Những mẩu chuyện nhỏ về con đường PhD của tôi: Lý thuyết, tính hướng ngoại và lòng ghen tị

Chuyện 1:

Kỳ đầu tiên của năm thứ nhất, tôi hẹn gặp giáo sư hướng dẫn một tuần một lần. Lần gặp nào, tôi cũng chuẩn bị rất kỹ, và luôn háo hức chia sẻ với thầy những ý tưởng nghiên cứu muốn làm trong tương lai. (Khổ, mới vào học nên muốn gây ấn tượng tốt mà!) Sau mấy lần “chịu đựng” sự hứng khởi của tôi, thầy nói: “OK, vậy lập luận/lý thuyết của em là gì? (What is your theory?). Đừng nghĩ đến phương pháp luận và field trip trước khi nghĩ về góc nhìn, lập luận của bản thân. Đọc nhiều là tốt, nhưng đọc xong thì em có cái nhìn thế nào?” Lúc ấy, tôi ngớ người ra nghĩ, “Theory là cái quái gì nhỉ? Ý thầy là gì nhỉ?.” Tôi còn hơi tự ái nữa, mình đã làm việc chăm chỉ, cố gắng và chuyên tâm thế mà không những không được khen, lại còn bị bắt bẻ về lập luận này nọ. Bực mình, bực mình ghê! (Haha) 

Nhưng chính buổi nói chuyện hôm ấy, đã mở ra một chân trời mới cho con đường nghiên cứu sinh của tôi: Tôi cần phải tìm quan điểm, tiếng nói riêng của mình. Giờ đây khi đã bước vào giai đoạn viết luận văn (giai đoạn mà tôi đã được coi là advanced PhD student), mỗi lần nghĩ lại những câu hỏi “ngô nghê” năm một, tôi lại bật cười. Có lần tôi chia sẻ, “Em muốn làm một cái khảo sát/phỏng vấn hoặc dùng số liệu có sẵn để tìm hiểu xem A ảnh hưởng đến B thế nào?”. Nhưng tôi không nghĩ sâu về việc tại sao tìm hiểu mối quan hệ giữa A và B lại quan trọng, và đặc biệt tôi không nghĩ A sẽ ảnh hưởng đến B thông qua các cơ chế nào. Vì không nghĩ kỹ trước khi gặp, nên mỗi lần thầy hỏi vặn về lập luận, là tôi lại lập bập ngay. 

Những buổi nói chuyện với thầy trong những tháng đầu tiên của chương trình PhD giúp tôi nghiệm ra một điều: Theo đuổi con đường PhD, hiểu và nắm bắt những gì người khác đã nghiên cứu là một phần quan trọng, nhưng quan trọng hơn là ta phải hình thành được quan điểm và góc nhìn riêng dựa trên những gì đã có. Càng sớm nhận ra điều này (rằng ta cần phải có tiếng nói và quan điểm riêng), con đường PhD sẽ trở nên thú vị và phần nào bớt gập ghềnh hơn.  

Chuyện 2:

Kỳ mùa xuân năm ngoái, tôi tham dự môt hội thảo về Đông Nam Á được tổ chức ở trường Đại học British Columbia, Vancouver, Canada. Hội thảo quy tụ rất nhiều nhà nghiên cứu về chính trị, kinh tế, và xã hội ở các nước Đông Nam Á đến từ các trường Đại học ở Bắc Mỹ và châu Á. Mục đích của hội thảo là tạo cơ hội cho những sinh viên PhD chuẩn bị tìm việc (academic jobs) trình bày và nhận góp ý về bài nghiên cứu họ sẽ trình bày trước nhà tuyển dụng (hay còn gọi là job market paper). Hội thảo diễn ra trong bốn ngày, và đến ngày cuối cùng, vì quá mệt nên tôi rời hội thảo sớm. Tôi bắt taxi về khách sạn gần sân bay để chuẩn bị cho chuyến bay về Mỹ sáng sớm hôm sau. Trên đường từ Đại học British Columbia về khách sạn, tôi bị mê hoặc bởi cảnh đẹp của Vancouver. Xanh rì, yên bình và vô cùng nên thơ! Mới chỉ ở đây có mấy ngày, mà tôi đã say mê nơi này rồi. Tôi thầm nghĩ, “Đúng là một nơi lý tưởng để suy nghĩ và viết lách”. Về đến khách sạn, vì quá mệt nên tôi định chợp mắt khoảng một tiếng, rồi sẽ đi khám phá trung tâm Vancouver. Nghĩ vậy, nhưng lúc tỉnh dậy đã gần 10 giờ tối xừ rồi! Vậy là lỡ mất cơ hội tìm hiểu Vancouver! (Đã thế còn phải ăn thức ăn nhanh cho bữa tối nữa chứ)

Quay lại Mỹ rồi, cũng phải nghỉ ngơi 2-3 ngày, tôi mới lấy lại sức để tiếp tục làm việc. Sau trải nghiệm ấy, tôi chấp nhận rằng, mình hoàn toàn không phải (và không bao giờ có thể) là người hướng ngoại. Là một nghiên cứu sinh với mong muốn đi theo con đường nghiên cứu sau khi tốt nghiệp, tôi rất hiểu vai trò của hoạt động networking, bởi những hoạt động này giúp tôi có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng của mình với người khác. Tuy tôi có thể “giả vờ” để hoà nhập vào đám đông, nhưng sau mỗi lần đi hội thảo, tôi cần phải được ở một mình một thời gian để sạc lại năng lượng cho cơ thể. 

Tôi đã từng ước sinh ra đã là một người hướng ngoại. Tôi đã từng luôn ghen tị với những người hướng ngoại, những người có khả năng ăn nói thu hút sự chú ý của đám đông. Nhưng bây giờ tôi hiểu rằng, dù có cố gắng đến đâu, tôi cũng không thể thay đổi được xu hướng của bản thân. Không phải là một người hướng ngoại, thật ra, cũng có nhiều ưu điểm. Tôi có thể ở một mình suy nghĩ và viết lách một thời gian dài mà không cảm thấy chán nản. Cứ có thời gian rảnh, là tôi lại thích lui vào một góc đọc và viết. Vì thế, con đường PhD khá bằng phẳng vì nó phù hợp với tính cách và sở thích của tôi. Sướng nhất là khi tôi có thể biến một ý tưởng trong đầu thành một bài viết hoàn chỉnh. Cảm thấy tự hào vì mình đã theo đuổi nó đến cùng và không bỏ cuộc giữa chừng!

Chuyện 3:

Năm ngoái, khoa tôi có tuyển một vị trí Assistant Professor chuyên về hành chính công. Sau 3 Job Talks, khoa tôi quyết định chọn một ứng viên nữ, đã xuất bản bốn bài nghiên cứu trong quá trình học PhD. Khi đọc CV của ứng viên đó, tôi bỗng cảm thấy cực kỳ…ghen tị (deeply jealous). Bạn ấy chỉ bằng tuổi tôi, mà đã có bằng tiến sỹ, và đã bắt đầu sự nghiệp tại một trường Đại học, còn tôi mới chỉ là sinh viên năm thứ 3! Hội thảo có lẽ là nơi…nuôi dưỡng lòng ghen tị mãnh liệt nhất. Bao nhiêu các bạn trẻ giỏi giang, có ý tưởng nghiên cứu thú vị sâu sắc, đã thế lại trình bày thật tự tin sắc sảo. Nghe các bạn trình bày, tôi lại hay nghĩ, “hồi bằng tuổi các bạn, mình chẳng làm được như thế”. Thấy mình tốn nhiều thời gian vào những thứ linh tinh nhiều quá! Tất nhiên, tôi chỉ ghen tị thế thôi, chứ không bao giờ đố kị hay căm ghét người giỏi hơn mình. Từ bé đến giờ, một chút ghen tị luôn là động lực để tôi tiến lên trong cuộc sống. Làm việc với người giỏi hơn mình cũng giúp mình tiến bộ lên nhiều. Thỉnh thoảng tôi thấy ghen tị với một đồng tác giả của mình (trẻ, có ý tưởng nghiên cứu thú vị, học ở những trường Đại học tốt nhất thế giới), nhưng sự hợp tác của chúng tôi thật sự rất tốt. Bài nghiên cứu của chúng tôi được đánh giá rất cao, và tôi học được rất nhiều từ bạn, đặc biệt về phương pháp nghiên cứu. 

Lòng ghen tị một phần đến từ việc ta tập trung quá nhiều vào những thứ ta không có, và không trân trọng những gì ta đang có. Nhưng lời khuyên của một giáo sư mà tôi rất kính trọng đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn của tôi. Cô nói:

 “Hãy coi con đường học PhD là con đường đi tìm hiểu chính bản thân mình. Hãy luôn tự hỏi, “What are you good at, as a thinker?” Tìm ra những điểm em làm tốt vẫn chưa đủ, mà còn phải tìm ra những gì em có thể làm tốt hơn người khác. Nghĩa là, tìm xem bản thân em có gì đặc biệt! Mỗi người có lối suy nghĩ và tư duy khác nhau, nên hãy luôn để ý xem lối tư duy của em có gì đặc biệt: Em là một big picture thinker, hay một người giỏi nhìn ra những cơ chế nhỏ (micro mechanisms), hay là bất cứ thứ gì khác. Để tìm ra điều đặc biệt của bản thân, em phải đế ý xem điều gì có thể khiến em say mê, và điều gì khiến em hoàn toàn thờ ơ. Nếu em thấy thích một điều gì đó (như một giọng văn, một phương pháp nghiên cứu, một đề tài nghiên cứu, vân vân), nếu em chỉ thốt lên, “đây chính là điều mình thích”, thì thật sự không hữu ích lắm. Em sẽ hiểu hơn về mình và học được nhiều hơn, nếu em tự hỏi, “Tại sao điều này lại khiến mình thích thú, say mê? Vì sao?”. Em cũng nên để ý xem điều gì người khác có thể hiểu và nắm bắt được ngay, còn bản thân em phải mất thời gian mới hiểu được. Và tìm hiểu xem tại sao mình lại không nắm bắt được ngay như người khác.”

Và tôi đang học cách tập trung vào điểm mạnh, điều đặc biệt của bản thân (as a researcher, as a thinker).

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn một tuần mới làm việc hiệu quả!

Trương Thanh Mai

2 thoughts on “Những mẩu chuyện nhỏ về con đường PhD của tôi: Lý thuyết, tính hướng ngoại và lòng ghen tị

Leave a Reply