Quá trình viết, bảo vệ đề tài luận văn tiến sỹ, và những bài học tôi học được

Ảnh được download tại đây

Ngày 11, tháng 1, 2021 tôi đã bảo vệ thành công đề tài/ý tưởng luận văn, và chính thức trở thành ứng cử viên tiến sỹ. Thời gian còn lại của con đường nghiên cứu sinh, tôi sẽ tập trung vào viết luận văn tiến sỹ. 

Bài viết tuần này ghi lại chặng đường đi tìm ý tưởng luận văn, bảo vệ ý tưởng ấy, và những bài học tôi học được từ quá trình thú vị này. 

Tôi viết bài này để sau năm, mười, hai mươi năm nữa nhìn lại sẽ không quên những gì đã trải qua. Hi vọng bài viết cũng sẽ hữu ích cho bất cứ ai đang có ý định đi học tiến sỹ, đang chuẩn bị bước vào giai đoạn viết luận văn, hoặc bất cứ ai muốn hiểu hơn về cuộc sống của nghiên cứu sinh (mà cụ thể là trong ngành Political Science ở Mỹ). 

Bản đề xuất đề tài/ý tưởng luận văn tiến sỹ gồm những gì? 

Ở Mỹ, bản đề xuất đề tài luận văn thường được gọi là Dissertation Proposal hoặc Dissertation Prospectus, tuỳ trường. Theo yêu cầu của trường tôi, đề xuất luận văn thường dài khoảng 10000 chữ (như một bài nghiên cứu khoa học thông thường), với 6 phần chính: 

  • Câu hỏi nghiên cứu (Research Puzzles and Research Questions): Bản đề xuất phải nêu rõ những câu hỏi nghiên cứu mà bạn muốn tìm hiểu, và tầm quan trọng của việc theo đuổi những câu hỏi ấy. Về cơ bản, bạn phải thuyết phục được hội đồng luận văn rằng, đề tài và câu hỏi của bạn thật sự quan trọng. 
  • Cơ sở lý thuyết (Literature Review): Những nghiên cứu hiện tại đã trả lời câu hỏi nghiên cứu của bạn thế nào? Đâu là những thiếu sót trong các nghiên cứu này, và luận văn của bạn sẽ đóng góp vào cơ sở lý thuyết như thế nào?
  • Lý thuyết/giả thuyết (Theory/Hypotheses): hay nói cách khác là câu trả lời của bạn cho câu hỏi đặt ra. Giai đoạn viết ý tưởng luận văn, bạn không cần có một lý thuyết quá chi tiết, nhưng bản đề xuất phải nêu ra được vài giả thuyết hợp lý (testable and falsifiable hypotheses). 
  • Thiết kế nghiên cứu (Research design/methodology): Nghiên cứu của bạn sẽ dùng phương pháp và số liệu gì? Bạn sẽ dùng số liệu có sẵn hay tự thu thập? Nếu tự thu thập, bạn sẽ làm thế nào? Việc tự thu thập có cần nhiều chi phí không? Nếu có thì bạn có xin được tiền ở đâu đó để làm không? Tôi đề xuất sử dụng 3 phương pháp khác nhau để trả lời câu hỏi nghiên cứu và chứng minh giả thuyết, bao gồm phỏng vấn, survey experiments, và dùng một bộ số liệu time-series cross-sectional data. 
  • Dàn ý luận văn (Outline) Luận văn của bạn sẽ có mấy chương, mục đích của mỗi chương là gì? Sản phẩm cuối cùng của luận văn là gì? Sách hay 3 bài nghiên cứu riêng biệt? Như trong ngành của tôi, thường mọi người sẽ viết như một cuốn sách, nhưng đồng thời cũng xuất bản một hai chương như một bài nghiên cứu độc lập.
  • Thời gian hoàn thành (Timeline): Lên một kế hoạch chi tiết cho thời gian thu thập số liệu, hoàn thành từng chương, vân vân. 

Tìm kiếm đề tài luận văn

Ngay sau khi thi qua kỳ thi Comprehensive Exams đầu tháng 1 năm 2020 (tức là đầu kỳ 2 năm thứ 3), tôi lập tức bắt tay vào viết đề xuất luận văn. Kỳ 2 năm thứ 3, tôi vẫn phải nhận lớp để hoàn thành chương trình coursework. Tôi đăng ký một lớp phương pháp nghiên cứu (cụ thể là Causal Inference), và một Independent Study. Independent Study là lớp học do bạn tự chọn nội dung, thường là với giáo sư hướng dẫn.

Tôi và một cô bạn cùng lớp đăng ký Indepenent Study với giáo sư hướng dẫn tôi để viết đề xuất luận văn. Cứ hai tuần một lần, thầy yêu cầu chúng tôi gửi bài viết ngắn, rồi thầy sẽ cho nhận xét. Dựa vào góp ý của thầy, chúng tôi sửa lại câu hỏi và ý tưởng nghiên cứu, cho đến khi thầy đồng ý rằng, câu hỏi nghiên cứu đã trở nên rõ ràng, cụ thể và thú vị. 

Bài tập đầu tiên của chúng tôi là liệt kê 5 học giả hàng đầu về đề tài chúng tôi quan tâm, và đọc các bài nghiên cứu của họ được đăng trên các tạp chí Khoa học Chính trị hàng đầu như American Political Science Review, American Journal of Political Science và Journal of Politics. Thầy yêu cầu chúng tôi suy nghĩ xem các học giả đang tranh luận vấn đề gì (trong khuôn khổ đề tài chúng tôi quan tâm), câu hỏi của chúng tôi sẽ đóng góp gì mới cho cuộc tranh luận ấy, và luận văn của chúng tôi hướng đến nhóm học giả nào.  

Hết học kỳ đó, tôi đã hình thành được câu hỏi nghiên cứu, và ý tưởng cụ thể cho luận văn. Tôi dành cả mùa hè để đọc và nghĩ về lý thuyết/giả thuyết (hay câu trả lời) cho câu hỏi nghiên cứu mình quan tâm. Đến kỳ 1 năm thứ 4 (hay mùa thu năm 2020), tôi dành thời gian để hình thành giả thuyết (testable hypotheses), nghĩ về phương pháp nghiên cứu, và bắt tay vào hoàn thành bản đề xuất ý tưởng luận văn. 

Chương mà tôi muốn dùng làm Job Market Paper (bài nghiên cứu bạn sẽ trình bày khi đi xin việc) sẽ dùng survey experiments để chứng minh giả thuyết, nên tôi dành rất nhiều thời gian của kỳ mùa thu đi tìm nguồn tài chính cho nghiên cứu. Tôi cần phải thuyết phục hội đồng luận văn rằng, ý tưởng của tôi khả thi. 

Bảo vệ đề tài luận văn

Tôi hoàn thành bản nháp đầu tiên vào tháng 10/2020, và gửi cho giáo sư hướng dẫn. Rất may là giáo sư hài lòng với phần giả thuyết, và phương pháp nghiên cứu ngay. Thầy nghĩ bản đề xuất đề tài luận văn đã đủ tốt và tôi có thể bảo vệ được rồi. Thầy yêu cầu tôi sửa lại một chút phần lập luận, rồi gửi bài viết cho từng thành viên trong hội đồng luận văn xin ý kiến.

 Khoảng tuần 3 tháng 11, tôi nhận được góp ý từ 4 thành viên còn lại của hội đồng luận văn. Rất nhiều góp ý hữu ích và câu hỏi khó! Cả 4 thành viên đều đồng ý rằng bài viết của tôi đã đủ tiêu chuẩn để bảo vệ, và tôi có thể lên lịch bảo vệ được rồi. Tôi thấy nhẹ hết cả người! 

Rất khó để tìm được một ngày mà cả 5 thành viên đều rảnh. Và ngày hiếm hoi đó là 11/1/2021, đúng hai ngày trước khi kỳ học mới bắt đầu. 

Vì tất cả các thành viên của hội đồng luận văn đều đã đọc kỹ bản đề xuất của tôi, nên vào ngày bảo vệ tôi chỉ phải trình bày 5 phút. Tôi bắt đầu bằng việc cảm ơn hội đồng vì đã dành thời gian đọc và góp ý vào bản đề xuất của tôi. Rồi, tôi chia sẻ lý do tôi muốn theo đuổi đề tài này. Sau đó, từng thành viên của hội đồng luận văn sẽ có 30 phút đặt câu hỏi cho tôi (trừ giáo sư hướng dẫn). Giáo sư hướng dẫn của tôi (và cũng là chủ tịch hội đồng) giúp tôi ghi lại câu hỏi, và góp ý của từng thành viên trong hội đồng.

 Sau hai tiếng, tôi được yêu cầu rời khỏi phòng Zoom, để các giáo sư nhận xét về bài bảo vệ của tôi, và bỏ phiếu xem tôi có qua không. Sau 10 phút, tôi vào lại phòng Zoom. Giáo sư hướng dẫn thay mặt hội đồng luận văn chúc mừng tôi đã “thi” qua, và đã có một buổi bảo vệ rất tốt. 

Những bài học tôi học được từ quá trình viết và bảo vệ đề tài luận văn

Bài học 1: Luôn chủ động trong quá trình học coursework

Dù 2-3 năm học coursework thật sự rất bận và vất vả, nhưng hãy cố gắng tham gia viết một, hai bài nghiên cứu với giáo sư hoặc các nghiên cứu sinh khác. Nếu bản đề xuất ý tưởng luận văn là bài nghiên cứu nghiêm túc đầu tiên bạn viết, thì có thể bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. 

Trước khi viết Dissertation Proposal, tôi đã tham gia viết một vài bài nghiên cứu, và nhiều proposal xin tiền làm nghiên cứu. 

Những kinh nghiệm ấy đã dạy cho tôi rất nhiều kỹ năng quý giá, giúp quá trình viết đề xuất ý tưởng luận văn của tôi diễn ra suôn sẻ. Viết báo và xin tiền làm dự án đã dạy tôi (1) cách đặt câu hỏi nghiên cứu; (2) viết một tài liệu dài có một chủ đề xuyên suốt, không lan man dài dòng; (3) cách đặt vấn đề sao cho thu hút sự chú ý của người đọc; (4) nhìn ra được những ưu điểm, và nhược điểm của các phương pháp nghiên cứu khác nhau; (5) tìm được ý tưởng luận văn thú vị dựa trên những bài nghiên cứu trước đó. Và nhiều kỹ năng khác nữa.

Bài học 2: Không cần phải bảo vệ quan điểm của bạn bằng mọi giá

Cụm từ “bảo vệ đề tài luận văn” có thể gây hiểu lầm. Nhiều người nghĩ rằng, ta phải “bảo vệ bằng mọi giá” những gì ta viết. Tôi bước vào buổi bảo vệ với tâm thế của một người khát khao kiếm tìm những lời nhận xét, đóng góp nhằm giúp ý tưởng của tôi trở nên hoàn thiện hơn. 

Thật ra, một khi các giáo sư đồng ý cho bạn bảo vệ, nghĩa là họ tin bạn sẽ làm tốt (nếu bạn chưa sẵn sàng, họ sẽ khuyên bạn không nên bảo vệ vội), họ muốn giúp bạn và mong bạn thành công. Đừng lo rằng, trong buổi bảo vệ họ sẽ tìm cách dìm bạn xuống hoặc làm bạn bẽ mặt. Họ đều muốn sinh viên của mình thành công!

Mấy khi bạn có cơ hội mời được 3-5 bộ óc thông minh, đầy kinh nghiệm ngồi cùng nhau và thảo luận về ý tưởng nghiên cứu của bạn!!! (So cool)

Vì thế, hãy tận dụng cơ hội này để học hỏi. Vì nghĩ như thế, nên trong 5 phút trình bày, tôi nhấn mạnh mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của hội đồng để biến ý tưởng mà tôi rất tâm đắc thành hiện thực.

Khi bị hỏi những câu hỏi khó, thay vì khăng khăng cho rằng cách tiếp cận tôi viết trong bản đề xuất là tốt nhất, tôi giải thích lý do đằng sau lựa chọn ấy, thừa nhận những nhược điểm và xin lời khuyên. 

Ví dụ, khi một giáo sư hỏi, vì sao tôi lại chọn tìm hiểu mối quan hệ giữa phong trào đất đai, phong trào lao động, phong trào dân chủ, và phong trào yêu nước. Thế phong trào môi trường, phong trào chống tham nhũng thì sao? Tại sao tôi lại bỏ qua các phong trào này? Và phong trào yêu nước khác phong trào chống giặc ngoại xâm thế nào? Một giáo sư bảo cô không cảm thấy thuyết phục trước lý do tôi chọn phong trào này mà bỏ qua phong trào khác. 

Tôi thừa nhận với hội đồng rằng, đây là vấn đề làm tôi đau đầu nhất!!!

Thứ nhất, khi đọc các nghiên cứu hiện tại, tôi nhận thấy, khái niệm phong trào yêu nước (Nationalist Movements) không thật sự rõ ràng; có rất nhiều điểm chung giữa phong trào yêu nước và phong trào dân tộc (Ethnic Movement). Rồi tôi hỏi liệu có nên tách nhóm phong trào yêu nước thành phong trào chống ngoại xâm (Anti-foreign Movements) và phong trào dân tộc?

Thứ hai, nếu tôi có quá nhiều phong trào (giả sử thêm cả phong trào môi trường), trong thiết kế experiment sẽ có khá nhiều nhóm, và điều này có thể ảnh hưởng dến power của nghiên cứu. Nghĩa là, trong mỗi nhóm phong trào, số mẫu của tôi không đủ lớn để thấy được mối quan hệ mà tôi muốn thấy (có thể không tìm được significant effects)

Sau khi hiểu được những lo lắng của tôi, các giáo sư cho tôi lời khuyên và định hướng giải quyết. Một giáo sư trong hội đồng của tôi- một Experimentalist rất được tôn trọng và có tiếng trong giới nghiên cứu- đã khuyên tôi, đừng quá lo lắng đến thiết kế vội, và không nên để những lo lắng về số liệu ảnh hưởng đến lập luận. Giáo sư bảo nếu tôi có nhiều nhóm, và nếu phải “manipulate” nhiều đặc điểm khác nhau, tôi có thể xem xét sử dụng phương pháp Conjoint Experiment. 

Bài học 3: Chọn hội đồng luận văn cẩn thận

Con đường học PhD bằng phẳng hay gập ghềnh phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của bạn với giáo sư hướng dẫn, hội đồng luận văn, và những người bạn hợp tác cùng. 

Vì thế, tôi dành rất nhiều thời gian và công sức để lựa chọn các thành viên hội đồng luận văn. 

Tôi rất may mắn vì có một hội đồng luận văn tốt, luôn ủng hộ con đường tôi chọn. 

Tôi đã xây dựng được mối quan hệ tốt với từng thành viên trong hội đồng luận văn. Một mặt, các giáo sư không ngần ngại đặt cho tôi những câu hỏi khó, đầy thách thức, giúp tôi suy nghĩ sâu hơn về lập luận của mình, mặt khác họ luôn động viên và giúp tôi theo đuổi ý tưởng của mình.

Ngoài ra, các giáo sư trong hội đồng của tôi đều tôn trọng và có mối quan hệ tốt với nhau. Đúng vậy, bạn phải tránh bằng mọi giá chọn hai giáo sư “ghét” nhau vào hội đồng của bạn. Bạn chắc chắn không muốn hai người tị hiềm với nhau cùng tham gia quyết định tương lai của bạn!

Tôi rất vui vì buổi bảo vệ đề tài luận văn trở thành buổi thảo luận thú vị giữa các thành viên với nhau, và giữa tôi với các thành viên trong hội đồng. 

Tôi chợt nhận ra, điều tuyệt vời nhất là “bị thách thức” bởi những con người thông minh và nhiều kinh nghiệm hơn ta. 

Sau buổi bảo vệ, tôi thấy suy nghĩ, lập luận của mình thông suốt hơn, con đường phía trước tuy nhiều việc phải làm những cũng rõ ràng, sáng sủa hơn. 

Bài học 4: Hãy nói những lời động viên khi có thể

Là một nghiên cứu sinh, ai cũng có lúc nghi ngờ năng lực nghiên cứu của bản thân.

Những lời động viên của các giáo sư, những người có “quyền lực” và kinh nghiệm hơn ta, thật sự là một cứu cánh khi ta đang trong tâm trạng hoài nghi chính mình. 

Trước khi đặt câu hỏi cho tôi, một giáo sư đã nói, “Sau khi làm việc với em suốt kỳ học mùa thu vừa qua, tôi thấy ở em tiềm năng của một học giả-scholar.”

Còn giáo sư hướng dẫn tôi thì nói, “Em là sinh viên đầu tiên tôi hướng dẫn, và em đã khiến quá trình mentoring của tôi bằng phẳng, và dễ chịu.” Rồi thầy bảo, thầy cảm thấy tự hào về sinh viên như tôi.  

Academia vốn đầy rẫy những sự từ chối (rejection), lời phê bình, và hoài nghi, nên khi nghe những lời động viên ấy, tôi thật sự thấy ấm lòng. Ít nhất, những nỗ lực của tôi suốt mấy năm qua đã được các thành viên trong hội đồng luận văn ghi nhận!

Bài viết tuần này đã dài, nên xin “dừng bút” tại đây.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog! Chúc bạn tuần mới làm việc thật hiệu quả.

Trương Thanh Mai  

10 thoughts on “Quá trình viết, bảo vệ đề tài luận văn tiến sỹ, và những bài học tôi học được

    1. Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog và để lại comments! Đây là một cột mốc mà bất cứ nghiên cứu sinh tiến sỹ nào cũng phải vượt qua. Bạn bè mình cũng sẽ có những trải nghiệm tương tự! Mình cũng chúc bạn luôn thành công trong cuộc sống 🙂

      1. Bài viết của chị khiến em nghĩ đến giảng viên trong khoa mà em đang học. Cô rất say mê nghiên cứu, âm thầm, cần mẫn và nỗ lực hết sức để có được 1 bài nghiên cứu được xuất bản. Cô chia sẻ rằng có nhiều quãng thời gian rất dài thức trắng đêm để tìm câu hỏi nghiên cứu, đọc tài liệu, viết đề cương nghiên cứu,… Có đôi khi thấy nỗ lực của mình bị reject hoàn toàn khi mà câu hỏi nghiên cứu của mình không được đánh giá cao. Nhưng em thấy những ai say mê học thuật, như giảng viên của em và chị, đều đáng được nể phục và trân trọng vì tính kiên trì, nhẫn nại mặc dù rất nhiều khó khăn lẫn mệt mỏi. Em nghĩ thế giới này có rất rất nhiều người thông minh, và yêu thích khoa học, học thuật, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và xem khát khao cống hiến cho học thuật là mục tiêu và ý nghĩa lớn lao của họ. Lúc nào đọc bài của chị em cũng thấy có nhiều động lực hơn, vì em cũng có ước mơ du học và nghiên cứu (mặc dù em không biết sau này mình có thể kiên trì tiếp hay không, nhưng ít nhất là có thể hết mình cho quyết định hiện tại). Cám ơn những bài viết của chị nhé. Chúc chị thành công ạ.

        1. Cảm ơn em đã đọc bài viết! Chị nghĩ chị biết cô của em, rất giống một người mà bạn bè chị kể 🙂 Chị rất vui vì em thấy bài viết hữu ích. Chúc em luôn thành công và sẽ đạt được ước mơ đi du học nhé!

Leave a Reply