Xin đừng so sánh bản thân với người khác!

Tôi vừa đọc tâm sự cảm động của một giáo sư về quá trình phát triển của con trai cô. Thay vì gửi thằng bé đến trường học, cô và gia đình giáo dục thằng bé tại nhà đến năm nó 8 tuổi. Thằng bé sống những năm đầu đời trong môi trường học tập tràn ngập tình yêu thương, cực kỳ sáng tạo và hoàn toàn không cạnh tranh. Nó thích vẽ lắm và cũng rất giỏi môn nghệ thuật này nữa. Nó vẽ chỉ đơn giản vì đam mê mà thôi. Một lần, giáo sư đưa thằng bé đến lớp học vẽ tại một nhà thờ gần nhà, cô giáo đã nhận xét về tranh vẽ của nó: “Tranh của em là sáng tạo nhất lớp đấy”. Trên đường, nó cứ suy nghĩ mãi về câu nói ấy, nó hỏi mẹ “Vì sao cô giáo lại nhận xét con như thế, con đã từng nghĩ người ta vẽ chỉ vì muốn sáng tạo mà thôi”. Và từ lần ấy, thằng bé không ngừng so sánh tranh vẽ của mình với người khác.

Tôi cảm nhận một sự rúng động mạnh mẽ khi đọc bài báo này. Nó khiến tôi nhớ lại những giằng xé trong suy nghĩ mà tôi đã vướng phải trong một thời gian dài. Tôi đã từng không ngừng so sánh bản thân mình với người khác. “Tại sao mình không làm được như A”, “Mình không giỏi việc này, việc kia như B”, “Mình thật kém cỏi, không được như người ta”. Những “lời nguyền” ấy cứ bám riết lấy tôi, lấy đi bao năng lượng tích cực khỏi tâm hồn tôi. Đã nhiều lần tôi tự hỏi, vì sao những suy nghĩ tiêu cực ấy không buông tha tôi. Bài báo đã cho tôi một phần đáp án: trong suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi luôn bị đem ra so sánh với mọi người xung quanh. 

Hai chị em tôi chỉ cách nhau ba tuổi. Vì sàn tuổi nhau, nên chúng tôi thân nhau như tay với chân, cái gì cũng chia sẻ, tâm sự cùng nhau. Nhưng sàn tuổi nhau lại cũng là một bất lợi, bởi chúng tôi luôn bị so sánh với nhau . Nhược điểm của đứa này sẽ bị đem ra đặt cạnh ưu điểm của đứa kia. Hồi nhỏ, tôi sợ nhất là mỗi lần bạn bè bố mẹ đến chơi. Họ không ngại ngần mà đưa ra những nhận xét: “Chị mà lại thấp hơn em, hay chị “xấu” hơn em rồi”, “Đứa chị có cái mũi giống mẹ, nên không đẹp như của em”, hay “ Năm nay chị được điểm cao hơn/thấp hơn em”, “Chị giỏi hơn/ kém hơn môn em môn ABC, XYZ”. Những câu nói ác ý ấy khiến đứa trẻ trong tôi mất dần tự tin và chỉ muốn tìm kiếm sự yên bình trong vỏ ốc của mình. Tôi tin rằng, em gái tôi cũng đã trải quả những năm tháng “khổ sở” như thế. Môi trường học tập cũng chẳng khá hơn, đâu đâu cũng thấy sự so sánh. Nào là “Em không giỏi môn này, môn kia như bạn A”, hay những câu nhận xét mang tính xếp hạng trong những buổi họp phụ huynh như “điểm cao nhất lớp”, “học giỏi/học dốt” nhất lớp, “viết chữ đẹp/làm toán/viết văn giỏi hơn bạn này, bạn kia”. Giờ đây nghĩ lại những lời nhận xét ấy, tôi chỉ thấy buồn cười. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra, những câu nói bâng quơ của người lớn dành cho tôi khi còn nhỏ, đã tác động rất nhiều đến tâm lý của tôi khi trưởng thành.

So sánh nơi trường học đã là một nhẽ, bị bố mẹ đem mình ra so sánh với người khác mới thật đánh buồn. Tôi có một chị bạn có hai đứa con trai. Một đứa chăm chỉ, học hành, luôn đạt điểm cao trong lớp. Một đứa ngỗ nghịch, chỉ thích chơi nhưng vẽ rất đẹp. Chị rất buồn phiền vì thằng bé “vẽ đẹp”. Chị luôn miệng nói với nó “mày không được như anh mày”. Tiếc thay, chị càng nhận xét như thế, nó càng bướng, càng nghịch và chỉ thích làm những gì nó muốn. “Con không phải là anh”, nó luôn nói như thế.

Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường luôn bị so sánh với người khác làm sao nó có thể không bị ảnh hưởng được chứ. Môi trường đó sẽ reo rắc vào tâm hồn nó một ý niệm rằng, giá trị của bản thân phải được đem ra cân đo đong đếm với thang đo là một người bạn, một người anh, người chị, người em của nó. Tôi tin rằng, nạn nhân của sự so sánh sẽ luôn trong tư thế so sánh mình với người khác, để kiếm tìm sự thừa nhận về giá trị của bản thận . Khi ta tập trung quá nhiều vào việc so sánh bản thân với người xung quanh, ta sẽ hoặc là trở nên mất niềm tin vào bản thân, hoặc là luôn ghen tị với thành công của người khác. Dường như bản thân tôi đã trải qua cả hai thái cực ấy. Có dạo, tôi rất thiếu niềm tin vào bản thân, tôi đã từng tin rằng tôi “không đủ giỏi”, “không đủ năng khiếu”, để làm bất cứ một việc gì cả. Và nếu tôi làm được một việc ABC nào đó, tôi sẽ cho rằng đó là do tôi ăn may thôi, chứ chẳng có tài cán gì. Có lúc tôi lại thấy mình luôn ghen tị với thành công của người khác. Tất nhiên, đó là sự “ghen tị” lành mạnh thôi. Tôi sẽ coi họ là tấm gương sáng để cố gắng vươn lên. Nhưng, dù lành mạnh đến đâu, ghen tị và so sánh bản thân với người khác vẫn khiến tâm tôi mệt nhoài.

Giờ đây, tâm tôi đã tĩnh lặng hơn rất nhiều. Tôi đã bớt so sánh bản thân với người khác, đã hạn chế được tâm lý ghen tị với những người xung quanh. Tôi đã xây dựng được niềm tin vào bản thân mình. Đó là một quá trình dài và “khó nhọc”. Tôi dần học được rằng, để ngừng so sánh bản thân với người khác, ta cần:

TÌM RA GIÁ TRỊ BẢN THÂN 

Khi còn là học sinh, ta thường bị cô giáo so sánh với bạn bè cùng lớp về điểm số, về khả năng tư duy một môn học nào đó. “Em này học kém toán/lý/văn/Anh nhất lớp”. “Em kia không thông minh giỏi giang bằng em này”. Vân và vân vân. Một người bạn của tôi kể rằng, bạn luôn bị cô giáo dạy toán “trù” và cho rằng, bạn không thể học được toán. Một lần, bạn làm được bài toán khó, cô giáo nhất quyết không tin là bạn tự làm, cô tin chắc bạn “chép bài của bạn bên cạnh, vì chắc chắn em không thể làm được”. Truyện nghe như trong cổ tích, nhưng đó là truyện thật! Khi trưởng thành, người ta lại hay so sánh nhau về mức thu nhập, về vợ chồng, về vẻ bề ngoài. “Sao con không kiếm được nhiều tiền như thằng A”, “Sao không lấy được vợ xinh/ chồng giàu như XYZ”. Điểm cao. Tiền của. Ngoại hình. Đó là những giá trị mà người ta hay dùng để so sánh người này với người kia, và để so sánh bản thân mình với người khác. Tôi cũng đã từng như thế.

Nhưng càng đọc nhiều, đi nhiều, và gặp gỡ nhiều người đặc biệt trong cuộc sống, tôi hiểu rằng đây không nhất thiết là quy chuẩn giá trị chung cho tất cả mọi người. Những giá trị đó không sai, chỉ là chưa đủ mà thôi. Giá trị của một người có thể là những thứ “khó đong đếm” hơn như: lòng tốt, sự ham học hỏi, sự ham đọc, kiến thức, tinh thần cầu thị, sự lạc quan, vân vân. Có thể đó là những giá trị mà người ta không quan tâm hoặc không nhìn thấy trong một xã hội, nhưng tôi tin rằng đó là những giá trị đáng trân trọng. Hãy hiểu rằng, mỗi người có một giá trị khác nhau, và hãy trân trọng những giá trị riêng của bản thân mình.

TẬP TRUNG VÀO MỤC TIÊU CỦA BẢN THÂN 

Đâu là những yếu tố dẫn đến thành công của một người?. Theo Angela Duckworth, nhà tâm lý học, giáo sư tại ĐH Pennsylvania, đó không phải IQ, không phải là trí thông minh cảm xúc, không phải là ngoại hình đẹp, cũng không phải là sức khoẻ thể chất. Theo cô, thành công chỉ cần một yếu tố thôi: Grit. Grit, đó là sự đam mê, sự kiên trì bền bỉ theo đuổi mục tiêu trong một thời gian dài. Grit, đó là không ngại gian khó, luôn làm việc chăm chỉ để biến ước mơ thành hiện thực. Theo cô, phần lớn người ta không thành công vì người ta không đi được đến cùng mục đích mà mình đề ra. Đi được một phần quãng đường, ta thấy mệt mỏi và buông bỏ. Một phần lý do ta bỏ cuộc là do ta so sánh mục tiêu của mình với mục tiêu của người khác, bất chấp mục tiêu của ta và họ rất khác ta. Nhiều lúc tôi cũng “ghen tị” với nhiều người bạn của tôi. Bằng tuổi tôi, nhưng có bạn đã có công ty riêng rất thành công, có bạn đã viết sách, có bạn “tiền tài, danh vọng” đã đề huề cả. Còn tôi mới bắt đầu đặt những bước đầu tiên trên con đường mình muốn đi. Những lúc thấy mình “ghen tị” không hợp lý như thế, tôi tự đặt câu hỏi “Nếu được lựa chọn, tôi có thể từ bỏ tất cả những gì tôi đang làm để được như họ không”. Và câu trả lời là “không”. Dần dần tôi nhận ra, mỗi người một mục tiêu, một hướng đi khác nhau. Thay vì thường xuyên so sánh mình với người khác, ta hãy để thời gian và năng lượng tập trung vào mục tiêu của mình.
HÃY LÀ CHÍNH MÌNH

Trước khi năm học bắt đầu, tôi đã hỏi giáo sư “làm sao để trở thành một người trợ giảng tốt?”. Thầy đã nói với tôi rằng, “em hãy là chính mình, nếu em là một người thân thiện, nhẹ nhàng, tự tin, chăm chỉ, hãy thể hiện điều đó. Em không cần phải cố gắng giống một ai cả”. Những lời nói của thầy khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã từng mong muốn mình là một người khác, có những giá trị, sở trường khác. Nhưng tại sao cơ chứ? Tôi dần hiểu rằng, ai cũng có một giá trị riêng, thay vì so sánh mình với người khác, hãy sống đúng với những giá trị mà mình tin tưởng.

“Hãy là chính mình”, không có nghĩa là nếu ta lười biếng, ỷ lại vào người khác, thì ta cứ giữ nguyên như thế, không làm gì để thay đổi. Tôi tin rằng, là chính mình có nghĩa là tìm ra và phát huy những giá trị, điểm mạnh riêng bản thân. Đồng thời, ta cũng biết những điểm yếu và hạn chế của mình để cải thiện. Tôi tin rằng, khi ai đó khuyên tôi “hãy là chính mình”, họ đang khuyên tôi tập trung toàn bộ năng lượng vào phát triển bản thân mình. Và khi ấy, bạn sẽ không còn thời gian để “nhìn ngó” người khác và so sánh mình với họ nữa.

KHÔNG CÓ CUỘC SỐNG CỦA AI HOÀN HẢO

Càng đọc nhiều, học nhiều và đi nhiều, tôi càng nhận ra rằng, không ai trên thế gian này có cuộc sống hoàn hảo. Dù những người ta gặp có giàu có hơn ta, thành đạt hơn ta, giỏi giang hơn ta, họ cũng có những rắc rối riêng trong cuộc sống. Ngày trước, tôi cứ nghĩ rằng những người bạn đến từ quốc gia giàu có hẳn phải có một cuộc sống sung sướng lắm. Nhưng tôi đã nhầm, đằng sau mỗi người tôi gặp đều có những câu chuyện, những nỗi niềm và khó khăn, chỉ là ta có muốn lắng nghe không thôi. Từ đó, mỗi khi tôi thấy mình bắt đầu so sánh sự không hoàn hảo trong cuộc sống của tôi với cuộc sống của người khác, tôi sẽ tự nhủ rằng “ai cũng có vấn đề của riêng họ, những khó khăn, vất vả của mình chỉ là một phần trong cuộc sống, vì thế hãy tập trung giải quyết vấn đề của mình, thay vì so sánh mình với người khác”. Khi nghĩ được như thế, tôi cảm thấy tâm mình bình thản hơn rất nhiều!

Khi viết đến những dòng cuối cùng của bài blog này, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện tôi được chứng kiến khi đi dạo ở công viên gần nhà. Hôm ấy, tôi gặp một người phụ nữ đang đi bộ với hai đứa con lai. Đứa lớn rất giống chị, khá đậm nét Việt. Đứa bé lại giống bố, trông  tây hơn với mái tóc vàng nhẹ, mắt hơi xanh và mũi cao. Khi hai chị em đi với nhau, người ta luôn ác ý nhận xét “đứa em trông tây, xinh hơn hẳn đứa chị”. Tôi để ý thấy, mỗi khi đứa chị nghe những lời nhận xét như thế, nó trở nên buồn bã, và khó chịu. Nhiều lần quá, nó nhất quyết đòi mẹ dẫn về nhà. Xin đừng bao giờ so sánh trẻ con với nhau, đừng nghĩ rằng “trẻ con không biết gì đâu”, nên ta cứ tha hồ vô tư muốn nói gì thì nói. Ta không bao giờ biết được, những lời ta nói có thể ảnh hưởng đến tâm lý, và sự phát triển của một đứa trẻ như thế nào!

Và nếu bạn thấy mình mãi loay hoay so sánh bản thân với người khác, hãy tin rằng bạn có những giá trị tốt đẹp riêng. Hãy trân trọng và yêu thương chính bản thân mình, rồi bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều!

Cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này, chúc bạn tối (muộn) thứ hai vui vẻ!

14 thoughts on “Xin đừng so sánh bản thân với người khác!

  1. Tìm đến blog của chị thông qua một bài viết trên báo Dân Trí. Cảm ơn chị đã dành thời gian quý báu để chia sẻ với mọi người những hành trình và bài học mà chị đã trải nghiệm. Chúc chị tiếp tục vững bước trên con đường của mình.

    1. Cảm ơn em đã đọc blog của chị! Viết lại những trải nghiệm của chị thật sự khiến chị vui và quên hết mệt mỏi. Chị cũng chúc em nhiều thành công trên con đường mình đã chọn 🙂

  2. “HÃY LÀ CHÍNH MÌNH” – The only person you should try to be better than is the person you were yesterday <3 🙂

    "KHÔNG CÓ CUỘC SỐNG CỦA AI HOÀN HẢO" – The grass always looks greener on the other side 🙂

  3. Khi đọc bài viết của chị, em như bị cuốn hút vào từng câu chữ, mọi chia sẻ của chị là tất cả những nỗi niềm mà em không thể nói ra từ nhỏ đến giờ. Nhiều lúc em tâm sự cảm xúc đó với mẹ, mẹ em lắng nghe và em cũng nhẹ nhàng đôi chút nhưng em đã thực sự cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn khi đọc dến những dòng cuối của bài viết này. Em cám ơn chị!

  4. Em cảm ơn chị rất nhiều vì đã chia sẻ rất chân thành và “đúng là chị” như lời nhắc cho em, rất đúng lúc ạ. Em vẫn luôn nhìn ngó xung quanh rồi lại quay về buồn, “giận” bản thân vì không bằng “con nhà ngừoi ta” nhưng quả thật suy nghĩ chỉ dứt khi em tự vấn bản thân ” “Nếu được lựa chọn, tôi có thể từ bỏ tất cả những gì tôi đang làm để được như họ không”. Và câu trả lời là “không”. ” như chị viết. Em cũng từng cố gắng tìm kiếm những điểm tốt để an ủi chính mình, nhưng nó không kéo dài được lâu và chỉ khi nhìn rõ cái mình muốn và cái mình làm thì em mới vững tin hơn.

Leave a Reply