Bốn tháng và những bài học quý giá!

IMG_3879

Hôm qua tôi nhận được email của thầy giám đốc chương trình PhD về những hoạt động của trường đầu năm 2018. Một trong những hoạt động mà thầy muốn chúng tôi tham gia là sự kiện giới thiệu chương trình PhD cho các sinh viên tiềm năng diễn ra vào tháng 2. Đọc đến đây tôi không khỏi giật mình. Tôi thầm nghĩ, “Trời, thời gian trôi nhanh quá, tháng 2 năm ngoái, thầy email cho mình nói rằng sự kiện chỉ dành cho sinh viên đang sống và học tập tại Mỹ. Vì mình ở xa, nên thầy sẽ gửi các tài liệu cho mình”. Thế mà đã gần một năm rồi! Tôi giờ không còn là sinh viên “tiềm năng” nữa mà đã là sinh viên của trường được gần 5 tháng rồi. Bất chợt tôi lại nghĩ về tháng 12 năm ngoái, lúc ấy tôi đang mải miết làm hồ sơ: nào là GRE, nào viết luận, nào thư giới thiệu. Chương trình học nặng và công việc trợ giảng khiến tôi chẳng còn để ý đến thời gian nữa. Quay đi quay lại, hết bài viết này đến bài viết khác, bài kiểm tra này đến bài kiếm tra khác, tôi đã học xong kỳ đầu tiên rồi. Nhanh không thể tin được!!!

Tôi có thể tự tin nói rằng, tôi cảm thấy hài lòng với những tháng ngày đầu tiên trên chặng đường nghiên cứu của mình. Có những thành công, có những thất bại, có những “đấu tranh …nội tâm”, nhưng tựu lại tôi đã học được rất nhiều bài học quý báu. Tôi đã có một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ. Tôi tự nhận thấy bản thân đã trưởng thành lên rất nhiều so với bốn tháng trước.Tôi tin rằng những bài học và trải nghiệm ấy không chỉ giúp tôi trên con đường nghiên cứu mà còn hữu ích cho tôi trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Càng nghĩ tôi càng thấm thía mọi sự xảy ra đều có ý nghĩa của nó, mỗi người bạn gặp, mỗi quyết định bạn lựa chọn đều dạy cho bạn một điều gì đó. Điều quan trọng là ta có cảm nhận được những ý nghĩa ấy không.

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với bạn những bài học mà tôi đã học được trong bốn tháng vừa qua, biết đâu bạn có thể thấy mình đâu đó trong những chia sẻ này của tôi.

Tôi đã học được rằng mọi thành công lớn đều bắt nguồn từ những nỗ lực nhỏ nhất

Tôi nhận thấy, khi ai đó làm được những điều đặc biệt hoặc có những thành công nhất định trong cuộc sống, ta thường hay than thầm “giỏi thế, …sướng thế, may mắn thế”. Nếu ta cảm thấy “ghen tị” có khi ta cũng nói “bình thường thế mà làm được như thế….chắc ăn may”. Nhưng ta không biết được rằng đằng sau đó là bao nhiêu nỗ lực, mồ hôi, thậm chí nước mắt. Thành công càng lớn nỗ lực càng lớn! Thầy giám đốc khoa tôi là một tên tuổi lớn. Chia tay mùa thu, thầy mời tất cả giáo sư trong khoa và sinh viên PhD đến nhà thầy ăn tối. Tôi tròn xoe mắt kinh ngạc trước ngôi nhà của thầy, tôi thốt lên với hai thằng bạn “nhà thầy đẹp quá, đẹp không thể ta được”. Tôi trêu thằng bạn người Mexico đi cùng “thôi sau này, ước mơ lớn nhất của tớ là có ngôi nhà thế này thôi,.” Rồi nó kể cho tôi nghe về cuộc đời của thầy, những nỗ lực, thất bại và ý chí ham học. Điều tôi ấn tượng nhất là tuy thầy thuộc lứa giáo sư nhiều tuổi (thầy đã tốt nghiệp tự khi tôi còn chưa ..ra đời), nhưng thầy rất giỏi các phần mềm phân tích số liệu cần thiết cho nghiên cứu định lượng. Khi thầy ra trường điều này không bắt buộc. Chà, không phải ai cũng làm được như thầy đâu. Khoa tôi cũng có thầy “già” từ chối học những cái mới ấy.

Bắt đầu PhD rồi tôi mới nhận thấy, để trở thành một giáo sư giỏi, liên tục xuất bản bài báo thật sự là một điều đáng khâm phục. Điều đáng khâm phục nhất là ý chí và nỗ lực. Tôi nhận thấy chỉ cần hoàn thành thành công một kỳ học thôi cũng đã cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm rồi. Ngày nào bạn cũng phải làm việc thật chăm chỉ, bởi chỉ cần lơ là một vài hôm là bạn sẽ bị đuối ngay lập tức. Trường tôi, nếu sinh viên bị hai điểm B là sẽ không còn cơ hội ở lại trường. Nhưng dù làm việc chăm đến mấy sẽ có những hôm bạn cảm thấy mình chẳng làm được gì cả, mình vừa “lâu la” lại không hiệu quả. Sẽ có những lúc bạn tự trách mình “sao mà làm mãi không thấy kết quả gì”. Nhưng tôi nhận ra, cứ nỗ lực “nhỏ” mỗi ngày, rồi kết quả đến lúc nào chẳng hay. Từ khi tôi có ý tưởng cho bài nghiên cứu cuối kỳ đến lúc hoàn thành và nộp bài, là những tháng ngày “đằng đẵng” suy nghĩ. Khi hoàn thành và đọc lại bài, tôi không thể tưởng tượng được rằng từ một ý tưởng nhỏ xíu vậy mà mình có thế viết được thành 20 trang giấy. Tôi cảm thấy rất vui bởi nhận thấy những nỗ lực nhỏ mỗi ngày của mình- mỗi ngày viết vài trang giấy- đã thành hình thành khối. Cứ viết rồi ý tưởng lại đến, những lúc như thế chỉ muốn ôm máy tính chạy khắp trường la hét cho thoả chí!!!. Sau khi tôi trình bày bài nghiên cứu của tôi trước lớp, thầy gặp tôi và nói “em đã phát triển ý tưởng rất tốt, thầy muốn đọc bài cúa em”. Thầy nói rằng đề tài hay và thầy muốn sửa cùng tôi và gửi cho báo!!! Tôi gần như muốn hét lên vì những cố gắng của mình được thầy tin tưởng!

Bốn tháng qua đã dạy tôi rằng, hãy luôn tự tin vào mình

Càng ngày tôi càng hiểu rằng, yêu và tin vào bản thân mình là một kỹ năng cần phải học. Tự tin để dám nói rằng “tôi có thể làm được” không phải dễ. Không hiểu sao tôi rất hay hoài nghi bản thân, có lẽ bởi tôi có những trải nghiệm không hay khi còn nhỏ. Tôi từng nhạy cảm với mọi sự so sánh và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những kỳ vọng từ người khác. Điều ấy đã hạn chế tôi rất nhiều! Nhưng PhD dạy tôi rằng, trong mọi hoàn cảnh phải luôn tin rằng ta có thể làm được. Khi ta tin vào chính mình, thì người khác sẽ tin vào ta. Điều quan trọng là ta đừng bao giờ để ý kiến của người khác tác động lên ta. Không ai, trừ chính bản thân ta, biết được năng lực, ý chí và nỗ lực của ta sẽ đưa ta đến đâu. Tự tin vào bản thân không đồng nghĩa với việc tin rằng ta giỏi nhất, ta biết hết mọi thứ, không ai bằng ta. Tôi tin rằng, tự tin là đủ dũng khí để nhận ra rằng, ta chẳng biết gì cả nhưng ta đủ năng lực để lĩnh hội và tiếp thu những gì ta chưa biết!

Hãy tìm sự giúp đỡ khi cần

Nhiều người nói với tôi “học PhD rất cô đơn, bạn sẽ suốt ngày lủi thủi một mình, lúc cần cũng chả có ai giúp đỡ “. Tôi cũng đã lo lắng rất nhiều, nhưng tôi học được rằng “Nếu cần giúp đỡ, hãy nói ra. Chỉ khi ta đi tìm sự giúp đỡ, người khác mới giúp ta”. Tìm sự giúp đỡ không thể hiện điểm yếu của ta, không ai đánh giá ta “kém”, “dốt nát” khi cần giúp đỡ cả. PhD rất khác học thạc sỹ hay đại học bởi PhD đòi hỏi bạn phải có những ý tưởng mới, đóng góp cho có sở lý thuyết của ngành, nên “dấu dốt” là một sai lầm vô cùng lớn. Ban đầu tôi cũng ngại ngại hỏi thầy cô và các bạn vì sợ bị nói là “dễ thế mà cũng hỏi”, nhưng rồi dần dà có chỗ nào không rõ là tôi lại cắp sách đi hỏi thầy. Tôi rất thích học xác suất thống kê (Statistics) vì môn học rất thực tế, cần thiết và cũng hay nữa (những người đặt nền móng cho môn Statistics là những tay cờ bạc bậc thầy đấy!!!). Những ngày đầu có chỗ nào chưa rõ, tôi cứ ngần ngại không dám gặp thầy để hỏi, nhưng một hôm tôi mạnh dạn vác sách đến tận văn phòng thầy hỏi cho ra nhẽ. Sau đó tôi mới hiểu bài học ấy, và khi hiểu rồi tôi làm bài tập dễ dàng hơn nhiều. Về sau hỏi khi không hiểu là một thói quen của tôi, có lúc tôi cũng nghĩ “không biết thầy nghĩ gì về mình nhỉ”. Thế mà cuối kỳ, thầy nói với tôi “em học rất tốt, em nên cân nhắc chọn phương pháp nghiên cứu là ngành học phụ”. Nếu tôi ngại chẳng dám tìm sự giúp đỡ của thầy thì chắc chắn tôi vẫn loay hoay với số má …Lại nữa, lúc làm bài tập phân tích số liệu bằng phần mềm R, tôi loay hoay cả chiều vẽ cái biều đồ thể hiện mối quan hệ giữa hai biến. Chẳng hiểu sao máy tính của tôi không hiện ra một biểu đồ nào mặc dù tôi đã thử tất cả các lệnh tôi có thể tìm thấy trong sách và trên internet. Đánh liều tôi quay sang hỏi Mat “này, xem cho tớ với, sao tớ không vẽ được cái biểu đồ này”. Mat học năm thứ ba nên rất rành R, nó quay sang làm cho tôi nhưng máy tính của tôi cũng cứng đầu cứng cổ không nhận lệnh. Tự nhiên nó chạy đi đâu, hoá ra nó đi gọi một thằng bạn khác đến xem cho tôi. Bạn này còn vác cả máy của tôi đi khởi động lại…và làm cho phần mềm của tôi chạy!!!! Tôi cảm động suýt rơi nước mắt. Sau những lần như thế, tôi thấy mình gắn bó với các bạn, với chương trình, với con đường mình chọn hơn rất nhiều!!

Vì thời gian có hạn nên ta phải tập trung

Trước đây tôi thường nghĩ rằng, vì thời gian có hạn nên ta phải cố gắng …học và làm tất cả những gì ta thích để về sau khi tóc đã bạc, chân đã yếu ta không hối tiếc. Nhưng giờ tôi nhận ra rằng, vì thời gian có hạn nên tôi phải biết ưu tiên những việc tôi thích VÀ quan trọng với tôi. Nếu tôi làm tất cả mọi thứ tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu sâu về một thứ gì cả. Hồi mới bắt đầu học môn chuyên ngành, đề tài nào tôi cũng thấy hấp dẫn, tôi lại còn có tham vọng muốn biết sâu về từng đề tài nữa chứ. Nhưng đó là điều không thể!! Vậy nên bây giờ tôi chỉ chọn một hướng đi, và chọn các môn học, các hoạt động liên quan đến hướng đi ấy mà thôi.

Động lực để bạn làm tốt một việc là tình yêu với nó

Tôi hài lòng với kỳ học đầu tiên của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa PhD đối với tôi là dễ, là giản đơn, là không có thách thức. Ngược lại, tôi đã trải qua rất nhiều mồ hôi, nước mắt và căng thẳng. Tôi đã từng ốm một tháng sau khi thức khuya liên tục trong một tuần. Tôi đã không có thời gian để gọi cho mẹ vì quá bận với đống công việc của lớp tôi làm trợ giảng và bài nghiên cứu cuối kỳ. Hai tuần gần đây, tôi dành hơn 10 tiếng ở văn phòng, có những hôm, thậm chí 10 giờ tối tôi mới từ văn phòng về nhà. Cũng rất nhiều lần tôi hoài nghi khả năng của bản thân…. .Nhưng tôi không hề hối tiếc về quyết định của mình. Tôi không cảm thấy “tuyệt vọng”, “cô đơn”, ngược lại tôi hoàn toàn tự nguyện làm những việc ấy bởi đơn giản tôi thật sự yêu thích công việc mình đang làm. Đọc , viết và trải những suy nghĩ của mình bằng câu chữ đem lại cho tôi rất nhiều hứng khởi và niềm vui. Và tôi cũng rất thích cảm giác bất chợt một ý tưởng nghiên cứu hiện ra trong đầu khi tôi đang đi bộ trong công viên hay đang mơ màng ngắm người đi ngoài phố từ cửa sổ xe bus. Tôi tin một cách sâu sắc rằng, để làm tốt một việc gì ta phải yêu thích công việc ấy, không một lý do, một “mục đích” nào có thể thay thế được điều ấy. Công việc cũ của tôi nhàn hơn rất nhiều, nhưng tôi không có một chút gì gọi là “tình yêu” với nó nên tôi cứ vật và vật vờ như kẻ lạc lối. Và vì không yêu, nên tôi cũng hay ca thán, than dài thở ngắn đến tội nghiệp. Lớp tôi có bạn gần như đã không trụ nổi sau kỳ học đầu tiên, tôi thường thấy bạn ngủ gật trong lớp và đuối hẳn so với các bạn khác. Bạn kể với tôi bạn muốn đến Mỹ học PhD vì bạn chán công việc đang làm ở nước bạn, và muốn sống ở Mỹ, bạn không ngờ rằng cuộc sống ở đây lại còn…chán hơn ở nhà nhiều đến thế. Tôi luôn tôn trọng những mục đích học PhD của mỗi người. Có người muốn đi học vì tấm bằng, vì nghĩ rằng sau này sẽ kiếm được nhiều tiền hơn (không nhé!!!), vì được sống ở Mỹ, vì muốn “du lịch miễn phí”, vân vân và vân vân. Đó là những lựa chọn cá nhân nhưng tôi tin sâu sắc rằng, mục đích quan trọng nhất để có thể học được PhD mà không thấy nhiều “đau đớn” là bạn phải yêu thích nghiên cứu, yêu thích việc mình đang làm. Thiên đường hay địa ngục cũng là khái niệm tương đối, bởi nó phụ thuộc hoàn toàn vào chính ta!

Cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này! Chúc bạn thứ tư vui!

Thanh Mai

 

3 thoughts on “Bốn tháng và những bài học quý giá!

  1. “Khi ta tin vào chính mình, thì người khác sẽ tin vào ta.” (Y) Neu minh da khong tin minh, thi ai tin vao minh. 🙂

    “Tự tin vào bản thân không đồng nghĩa với việc tin rằng ta giỏi nhất, ta biết hết mọi thứ, không ai bằng ta.” (Y) Tự tin = biet nguoi biet ta, biet điểm yeu va điểm manh cua ban than minh 🙂

Leave a Reply