Tổng kết năm: 5 bài học về cuộc sống tôi học được trong năm 2020

Kỳ nghỉ mùa xuân (Spring break) giữa tháng 3 năm nay, vợ chồng tôi đến thăm Toronto, Canada vì có việc gia đình. Tôi vẫn nhớ như in buổi tối cuối cùng ở Toronto, trước khi bay về Mỹ. Sau bữa tối, chúng tôi về khách sạn, vừa xem TV vừa sắp xếp hành lý vào vali cho chuyến bay sáng hôm sau. Trên màn hình TV, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm dừng các chuyến bay giữa châu Âu và Mỹ trong khoảng một tháng. Nghe thấy vậy, bạn đồng hành vô cùng lo lắng, còn tôi thì vẫn lạc quan an ủi, “Không sao đâu, một hai tháng nữa mọi chuyện sẽ bình thường lại thôi mà. Đừng lo lắng quá!” Chồng tôi chỉ lo kịch bản suy thoái kinh tế năm 2008 sẽ tái diễn. 

Ngay sau khi bay về Mỹ, tôi nhận được thông báo từ trường rằng, tất cả các lớp học sẽ chuyển sang chế độ trực tuyến, giáo sư và các nghiên cứu sinh tiến sỹ đang làm trợ giảng được yêu cầu cố gắng hết sức để hỗ trợ sinh viên đại học hoàn thành khoá học. Ai cũng hoang mang, nhưng sâu thẳm tôi vẫn nghĩ mọi chuyện sẽ trở lại như cũ sớm thôi. Lúc ấy, tôi vẫn có ý định đến văn phòng hàng ngày, nhưng sự lạc quan trong tôi sớm tan biến khi khoa gửi email khuyến khích sinh viên nghiên cứu hạn chế đến trường làm việc. 

Thế mà đã 9 tháng trôi qua kể từ ngày tôi làm việc ở nhà, tôi đã quá quen với sự bình thường mới đến nỗi tôi đã thôi tự hỏi, “Bao giờ mọi chuyện sẽ trở lại bình thường đây?”

Năm 2020 thật sự rất đặc biệt. Những gì đã xảy ra năm nay có lẽ sẽ đọng lại mãi trong trái tim và tâm trí tôi. Khi nhìn lại năm 2020, tôi chợt nhận ra mình đã học được rất nhiều bài học quý giá về bản thân, các mối quan hệ và cuộc sống. Trong bài viết tuần này, xin chia sẻ với bạn đọc 5 bài học mà năm 2020 đã dạy tôi.  

Bài học 1: Hãy biết ơn những gì ta đang có

Tôi thường coi những gì mình đang có: một gia đình, một công việc, một ngôi nhà, bạn bè, bảo hiểm y tế tốt, là điều đương nhiên. Đến khi Covid-19 xảy ra, tôi mới nhận thấy những gì mình đang sở hữu thật vô giá và đáng trân quý. 

Tôi thấy biết ơn vì cuộc sống đã không bị ảnh hưởng quá nhiều vì đại dịch Covid năm nay. Tuy phải làm việc ở nhà cả năm qua, nhưng vợ chồng tôi vẫn giữ được công việc tốt, với mức lương ổn định và đặc biệt vẫn có bảo hiểm ý tế tốt. Tôi thấy rất may mắn vì trường mua cho nghiên cứu sinh gói bảo hiểm rất tốt. Từ khi sang Mỹ, tôi chưa phải chi đồng nào cho khám sức khoẻ.

Mỗi lần thấy ai đó mất việc vì Covid, tôi lại thấy thêm yêu quý công việc mình đang làm. Tuy lương nghiên cứu sinh không cao, nhưng công việc đó cho tôi sự tự do để viết lách và suy nghĩ về những đề tài tôi quan tâm.

Bài học 2: Phía sau mọi thành tựu là những sự đánh đổi

Năm 2020 có lẽ là năm tôi làm việc hiệu quả nhất kể từ khi theo đuổi con đường nghiên cứu sinh. Tôi xuất bản bài nghiên cứu khoa học thứ 2, và viết được hai bài nghiên cứu khác hiện đang trong quá trình bình duyệt. Khi phải làm việc ở nhà vì Covid-19, tôi cũng có thêm thời gian để viết các bài bình luận ngắn cho các tờ báo báo đại chúng. Dù viết cho báo không làm hồ sơ xin việc trong lĩnh vực học thuật đẹp hơn, nhưng tôi thật sự thấy vui và tìm thấy ý nghĩa từ công việc ấy. Viết làm sáng rõ suy nghĩ, quan điểm của tôi về những sự kiện quan trọng đang diễn ra xung quanh. Nhờ có thời gian suy nghĩ sâu mà tôi cũng tìm ra được ý tưởng cho luận văn tiến sỹ, một ý tưởng mà tôi đang cảm thấy thật sự say mê, hứng thú. 

Nhưng đằng sau những thành tựu nhỏ ấy là cả một sự đánh đổi. Tôi phải huỷ kế hoạch đi hội thảo ở Đức và Đài Loan. Khoá học đầu tiên tôi dạy cũng chuyển sang học online. Và quan trọng nhất, tôi thấy rất buồn vì không thể về thăm Việt Nam như dự định. 

Mỗi lần tôi than thở với bạn đồng hành rằng, tôi thấy tiếc vì bao kế hoạch bị lỡ dở, anh lại nói, “Nhưng em lại có thêm thời gian để hoàn thành mấy bài nghiên cứu còn gì. Em hãy nhìn mọi chuyện bằng cặp mắt lạc quan nhé!” Có lẽ bạn đồng hành đã đúng!

Bài học 3: Tìm niềm vui ở những điều nhỏ bé

Ở nhà trong một thời gian dài, không tham gia nhiều hoạt động xã hội, hay gặp gỡ bạn bè chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của bạn, cho dù bạn có là người rất hướng nội đi chăng nữa. Vì thế, chúng tôi đều cố gắng mang lại niềm vui cho nhau bằng những cử chỉ, hành động đơn giản, nhỏ bé.

Vào ngày sinh nhật tôi, Isabel bất chợt nhắn tin cho tôi, bảo, “Tớ có món quà nho nhỏ cho cậu, tớ mang sang cho cậu nhé.” Tôi rất xúc động, vì nghĩ sinh nhật mình đúng dịp dịch bệnh thế này thì có cơ hội gặp ai được. Isabel tặng tôi một cuốn sổ có bìa hình mèo, và một đôi khuyên tai cô ấy tự làm. Isabel rất khéo tay, cô có một tâm hồn nghệ sỹ, và tất nhiên cũng là một sinh viên nghiên cứu rất cừ nữa. Biết tôi thích trà sữa Boba, cô còn tặng tôi một chiếc sticker có hình một cốc Boba để tôi gán vào máy tính.

Cuối tuần, thỉnh thoảng vợ chồng tôi đến thăm ngôi nhà nơi Isabel và bạn trai đang sống. Đó là một ngôi nhà rất đẹp, nằm ở chân núi, hơi cô lập với thành phố, cách nhà tôi khoảng 30 phút lái xe. Việc phải đứng trò chuyện cách nhau 6 feet và đeo khẩu trang không cản trở chúng tôi hứng khởi chia sẻ tình hình công việc và cuộc sống cho nhau nghe. Những câu chuyện hài hước về những vị khách lạ đến thăm nhà Isabel như báo đuôi cụt, mèo rừng, cú mèo, cứ làm tôi vui mãi. Khi không có dịp đến thăm nhau, chúng tôi lại thỉnh thoảng nhắn tin cho nhau, “Tớ thấy nhớ cậu. Chắc mình phải Zoom sớm để cập nhật tình hình công việc và cuộc sống cho nhau nhé.” Tin nhắn đơn giản ấy thôi cũng đủ khiến tôi vui cả ngày!

Tôi và bạn đồng hành cũng cố gắng kiếm tìm niềm vui trong những điều bé nhỏ. Mỗi lần thấy buồn chán, là chúng tôi lại rủ nhau đi mua cây về trồng trong vườn, cùng xem một bộ phim hay trên Amazon Prime, hay cùng nấu một món ăn lạ. Chúng tôi cũng thích lái xe quanh thành phố, vừa đi vừa lên kế hoạch những việc muốn làm khi dịch qua đi. Nhiều kế hoạch lắm, nào là đi thăm Alaska, Washington, New York, Boston, London, nào là về Việt Nam đi du lịch, nào là sang Canada chơi. Sau khi tôi tốt nghiệp tiến sỹ, kế hoạch của chúng tôi là sẽ chuyển đến bất cứ bang nào hoặc đất nước nào mà tôi nhận được công việc phù hợp và yêu thích. Thế là chúng tôi lại ngồi tưởng tượng ra các viễn cảnh khác nhau. Nếu mình chuyển đến một bang mà mùa đông rất giá lạnh thì sẽ thế nào? Hay nếu sang châu Âu sống thì sẽ thế nào? 

Nhiều khi tôi nghĩ, “Dịch bệnh mới có mấy tháng, mà cứ như mình đã lên kế hoạch cho 10 năm rồi!” Nhưng khi lên kế hoạch cùng nhau, tôi tìm thấy niềm hạnh phúc và ý nghĩa trong những nỗ lực của hiện tại. 

Bài học 4: Trân trọng cảm xúc của bản thân

Hai, ba tháng đầu khi mới làm việc ở nhà, tôi thấy rất thích: có nhiều thời gian hơn để viết, đọc, và suy nghĩ sâu. Nhưng từ tháng thứ 4 trở đi, tôi bắt đầu cảm thấy có dấu hiệu trầm cảm nhẹ. Tôi hay bất chợt tỉnh giấc ban đêm, ngủ không đủ giấc trong một thời gian, tâm trạng thay đổi liên lục, có một giai đoạn tôi còn hay bật khóc. Tôi chưa từng bao giờ có cảm giác này, ngay cả khi trải qua giai đoạn căng thẳng nhất của chương trình PhD.

Thời gian bị buộc phải làm việc ở nhà khiến tôi hiểu thêm nhiều điều về bản thân mình. Tôi vốn vượt qua những chuyện buồn, sự tổn thương, sai lầm khá dễ dàng, có lẽ vì tôi đã trải qua một nỗi đau lớn khi còn nhỏ. Tôi thường nhìn vào những gì đã xảy ra như một cơ hội để học hỏi, trưởng thành, rồi tôi sẽ khép lại quá khứ và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. 

Nhưng không hiểu sao, trong khoảng thời gian làm việc ở nhà, một số chuyện trong quá khứ bỗng tìm về với tôi, khiến tôi suy nghĩ mãi không thôi. Khi kể với bạn đồng hành, anh bảo, “Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, em thường bảo anh là dù sao nó đã xảy ra rồi, ta chẳng thể thay đổi được nữa, bây giờ hãy tập trung tìm cách giải quyết vấn đề thôi mà.” Có lẽ, chúng ta không bao giờ hoàn toàn quên những gì đã xảy ra, những nỗi buồn, sự tổn thương, quá khứ chỉ luẩn khuất đâu đó trong tâm trí ta và khi có cơ hội chúng sẽ trồi ra làm phiền ta.  

Thời gian qua tôi chợt nhận ra, viết là cách tốt nhất để giải toả cảm xúc. Khi cảm thấy quá khứ, và những năng lượng tiêu cực đang bám riết, tôi viết vào cuốn sổ mà Isabel tặng những cảm xúc ấy một cách chân thật nhất. Cuốn sổ là nơi tôi đối diện, trò chuyện với chính bản thân mình, một cách không thiên kiến, không đánh giá phải trái đúng sai. Cuốn sổ là nơi tôi thể hiện sự trân trọng những cảm xúc của bản thân và lòng trắc ẩn với chính mình. Năm 2020 dạy tôi rằng, ta hãy luôn chấp nhận, yêu thương bản thân ta vô điều kiện, ngay cả khi cả thế giới có quay lưng lại với ta!  

Bài học 5: Tương lai luôn bất định

Có lẽ bài học lớn nhất mà tôi học được trong năm 2020 là cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất định, và dù ta có nỗ lực và lên kế hoạch kỹ lưỡng thế nào, ta cũng không bao giờ kiểm soát được tương lai. Tôi từng luôn muốn tương lai diễn ra như ý mình muốn, đến nỗi có lần bạn đồng hành bảo tôi, “Cuộc sống bản thân nó vốn luôn bấp bênh, không có cái gọi là ‘một tương lai’ chắc chắn đâu em.”

Một nhược điểm của việc sống vì tương lai là, nếu khi cảm thấy những nỗ lực của mình sẽ không đi về đâu, ta dễ rơi vào tâm trạng chán nản, thậm chí muốn buông xuôi. Covid-19 sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường việc làm, đặc biệt ở Mỹ, cho sinh viên PhD. Một lần nói chuyện với thầy hướng dẫn, tôi bảo thầy tôi sẽ cố gắng hoàn thành luận văn và đi tìm việc sớm. Tôi bảo, tôi muốn có công việc thật sự, chứ không muốn là sinh viên nữa. Thầy bảo, thầy biết tôi luôn làm việc nhanh và hiệu quả, nhưng thị trường việc làm sang năm chưa thể phục hồi ngay đâu (Và biết đâu còn rất nhiều năm nữa). Thế là tôi bị những lời nói ấy ảm ảnh rất lâu. Đã có những lúc tôi nghĩ, mình có gắng viết lách, xuất bản, làm việc cật lực để làm gì, nếu tương lai u ám đến vậy. 

Nhưng rồi tôi chợt hiểu, tại sao tôi lại phải lo lắng quá như vậy. Tôi đang viết, và xuất bản đâu phải chỉ vì một công việc trong tương lai, mà còn vì tôi thật sự yêu những gì mình đang làm nữa mà. Giờ đây, tôi làm việc với một tâm thế khác: Nỗ lực hết mình vì những gì khiến tôi vui, và hạnh phúc, còn tương lai thì cứ kệ tương lai đi. Chẳng phải sức người có hạn, ta chỉ có thể cố gắng hết sức những gì ta có thể kiểm soát hay sao?

Trên đây là 5 bài học tôi học được trong năm 2020. Còn bạn, bạn đã học được gì từ năm nay?

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog. Chúc bạn tuần cuối cùng của năm 2020 thật nhiều niềm vui!

Trương Thanh Mai 

8 thoughts on “Tổng kết năm: 5 bài học về cuộc sống tôi học được trong năm 2020

  1. Mình rất là thích đọc tổng kết năm của mọi người nhé. Cảm ơn Mai đã chia sẻ, chúc mừng Mai đã tìm được ý tưởng mà Mai muốn phát triển nhiều hơn.

    1. Cảm ơn Ngân nhiều! Tớ cũng hay đọc những bài Ngân viết, đặc biệt những bài Ngân chia sẻ về phát triển sự nghiệp ở Anh. Đọc những bài ấy vừa khiến tớ nhớ nước Anh, vừa cảm thấy được tiếp thêm động lực để cố gắng khẳng định bản thân khi sống ở nước ngoài 😀

  2. Cảm ơn chị Mai. Em theo dõi chị lâu lắm rồi nhưng giờ mới bình luận lần đầu ^^ 2020 cũng là năm em học được rất nhiều điều mới và thay đổi cuộc sống của mình. Giống chị, em học được cách biết ơn, trân trọng những gì mình đang có và biết tìm niềm vui từ những điều nhỏ bé.

    Chúc chị cuối tuần vui vẻ, và năm 2021 có thật nhiều khám phá mới 🥰 (Dù giờ cũng sắp hết tháng 1 rồi) ☺️

  3. Em thích nhất ý cuối chị ạ. Năm 2020 cho thấy tương lai luôn đầy bất định và khó đoán. Nghĩ đến tương lai nhiều khi em thấy hoang mang và lo lắng nhiều. Nhưng vẫn nên luôn sống hết mình và trân trọng hiện tại để an yên chị nhỉ ^^.

    1. Cảm ơn em đã ghé đọc bài! Đây đúng là bài học lớn nhất chị học được năm 2020. Tương lai không biết trước thế nào nên mình cứ nỗ lực và sống hết mình cho hiện tại thôi nhỉ. Chúc em luôn vui 🙂

Leave a Reply