Sự tự ti và lòng yêu nước

319F15D8-DBB0-48BE-97F5-498FE8C56189

Mấy ngày gần đây, tôi ít khi đọc thông tin liên quan đến dịch Covid-19 trên báo chí (cả báo chí ở Mỹ và Việt Nam) bởi những thông tin về số người nhiễm và chết vì con virus này luôn khiến một ngày của tôi ảm đạm và u ám. Mỗi lần nhìn các con số thay đổi chóng mặt từng ngày, tôi đều hỏi bạn đồng hành: “Không biết bao giờ cuộc sống mới trở lại bình thường anh nhỉ?” Bao dự định liên quan đến công việc nghiên cứu và cuộc sống cá nhân đều bị bỏ ngỏ, mà không biết đến bao giờ tôi mới có cơ hội thực hiện. Lẽ ra tôi sẽ dạy khoá học “Dictators” cho sinh viên Đại học hè này, nhưng giờ nhà trường quyết định sẽ chuyển sang dạy online. Khoá học Political Psychology ở Berlin mà tôi được chọn để đại diện cho khoa tham gia giờ cũng chuyển sang học trực tuyến. Kế hoạch đi Đức, rồi tiện thể quay lại thăm Châu Âu giờ cũng tan biến rồi. Tôi và bạn đồng hành còn định về Việt Nam thăm mẹ tôi và giúp mẹ làm visa qua Mỹ hoặc Canada để ăn tết 2021 với chúng tôi, nhưng chưa chắc hè này chúng tôi có thể về thăm nhà được. 

Mỗi khi tình cờ đọc được các lời bình luận trên mạng xã hội, cũng như trên báo chí, đặc biệt là báo chí Việt Nam, tôi đều không khỏi ngỡ ngàng. Có lẽ, phải dùng từ “sốc” mới thể hiện đúng tâm trạng của tôi. Cách người ta hành xử trong đại dịch Covid này khiến tôi nhận ra một điều, ta dễ dàng trở nên độc ác với người khác hơn ta tưởng rất nhiều. 

Mấy ngày trước, báo Vnexpress có đăng tin đại sứ Phillipines ở Lebanon qua đời vì virus Corona, thế là thay vì đưa ra những lời bình luận thể hiện sự đau buồn, người ta lại ào ào vỗ ngực tự khen mình “Việt Nam siêu giỏi”, “Tự hào quá Việt Nam”, “Việt Nam giỏi thế chứ”. Tôi thiết nghĩ, phải nhìn sự đau khổ của thiên hạ để cảm thấy tự hào về bản thân mình sao? Chẳng nhẽ phải những lúc như thế này mới có thể tìm được cái gì đó làm niềm tự hào sao? Lại nữa, một số người hả hê vì số người ở Mỹ chết nhiều, và lấy đó để thảo mãn “sự yêu nước và tính dân tộc”, mà tôi cho là cực đoan.

Đợt rộ lên chuyện một vài du học sinh về nước phàn nàn về tình trạng ở khu cách ly, tôi phải tránh đọc các bình luận trên báo chí và mạng xã hội, vì nhiều khi tôi không hiểu người ta sao lại có thể buông những lời chửi rủa, thoá mạ đối với người khác kinh khủng đến như vậy. Lại còn có chuyện một cô giáo viết một bài thơ để dạy bảo các em về lòng yêu nước. Những “bài thơ” và lời bình luận thiếu tính xây dựng đã tạo nên làn sóng phản đối du học sinh một cách dữ dội. Người ta cứ thế lao vào đánh đồng tất cả du học sinh đều …xấu xa. 

Một lần khác trong đại dịch Covid-19 này, người ta dùng photoshop cắt mặt người phụ nữ (được cho là Việt kiều) vào thân một con chó, và lan truyền hình ảnh này trên mạng xã hội, cùng những lời xỉ vả không thương tiếc về “đạo đức, và lòng yêu nước”. Người ta làm vậy, vì người phụ nữ này đã tranh cãi với một cán bộ công an về việc đi cách ly. 

Tất nhiên tôi không đồng tình với những lời phàn nàn của một vài em du học sinh và những cá nhân khác, nhưng cách nhiều người “đáp trả” lại những hành động ấy cũng không…văn minh hơn chút nào.

Tôi chợt nhận ra, chỉ khi đứng trước những sự kiện có ảnh hưởng lớn như thế này, ta mới thấy giá trị đạo đức, tình người, và trình độ văn hoá “sâu sắc” đến thế nào. 

Tôi tự hỏi tại sao người ta lại hành xử như vậy? Tôi không nghiên cứu tâm lý học, nhưng tôi có cảm giác rằng, sự yêu nước cực đoan ít nhiều đến từ sự tự ti, và lòng khao khát muốn thể hiện sức mạnh của kẻ yếu. 

Một người tự tin và mạnh mẽ không có nhu cầu phải hạ người khác xuống để cảm thấy mình tốt lên. Một người (hay cả một quốc gia) thật sự tự tin sẽ không cần phải so sánh bản thân với người khác, và chỉ cảm thấy tự hào khi người khác yếu kém hơn mình. Nhìn xung quanh, ta sẽ thấy, người thật sự tự tin sẽ luôn bình thản đón nhận những lời phê bình xung quanh, bởi họ biết giá trị thật của họ ở đâu. 

 Nhiều khi tôi hơi sợ cách chúng ta yêu nước. Một lời phàn nàn về chính phủ được mặc nhiên gán mác “không yêu nước”. Quyết định sống ở nước ngoài là bị coi như là không có lòng yêu nước. Và cứ phải yêu nước thì mới được coi là có đạo đức? Người ta cứ thản nhiên gắn những thứ này với lòng yêu nước, là bởi vì người ta chưa bao giờ nghiêm túc tự hỏi “thế nào là lòng yêu nước thật sự?”

Tôi thấy rất lạ là, nhiều khi thật ra người ta vin cớ yêu nước để tự do phán xử người khác. Trong hoàn cảnh thường ngày, ai cũng hiểu rằng hành động chửi rủa, hạ thấp người khác và thể hiện sự vui mừng trước nỗi buồn đau của người khác là thiếu đạo đức. Nhưng khi vin cớ “mình đang thể hiện lòng yêu nước”, người ta tự bào chữa và cho phép bản thân thực hiện những hành vi ấy. Những hành vi thiếu đạo đức ấy, bỗng được coi là có đạo đức, vì người ta nghĩ họ chỉ chứng mình tình yêu với đất nước mà thôi.

Tôi thì lại cho rằng, chỉ những người yếu, thiếu tự ti, muốn thế hiện giá trị của mình mới làm như vậy. Họ sử dụng lòng yêu nước, để thể hiện rằng bản thân là một người đạo đức, và yêu tổ quốc sâu sắc.

Một người yêu nước thật sự sẽ không cần lúc nào cũng phải thể hiện tình yêu của mình. Họ cũng sẽ luôn thản nhiên đón nhận những lời phê bình về đất nước mình, họ có khi còn dũng cảm tự nhìn ra những điểm được và chưa được nơi mình đang sống. Bởi họ biết giá trị bản thân, và giá trị đất nước mình ở đâu, nên họ không cần phải chứng minh với ai cả!

Hôm nay, bạn đồng hành và tôi đi dạo quanh công viên quốc gia gần nhà. Chỉ mấy mươi phút đi dạo mà tôi bỗng thấy tinh thần thoải mái, phấn chấn và vui tươi hơn hẳn. Những bông hoa xương rồng đủ sắc màu đã bắt đầu làm dáng, mời gọi những cơn gió đầu hè đến với Arizona. Hãy nhìn sự việc với con mắt lạc quan hơn. Có lẽ, dịch Covid là cơ hội để ta sống gần với thiên nhiên hơn. Thiên nhiên luôn hứng khởi mở lòng mỗi khi ta cảm thấy mệt mỏi, và thiếu nhiệt huyết. Dưới đây là một vài bức ảnh mà tôi đã chụp ở công viên quốc gia hôm nay. Bức ảnh đại diện cho bài viết này cũng được chụp ở công viên đấy!

 

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi. Chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui!

6 thoughts on “Sự tự ti và lòng yêu nước

  1. Ồ em xem hình về hoa này ở công viên này nhiều rồi nhưng cứ nghĩ là nó nhỏ vì thường thì người ta chỉ chụp mỗi hoa và không có vật gì để so sánh tương quan. Nay xem tấm chụp bạn đồng hành của chị đang chụp bụi hoa thì mới biết là nó phải lớn gấp đôi so với em tưởng.

    1. Hoa này lại có màu hồng rất nổi bật nữa nên đi qua ai cũng phải để ý! Mùa này các loài hoa chen nhau đua nở đẹp lắm ý em ạ 🙂

  2. Ui. Chị Mai nói thành lời những gì mông lung dịp này em có cơ hội trải nghiệm và suy nghĩ. Em chỉ cảm thấy có gì sai sai. Nhưng ko nói ra được cụ thể là tình hình/quan điểm cá nhân của em nó như nào, tại sao…
    Đọc bài chị Mai em mới thấy rõ hẳn ra.
    Em chúc chị Mai ở bên ấy nhiều sức khoẻ ạ.

    1. Cảm ơn em đã ghé thăm blog! Chỗ chị là thành phố nhỏ nên vẫn ổn em ạ. Em thế nào? Chị luôn cảm thấy Việt Nam đang làm rất tốt, chỉ có điều trong những điều tốt đẹp vẫn nảy sinh những thứ xấu xí em nhỉ! Chúc em học vui 🙂

      1. Dạ. Bài nào c Mai viết em cũng thích đọc cả nên mỗi lần có bài c Mai viết là ghé mạnh ấy chứ. 😍. Em vẫn ổn ạ. Nước Ý căn bản cũng đã lên báo đài cả tây cả ta chói loà từ hồi tháng 3, nên là em giờ chọn đọc với nghe ít đi. Dịp đầu được tiếp thụ thông tin nhiều quá (cả bị và chủ động), em thấy depressed với lo lắng nhiều nhiều chị ạ. Giờ thì em quen hơn, mà cũng ít nghĩ lung tung hơn, tập trung làm cái khác mình thích, nên cảm giác đỡ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi “các anh hùng bàn phím” hơn, và cũng thấy mình vui vẻ hơn chị ạ!

Leave a Reply