Thi cử, áp lực và PhD

EDB0DAFE-C1FF-467D-9EF9-C3733212C0F9

Chào bạn đọc blog,

Đã ba tháng nay, tôi không cập nhật bài viết mới trên blog Sunflower Fields. Có lẽ, kỳ học Mùa thu vừa rồi là kỳ học bận rộn, áp lực và nhiều cảm xúc nhất kể từ khi tôi theo con đường nghiên cứu sinh gian nan và đầy thử thách này. Tôi vừa lên lớp, vừa tham gia nghiên cứu riêng, và vừa ôn thi Comprehensive Exams- một kỳ thi quan trọng trước khi tôi chính thức trở thành PhD Candidate. Khi còn viết blog đều đặn, gần như sáng nào tôi cũng truy cập vào trang blog, đọc và trả lời phản hồi của bạn đọc. Nhưng đợt bận rộn vừa rồi, tôi gần như bỏ hẳn thói quen này, có khi cả tháng tôi không kiểm tra blog lần nào. Tuần trước, sau khi hoàn thành phần thi nói và viết Comprehensive Exams, tôi bất chợt muốn đọc lại những bài viết cũ trên blog. Thật bất ngờ, tôi nhận được khá nhiều phản hồi dành cho những bài viết đã được đăng trên blog cách đây một, hai năm. Phản hồi của bạn đọc như truyền thêm cho tôi cảm hứng và động lực để tôi quay lại với blog. Tuần này, tôi xin chia sẻ với bạn những suy nghĩ, và cảm xúc của tôi trong suốt giai đoạn thi Comprehensive Exams.

Tôi luôn nghĩ bản thân là người có khả năng tự tổ chức công việc, và chịu áp lực tốt. Từ khi theo học PhD, tôi vừa hoàn thành tốt công việc trên lớp, vừa có thể xây dựng ý tưởng nghiên cứu của mình, và tham gia nghiên cứu với giáo sư hướng dẫn. Tôi cũng gần như chưa bao giờ trễ deadline hay quên một sự kiện gì quan trọng trong chương trình PhD. Nhưng sau khi trải qua kỳ thi Comprehensive Exams, tôi mới hiểu, thật ra tôi không chịu áp lực tốt như tôi nghĩ. Tôi có thể dễ dàng mất bình tĩnh, lo lắng và trở nên cực kỳ căng thẳng.

Comprehensive Exam (Comps) là kỳ thi bắt buộc đối với bất cứ ai đang theo học PhD ở Mỹ (có lẽ cũng có trường đã bỏ kỳ thi này, nhưng tất cả những người bạn mà tôi biết ở Mỹ đều phải trải qua kỳ thi này). Sau khi kết thúc Course Work, bạn bắt buộc phải thi qua Comps mới có thể bắt đầu viết luận văn. Trường tôi yêu cầu PhD student phải thi cả viết và nói. Sau khi vượt qua phần thi viết, sinh viên mới có thể tiếp tục thi nói. Thi viết sẽ diễn ra trong tuần đầu tiên của kỳ học Mùa xuân năm thứ ba. Chúng tôi có năm ngày để viết câu trả lời cho năm câu hỏi (3 câu thuộc chuyên ngành chính, và 2 câu chuyên ngành phụ).

Vì kỳ thi viết bắt đầu ngay khi học kỳ Mùa xuân bắt đầu, nên sau khi kết thúc kỳ Mùa thu tôi chỉ có khoảng ba tuần để ôn thi. Đợt đó, đúng vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh nên tôi càng sốt ruột. Tôi đã hứa với bạn đồng hành sẽ đón Giáng sinh cùng gia đình anh ở tận bang Minnesota, và chúng tôi đã lên kế hoạch đi lại chi tiết nên tôi không thể huỷ chuyến đi vào phút cuối được. Thế là, tôi đi chơi lễ mà trong lòng nặng trĩu, lúc nào cũng chỉ sợ mình sẽ thi trượt. Tôi nhận ra, dù cả đời đã trải qua bao kỳ thi lớn nhỏ từ thi vượt cấp, thi học sinh giỏi, thi đại học, thi  tiếng Anh đến thi GRE, tôi vẫn luôn sợ và không thích các kỳ thi. May mà gia đình bạn đồng hành ai cũng hiểu, nên tôi vẫn dành được khoảng 2-4 tiếng mỗi ngày để học.

Sau khi quay trở lại Arizona, tôi chỉ còn khoảng 12 ngày nữa là đến kỳ thi viết. Ngày nào tôi cũng đến văn phòng làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới về, rồi tối lại học thêm 1-2 tiếng nữa. Ôn thi nhiều quá khiến tôi thấy rất chán, nhưng tôi lại có động lực để hoàn thành kỳ thi này. Tôi tự nhủ, qua kỳ thi này, mình sẽ chính thức là PhD candidate, mình sẽ không phải lên lớp nữa, và có thể tiếp tục theo đuổi những dự án dang dở. Tôi còn nghĩ rằng tôi chỉ cần thi qua, không cần phải cố gắng thi qua một cách..xuất sắc để làm gì. Một ngày trước khi kỳ thi viết bắt đầu, tôi gần như không ngủ được, đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến các câu hỏi mà các giáo sư có thể hỏi tôi. Sáng hôm sau, tôi thức dậy rất sớm, 6 giờ tôi đã tỉnh ngủ và vội vã kiểm tra điện thoại. Trời, mới 6 giờ sáng, mà đề thi đã được gửi đến email của tôi. Tôi vội vã đọc đề và cảm thấy mình hoàn toàn có thể trả lời các câu hỏi này. Đúng như dự đoán, câu hỏi thách thức nhất đến từ giáo sư hướng dẫn của tôi (giáo sư hỏi về China model).  Hai câu hỏi khác thuộc chuyên ngành chính liên quan đến political culture và democratization. Đây là hai chủ đề tôi đã dành nhiều thời gian suy nghĩ, và xây dựng quan điểm riêng nên tôi có thể viết sâu và viết nhanh. Hai câu hỏi thuộc chuyên ngành phụ (methods) đơn giản hơn mong đợi của tôi (một câu về internal và external validity của experimental research, một câu về Frequentist và Bayesian methods), nên tôi có thể viết cả hai câu trong một ngày. Tôi dành hai ngày để trả lời câu hỏi mà giáo sư hướng dẫn hỏi tôi, và tôi khá hài lòng về câu trả lời của mình! Mặc dù đề thi không thách thức như tôi nghĩ, nhưng tôi thật sự căng thẳng trong tuần thi viết. Gần như, tôi chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi ngày, có những đêm tôi bất chợt tỉnh giấc và google “China Model”, hoặc “Bayesian approach”, mặc dù đây là những chủ đề tôi đã ôn kỹ rồi.

Sau khi nộp bài thi viết, tôi quyết định đến Las Vegas chơi hai ngày. Và cuối cùng tôi đã có thể ngủ đủ giấc, không suy nghĩ, lo toan và có những giấc mơ “đáng sợ” về institutions hay China Model. Có lần, tôi mơ giáo sư dạy tôi methods chuyển về Việt Nam dạy linguistics và đánh trượt tôi vì tôi “không hiểu các bài báo nói gì”!!

Sau khi nộp bài thi viết khoảng 4 ngày, tôi nhận được email của giáo sư hướng dẫn thông báo tôi đã thi qua phần thi viết. Các giáo sư đều ấn tượng về bài viết của tôi. Các giáo sư nói tôi hiểu và tổng hợp cơ sở lý thuyết rất tốt, họ cũng rất hài lòng vì tôi có lập luận riêng, và biết cách bảo vệ quan điểm của mình. Thứ hai tuần trước, tôi hoàn thành phần thi nói, và chính thức trở thành PhD Candidate. Giáo sư hướng dẫn nhận xét, phần thi nói của tôi khá tốt, nhưng không tốt như phần thi viết (quả thật tôi rất run, tôi không ngủ chút nào trước ngày thi  ) Giáo sư bảo, tôi viết tự tin, rõ ràng, và sắc sảo hơn khi nói, và giáo sư chỉ cho tôi một số cách để cải thiện kỹ năng này (đặc biệt là khi căng thẳng, bối rối. Ai có thể không căng thẳng, khi bị “hỏi cung” bởi 4-5 giáo sư cơ chứ?)

Hôm qua, bạn đồng hành nói với tôi: “Chưa bao giờ anh thấy em căng thẳng, áp lực và nhiều cảm xúc như đợt thi Comprehensive Exams”. Có những hôm mệt mỏi qúa, tôi nghĩ đến việc bỏ cuộc. Tôi nghĩ đến việc lấy bằng Master, và xin đi dạy ở một trường Community College nào đó. Nhưng tận sâu thẳm, tôi biết, đó không phải là điều tôi mong muốn. Tôi đã làm qua nhiều công việc khác nhau, nhưng không nơi nào giữ chân tôi được lâu. Không công việc nào khiến tôi cảm thấy yêu và muốn gắn bó. Tôi luôn tự hỏi: “Đây thật sự là điều mình muốn làm hay sao? Tại sao mình không cảm thấy hạnh phúc chút nào khi làm công việc này”. Đã có lúc tôi nghĩ, mình là đứa cả thèm chóng chán. Muốn công việc gì là phải dành bằng được, nhưng chỉ sau một thời gian là tự cảm thấy không phù hợp, và muốn ra đi. Đã có lúc tôi nghĩ, hay thôi mình cứ bằng lòng với công việc hiện tại, và tìm niềm vui ở khía cạnh khác trong cuộc sống.

Nhưng từ ngày theo con đường PhD, được viết và được tự do tìm hiểu những điều tôi yêu thích, tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều.  Lần đầu tiên, tôi biết rõ tôi yêu thích gì, muốn làm gì, và sẽ phải làm gì để bản thân cảm thấy hạnh phúc. Dù học PhD vất vả hơn công việc cũ rất nhiều, nhưng tôi luôn háo hức đến văn phòng mỗi buổi sáng, đọc viết và tìm hiểu về đề tài tôi yêu thích! Tôi biết, tôi đang thật sự yêu thích công việc mình đang làm!

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi! Chúc bạn một tuần mới vui!

Trương Thanh Mai

8 thoughts on “Thi cử, áp lực và PhD

  1. Chúc mừng chị nhé, kết quả đền đáp xứng đáng với mọi nỗ lực cả chị và bạn đồng hành bỏ ra 🙂 . Mong chị con đường phía trước sẽ thật thú vị, thử thách nhưng luôn có niềm tin và hi vọng ạ

  2. Cảm ơn Thanh Mai vì những chia sẻ rất hữu ích! Mình vẫn thường xuyên đọc blog của Thanh Mai vì mình học được nhiều điều từ đó. Mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với em nhé!

Leave a Reply