Vì sao ta nên ngừng cố gắng gây ấn tượng với người khác?

IMG_0376.jpg

Hôm nay, tôi nhận được bưu thiệp của Meggie từ nước Anh xa xôi. Tôi và Meggie quen nhau khi chúng tôi cùng làm trợ lý dự án cho một công ty đối tác của viện nghiên cứu nơi tôi theo học thạc sỹ ở Anh. Vì làm cùng dự án suốt ba tháng nên chúng tôi từ xa lạ trở thành bạn bè thân thiết. Trước khi về Việt Nam, tôi mời cô đến ăn trưa tại nhà hàng Pho Brighton, nhà hàng Việt Nam duy nhất tại Brighton. Cả buổi trưa hôm ấy, Meggie chia sẻ với tôi chuyện tình yêu của cô. Chả là cô đang cảm mến một anh chàng mới quen (qua một người bạn), nhưng cô không rõ ý người ta thế nào. Sau khi ăn trưa với tôi, cô sẽ đi uống cà phê với anh chàng. Lúc cô kể với tôi về cuộc hẹn, tôi mới để ý trang phục mà cô diện trên người. Đơn giản nhưng thật đẹp và cuốn rũ! Khi thấy ánh mắt tràn ngập thán phục của tôi dành cho bộ đầm cô đang mặc, cô bất chợt lên tiếng:

-Mai thấy tớ mặc bộ váy này thế nào? Tớ muốn gây ấn tượng thật tốt với anh ấy.

-Đẹp lắm. Tớ tin là anh ấy sẽ có ấn tượng tốt về cậu

Ăn trưa xong, tôi chia tay Meggie và Brighton để quay lại Chichester, nơi tôi đang sống cùng một gia đình người Anh. Tôi bay về Hà Nội sáng hôm sau. Vừa vào phòng chờ của sân bay Gatwick, tôi nhận được tin nhắn của Meggie. Cô viết “Mai ơi, tớ có cảm giác, tớ đã để lại ấn tượng rất tệ với anh ấy”

Câu chuyện của Meggie khiến tôi nghĩ nhiều đến những lần tôi cố gắng gây ấn tượng tốt với người khác. Trước khi bắt đầu một công việc mới, tôi thường tự nhủ “mình phải cố gắng tạo ấn tượng thật tốt với sếp và đồng nghiệp mới được”. Trước khi đến Mỹ làm nghiên cứu sinh, tôi luôn canh cánh suy nghĩ “làm sao để khiến các giáo sư thật ấn tượng về mình nhỉ?” Hay như khi bạn đồng hành rủ tôi đi ăn tối cùng cơ quan và gia đình anh, tôi luôn lo lắng liệu mình có để lại ấn tượng tốt trong lòng mọi người không. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vì con người là sinh vật xã hội nên ta có xu hướng tìm cách gây ấn tượng và chứng tỏ bản thân, khi ta muốn được thừa nhận là một thành viên của một nhóm, một cộng đồng nào đó. Ta cố gắng gây ấn tượng với sếp mới, đồng nghiệp mới, với thầy cô bạn bè mới, vì ta nóng lòng muốn họ nhận ra ta cũng xứng đáng là một thành viên trong đó. Cố gắng gây ấn tượng và chứng tỏ bản thân là bản năng bình thường của con người. Tuy nhiên, gắng sức tạo ấn tượng đôi khi đem lại kết quả không mấy ngọt ngào. Vì sao?

Thứ nhất, khi muốn gây ấn tượng với người khác, ta thường đặt ra kỳ vọng rất cao nơi bản thân và người khác.Ta sẽ tự vẽ ra vô vàn những viễn cảnh trong tương lai, và khi thực tế không diễn ra như thế, ta bị vùi dập trong thất vọng và chán nản.

Liệu có phải Meggie đã để lại ấn tượng tệ như cô ấy nói không? Tôi không phải là người bạn trai kia nên tôi không thể biết được. Nhưng tôi chắc chắn rằng, Meggie đã kỳ vọng rất nhiều vào cuộc gặp đó. Tôi cá là cô đã vẽ ra cả một câu chuyện về lần gặp mặt đó nữa. Có thể cô kỳ vọng anh chàng đó sẽ khen bộ váy của cô thật đẹp. Có thể cô muốn anh nói những lời có cánh, hay mời cô đi xem phim và ăn tối lần sau. Có thể cô đã nghĩ anh chàng sẽ phải nhắn tin cho cô ngay khi vừa chia tay. Và biết đâu, cô cũng mong anh ấy tỏ tình với cô ngay hôm ấy. Và vì thế, khi anh chàng đó không làm, không nói những điều mà cô mong đợi, cô sẽ cảm thấy mình không gây được ấn tượng như mong muốn. Hậu quả là cô cảm thấy thất vọng và buồn bã.

Hồi mới bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh, tôi luôn đến lớp với tâm thế của một người cố gắng gây ấn tượng thật tốt với thầy cô và bạn bè. Trước khi đến nói chuyện, thảo luận với thầy về bài viết, tôi chuẩn bị rất kỹ. Trên đường đến gặp thầy, tôi thường tự nhủ “thầy sẽ thích bài viết này, ý tưởng này của mình cho mà xem. Kiểu gì thầy cũng khen mình”. Vì kỳ vọng như thế, nên khi thầy góp ý tôi phải chỉnh sửa chỗ này, chỗ kia, tôi cảm thấy rất thất vọng. Thể nào sau đó, tôi sẽ tự trách bản thân không đủ tốt, không đủ thông minh, không suy nghĩ thấu đáo và cẩn thận. Càng cố gây ấn tượng, tôi càng mất đi sự tự chủ đối với cảm xúc của bản thân. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và tinh thần của tôi. Tôi tự nhủ năng lượng tiêu cực này cần phải chấm dứt. Và thế là tôi quyết chuẩn bị cho bản thân một tâm thế mới: người duy nhất tôi cần gây ấn tượng là chính bản thân tôi mà thôi. Từ đó trở đi, thay vì nghĩ làm sao để thầy ấn tượng với mình đây, tôi sẽ nghĩ mình sẽ học được gì từ những góp ý của thầy đây? Sau trải nghiệm này, mình sẽ trưởng thành lên thế nào đây? Mình cần cải thiện những điểm yếu nào đây? Thay vì đặt kỳ vọng, và tự vẽ ra những viễn cảnh không có thật, tôi sẽ chỉ cố gắng làm tốt nhất những gì trong khả năng của mình. Còn người khác nhận xét thế nào về tôi và sản phẩm của tôi, điều đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của tôi. Và thật không ngờ, cách nhìn mới này đem lại cho tôi sự tự do vô cùng lớn. Tôi tự cảm thấy ấn tượng về bản thân khi tôi làm việc chăm chỉ, hiệu quả, khi tôi cố gắng học hỏi và tiến bộ mỗi ngày. Khi tôi chẳng còn quan tâm tôi có gây ấn tượng với các giáo sư không nữa, thì tôi lại nhận được nhận xét “Mai, em đang làm tốt đấy!”

Thứ hai, khi cố gắng tạo ấn tượng, ta thường mất đi sự tự nhiên trong lời nói và hành động. Ta thường cố gắng hành xử theo cách mà ta nghĩ là người khác sẽ thích và hài lòng. Tôi còn nhớ trong bữa trưa hôm đó, Meggie tâm sự với tôi về tin nhắn trò chuyện giữa cô và anh chàng. Cô cứ hỏi tôi, liệu cô viết thế này, thế kia thì anh chàng sẽ nghĩ gì về cô. Rồi cô bảo tôi rằng có lần anh chàng tiết lộ với cô anh thích một người phụ nữ vui vẻ và lạc quan. Thế là cô tìm cách viết tin nhắn sao cho…vui vẻ và lạc quan. Nhưng cách này thường không có tác dụng. Lý do vì ta vừa phải đoán đối tượng thích gì, không thích gì, rồi ta lại phải thay đổi con người thật của ta sao cho phù hợp với tiên đoán đó. (Và rất rất có thể những dự đoán của ta là trật lất so với thực tế). Có đôi lúc, tôi bật cười khi nghĩ lại cách cư xử và suy nghĩ khi mới bắt đầu con đường nghiên cứu sinh. Lúc mới học, tôi khát khao được chứng tỏ bản thân. Tôi cứ nghĩ thế này: các thầy cô chắc sẽ thích một nghiên cứu sinh năng động, hay nói, nói nhanh suy nghĩ nhanh (kiểu như vừa nghe câu hỏi phải phát ra ngay được câu trả lời), và kiên quyết bảo vệ ý kiến, quan điểm của bản thân. Lần ấy, trong buổi thảo luận về văn hoá chính trị, giáo sư đặt câu hỏi, chưa kịp suy nghĩ cẩn thận tôi đã trả lời luôn. Nhưng thật ngại vì tôi hiểu sai hoàn toàn câu hỏi của thầy. Sau này, thầy có bảo với tôi rằng năm thứ nhất, trường chỉ kỳ vọng chúng tôi tiếp thu hấp thụ đống cơ sở lý thuyết đã có sẵn thôi, ý kiến và quan điểm cá nhận sẽ phát triển từ từ. Thật ra lần ấy, tôi đã không cư xử như con người thật của tôi. Thường thì, tôi sẽ suy nghĩ kỹ trước khi trả lời, nhưng có lẽ mong muốn gây ấn tượng mạnh quá khiến tôi trở nên xuẩn ngốc trong giây lát. Một bài học nhớ đời!

Tôi còn nhớ, khi trẻ hơn tôi có thích một cậu bạn. Tôi tìm mọi cách để gây ấn tượng với cậu ấy. Tôi giả vờ thích loại nhạc, loại phim ảnh mà tôi nghĩ cậu ấy sẽ thích. Hình như, cậu ấy thích ban nhạc Boyzone hay Backstreet Boys gi đấy, tôi nào có yêu thích gì nhóm nhạc ấy đâu, nhưng để gây ấn tượng, tôi cũng cố nghe và vờ yêu thích. Tôi cũng giả vờ quan tâm đến những thứ mà tôi không thích nhưng tôi nghĩ cậu ấy thích. Tôi cố trở thành mẫu người mà tôi nghĩ cậu ấy thích. Khi nói chuyện với cậu ấy, lúc nào tôi cũng nghĩ “mình phải nói gì để cậu ấy để ý đến mình nhỉ”. Nghĩ lại, sở thích và các câu chuyện mà tôi kể cho cậu ấy chẳng có sự thống nhất và mạch lạc gì cả. Tôi muốn trở thành một người thật ấn tượng trong mắt cậu ấy, nhưng có lẽ đối với cậu ấy, tôi là cô gái…kém ấn tượng nhất quả đất. (haha).

Tôi gặp chồng tôi rất tình cờ, và tôi không hề có ý định gấy ấn tượng gì với anh ấy cả. Thế mà, anh ấy thổ lộ tình cảm với tôi bằng câu nói “em là một cô gái rất ấn tượng”. Tôi hỏi, vì sao anh lại nghĩ thế. Anh trả lời, vì tôi lúc nào cũng rất tự nhiên, không gò bó trong cách nói chuyện và cư xử. Anh có cảm giác như tôi lúc nào cũng là chính tôi, tôi không phải tỏ ra là một người khác. Tôi mới kể với anh chuyện tôi đã cố tình gây ấn tượng ra sao với cậu bạn kia. Anh mới bảo nếu tôi làm thế với anh, có lẽ anh đã chả bị ấn tượng rồi. Thế mới biết, sự ấn tượng có thể đến khi ta chẳng gồng mình tạo ấn tượng!

Thứ ba, khi cố gắng tạo ấn tượng, ta hướng toàn bộ suy nghĩ và năng lượng vào bản thân ta, thay vì sản phẩm ta tạo ra. Ta dễ dàng đánh đồng giá trị bản thân với chất lượng sản phẩm. Khi đang khát khao gây ấn tượng với sếp và đồng nghiệp mới, ta không thoát khỏi suy nghĩ thế này: nếu sếp khen báo cáo này còn nhiều điểm phải sửa, ta sẽ cho rằng sếp đang nghĩ ta kém cỏi, không đủ năng lực; nếu sếp khen bài viết của ta tốt, ta sẽ mặc nhiên cho rằng bản thân ta tốt. Vì thế, nếu lần sau ta bị chê, ta sẽ hoặc là hoài nghĩ về năng lực của bản thân, hoặc quay sang soi mói cấp trên của ta thay đổi suy nghĩ như thay áo. Nhưng ta quên mất rằng, một sản phẩm không hoàn hảo không có nghĩa giá trị bản thân ta kém.

Đọc xong bài viết này, chắc các bạn nghĩ tôi đã thoát khỏi vòng luẩn quẩn gây ấn tượng-kỳ vọng-thất vọng rồi phải không? Không hề, tôi cũng chỉ là một người bình thường có khao khát được thừa nhận là thành viên của nơi tôi muốn thuộc về. Tôi không phải là một chú mèo có thể sống cô độc trên một hoang đảo, không màng gì đến ấn tượng người khác dành cho tôi. Nhưng khi nhận ra những hậu quả không ngọt ngào của việc gồng mình gây ấn tượng và chứng tỏ bản thân, tôi tự nhủ với mình ba điều sau (1) bản thân tôi là đối tượng duy nhất tôi cần gây ấn tượng; (2) luôn suy nghĩ và hành động sao cho bản thân tôi cảm thấy tự nhiên và thoải mái; và (3) tách bạch giá trị bản thân và chất lượng sản phẩm tôi làm ra. Và khi tôi đã nỗ lực hết mình trong công việc và cuộc sống, tôi tạo ra ấn tượng thế nào trong lòng người khác hoàn toàn là quyết định của họ- không phải của tôi!

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui!

Thanh Mai

 

 

 

 

 

 

4 thoughts on “Vì sao ta nên ngừng cố gắng gây ấn tượng với người khác?

  1. Em không cố gắng gây ấn tượng, keke, nhưng em muốn chị biết rằng bài viết này của chị tuyệt quá, gần như là tuyệt nhất trong những bài em đã đọc của chị vào mỗi thứ Hai đi làm 🙂

  2. Bài viết này khiến e thấy mình thật rõ cách đây 3,4 năm. Bây h e vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này nhưng sau khi đọc bài viết của chị khiến e nhận ra cố gắng gây ấn tượng vs người khác chỉ khiến mình thất vọng vì kì vọng vào bản thân quá nhiều thôi. Là chính bản thân, chấp nhận chính mình và cố gắng là phiên bản tốt nhất của chính mình mới là điều quan trọng. Cảm ơn chị nhiều, rất thích bài viết của chị ạ !!!

    1. Chào em, cảm ơn em đã đọc bài và để lại comment rất chân thành. Chị nhận ra những mặt trái của việc cố gắng gây ấn tượng, nhưng chị cũng hiểu không dễ để ta có thể làm khác đi. Vì chúng ta ai cũng muốn tạo ấn tượng trong lòng người khác mà. Chị cũng đồng ý với em, thay vì cố gắng là một người khác, ta chỉ cần cố gắng hết sức để phát triển bản thân mình! Chúc em một thứ hai thật vui!

Leave a Reply