Giọng bác nghe lạ quá, có vẻ bác phải đi một đoạn đường dài mới đến được đây để đón giáng sinh nhỉ”.

“Cô tinh quá đấy. Tôi đến từ Scotland, con trai tôi đang ở Chichester. Năm nay tôi đến thăm gia đình con”.

“Vui quá! Chúc bác giáng sinh vui vẻ!”

Tôi vẫy tay chào người đàn ông lạ trên ga tàu, rồi đi bộ ra khu đợi taxi. Một cây thông Noel cao hơn hai mét đang khoác trên mình tấm áo choàng lấp lánh được dệt bởi hàng trăm bóng đèn nhỏ li ti chào đón tôi ở cửa ra vào ga. Đang tắm mình trong ánh sáng ấm áp toát ra từ cây thông, điện thoại tôi rung lên giai điệu tươi vui của ca khúc Jingle Bell.

“Bác sắp đến ga rồi, cháu chờ một chút nhé”.

Bác Hannah nhắn tin. Thế rồi, một chiếc xe ô tô màu bạc từ từ đi vào ga và đỗ cách tôi khoảng năm mươi mét. Dưới ánh sáng rực rỡ phát ra từ cây thông, tôi thấy một phụ nữ tóc vàng dài ngang vai, diện một bộ váy dạ đen bước ra khỏi xe. Bác đưa mắt nhìn xung quanh khu vực chờ taxi, và bất ngờ dơ cao một tấm ảnh màu được in trên khổ giấy A3. Đó là bức ảnh mà tôi đã gửi cho bác qua email trước khi đến Chichester. Tôi hét lên khi nhìn thấy mình trong bức ảnh.

“Cháu đây, bác Hannah ơi!”

Hai bác cháu lần đầu gặp mà như thể đã thân quen tự bao giờ. Bác mở cửa xe cho tôi, và không quên nói:

“Hôm nay không chỉ có bác đến đón cháu đâu nhé. Giới thiệu với cháu đây là Suki, chú chó tám tuổi. Suki cũng rất hào hứng có cháu trong giáng sinh năm nay đấy”

Suki nhìn tôi trìu mến, và dúi dúi đầu vào người tôi như thể muốn nói với tôi:

“Chào cô, tôi rất vui được đón giáng sinh cùng cô năm nay”.

Bác Hannah lái xe ra khỏi nhà ga. Xe bon bon chạy qua một cánh đồng vắng, trườn men theo bức tường thành được xây từ thời đế chế La Mã đi vào trung tâm thành phố. Không khí u ám của mùa đông không sao thắng nổi ánh sáng rực rỡ phát ra từ các bóng đèn nhỏ xíu như những ngôi sao trên các cây thông hai bên đường. Trên vỉa hè, một đôi tình nhân đang tình tứ chia nhau que kem. Mặc cho gió rét thấu da thịt, chàng trai vẫn dũng cảm gỡ đôi gang tay đen, nhét chúng vào túi và dùng đôi bàn tay đang run lên vì lạnh lau những vụn kem đang bám vào đôi má ửng hồng của cô gái.

“Năm nào bác cũng đón giáng sinh cùng sinh viên quốc tế ạ?”

“Ừ, bác rất thích tìm hiểu các nền văn hoá trên thế giới. Đón giáng sinh cùng sinh viên ngoại quốc không chỉ giúp bác quảng bá văn hoá nước Anh mà còn học hỏi thêm nhiều điều thú vị về văn hoá nước ngoài. Bác cũng hiểu nỗi cô đơn của sinh viên quốc tế vào dịp giáng sinh. Các cháu làm gì có gia đình ở bên đâu. Bác có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với chương trình Host Family lắm. Mười năm trước, bác đón giáng sinh cùng Yoko, một sinh viên đến từ xứ sở hoa anh đào. Đã bao năm trôi qua mà bác và cô ấy vẫn là bạn bè tốt, Yoko quay lại Anh thăm bác năm ngoái đấy. Khi chương trình Host Family giới thiệu với bác về cháu- một sinh viên đến từ Việt Nam- bác hào hứng lắm”.

“Dạ vâng ạ. Cháu có cảm giác như có sợi dây vô hình kết nối cháu với gia đình bác ấy. Tháng 10 năm ngoái, cháu lên Luân Đôn tham dự chương trình gặp mặt của Chevening (học bổng dành cho sinh viên ngoại quốc của chính phủ Anh). Lúc chương trình gần kết thúc, toan bước chân về thì cháu thấy một nhóm sinh viên đang trò chuyện xung quanh một chiếc bàn nhỏ ở góc hội trường. Tính hiếu kỳ khiến đôi chân cháu quyết định đi về phía chiếc bàn đó. Thì ra đó là khu vực quảng cáo của chương trình Host Family. Cháu thấy hấp dẫn quá nên đăng ký luôn ạ!”

Vừa dứt lời kể, tôi thấy xe dừng trước cửa một ngôi nhà nhỏ mái ngói nâu nằm lấp ló sau mảnh vườn xanh mướt các loại rau mùa đông. Chú chó Suki vội vã nhảy ra khỏi cửa xe ô tô, cứ đi được một đoạn chú quay lại nhìn tôi như thể chú không dấu nổi niềm háo hức giới thiệu tôi với ngôi nhà ấm cúng mà chú đã sống hơn tám năm qua.

“Bác có một nhiệm vụ cho cháu đây. Bác muốn cháu tự tay trang trí cây thông Noel để cảm nhận được không khí giáng sinh ở Anh”.

Bác Hanah vừa nói vừa chỉ tay về phía cây thông ở trung tâm phòng khách. Khi bác vừa dứt lời, một chàng trai đậm người trong chiếc áo sơ mi màu xanh lá cây khệ nệ ôm một hộp gỗ hình chữ nhật từ tầng hai bước xuống. Anh chàng tiến về phía tôi, và đặt hộp gỗ ngay dưới chân tôi. Anh cố gắng mở chiếc hộp đã bị một lớp bụi phủ kín. Thì ra đó là hộp đựng đồ trang trí cây thông Noel.

Anh chàng chẳng nói chẳng rằng cứ lẳng lặng lấy đồ trong hộp ra và gài vào cây thông. Mãi đến khi bác Hanah giới thiệu, tôi mới biết đó là John, con trai duy nhất của bác. John đang học năm cuối phổ thông ở gần nhà, và sẽ bắt đầu vào Đại học năm sau. Sự im lặng của John khiến tôi không khỏi tò mò. Tại sao cậu không nói gì với tôi và thậm chí là bác Hanah? Nén sự tò mò ấy lại, tôi tập trung hoàn toàn vào thiết kế một trang phục kiều diễm cho cây thông. Bất chợt John cất tiếng nói, khiến tôi giật mình suýt đánh rơi ông già tuyết trắng làm bằng len tôi đang ướm đặt lên phía ngọn cây.

“Này, cô có biết cây thông Noel đầu tiên được đưa vào nước Anh từ đầu thế kỷ mười chín không? Cây thông đầu tiên được chồng của nữ hoàng Victoria – hoàng tử Albert đem về trang trí tại lâu đài Windsor. Dân chúng thấy thú vị quá nên bắt chước gia đình nữ hoàng. Dần dà, cây thông trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày giáng sinh của nước Anh”. Sau khi ngừng nói, anh chàng lại giữ bộ mặt lạnh tanh và tiếp tục đặt đồ trang trí lên cây thông.

“Ồ, vậy à. Tôi chưa hề biết đến chuyện này. Cảm ơn cậu đã chia sẻ”.

Tôi thầm nghĩ, anh chàng John này có vẻ lầm lì ít nói, nhưng cũng hiểu biết và thích khoe khoang kiến thức đấy chứ.

(Còn nữa)

Thanh Mai

One thought on “Kỷ niệm nước Anh: Một cái duyên bất ngờ (Phần 1)

Leave a Reply