Những chuyện giản dị về gia đình

C0F9DB3F-D38B-47CA-922D-761DC01E155D

Hồi mới làm việc ở nhà, tôi và bạn đồng hành cứ ngỡ ngàng không biết rồi cuộc sống sẽ xáo trộn như thế nào đây. Cuộc sống sẽ vui tươi hơn hay buồn tẻ hơn? Chúng tôi sẽ làm việc hiệu quả, năng suất hơn hay lại trở nên biếng nhác? Lúc chưa có lệnh làm việc ở nhà của chính phủ, ngày ngày chúng tôi dậy tầm 7 giờ sáng, rồi đến 7 giờ 45 thì cùng nhau đi làm, bạn đồng hành trở tôi đến văn phòng trước rồi mới đi đến chỗ làm. Chiều chiều cứ khoảng 5 giờ là chúng tôi lại cùng nhau về nhà. Trên đường đi, chúng tôi kể cho nhau nghe mọi chuyện ở văn phòng. Có gì vui, có gì buồn, có sự kiện gì thú vị hay có thành tựu gì trong công việc chúng tôi đều chia sẻ với nhau. Bỗng nhiên, ngày nào cũng ở bên nhau từ sáng đến tối, liệu có thấy chán không nhỉ? Người ta chả hay nói, phải gặp nhau ít ít thôi, thì tình yêu mới nồng nàn được lâu còn gì. Thế nên, lo lắng của tôi cũng không có gì quá đáng phải không? Tôi đoán bạn đồng hành có cùng suy nghĩ ấy, nhưng anh không nói ra mà thôi.

Giờ tôi nhận thấy, chính ra ở nhà làm việc cùng nhau lại vui và hiểu nhau hơn. Làm gì cũng có nhau nên tôi thấy chúng tôi yêu thương và tin tưởng nhau nhiều hơn.

Dù không phải đến văn phòng, nhưng sáng nào đúng 8 giờ bạn đồng hành sẽ xuống phòng khách làm việc. Tôi thì trễ hơn một chút, tôi cố ngủ nướng thêm mấy phút và bắt đầu một ngày mới lúc 8 giờ 30 sáng. Ngay khi vừa chuyển đến ngôi nhà mà chúng tôi đang ở, tôi đã “nhanh tay” dành phòng làm việc ở tầng hai. Tôi thích căn phòng ấy lắm. Tôi kê bàn học ra phía cửa sổ, ngước nhìn lên là thấy một dãy núi như hình một cô gái đang ngủ ở xa xa. Cứ đến chiều, nắng soi những ánh vàng nhẹ nhẹ qua cửa sổ, đậu thảnh thơi lên bộ lông trắng muốt của chú mèo Bẹp đang ngủ mơ màng trên bàn học, đầu tựa vào chồng sách của tôi. Cảnh tưởng dịu dàng ấy luôn làm con mắt của tôi mê say.

Bạn đồng hành làm công việc liên quan đến truyền thông nên thường xuyên phải thảo luận với đồng nghiệp và đối tác qua mạng. Để tránh không bị sao nhãng bởi những cuộc trò chuyện của anh, ở tầng trên tôi bật nhạc nhẹ nhàng khi làm việc. Tôi nghe nhạc qua chương trình Spotify. Nếu trả tiền hàng tháng, bạn có thể nghe nhạc mà không bị quảng cáo dán đoạn, nhưng tôi nhận thấy độ tập trung của bản thân cũng khá tốt, nên nhiều khi tôi còn chẳng để ý là có quảng cáo nữa cơ. Khi làm việc ở nhà cùng nhau, tôi hiểu hơn về công việc của bạn đồng hành. Anh rất khéo léo khi nói chuyện với đối tác, và đồng nghiệp, và đặc biệt là những người đang trong cơn giận giữ. Thật ra, bạn đồng hành luôn như vậy, kể cả khi nói chuyện với tôi. Anh luôn lựa những từ ngữ và cách nói làm sao để không tổn thương đến cảm xúc của tôi. Người đến từ vùng Minnesota, người ta thường bảo là rất lịch sự và thanh lịch. Cô bạn học cùng lớp tiến sỹ với tôi còn đùa với tôi sau khi nói chuyện với anh rằng “Người Minnesota lịch sự là vì họ sống rất gần……Canada, một đất nước nổi tiếng là lịch sự nhất thế giới” Tôi kể lại với anh thì anh cười phá lên và bảo “ừ, cũng có thể đấy!”

Có lẽ anh cũng hiểu hơn về công việc nghiên cứu của tôi. Thật ra, tôi luôn chia sẻ công việc của tôi với anh nên anh biết rõ tôi đang làm nghiên cứu gì, với giáo sư hay đồng nghiệp nào, khi nào tôi gửi bài đến các tạp chí, và những khó khăn tôi gặp phải trong nghiên cứu. Thỉnh thoảng anh lại chạy đến bàn học của tôi, và hỏi: “Thế em nói chuyện với giáo sư xong thì dự án sẽ triển khai tiếp thế nào?”, hay “thế giáo sư nghĩ thế nào về ý tưởng luận văn của em?” Có đợt tôi căng thẳng lắm, bởi tôi cứ lo không tìm ra được ý tưởng gì thú vị cho luận văn. Lo đến mức cứ nhắm mắt vào là nghĩ đến luận văn ý! May quá, tôi đã tìm ra hướng đi rồi.

Cả hai chúng tôi đều lo làm việc ở nhà sẽ buồn chán, nên bọn tôi giao kèo sẽ nấu thật nhiều món ngon cùng nhau. Bây giờ, bọn tôi đi siêu thị vào thứ bảy, và dành tôi thứ sáu tìm hiểu và viết ra giấy nguyên liệu cần mua cho những món ăn chúng tôi muốn nấu trong vòng 2 tuần. Bọn tôi kết hợp cả món Việt Nam và món Tây. Bạn đồng hành khéo tay ra trò! Hai tuần trước, anh trổ tài nấu món chả cá Việt Nam, ngon đáo để, mà ăn rất đúng vị Việt Nam nữa. Thứ ba tuần trước anh nấu món sweet and sour pork kiểu Trung Quốc, cũng rất ngon. Thứ ba, tôi có lớp học online từ 5:30-7:30. Vừa nghe giảng, vừa hít hà mùi thơm của món anh nấu, khiến tôi không tài nào mà tập trung được. Nhưng cứ nghĩ đến lúc cái dạ dày được say mê món ăn ấy, tôi lại có động lực hoàn thành bài học.

Tôi không phải là đứa quá khéo léo trong nội trợ, và thường nghĩ là mình không có khiếu nấu ăn, nhưng tôi nấu món nào bạn đồng hành cũng khen ngon tấm tắc. Hôm qua, tôi làm thịt kho tàu cho bữa tối. Đây là lần đầu tiên làm món này, và tôi thấy khó nhất là phần thắng đường kho thịt. Lúc thì tôi để đường cháy quá mới đổ nước vào, lúc thì đường lại thắng chưa tới. Thế là bạn đồng hành bảo “em đảo đường đi, anh sẽ cầm bát nước này, khi nào em bảo ‘đổ nước’ thì anh sẽ đổ ngay vào, vậy là em không mất sức vừa thằng đường vừa đổ nước”. Và đúng là khi hai người cùng chung sức, thì việc gì cũng thành công. Trước lúc ăn, tôi mới thỏ thẻ “có khi món này không ngon đâu, không biết em có nấu đúng không nữa”. May quá, món ăn rất ngon, chúng tôi ăn no say quá, đến mức dù muộn nhưng vẫn quyết định đi bộ, để cho cái bụng nhẹ nhàng hơn. Vừa đi bộ, bạn đồng hành lại nói mấy lời ngọt ngào khiến tôi thêm tự tin vào “tài” nấu ăn của mình “em nấu ăn rất ngon, em cần phải có cái nhìn đúng đắn về năng lực của mình chứ!”

Đây là những món chúng tôi muốn nấu trong vòng hai tuần tới.

Về phần tôi, tôi sẽ nấu:
Bún chả
Gà nướng mật ong
Thịt bò hầm mềm
Gà nấu xáo

Bạn đồng hành sẽ nấu:
Bibimbap (ảnh đại diện cho bài viết này là ảnh bạn đồng hành đang chuẩn bị gia vị cho món Bibimbap)
Nem kiểu Thái Lan
Thai Green Curry
Bò Stroganoff
Tuna noodle Casserole

Hôm nay, chúng tôi đi bộ khoảng một tiếng quanh một hồ nước gần nhà. Vâng, hồ nước! Bạn không nghe nhầm đâu, ở sa mạc nhưng cũng có một hồ nước xanh biếc nơi muôn thú chọn làm nơi trú ngụ đấy! Chúng tôi nắm tay nhau, vừa đi vừa ngắm những bông hoa vàng, đỏ, cam nhỏ xinh mọc ven đường. Tháng 3 và tháng 4 có lẽ là thời gian đẹp nhất ở vùng sa mạc này, trời chưa quá nóng, và gió vẫn thổi dịu mát, mời gọi không chỉ những chú gà lôi đuôi dài (roadrunner), những chú ong, những chú thằn lằn đất mà ngay cả những chú mèo nhà lười nhác đi dạo chơi.

Bỗng bạn đồng hành nói với tôi: “Em biết điều anh thấy thích nhất khi ta làm việc ở nhà không? Đó là chúng ta dành nhiều thời gian nấu ăn với nhau hơn. Anh thích nhất là khoảng thời gian ấy. Chúng ta lên kế hoạch nấu món gì, rồi chúng ta lại cùng nhau thực thi cái kế hoạch ấy”. Thấy thế, tôi bảo “sau này khi cuộc sống trở lại bình thường rồi, mình lại thường xuyên nấu các món đặc biệt như thế này nhé!”

Tất nhiên là chúng tôi có nhớ những giờ phút được đến văn phòng, được chuyện trò và vui đùa với đồng nghiệp. Nhưng mấy tuần qua dành thời gian cho nhau nhiều hơn, tôi thấy trân trọng và yêu thương hơn gia đình bé nhỏ mà mình đang có. Chúng tôi có rất nhiều dự định cho tương lai, và lần nào nói về tương lai ấy, giọng nói và ánh mắt của chúng tôi đều rạng rỡ, tràn đầy nhiệt huyết và tin tưởng. Chúng tôi sẽ luôn có nhau trên những con đường phía trước!

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog. Chúc bạn một tuần mới vui!

Trương Thanh Mai

4 thoughts on “Những chuyện giản dị về gia đình

  1. Cảm ơn bài viết của Thanh Mai! Dù việc học PhD bận rộn & áp lực mà mình vẫn cảm nhận được sự cân bằng cuộc sống của Mai. Nhẹ nhàng, thơ mộng và thật bình yên! Nó khiến lòng mình cũng dịu nhẹ hơn!

Leave a Reply