Nghĩ về nửa chặng đường đầu làm PhD

B2E5C458-DE48-4D6A-978B-6A1FDD8074AD

Giờ này ba năm trước tôi đang rục rịch nghỉ việc ở Việt Nam, và chuẩn bị sang Mỹ làm PhD. Tuần này, tôi chính thức kết thúc chương trình coursework, và sắp sửa bước vào giai đoạn viết luận văn và dạy học. Chương trình tiến sỹ ngành Political Science ở Mỹ thường mất khoảng 5-6 năm, trong đó bạn phải theo học coursework khoảng hai đến ba năm tuỳ trường. Trường Arizona nơi tôi đang theo học thiết kế chương trình coursework kéo dài ba năm. Ba năm nghe thật dài phải không? Vậy mà, tôi luôn cảm nhận thời gian trôi thật nhanh. Có lẽ bởi ba năm qua, tôi luôn luôn bận rộn, tâm trí không lúc nào ngừng suy nghĩ. Xong bài nghiên cứu năm hai, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, thì đã vội lao vào ôn thi “vượt rào” (hay còn gọi là Comprehensive Exams). Vừa thi qua “vượt rào”, thì lại hớt hải tìm kiếm đề tài cho luận văn và viết Dissertation Prospectus. Vừa xuất bản được một bài báo, thì đã vội vàng bắt tay vào bài báo thứ hai. Cuộc sống ba năm qua là vậy đấy. Bận rộn vô cùng. Bận nhưng nhiều niềm vui, và quả thực tôi đã trưởng thành rất nhiều sau ba năm học coursework.

Coursework cung cấp cho chúng tôi nhưng kiến thức, và kỹ năng cần thiết trước khi bước vào con đường nghiên cứu độc lập. Mặc dù coursework cung cấp những kiến thức nền cơ bản cho nghiên cứu sinh, chương trình học khó hơn so với chương trình ở Đại học, và thậm chí là ở bậc thạc sỹ rất nhiều.

Kỳ đầu tiên, chúng tôi phải học ba môn, trong đó có hai môn bắt buộc là Research Design và Quantitative Methods 1 (Statistics cơ bản). Môn còn lại là môn chuyên ngành, chúng tôi có thể tự chọn môn này. Ngay từ đầu tôi đã xác định học ngành Comparative Politics nên tôi chọn khoá học Authoritarian Regimes. Một tuần trước khi chính thức vào học, khoa có tổ chức Math Camp hệ thống lại một số kiến thức toán cơ bản cho sinh viên trước khi bắt đầu học Methods 1. Sau bao năm đi làm, tôi bỗng thấy mình quay lại với phương trình, tích phân, đạo hàm, tính Min Max, vân vân và vân vân. Tôi chưa bao giờ học statistics một cách cẩn thận trước khi làm PhD nhưng tôi lại rất thích môn methods 1 (Statistics cơ bản). Statistics giúp tôi có cách nhìn khác hẳn về thế giới xung quanh, giúp tôi suy nghĩ phản biện và logic hơn rất nhiều. Tôi ước giá mà mình được học Statistics sớm hơn. Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ hãy học một khoá Statistics cơ bản, dù có thể bạn không bao giờ dùng đến nó. Được trang bị một chút kiến thức cơ bản, không ai có thể “mị” được bạn về những con số nữa.

Khi mới làm PhD, tôi thấy học môn chuyên ngành còn khó hơn học toán hay Methods rất nhiều. Tôi cực kỳ căng thẳng trước mỗi giờ học chuyên ngành, trong khi lại khá thoải mái khi học Methods. Lý do là vì, mới học chưa có kiến thức nền, tôi thấy bài đọc nào cũng rất khó. Các bài đọc ở trình độ PhD rất khó, vì đa phần đó là những bài nghiên cứu khoa học, xuất bản ở những tạp chí hàng đầu. Ngoài ra, mới đầu tôi không biết cách đọc một bài nghiên cứu khoa học. Tôi cứ chúi mũi vào đọc từ đầu đến cuối, vì nghĩ phần nào cũng quan trọng, cũng cần phải nhớ. Mỗi lần nhìn lại những notes của kỳ đầu tiên, tôi đều bật cười. Notes gì mà dài những 3,4 trang. Tôi lại còn mất rất nhiều thời gian để đọc nữa chứ, có khi cả ngày mới đọc xong được một bài đọc. Nhưng theo thời gian, khi có kiến thức nền và hiểu hơn về phương pháp luận, việc đọc trở nên dễ dàng hơn. Thay vì đọc từ đầu đến cuối bài, tôi tập trung vào những phần xương sống của bài như lập luận và phương pháp nghiên cứu của tác giả.

Không có chuyện lên lớp rồi nghe giáo sư thuyết trình đâu! Hai tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ thảo luận, và phản biện các bài đọc thôi. Ở trình độ PhD, giáo sư kỳ vọng bạn sẽ đưa ra được nhận xét, ý kiến riêng về bài đọc.

Kỳ hai, chúng tôi bắt buộc phải học môn Methods 2, tập trung vào linear regression. Nửa kỳ đầu, thầy bắt chúng tôi chứng minh rất nhiều. Theo lời thầy, “chứng minh mới hiểu được bản chất của nó”. Ngày xưa ở Việt Nam học toán chứng minh nhiều, nên tôi không ngại khoản này. Nhưng mấy người bạn tôi, chưa bao giờ học toán kiểu chứng minh thì rất ghét môn Methods 2. May mà đến nửa cuối kỳ, chúng tôi học thực hành chạy số liệu nhiều, nên cũng đỡ hơn, mà cũng vui hơn nữa. Kỳ hai, tôi cũng chọn hai môn chuyên ngành nữa.

Năm nhất, chúng tôi lúc nào cũng kêu bận rộn quá, căng thẳng quá. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi lại thấy đó là khoảng thời gian…rảnh rỗi nhất. Vì mới, nên các giáo sư chưa đặt kỳ vọng quá cao, ai ai cũng bảo bọn năm nhất chỉ là “baby” thôi, còn nhiều điều phía trước lắm.

Kỳ một năm hai, chúng tôi bắt buộc phải học môn Methods 3, và tự chọn hai môn chuyên ngành khác. Methods 3 khó hơn hai methods đầu rất nhiều, nhưng tôi vẫn rất yêu thích các giờ học phương pháp. Bước sang kỳ hai năm thứ hai, chúng tôi không có môn methods bắt buộc nữa, nhưng tôi vẫn chọn network analysis. Tôi thấy mình không thích làm network analysis lắm, cảm thấy phương pháp này không dành cho mình. Kỳ hai năm hai, tôi chọn học Experimental design, và hai môn chuyên ngành khác. Tôi thích làm experiments lắm, vừa hay, vừa vui, vừa sáng tạo. Vì số liệu không có sẵn, mà do bạn tự thu thập, nên bạn phải suy nghĩ rất kỹ về design để có được số liệu và chứng minh giả thuyết của bạn.

Năm hai là một năm cực kỳ quan trọng, vì chúng tôi có bài nghiên cứu năm hai. Đây là một bài nghiên cứu độc lập, và chúng tôi được yêu cầu phải trình bày trước các giáo sư trong khoa. Khoa tôi rất coi trọng bài nghiên cứu năm hai, và sử dụng bài này để đánh giá trình độ sinh viên, cũng như để đưa ra quyết định có tiếp tục cấp funding cho sinh viên hay không. Mặc dù mới năm hai, nhưng khoa có yêu cầu rất cao, không phải là kiểu viết một bài research proposal với vài trang literature review đâu nhé. Chúng tôi phải viết một bài nghiên cứu hoàn chỉnh, có hypotheis, lý thuyết và có empirical test. Quá trình chuẩn bị cho bài nghiên cứu năm hai, tôi căng thẳng vô cùng, nhiều đêm có ngủ được đâu, có khi thức đến sáng nghĩ về nó. May mà mọi chuyện suôn sẻ, bài nghiên cứu năm hai của tôi được đánh giá tốt. Kết thúc năm hai, khoa quyết định cắt funding hai bạn trong lớp tôi, vì bài nghiên cứu năm hai không đạt chất lượng.

Năm ba, chúng tôi lại có một thử thách khác, đó là thi vượt rào, hay còn gọi là Comprehensive Exams. Kỳ thi diễn ra vào đầu kỳ hai năm ba, tức là tháng 1 vừa rồi. Kỳ một năm ba tôi trót dại nhận ba lớp, nên không có thời gian mấy mà ôn thi. Tôi nhận một lớp panel data, một lớp về Bayesian và một lớp chuyên ngành. May mà có kỳ nghỉ đông ba tuần, để tôi tập trung vào ôn thi Comps. Bài thi viết của tôi được các giáo sư đánh giá cao, đặc biệt là phần thi viết. Thi Comps không phải chỉ như kiểu viết một bài literarature review dài đâu, bạn phải tổng hợp và đưa ra lập luận cho một chủ đề mà giáo sư đưa ra. Khoa sẽ dựa vào kết quả thì Comps để đưa ra quyết định có tiếp tục cấp funding nữa không. Nếu qua Comps, bạn sẽ chính thức được đứng lớp. Và hè này, tôi sẽ lần đầu tiên dạy học đấy!

Nghĩ lại, ba năm qua, tôi đã học được những bài học vô cùng quý báu. Tôi xin chia sẻ lại với bạn đọc, biết đâu sẽ hữu ích với những bạn sắp bước vào con đường nghiên cứu sinh.

Hãy luôn chủ động khi học coursework. Ở trình độ PhD, điểm chác không còn quan trọng nữa. Khái niệm “học giỏi” không còn giống như thời Đại học hay thạc sỹ. Nếu bạn chỉ chăm lên lớp, và chỉ tập trung dành được mọi điểm A, bạn có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội khác. Tôi thích nghĩ mình đang làm PhD hơn. Tôi đang học việc để trở thành một nhà nghiên cứu độc lập. Tôi thích nghĩ như thế đấy! Vì nghĩ thế tôi luôn kiếm tìm cơ hội làm nghiên cứu khi đang học coursework. Tôi xuất bản bài nghiên cứu đầu tiên vào năm hai với giáo sư hướng dẫn. Và tôi đã trưởng thành lên rất nhiều sau khoảng thời gian dài viết bài nghiên cứu ấy.

Phát huy điểm mạnh của bản thân. Người ta hay nói, làm nghiên cứu thật cô đơn. Nhưng thật ra, một sản phẩm nghiên cứu khoa học, kể cả là một bài solo-author, cần sự hợp tác của rất nhiều người. Tôi luôn quan niệm, không ai có thể giỏi tất cả mọi thứ. (Có thể có, nhưng tôi thì chắc chắn còn nhiều điều cần cải thiện) Mỗi người có một điểm mạnh riêng, và hãy kiếm tìm cơ hội hợp tác với những người sẽ bổ xung những điểm bạn cần cải thiện. Điều quan trọng là bạn phải tìm ra điểm mạnh của bạn. Đó có thể là kỹ năng viết, kỹ năng phân tích số liệu, khả năng suy nghĩ về những lý thuyết hay ý tưởng trừu tượng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng networking, hay thậm chí là một tính cách thân thiện luôn được người khác quý mến. Luôn giao tiếp với người khác với tâm thế sẵn sàng học từ họ! Tôi biết mình có thể viết và suy nghĩ về lý thuyết khá tốt, nhưng tôi lại không giỏi thể hiện kết quả bằng hình ảnh (tôi luôn thấy mình không phải là một visual person). Vì thế, tôi kiếm tìm cơ hội hợp tác với những bạn giỏi hơn tôi về những khoản này. Và quả thật, tôi đã học và trưởng thành lên rất nhiều từ những sự hợp tác như thế.

Cảm giác mình còn nhiều thiếu sót luôn thường trực. Và đó là điều hoàn toàn bình thường! Rất nhiều lần, tôi nghĩ mình không phù hợp để đi theo con đường nghiên cứu. Tôi yêu nghiên cứu lắm, nhưng tôi đã nghĩ tôi không đủ khả năng để theo đuổi nó. Nhưng mỗi lần định bỏ thì sự say mê lại tìm đến tôi. Một tiếng nói đâu đó trong tâm trí lại vang lên: “Nếu không làm nghiên cứu thì mày có hạnh phúc với công việc như trước đây không?”. Và thế là tôi lại tràn đầy năng lực, “làm nghiên cứu khó hơn, bận rộn vất vả hơn, nhưng vui và ý nghĩa hơn những gì mình đã từng làm trước đây. Hơn rất nhiều lần!”

Tôi luôn biết ơn vì mình đã dũng cảm rời bỏ Việt Nam, rời bỏ công việc cũ để làm PhD. Cuộc sống dù vất vả hơn, nhưng thật nhiều niềm vui, sắc màu và tràn ngập ý nghĩa. Làm PhD đối với tôi còn là trải nghiệm kiếm tìm bản thân nữa!

For the last three years, I have grown both intellectually and personally!

Cảm ơn bạn đã đọc những chia sẻ của tôi. Chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui!

Trương Thanh Mai

2 thoughts on “Nghĩ về nửa chặng đường đầu làm PhD

  1. Mình tình cờ biết đến blog của Mai. Cảm ơn Mai vì những chia sẻ rất bổ ích. Đọc blog của bạn mình tự nhận thấy mình lãng phí khá nhiều tgian trong 2 năm đầu. Mình hi vọng có thể học theo Mai để quản lý thời gian hiệu quả hơn. Nếu Mai có thời gian, ko biết bạn có thể chia sẻ cách đọc academic books, note-taking và viết comprehension exam papers không. Hk sau mình thi comp. exam. Mình đọc chậm và viết chậm nên tâm trạng rất lo lắng. Cảm ơn Mai nhiều.
    Giang.

    1. Cảm ơn Giang! Mình sẽ chia sẻ dần các chủ đề này trên blog trong thời gian tới. Giang đón đọc nhé! Chúc bạn một ngày vui.

Leave a Reply