Tản mạn về học PhD

28596097-FDA0-49FC-BEDA-EA7566E736EB

Hôm trước, có người hỏi vì sao tôi lại chọn học PhD ở Mỹ, và sau gần ba năm tôi có thấy hối hận gì không? Chuẩn bị bước sang sinh nhật tuổi 33, tôi chợt hiểu rằng cuộc đời có những ngã rẽ mà ta không sao biết trước được. Tôi của 10 năm trước không thể tưởng tượng được rằng, tôi của 10 năm sau lại đang làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, đang phấn đấu đi theo con đường nghiên cứu, và viết lách. Hồi 20 tuổi, tôi luôn đi tìm xem mình có khiếu về mảng nào, và có lần phải rầu rĩ thừa nhận rằng, tôi không có tài gì cả. Không có năng khiếu nghệ thuật như nhạc hay vẽ. Cũng không giỏi (và thật ra là không thấy thích) kinh doanh hay buôn bán, tôi đã làm thử một lần, và chỉ một thời gian là chán. Mãi khi học thạc sỹ, tôi nhận ra mình thích viết. Sau đi học PhD thì tôi lại càng ham viết hơn. Trước mỗi dự án viết mới, tôi thấy vui thích, hứng khởi, chứ không chán nản, lười nhác. Tôi thích viết, và mỗi khi chia sẻ được những ý tưởng, suy nghĩ của mình đến với người khác qua câu chữ, tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc. Dù rằng, những gì tôi đang viết hiện nay chỉ giới hạn cho một lượng độc giả nhỏ (bạn học, các giáo sư trong hội đồng, và những học giả có cùng hướng nghiên cứu với tôi). Viết giúp tôi hiểu hơn về tư duy, quan điểm, và thế giới quan của bản thân.

Gần đây, tôi có đọc hồi ký của Nguyễn Hiến Lê. Phục nhất ở ông ấy, lòng ham học, ham viết, sức viết rất khoẻ, cả đời không cầu danh lợi, chỉ đam mê là một người viết tự do, tự tại.

Có lần, có bạn trải lòng trên một diễn đàn về học PhD. Bạn hỏi có nên đi học PhD không khi mà tuổi đã gần 30, lại chưa lập gia đình, khi học xong hơn 30 tuổi rồi thì tương lai sẽ ra sao, sẽ đi về đâu. Dẫu cho rằng đó là một câu hỏi hoàn toàn chính đáng, tôi cảm nhận khát khao đi theo con đường nghiên cứu sinh của bạn chưa đủ rạo rực. Nếu khát khao chưa đủ lớn, tôi tự hỏi không biết bạn có đương đầu nổi với những khó khăn gặp phải khi đi học không?

Học PhD thật ra là học việc, học để trở thành một nhà nghiên cứu độc lập. Tôi đã học gần xong coursework và bước sang giai đoạn làm nghiên cứu độc lập. Tôi hiểu làm nghiên cứu độc lập không dễ, từ một knowledge consumer (học những kiến thức của người khác) đến knowledge producer (sáng tạo ra những kiến thức mới) là một chặng đường khó khăn, gồ ghề sỏi đá. Và có lẽ điều thách thức nhất là xây dựng cho mình một cá tính, bản sắc riêng (identity). Ta phải trả lời được câu hỏi: “Là một nhà nghiên cứu, ta là ai? Điều gì khiến ta khác với mọi người? Cá tính (nghiên cứu, viết lách) của ta là gì?” Vì thế, để thành công như một nhà nghiên cứu/học giả không dễ chút nào, vì không dễ để xây dựng cho bản thân ta một bản sắc riêng. Ta có thể hài lòng với việc mãi mãi đi theo một tư tưởng, nhân sinh quan, thế giới quan của một học giả hay nhà nghiên cứu ta ngưỡng mộ, và nhìn đời theo cách của họ. Nhưng liệu ta có mãi mãi hạnh phúc với điều ấy được không?

Khi được hỏi “Vì sao bạn lại theo học PhD?”, nhiều người trả lời rằng họ muốn đóng góp cho đời, muốn thay đổi xã hội, muốn làm thật nhiều điều “thực tiễn”. Tôi lại chưa bao giờ nghĩ thế. Đừng hiểu nhầm ý tôi, học để đóng góp cho xã hội, cộng đồng là một điều tốt, và đáng hoan nghênh. Nhưng với riêng tôi, quyết định học PhD là vì chính bản thân mình, vì mình trước hết, không vì một ai hết cả. Hồi 29 tuổi, khát khao muốn được học tiếp, được viết lách, được tìm hiểu một chủ đề mình yêu thích bỗng trở nên cồn cào rạo rực trong tôi. Cái khát khao ấy rộn ràng đến nỗi tôi không cần hỏi (và cũng không cần nghe) lời khuyên của ai cả, kể cả những người đi trước, vì tôi tin rằng tôi biết rõ điều gì khiến bản thân mình hạnh phúc. Người khác dù có là ai đi nữa, cũng là người ngoài, và họ không thể hiểu thấu tâm tư, ước mơ và giá trị cuộc sống của tôi được. Và đến tận bây giờ, tôi vẫn tâm niệm học và làm nghiên cứu là để cho bản thân tôi hạnh phúc. Nhiều người đang học PhD hay than “Không biết mấy cái khảo sát này có giúp gì cho xã hội, hay cuộc sống xung quanh không?”. Lại có người than “mấy cái lý thuyết xã hội này có giúp gì cho ai được không?” Tôi lại nghĩ, thay vì than vãn, hãy làm sao để mình làm cái khảo sát ấy, hay phát triển cái lập luận ấy thật tốt đi. Hãy làm thật tốt cái ta đang làm, tốt đến một mức độ mà ta có thể nói ta đã cố gắng hết sức rồi. Kể cả nếu những gì ta đang làm không đóng góp nhiều cho xã hội như ta mong ước, thì chí ít nó cũng giúp ta có cái nhìn mới về thế giới xung quanh. Vì thay đối thế giới quan của kẻ khác rất rất khó, nên trước hết ta hãy tập trung xây dựng thế giới quan của riêng mình đã. Tôi cũng thấy nhiều người hay chê khoa học và nghiên cứu, không tin vào bất cứ phương pháp nào. Vậy tôi sẽ hỏi “Can you give me an alternative?” Chê thì dễ, ai chả làm được, chê mà không đi kèm với những gợi ý, những lựa chọn thay thế, thì để làm gì nhỉ?

Bước sang năm nghiên cứu sinh thứ 3, tôi chưa bao giờ thấy ân hận. Ngược lại, tôi thấy mình trưởng thành rất nhiều, cả về nhận thức, lối tư duy, và tính cách.

Một trong những lý do tôi chọn học PhD ở Mỹ là vì tôi muốn được đào tạo thật tốt về phương pháp luận. Học thạc sỹ ở Anh xong, tôi vẫn thấy mình như chưa biết gì cả, vẫn hoang mang, và ngây thơ lắm. Và đúng là, nhiều lúc nghĩ lại thấy những bài viết, và suy nghĩ hồi thạc sỹ thật nông cạn, không đủ sâu. Nhiều bạn cứ khát khao phải có được publications trước khi học PhD, nhưng sẽ rất rất khó để có được một bài viết chất lượng trước khi được đào tạo bài bản. Học phương pháp luận cẩn thận rất có lợi, dù bạn không dùng hết các phương pháp ấy cho nghiên cứu của mình. Đối với tôi, cái lợi lớn nhất là giúp tôi tư duy logic hơn.

Ví dụ, khoá học causal inference giúp tôi hiểu hơn về nguyên nhân hệ quả, và truyền thông không mị tôi được nữa. Tại sao nghiên cứu về causal effects rất thách thức? Một câu hỏi nghiên cứu vui vui tôi bất chợt nghĩ ra như “liệu nuôi mèo có giúp tâm trạng vui vẻ hơn không?”, nghe thì đơn giản nhưng khi muốn xác định nuôi mèo có phải là nguyên nhân gây ra, hay chỉ tương quan với tâm trạng thôi lại rất khó. Ta có thể phỏng vấn 1000 người, hỏi người ta có nuôi mèo hay không, rồi hỏi về tâm trạng, cuộc sống của họ (hỏi họ có cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ không, vân vân. Để người ta “chấm” mức độ hạnh phúc vui vẻ của họ không phải là một cách tối ưu, nhưng ta hãy miễn bàn đến vấn đề này trong bài hôm nay). Rồi ta chạy số liệu, và thấy người nuôi mèo có vẻ là vui vẻ hơn người không nuôi mèo. Nhưng ta chỉ có thể kết luận nuôi mèo có quan hệ tương quan với tâm trạng, mà không thể kết luận nuôi mèo là nguyên nhân khiến người ta vui vẻ, hạnh phúc.

Vì sao? Đó là vì ta không biết tại sao người ta lại quyết định nuôi mèo trước hết? Và những lý do khiến người ta nuôi mèo lại có thể là nguyên nhân khiến tâm trạng họ vui vẻ, hạnh phúc hay sầu não. Ví dụ, người nuôi mèo có thể là người có kinh tế tốt hơn (họ biết họ đủ tiền mua thức ăn cho mèo nên nuôi mèo), họ cũng có thể sống ở vùng nông thôn (vì chuột gây hại cho lúa và hoa màu, nên mới nuôi mèo), họ có thể là người yêu thương động vật (nếu không họ đã không nuôi mèo), họ được gia đình ủng hộ nuôi mèo (vợ chồng, bố mẹ, cho nuôi mèo) vân vân và vân vân. Rõ ràng là sống ở nông thôn hay thành phố, điều kiện kinh tế yếu hay tốt, tâm hồn yêu thương hay ghét bỏ động vật, có được người thân luôn ủng hộ cũng tác động rất nhiều đến tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc của con người.

Thường thì khi chạy mô hình người ta sẽ thêm cả những yếu tố khác (ngoài mèo) mà có thể ảnh hưởng đến tâm trạng vào mô hình, nhưng ngay cả khi đã làm vậy, ta vẫn gần như không thể kết luận nuôi mèo gây ra tâm trạng vui vẻ/hạnh phúc. Lý do là vì, có rất nhiều yếu tố khác mà ta không thể quan sát được có thể ảnh hưởng đến quyết định nuôi mèo (ngoài những thứ mà ta có thể quan sát và hỏi họ như nơi sống (sống ở nông thôn hay thành thị), điều kiện kinh tế, vân vân), và cũng ảnh hưởng đến tâm trạng.

Để có thể tự tin hơn khi nói nuôi mèo là nguyên nhân gây ra tâm trạng vui vẻ hay buồn chán, thì việc người ta nuôi mèo hay không nuôi mèo phải thật ngẫu nhiên, nghĩa là không bị chi phối bởi một yếu tố nào khác mà ta không thể quan sát được. Ví dụ, nếu trong 1000 người được phỏng vấn trên, người tham gia có nuôi mèo hay không chỉ là do họ có được một ai đó cho một con mèo hay không, thì ta có thể ít nhiều đưa ra kết luận về causal effect (được cho mèo là ngẫu nhiên. Tuy vậy, việc này cũng không ngẫu nhiên lắm, vì quyết định giữ lại mèo được cho có thể bị chi phối bởi một yếu tố nào khác ta không quan sát được, mà yếu tố này cũng ảnh hưởng đến tâm trạng). Một vấn đề nữa là ta không thể tách bạch được đâu là nhân, đâu là quả. Nuôi mèo khiến người ta vui vẻ hạnh phúc? Hay là vì người ta có tính tình vui vẻ và hạnh phúc, mà quyết định nuôi mèo.

Đến nay, trong khoa học, phương pháp để tìm causal efects tối ưu nhất là experimental design (thực nghiệm). Trở lại thí dụ về nuôi mèo trên, nếu ta tìm được 1000 người, rồi ngẫu nhiên cho 500 người nuôi mèo (Ta phát mèo cho họ), và 500 người không nuôi mèo (ta không phát mèo cho họ), thì ta có thể ít nhiều kết luận nuôi mèo có gây ra tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc không. (Vì bây giờ, quyết định nuôi mèo là ngẫu nhiên. Ta cho họ mèo, chứ không phải có yếu tố khác dẫn họ đến việc nuôi mèo). Tất nhiên experiments có những vấn đề, điểm yếu riêng, nhưng để viết về những điều ấy cần một bài viết riêng.

CA0C9352-C0FD-4BD3-9D74-624A0D11F967

Tất nhiên, trên thực tế không phải câu hỏi nghiên cứu nào cũng làm được experiment. Ví dụ, hút thuốc có phải là nguyên nhân gây ra ung thư phổi? Nghiên cứu chỉ ra hút thuốc có quan hệ tương quan đến ung thư phổi (người hút thuốc có khả năng bị ung thư phổi cao hơn), nhưng kết luận hút thuốc gây ra ung thư phổi thì sẽ thách thức hơn. Vì có nhiều yếu tố khiến một người hút thuốc cũng có ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ. Câu hỏi này lại không thể làm experiment. Ta không thể thu thập một số người, rồi ngẫu nhiên bắt một số hút thuốc, và một số không hút thuốc. Vì thế, các nhà nghiên cứu đã nghĩ ra các phương pháp quasi-experimental design , mà vẫn dùng data có sẵn (observational data). Tôi sẽ viết kỹ hơn về các phương pháp này ở một bài khác.

Học phương pháp giúp tôi tư duy logic hơn, ngay cả khi tôi làm một nghiên cứu định tính và viết.

Theo con đường PhD rất thách thức, và gian nan nhưng thành quả gặt được lại rất đáng. Đối với riêng tôi, theo PhD còn mở cho tôi một cơ hội để khám phá, phát triển bản thân. Cuộc sống của tôi sâu sắc hơn, hạnh phúc hơn và ý nghĩa hơn khi được viết, được nghiên cứu. Tôi thấy rất may mắn vì cuối cùng đã chọn được hướng đi khiến mình say mê, rạo rực, tò mò không biết chán.

Bài hôm nay lan man quá rồi! Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog và đọc chia sẻ của tôi.

Chúc bạn một tuần mới thật vui.

Trương Thanh Mai

8 thoughts on “Tản mạn về học PhD

  1. Ôi phần chia sẻ của chị về phần trả lời, nghiên cứu câu hỏi Mèo hay quá ạ. Hy vọng chị có thể viết thêm nhiều về các phương pháp nghiên cứu và các khoá học như causal inference ạ.
    Em cũng đang tìm hiểu về Design Thinking và MEAT thì cũng gặp nhiều vấn đề trong quá trình đánh giá và đo lường dự án. Nếu được rất hy vọng chị có thể dành thời gian chia sẻ về các đầu sách về chủ đề này ạ.

    1. Cảm ơn em đã đọc bài viết nhé! Chị cũng đang dự tính sẽ viết nhiều hơn về chủ đề này. Viết cũng giúp chị tổng hợp lại kiến thức nữa 🙂 Chúc em một ngày vui.

  2. Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của Thanh Mai! Chúc mừng Mai đã tìm được hướng đi cho mình. Còn mình vẫn đang loay hoay với con đường của mình. 🙂

  3. Chị Mai thân mến, cảm ơn chị về bài viết. Em 29 tuổi và cũng đang muốn đi học nhưng muốn chưa đủ sâu. Mong chị khoẻ mạnh qua cơn bão Covid và tiếp tục chia sẻ thêm những bài viết về nghiên cứu ntn ạ.

Leave a Reply