Trải nghiệm dạy học lần đầu ở Mỹ của tôi

Processed by Collageable

Lớp học đầu tiên tôi chính thức giảng dạy vừa kết thúc được gần hai tuần. Mặc dù đây là lần đầu tiên tôi đứng lớp khi đang làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, nhưng đây là lần thứ hai tôi dạy sinh viên đại học. Hồi mới tốt nghiệp Đại học Bách Khoa cách đây 10 năm, tôi có dạy hợp đồng cho trường một thời gian. Tôi vẫn nhớ, hồi ấy tôi dạy tiếng Anh cho các em sinh viên khối A trên tầng 3 (hoặc tầng 4) của khu nhà ngay gần cổng Trần Đại Nghĩa. Giờ nghĩ lại, tôi không thể nhớ mình đã dạy theo giáo trình gì, hay dạy những kỹ năng gì, nhưng tôi vẫn ấn tượng bởi lớp học đó. Cả giảng đường đông lắm nhưng chỉ có khoảng 3-4 sinh viên nữ, và đây cũng là những sinh viên chăm chỉ và học khá nhất. Tôi dạy được một thời gian, thì xin nghỉ và đi làm các công việc khác. Về sau, tôi quyết định đi làm PhD vì yêu thích nghiên cứu, chứ không hề nghĩ mình sẽ có cơ hội dạy học lần nữa.

Sau 3 năm làm trợ giảng cho các khoá học khác nhau từ “American National Government”, “Introduction to Comparative Politics” đến “The Politics of Happiness”, cuối cùng tôi cũng có cơ hội được dạy một lớp học của riêng mình, nghĩa là tôi hoàn toàn làm chủ lớp học đó. Tôi lên giáo án, thiết kế chương trình dạy, tìm kiếm bài đọc cho sinh viên, chấm bài, tổ chức thảo luận, và giao tiếp với sinh viên theo cách của mình. Khi còn là trợ giảng, tôi đã làm việc với các giáo sư có phương pháp giảng dạy khác nhau, và phong cách của họ đã tác động rất nhiều đến tôi. Ngoài làm trợ giảng, tôi đã có cơ hội được mời giảng cho sinh viên đại học 2 lần (guest lectures). Kinh nghiệm trợ giảng và guest lectures đã giúp tôi xây dựng những kỹ năng cần thiết cho việc dạy học, như kỹ năng nói trước đám đông, giao tiếp với sinh viên, tổ chức thảo luận và chấm bài.

IMG_4249

(Ảnh chụp cách đây gần 10 năm trước cổng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau một buổi dạy)

Cuối kỳ học muà thu năm 2019, tôi bất chợt nhận được email từ bên phụ trách giảng dạy cho sinh viên Đại học, hỏi liệu tôi có muốn dạy (trực tiếp- in person) khoá học “Dictatorships” vào mùa hè 2020. Email nói rằng khoá học này thường thu hút sự quan tâm của rất nhiều sinh viên. Tôi hơi ngạc nhiên, vì tôi đã được yêu cầu dạy trực tiếp (in person) chứ không phải dạy trực tuyến (online). Thường thì sau khi thi qua Comprehensive Exams, sinh viên phải dạy 1-2 lớp trực tuyến trước khi được đứng lớp trực tiếp. Khi được hỏi, tôi ưng ngay, nhưng vẫn lo có sự nhầm lẫn vì tôi còn chưa có kinh nghiệm dạy trực tuyến, làm sao có thể được giao dạy trực tiếp ngay được. (Thậm chí, lúc ấy tôi còn chưa thi Comprehensive Exams). Tôi mới email lại hỏi “Tôi chưa có kinh nghiệm dạy online, không biết tôi có đủ tiêu chuẩn để dạy trực tiếp không? Phiền anh kiểm tra lại giúp tôi?” Bên phụ trách giảng dạy lập tức email lại và trả lời tôi “Các giáo sư tin tưởng bạn có có thể đảm nhận lớp học này”. Phù, vậy là không có sự nhầm lần, và tôi đã chính thức có cơ hội được dạy học!

Chưa vui được bao lâu, thì lớp học được chuyển sang mô hình online vì Covid-19. Tuy cuối cùng lại dạy online, nhưng đây thực sự là một trải nghiệm quý báu, đem lại cho tôi rất nhiều bài học quý giá. Thật ra, vì dạy online nên tôi lại có nhiều thời gian cho nghiên cứu. Thay vì phải lên lớp một tuần ba buổi, tôi chỉ phải quay 1-2 videos mỗi tuần (tôi thuờng chuẩn bị slides và bài giảng vào cuối tuần) và dành khoảng 3-4 tiếng mỗi tuần để thiết kế câu đố (quizzes), chấm bài, và tổ chức thảo luận với sinh viên qua Zoom. Khoảng thời gian còn lại trong tuần tôi dành để viết nghiên cứu. Tôi viết được một chương sách, một bài nghiên cứu với giáo sư hướng dẫn, và hoàn thành khâu thu thập số liệu (bảng hỏi) cho một experimental research với một đồng nghiệp đang làm PhD ở một trường Đại học khác ở Mỹ. Nghĩ lại, nếu phải dạy trực tiếp, có lẽ tôi sẽ không có được năng suất như thế trong nghiên cứu.

Khoảng đầu kỳ mùa thu năm ngoái, tôi có chia sẻ với giám đốc chương trình PhD (và cũng là giáo sư dạy lớp tôi đang làm trợ giảng lúc ấy) rằng, tôi muốn được dạy ít nhất 2 lớp trước khi tốt nghiệp. Tôi thật sự yêu thích công việc học thuật mình đang làm, nhưng tôi cũng hiểu xin được một công việc giáo sư ở một trường đại học sau khi tốt nghiệp không hề dễ, vì mức độ cạnh tranh rất cao. Vì thế, khi có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, tôi hi vọng nếu không xin được việc ở một trường Đại học thiên về nghiên cứu, thì tôi có thể làm ở một trường chuyên về giảng dạy. Giáo sư hướng dẫn lúc nào cũng khuyên tôi nên tập trung vào nghiên cứu lúc này. Thầy hay nói “Hãy ưu tiên nghiên cứu, nghiên cứu!” Vì thế, dạy vào mùa hè sẽ giúp tôi bồi đắp kinh nghiệm dạy học mà không bị ảnh hưởng đến nghiên cứu!

20191112_144136

(Làm guest lecturer cho lớp học Introduction to Comparative Politics, kỳ mùa thu năm 2019)

Nội dung của khoá học là gì?

Khoá học tôi dạy đi sâu vào chính trị của các chế độ độc tài (authoritarian regimes), như chế độ phong kiến, chế độ quân đội, chế độ một đảng, chế độ đa đảng nhưng chỉ một đảng chính trị thật sự nắm quyền lực. Sinh viên cũng được học về mô hình lựa chọn người lãnh đạo của Trung Quốc (China Model of governance), và những vấn đề ảnh hưởng đến nền dân chủ Mỹ.

Cứ thứ 2 hàng tuần, tôi sẽ upload lên trang D2L (Desire to Learn) video bài giảng, bài đọc, các câu đố (quizzes) và câu hỏi thảo luận. Vì video bài giảng chỉ khoảng 20-30 phút nên tôi chỉ có thể trình bày những lý thuyết, ý tưởng lớn, chứ không thể đi vào từng quốc gia cụ thể, nên để giúp sinh viên học được nhiều nhất từ khoá học, tôi yêu cầu các em chọn một quốc gia mình yêu thích và tìm hiểu về quốc gia đó suốt cả khoá học. Mỗi tuần, các em sẽ viết một bài viết ngắn (short journal) không quá 500 từ, thảo luận về quốc gia đó dựa trên chủ đề được học trong tuần đó. Ví dụ, trong tuần thứ 2 của khoá học, tôi giảng về các loại chế độ chính trị khác nhau, bài viết ngắn của tuần đó sẽ tập trung phân tích xem quốc gia mà các em chọn thuộc loại nào. Cuối khoá, sinh viên có thể dựa vào những bài viết ngắn hàng tuần để viết bài final paper.

Ngoài bài viết ngắn, sinh viên cũng được yêu cầu hoàn thành một bộ câu đố gồm 10 câu hỏi mỗi tuần, và tham gia thảo luận khoảng 60 phút thứ năm hàng tuần (qua Zoom). Phần thảo luận trực tuyến qua Zoom tập trung vào những sự kiện quan trọng có ảnh hưởng lớn đến chính trị thế giới như Arab Spring, sự vươn lên của Trung Quốc, những hành động của Triều Tiên, vân vân và vân vân. Tôi thường chọn một vài videos liên quan đến các chủ đề thảo luận để sinh viên xem trước khi tham gia thảo luận.

Là giảng viên, tôi đã học được những gì từ khoá học này.

Tôi đã học được rất nhiều kiến thức thú vị về nhiều quốc gia trên thế giới. Là một người nghiên cứu, tôi tập trung vào một vài chủ đề và một số quốc gia cụ thể. Tôi có nhiều kiến thức về các nước ở Đông Á và Đông Nam Á, nhưng không biết nhiều về các quốc gia ở các khu vực khác như Châu Phi hay Trung Đông. Vì thế, bài giảng của tôi thường có ví dụ từ Châu Á. Tôi yêu cầu sinh viên viết về một quốc gia em thấy thích trong suốt khoá học, một phần vì …sự ích kỷ của chính mình. Tôi mong muốn được hiểu hơn về các quốc gia bên ngoài châu Á. Thật sự, tôi đã học được rất nhiều từ sinh viên! Quốc gia các em chọn rất đa dạng, từ Triều Tiên, Venezuela, Nga, Zimbawe đến các nước Trung Đông. Tôi biết thêm nhiều về sự hình thành, những biện pháp, chính sách mà chính phủ các quốc gia này sử dụng để giữ quyền lực, và những đấu đá chính trị trong các đảng phái, vân vân và vân vân. Bên cạnh kiến thức chuyên sâu, tôi cũng biết thêm nhiều thông tin thú vị, vui vui. Ví dụ tổng thống hiện tại của Venezuela- Maduro- đã từng là một người lái xe taxi!

Tôi học được rằng, là một người giảng dạy, ta không nên áp đặt quan điểm riêng vào đầu óc sinh viên, mà phải luôn cố gắng giữ thế trung lập, và trình bày các lập luận khác nhau. Tôi học được điều này từ giáo sư dạy môn học American National Government, tôi làm trợ giảng cho môn học đó năm ngoái. Tôi nhớ nhất một lần thầy trình bày các số liệu về nền kinh tế Mỹ, và hỏi sinh viên nghĩ gì về tình trạng bất bình đẳng (inequality) ở nước Mỹ. Chủ đề nghe cũng không có gì nhạy cảm phải không? Vậy mà chủ đề này lại chạm đến cảm xúc của sinh viên khá mạnh mẽ. Một sinh viên nói: “Khi nói về bất bình đẳng, và “đổ lỗi” cho người giàu, là ta đang ghen tị với họ. Ta phải biết rằng, những người giàu trờ nên giàu là vì họ làm việc rất chăm chỉ, chăm hơn chúng ta rất nhiều”. Nghe thấy vậy, một sinh viên khác phản bác lại rằng đó là “một lập luận hết sức ngớ ngẩn”, và rằng: “Bố mẹ tôi làm việc cực kỳ chăm chỉ, làm 3 công việc khác nhau mà cuộc sống vẫn khó khăn”. Tôi chưa bao giờ thấy một tranh luận gay gắt đến thế, nhưng thật sự thầy đã dẫn dắt cuộc thảo luận một cách rất hợp lý. Sau thầy bảo tôi: “Khi dạy, em nên cố gắng đưa ra các quan điểm khác nhau, và gợi mở để sinh viên thảo luận chủ đề, chứ không nên áp đặt ý kiến riêng của mình lên họ”. Tôi học được rất nhiều về nước Mỹ qua lần làm trợ giảng ấy: một quốc gia với lịch sử cực kỳ phức tạp, luôn có sự xung đột giữa quyền lực của chính phủ liên bang (federal government) và chính quyền bang (state government), và sự xung đột giữa quyền quá nhân và vai trò của chính phủ.

(Nếu bạn muốn biết quan điểm của tôi về vấn đề bất bình đẳng, và “sự chăm chỉ”, thì tôi nghĩ thế này. Khi nghe sinh viên thảo luận, tôi nghĩ đến hai từ “cơ hội”. Tôi tin rằng, mỗi người chào đời với những cơ hội sẵn có khác nhau. Là con người, ta có xu hướng cho rằng, những gì mình đạt được trong cuộc sống là do năng lực, trí thông minh, sự chăm chỉ của bản thân- chỉ của bản thân mình. Nhưng có khi ta quên mất rằng, cơ hội sẵn có giúp ta bộc lộ năng lực, trí thông minh và sự chăm chỉ ấy. Cơ hội không nhất thiết gắn liền với tài chính, hay địa vị xã hội. Nhiều người xung quanh tôi, kể cả bạn đồng hành nhà tôi, nghĩ tôi là một người rất self-made (hoàn toàn tự lực cánh sinh), nhưng không hẳn thế. Tuy bố mẹ không giàu có, nhưng bố mẹ tôi rất ưu tiên việc giáo dục của con cái, ngay từ khi tôi còn nhỏ xíu. Bố mẹ chỉ làm một công việc hết sức bình thường, nhưng tối nào cũng thay nhau dạy tôi và em gái học, bố mẹ dành dụm tiền cho tôi đi học tiếng Anh, tự nghĩ các bài tập toán, tiếng Việt cho chúng tôi. Đối với tôi, đây chính là cơ hội! Và tôi rất may mắn vì cơ hội ấy, điều mà không phải ai cũng có được. Tôi nghĩ, nếu ai trong chúng ta cũng tâm niệm mình thật may mắn, thì có lẽ ta sẽ cảm thông với hoàn cảnh của người khác hơn)

Trở lại lớp tôi dạy, tôi nhớ nhất buổi thảo luận về China Model (mô hình Trung Quốc). Mô hình của Trung Quốc lựa chọn người lãnh đạo đất nước thông qua political meritocracy (lựa chọn người lãnh đạo dựa trên năng lực thông qua thi cử, và kinh nghiệm lãnh đạo ở những cấp chính quyền địa phương, etc.,. Về lý thuyết là vậy, còn thực tế có như vật không lại mà một việc khác. Nhiều nghiên cứu cho rằng, việc bổ nhiệm lãnh đạo ở Trung Quốc đúng là dựa trên năng lực, nhưng cũng có nghiên cứu khác cho thấy bổ nhiệm dựa vào sự trung thành với người đương nhiệm, vân vân), khác với việc lựa chọn người lãnh đạo ở các quốc gia dân chủ như Mỹ nơi người dân bầu chọn người lãnh đạo qua các cuộc bầu cử. Có một vài học giả cho rằng, lựa chọn người đứng đầu nhà nước thông qua bầu cử dân chủ không phải là tốt nhất, và political meritocracy của Trung Quốc có thể là một đối thủ cạnh tranh đáng gườm với mô hình dân chủ ở các nước phương tây. (Nếu quan tâm, bạn có thể đọc cuốn China Model của Daniel Bell. Một cuốn sách gây tranh cãi trong giới học thuật nhưng rất thú vị). Tất nhiên, tôi có quan điểm của mình về China model, nhưng khi dạy tôi trình bày những điểm mạnh/yếu, những vấn đề của dân chủ và của mô hình Trung Quốc (dựa trên các nghiên cứu trước đó), để sinh viên tự hình thành quan điểm của mình.

Tôi học được rằng, niềm vui của một người dạy học là thấy sinh viên tiến bộ. Sau khi chấm bài viết ngắn tuần đầu tiên, tôi nhận thấy có một sinh viên thật sự vật vã với kỹ năng viết. Tôi đọc đi đọc lại bài em viết mấy lần, mà vẫn không thật sự hiểu ý tưởng em muốn truyền đạt. Câu văn em viết dài, và khó hiểu, mỗi đoạn văn lại có rất nhiều ý tưởng. Tôi chỉ có thể cho bài viết đó mấp mé điểm B, và để lại nhận xét dài cùng với những gợi ý để em viết tốt hơn. (Ví dụ, em có thể gửi outline ý tưởng cho tôi xem trước khi bắt tay vào viết, và trước khi nộp bài thì nên gửi cho một người bạn đọc trước xem bạn ấy có hiểu rõ ý của em không). Tôi thấy em tiến bộ hàng tuần! Mỗi tuần qua đi, bài viết của em trở nên rõ ràng, mạch lạc, có ý và dễ đọc hơn rất nhiều. Từ tận đáy lòng, tôi thấy vui và hạnh phúc vì thấy kỹ năng viết của em tiến bộ. Nhiều người nghĩ rằng, trong giới học thuật, chỉ có làm nghiên cứu mới thực sự là có đóng góp cho xã hội. Tôi lại thấy dạy học cũng có rất nhiều đóng góp. Khi sinh viên của mình tiến bộ là mình cũng có đóng góp cho xã hội, phải không?

Tôi học được rằng, sự đầu tư và tâm huyết là chìa khoá để ta làm mọi việc được tốt. Lúc mới bắt đầu dạy, tôi khá lo lắng và hồi hộp. Nhiều đêm mất ngủ cứ lo không biết mình dạy thế nào, sinh viên có hứng thú không, sinh viên có học được kiến thức, kỹ năng gì mới không. Khi kết thúc khoá học, nhận được những lời nhận xét tích cực từ sinh viên, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

IMG_0459

Screenshot 2020-07-19 at 4.55.20 PM

(Đây là nhận xét của sinh viên. Đọc những lời nhận xét này, tôi thấy tự tin hơn vào con đường mình chọn. Mặc dù tôi tự giới thiệu trong Introduction Video rằng tôi đang là Ph.D candidate nhưng không hiểu sao rất nhiều sinh viên gọi tôi là Professor. Haha)

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog. Chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui!

Trương Thanh Mai 

 

 

 

 

11 thoughts on “Trải nghiệm dạy học lần đầu ở Mỹ của tôi

  1. Chị Mai “xịn” quá 🙂 Chúc mừng chị đã có được nhiều nhận xét tốt của sinh viên ngay từ lần đầu dạy học

    Có một chi tiết trong bài viết này (là “Tôi đã học được rất nhiều kiến thức thú vị về nhiều quốc gia trên thế giới”) làm em nhớ lại coursework đầu tiên em học ở Anh. Yêu cầu của assignment là viết một bài luận với chủ đề khá “tự do” về marketing, bởi vậy mọi người trong lớp chắc đều viết với nội dung có gì đó liên quan tới đất nước của mình.

    Sau khi chấm bài, thầy viết mail gửi cho cả lớp nói đại ý là “thank you, I’ve learnt a lot from you”. Lúc đó em ngạc nhiên lắm, chẳng hiểu sao thầy lại học được gì từ sinh viên, sinh viên phải học rất nhiều từ thầy mới đúng chứ.

    Dần dần 1,2 tháng sau em mới hiểu ra là à, hình như những ai yêu thích việc dạy học đều tìm thấy được những niềm vui “học” được một số điều từ bài viết của sinh viên.

    1. Cảm ơn em đã ghé blog nhé! Chị luôn nghĩ kiến thức rất rộng, mình không thể biết tất cả mọi thứ. Sinh viên có những trải nghiệm và background khác với mình nên chắc chắn mình cũng học được nhiều điều từ sinh viên. Mỗi ngày được học những điều mới mẻ, dù là từ ai, cũng khiến mình thấy vui em nhỉ!

  2. Phải đi làm rồi em mới hiểu rõ “one size cannot fit all”. Em chỉ là trợ giảng, nhưng cũng tham gia phần nào vào quá trình dạy học. Làm việc với nhiều học sinh, dần dần em nhận ra một cách dạy không phù hợp với tất cả vì học sinh có các trình độ và cá tính khác nhau. Có bạn rất cần hỗ trợ tận tình, có bạn chỉ cần khơi gợi một chút là tự làm được. Là người day, cái khó mà cũng là cái hay là giúp học sinh có thể vừa học vừa phát triển một cách tự nhiên. Và đúng là niềm vui của người dạy học là thấy học sinh tiến bộ hằng ngày.

Leave a Reply