Đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Mấy tuần vừa rồi, vì công việc nghiên cứu và luận văn chậm lại, mà tôi có thời gian đọc mấy cuốn sách ngoài chuyên ngành. Thật tình cờ, những cuốn sách tôi đọc một cách hoàn toàn ngẫu nhiên lại có sự liên hệ với nhau mạnh mẽ. Có lẽ, đi tìm ý nghĩa cuộc sống là chủ đề xuyên suốt những tác phẩm ấy. Bài viết tuần này xin điểm những cuốn sách mà tôi đọc tháng này.

Tôi bắt đầu tháng 11 với cuốn sách Đi tìm lẽ sống của nhà tâm lý học nổi tiếng người Áo Viktor Frankl. Là một nhà thần kinh học và bác sỹ tâm thần, ông luôn trung thành với quan điểm, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống là chìa khoá của sức khoẻ tinh thần và giúp con người trưởng thành. Cuốn sách trước hết nói về sự sinh tồn, về nguồn sức mạnh giúp Frankl sống sót qua khoảng thời gian nghiệt ngã trong trại tập trung và trại huỷ diệt của Đức quốc xã. Trở thành tù nhân trong trại tập trung, ông bị buộc phải quyết định cuộc sống của mình có ý nghĩa không, và làm sao để sống sót qua hoàn cảnh khắc nghiệt ấy.

Đọc sách, bạn sẽ thấy Frankl nhắc đi nhắc lại một câu nói của nhà triết học Nietzche, “Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.”

Tất nhiên, sự sống sót của một người tù ở trại tập trung phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có những yếu tố khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của người tù, nhưng Frankl quan sát thấy, người tù nào có lý do và hi vọng để sống tiếp thì có khả năng sống sót qua nghịch cảnh. Đối với riêng Frankl, ông đã giữ cho mình sống sót bằng cách luôn giữ hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Ông luôn nghĩ về người vợ thân yêu, và mơ ước đến ngày được đoàn tụ với nàng. Ông cũng luôn động viên bản thân phải tiếp tục sống, để sau này còn hoàn thành bản thảo cuốn sách về liệu pháp ý nghĩa mà ông đang dang dở viết trước khi bị bắt vào trại. Ông cũng mơ ước sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được tại trại tập trung. Chính sự lạc quan và hi vọng về tương lai đã giúp ông vượt qua những khoảnh khắc chán nản, muốn bỏ cuộc, muốn chết đi trong trại tập trung. 

Sống trong nghịch cảnh đã khiến Frankl nghiệm ra rằng, cuộc sống không phải chỉ là tìm kiếm khoái lạc, hay quyền lực như nhiều người tin tưởng, mà còn phải đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Có lẽ bạn đang tự hỏi, “Ý nghĩa cuộc sống là gì?”, hay “Một cuộc sống có ý nghĩa nhất là như thế nào?” Frankl ví von câu hỏi, “Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?” cũng như đặt câu hỏi cho một người chơi cờ, “Theo anh đâu là nước cờ tốt nhất trên đời?”. Không tồn tại nước cờ nào như thế cả, đơn giản vì một nước cờ tốt phụ thuộc vào cá tính của đối thủ, và tình huống cụ thể. Tương tự, ý nghĩa cuộc sống của mỗi người là khác nhau, và có thể thay đổi từng ngày, từng giờ.

Frankl dạy ta rằng, trách nhiệm lớn lao nhất của mỗi cá nhân là đi kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống. Frankl chỉ ra ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người.  

Một người có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống từ tình yêu thương đối với những người thân yêu.

Có lẽ điều này rất đúng với cuộc đời của Tom Sherbourne trong cuốn tiểu thuyết vô cùng cảm động Ánh đèn giữa hai đại dương của M. L. Stedman. Tom Sherbourne, một người đàn ông từng trải với quá nhiều mất mát và khổ đau trong quá khứ đang cảm thấy cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Anh mất mẹ khi còn trẻ, và có mối quan hệ rất tệ với cha. Anh tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất, để rồi phải tự tay chôn cất rất nhiều đồng đội yêu quý. Mang theo tâm hồn gần như bị huỷ hoại bởi những tổn thương, Tom tìm đến công việc canh giữ ngọn hải đăng ở một hòn đảo hoang vu để sống nốt quãng đời còn lại. 

Rồi bất ngờ, tại đây, anh tình cờ gặp Isabel, một người con gái kém anh 10 tuổi, một cô gái xinh đẹp, chất phác, tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống, và thiết tha yêu Tom. Tom cảm thấy quá hạnh phúc, và dường như đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống từ tình yêu anh dành cho Isabel và đứa con đang lớn lên trong bụng cô.  

Nhưng số phận liên tục trêu đùa Isabel và Tom. Isabel liên tục xảy thai. Một lần. Hai lần. Rồi ba lần. Và đến lần thứ ba, cô trở nên như điên dại, và chẳng còn thấy cuộc sống còn ý nghĩa gì nữa. Thế rồi, cặp vợ chồng đang đau khổ vì mất đi những đứa con chưa kịp chào đời ấy, bỗng dưng được Chúa ban cho một đứa bé – cho nó lênh đênh trên một chiếc thuyền đơn sơ sau cơn bão, dạt vào đúng nơi cho cặp vợ chồng tìm thấy. Họ nuôi nấng yêu thương đứa trẻ ấy như đứa con đẻ của mình. Lucy- tên họ đặt cho đứa bé đó, đã đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của Tom và Isabel.  Thế rồi, tất cả bị phơi bày, và hạnh phúc lại một nữa theo sóng biển mà rời xa họ. 

Còn nhà văn Nga  K. G. Paustovsky, có lẽ,  đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống từ tình yêu cho những vẻ đẹp giản đơn, bình dị trong cuộc sống. Sau khi đọc xong trang cuối cùng của cuốn sách Bông hồng vàng và Bình mình mưa của Paustovsky, tôi đã phải thốt lên, “Tác giả có một tâm hồn tuyệt đẹp, với trái tim rực lửa yêu thương”. Ông biết rung cảm sâu sắc với thiên nhiên và luôn nhìn thấy vẻ đẹp ấn giấu bên trong mỗi con người bình thường ông gặp. Truyện ngắn của ông không có những đoạn cao trào kịch tính, nhưng chính giọng văn chân thành, giản dị, và góc nhìn sâu sắc về thiên nhiên, cuộc sống, con người đã khiến trái tim tôi tan chảy. 

Frankl cũng cho rằng, thành tựu trong công việc, có thể là một trong những nguồn ý nghĩa của đời người.

Và tôi thấy bản thân mình trong những trang viết của Frankl. Chính khát khao đạt được thành công và phát triển bản thân một cách chuyên nghiệp, đã thúc đẩy tôi sang Mỹ học tiến sỹ. Và cũng chính những hi vọng về thành công, và mơ ước hoàn thành những dự định trong tương lai đã giúp tôi vượt qua mọi trở ngại, và chông gai trên con đường học tiến sỹ. Rất nhiều lần, tôi muốn bỏ cuộc, nhưng mơ ước biến những ý tưởng trong đầu thành bài báo, sách, hoặc giảng dạy cho sinh viên đã đem lại cho tôi ý chí để đi hết con đường này. Tôi tìm thấy ý nghĩa từ những thành tựu nhỏ mà mình đạt được trong quá trình học PhD.  

Vì tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống từ thành tựu công việc, mà tôi luôn muốn sống ở một xã hội, nơi mà mọi người đánh giá cao năng lực cá nhân và sự chăm chỉ. Tôi đã từng nghĩ, một xã hội công bằng là một xã hội mà ở đó tài năng và sự chăm chỉ là chìa khoá của thành công. Tôi chưa bao giờ hoài nghi điều đó, cho đến khi đọc cuốn sách, The Tyranny of Merit: What’s Become of the Common Good? của Michael Sandel.

Ngoài việc chỉ ra rằng, chế độ nhân tài ở Mỹ không hoàn hảo như nhiều người nghĩ (nghĩa là Giấc mơ Mỹ không thực sự tồn tại như ta tưởng), Sandel còn lập luận, ngay cả quan điểm rằng, một xã hội công bằng phải ưu tiên những cá nhân tài năng và chăm chỉ cũng có vấn đề riêng của nó. Thứ nhất, theo Sandel, có tài năng hay năng khiếu bẩm sinh về một điều gì đó, cũng giống như được sinh ra trong một gia đình giàu có và quyền lực, là hoàn toàn ngẫu nhiên, là hoàn toàn dựa vào may mắn. Cha mẹ ban cho bạn tài năng chứ không phải tự bạn tạo ra tài năng đó. Bạn có thể cãi lại rằng, “Nhưng tôi làm việc chăm chỉ để khiến tài năng đó nở rộ mà.” Sandel sẽ trả lời bạn rằng, bạn cũng nên biết ơn cơ hội và điều kiện đã cho phép bạn làm việc chăm chỉ, để phát triển tài năng đó. 

Thứ hai, tài năng có nở rộ được hay không còn phụ thuộc vào việc nó có phù hợp với nhu cầu của thị trường hay không, và điều này cũng lại dựa vào may mắn. Giả sử bạn có năng khiếu vẽ bẩm sinh, nhưng nếu không may sinh ra ở một xã hội không có nhu cầu cao về tài năng đó, bạn có thể sẽ không bao giờ thành công. 

Sandel không phản đối chế độ nhân tài, mà tác giả chỉ muốn chỉ cho ta thấy những mặt trái của chế độ này. 

Tôi rút ra một bài học lớn cho bản thân mình. Là một người trẻ, ta thường tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống từ những thành tựu trong công việc. Đôi khi ta quá tự hào về bản thân mình, mà cho rằng, tất cả thành tựu đó là do nỗ lực, tài năng và sự chăm chỉ của riêng bản thân mình. Ta thường quên mất bản thân đã may mắn đến thế nào. Một người không đạt được thành tựu như ta, không có nghĩa là họ không nỗ lực, không tài năng và không chăm chỉ bằng ta.

Trong cuốn sách “Đi tìm lẽ sống”, Frank cũng khuyên ta hãy luôn tìm ý nghĩa cuộc sống từ khổ đau, mất mát và nghịch cảnh.

Ông dạy rằng, “Những thế lực vượt quá khả năng kiểm soát của bạn có thể lấy đi mọi thứ mà bạn có, chỉ trừ một thứ, đó là sự tự do lựa chọn cách bản phản ứng trước mọi hoàn cảnh.” Đau khổ, và mất mát bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới đem lại ý nghĩa cho chúng.

Một lần, một bệnh nhân nam đến xin lời khuyên của Frankl. Mất vợ trong một vụ tai nạn thảm khốc, người đàn ông đó cảm thấy quá đau khổ để có thể tiếp tục sống tiếp. Frankl nghe bệnh nhân nói, rồi hỏi, “Nếu ông là người ra đi trong vụ tai nạn đó, và vợ ông là người sống sót, ông sẽ thấy thế nào?” Ông ấy trả lời, “Tất nhiên vợ tôi sẽ rất đau khổ, tôi chắc chắn sẽ không muốn cô ấy phải chịu những đau khổ ấy khi sống không có tôi.” Và thế là, người đàn ông đó nhìn ra ý nghĩa của nghịch cảnh mà ông đang phải chịu.  

Tất nhiên, Frankl không khuyên chúng ta phải đau khổ thì mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Ông hài hước viết rằng, “Nếu có thể tránh được đau khổ, thì điều ý nghĩa nên làm là hãy triệt tiêu nguyên nhân của đau khổ bởi vì chịu đựng những đau khổ không cần thiết sẽ biến ta thành ngớ ngẩn hơn là anh hùng.” Nhưng nếu một người không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ (như hoàn cảnh của Frankl chẳng hạn), thì người đó vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống, và đi tìm ý nghĩa của đau khổ ấy. 

Đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Trong sách, Frankl có đề cập đến hiện tượng “Tồn tại chân không”. Một người rơi vào trạng thái này khi cảm thấy chán nản, không biết mình phải làm gì, và thậm chí không biết mình muốn làm gì nữa. Và nhiệm vụ của một bác sỹ tâm lý, là khơi gợi bệnh nhân tìm ra ý nghĩa của cuộc sống và sự tồn tại của mình. 

Có lẽ cảm giác chán nản, không biết bản thân muốn gì và cần làm gì tồn tại ở rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ. Ta hiểu rằng, để thoát khỏi cảm giác chán nản đó, ta cần phải thay đổi cuộc sống hiện tại. Ta luôn nghĩ, “Ai cũng khát khao thay đổi bản thân, nhưng thay đổi thật sự rất khó.” Nếu có suy nghĩ ấy, bạn sẽ ngạc nhiên khi đọc cuốn sách Dám bị ghét của Koga Fumitake – Kishimi Ichiro. Dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa Chàng thanh niên và Triết gia, cuốn sách trình bày một cách sinh động và hấp dẫn những nét chính trong tư tưởng của nhà tâm lý học Alfred Adler.

Adler dạy ta rằng, thật ra bản chất con người là quyết tâm không thay đổi, và rằng con người luôn có khả năng thay đổi nếu ta muốn

Ta quyết tâm không thay đổi, vì thay đổi nghĩa là lao vào một tương lai đấy bất trắc. Chẳng hạn, dù ta suốt ngày than phiền về công việc hiện tại, và luôn miệng nói rằng ta muốn chuyển việc, nhưng sâu thẳm ta có khi lại quyết tâm không chuyển việc, vì ta không biết liệu công việc mới có tốt hơn không. 

Ta còn quyết tâm không thay đổi, vì không muốn mất đi lý do cho những bế tắc của bản thân. Ví dụ, khi thấy một người bạn thành công trong công việc vì một kỹ năng nào đó mà ta thiếu, ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng, “Nếu mình có kỹ năng đó, mình cũng sẽ làm được như thế hoặc hơn thế”. Nhưng nếu suy nghĩ như thế, ta sẽ vô thức quyết tâm không cải thiện kỹ năng đó (bất chấp việc ta luôn nói rằng ta muốn thay đổi). Lý do là vì nếu kỹ năng đó của ta tốt hơn mà ta vẫn không làm được như người bạn đó, ta sẽ chẳng còn gì để bấu víu và đổ lỗi nữa.      

Thế nên, Alder đã dạy, thay đổi cần một lòng can đảm rất lớn. Ông dạy rằng, dù tương lai có bất trắc đến thế nào, và dù kết quả có ra sao, trong cuộc sống, ta phải luôn có can điểm tiến về phía trước. (Tâm lý học Adler được gọi là “tâm lý học của lòng can đảm”)

Để thấy việc thay đổi cuộc sống cần lòng can đảm lớn thế nào, hãy đọc cuốn tự truyện Hoa Sa mạc của người mẫu gốc Somalia Waris Dirie. Cuốn sách kể về cuộc đời của Waris từ khi còn là một đứa bé sống cuộc đời du mục với gia đình, cho đến khi trở thành người mẫu nổi tiếng, là đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc được cả thế giới biết đến. Khi mới 13 tuổi, cô bị ép gả cho một tay đàn ông già hơn cả cha mình. Không cam chịu cuộc sống như những người xung quanh, Waris quyết định bước vào một hành trình trốn chạy để tìm kiếm tự do và hạnh phúc. Trong hành trình trốn chạy ấy, Waris đã đối mặt với bao bất trắc: suýt bị sư tử ăn thịt, suýt bị hãm hiếp, bị cướp, bị người khác coi thường. Hoa sa mạc là một câu chuyện sinh động về khát vọng sống, ý chí vươn lên của con người trước nghịch cảnh.

Tóm lại, đây là những cuốn sách tôi đã điểm trong bài viết này:

  1. Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl;
  2. Ánh đèn giữa hai đại dương của M. L. Stedman;
  3. The Tyranny of Merit: What’s Become of the Common Good? của Michael Sandel;
  4. Bông hồng vàng và bình minh mưa của K. G. Paustovsky;
  5. Dám bị ghét của Koga Fumitake – Kishimi Ichiro;
  6. Hoa sa mạc của Waris Dirie.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog. Chúc bạn một tuần làm việc mới hiệu quả!

Trương Thanh Mai 

 

8 thoughts on “Đi tìm ý nghĩa cuộc sống

  1. Em mới chỉ coi phim “Hoa sa mạc” thôi chị ạ, thật sự rất cảm động và nể phục nhân vật chính. Khi nào gặp cuốn sách này em sẽ mua về đọc😘🌻🌻🌻

  2. Em thật sự rất khâm phục khả năng viết của chị, rất lôi cuốn và logic. Sự liên kết thông tin và kiến thức “mượt mà” thế này cho thấy năng lực tư duy rất tốt. Em đã đọc nhiều bài review về các cuốn sách nhưng cảm giác không “đã” bằng một blog đầy ngẫu hứng thế này. Em còn học hỏi được nhiều thứ hay ho khác ở trang blog của chị nữa. Mong chị luôn tiếp tục theo đuổi con đường viết lách để đem đến những bài viết hay và chất lượng.

  3. Đầu tuần đọc được bài viết của bạn hay quá. Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Lại biết thêm 1 số sách hay cần đọc. Vẫn luôn mong chờ những bài viết của bạn!

Leave a Reply