Sau một năm rưỡi kể từ ngày lập trang blog này, tôi đã viết hơn 50 bài với nhiều chủ đề khác nhau, từ trải nghiệm du học, học tiến sỹ đến những thay đổi trong suy nghĩ và nhận thức về một số vấn đề trong cuộc sống. Viết blog thật sự đã đem lại niềm vui cho cuộc sống nghiên cứu sinh vốn bận rộn và căng thẳng của tôi. Tuần này, khoa tôi mời những ứng viên đã được nhận vào chương trình tiến sỹ đến tìm hiểu về khoa, trước khi các bạn quyết định có chấp nhận thư mời nhập học hay không . Các bạn có cơ hội thảo luận và đặt bất cứ câu hỏi gì liên quan đến việc học tiến sỹ cho các sinh viên đang theo học. Rất nhiều bạn hỏi: “Làm thế nào để việc học bớt căng thẳng? Làm sao để một nghiên cứu sinh có thể cân bằng công việc và cuộc sống riêng?”. Chúng tôi đều có chung câu trả lời: “Hãy tìm cho mình một thú vui, sở thích không liên quan đến công việc”. Điều này vô cùng quan trọng!
Một cô bạn cùng lớp tôi kể, mỗi lần công việc mệt mỏi quá, bạn lại đan áo cho bản thân và những người xung quanh. Một cô bạn khác thì kể, cô lập một nhóm đọc trên mạng, họ gặp nhau và chia sẻ những cuốn tiểu thuyết hay mỗi tháng một lần. Và thú vui của tôi chính là trang blog này. Tại đây, tôi được viết về những thứ bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Khi nào cảm thấy viết nghiên cứu đi vào ‘ngõ cụt’ hoặc quá căng thẳng, tôi lại tạm gác công việc sang một bên, và nghĩ chủ đề cho blog, hoặc đọc lại những bài viết đã đăng.
Hôm nay, tôi xin tổng hợp bốn bài viết mà tôi thấy thật sự tâm đắc. Tâm đắc không phải vì bài viết nhận được nhiều lượt đọc, không phải vì tôi nghĩ tôi viết hay, cũng không phải vì bài viết chạm đến những đề tài cao siêu đặc biệt gì. Tôi thấy tâm đắc, đơn giản vì bài viết thể hiện sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức của tôi. Hiện tại, tôi thấy may mắn vì đã hiểu ra được những điều này. Mời bạn đọc blog cùng tôi đọc lại những bài viết này nhé.
Vì sao một người bình thường đi xa.
“Một lần đi uống cafe Hồ Tây, tôi nghe được cuộc nói chuyện của một nhóm các bạn trẻ ngồi cạnh bàn tôi. Các bạn đang bàn tán về những người “thứ ba”- những người không có mặt ở buổi nói chuyện hôm đó. Trong số những cái tên không có mặt được nhắc đến, tôi ấn tượng nhất với A và B (tôi xin đặt tên cho hai bạn như vậy thay vì tên thật). “Cái A ngày xưa đi học bình thường thế mà bây giờ lại xin được học bổng đi khắp nơi, thằng B ngày trước học giỏi thế mà bây giờ cũng không có gì đặc biệt”. Đó là những nhận xét của nhóm bạn dành cho A và B. Sự ngạc nhiên lúc nào cũng tìm đến tôi mỗi khi tôi nghe những câu nói như thế. Tôi chột dạ tự hỏi: thế nào là người “bình thường”, thế nào là người “giỏi”? Và quan trọng hơn dựa vào tiêu chí nào chúng nào ta có thể đánh giá một người là “bình thường”, và một người khác là “giỏi”? Tại sao mỗi khi một người “bình thường” đi được xa, ta lại ngạc nhiên? Tôi chợt nhận ra rằng những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường đã đóng khung chúng ta trong khái niệm “bình thường”, và “giỏi”. Từ cấp một đến cấp ba, chúng ta luôn nâng niu, ưu ái những học sinh giỏi các môn học chính. (Thật lòng đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao ta lại chia ra “môn chính” và “môn phụ”, tại sao học thể dục lại không quan trọng bằng học toán? Tại sao học giỏi toán lại được coi là thông minh còn học giỏi địa lý thì lại “bình thường”?) Những học sinh không đạt tiêu chuẩn này là những người “bình thường”. Nói một cách khác, ta đánh giá độ “giỏi” của học sinh dựa trên chỉ số IQ (mà thậm chí chỉ giới hạn ở những môn chính). Và dù sau này có trưởng thành đến đâu ta cũng vô thức sử dụng tiêu chuẩn này như một cơ sở để đánh giá sự thành công của người đó trong tương lai. Chính vì thế, ta mới hay có những nhận xét như “ngày xưa nó học bình thường thôi mà bây giờ lại làm được những việc như thế”.
Tuy nhiên, đôi khi những người “bình thường” lại sở hữu nhiều yếu tố mà người được cho là “giỏi” lại không có. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ số thông minh cảm xúc, khả năng giao tiếp, tương tác với người xung quanh, tính cần cù, bền bỉ, kiên nhẫn là những phẩm chất quan trọng quyết định một cá nhân có thể tiến xa trong cuộc sống hay không. (Tất nhiên nếu một người vừa có chỉ số IQ cao, lại vừa có những đặc điểm của một người “bình thường” thành công thì người đó sẽ đi được rất xa, và tôi sẽ không bàn đến trong bài viết này). Những tính chất này của “người bình thường thành công” lại khó được đong đếm và “lượng hoá”. Đâu có học bạ nào chấm điểm cho sự cần cù, hay tính bền bỉ phải không?”
Mời bạn đọc tiếp tại đây:
https://maithanhtruong.net/2018/07/29/vi-sao-nguoi-binh-thuong-co-the-di-duoc-rat-xa/
Muốn đến đích nhanh phải đi thật chậm
“Hôm ấy, lớp tôi rủ nhau đi ăn trưa trong cantin. Đang trò chuyện rôm rả về bóng đá Mỹ, thì một bạn trong lớp bỗng chuyển chủ đề sang việc học. Bạn hỏi cả nhóm:
-Có bao giờ mọi người thấy hoài nghi khả năng làm nghiên cứu của chính mình không? Liệu đến một ngày nào đó, mình có thể smart và hiểu biết nhiều như các thầy được không?
Có lẽ sinh viên PhD năm đầu ai cũng có lần tự đặt cho mình câu hỏi ấy. Chúng tôi cùng nhìn nhau rồi cười. Thằng bạn Hàn Quốc bỗng lên tiếng:
-Mọi người có biết theo lối truyền thống, kimchi ở Hàn Quốc được làm thế nào không?
Chúng tôi đứa nào cũng thích ăn kimchi, nhưng có đứa nào biết nấu đâu, nên tất thảy đều lắc đầu và chờ câu trả lời từ nó. Tôi thầm nghĩ “đang nói chuyện học PhD, sao tự nhiên nó lại hỏi đến kim chi, chả liên quan gì cả. Lạ thật đấy”. Đang cười thầm trong bụng, thì nó tiếp tục câu chuyện về kimchi:
-Ở Hàn Quốc ngày xưa, vào mùa hè người ta giữ kimchi dưới giếng nước hoặc suối có luồng nước mát chảy qua để làm chậm quá trình lên men. Tới mùa đông, người Hàn Quốc xưa dùng một nồi sành được chôn dưới đất để giúp kimchi không bị đông lạnh và giữ được hương vị trong một thời gian dài. Sau một thời gian dài lặng lẽ, bình tĩnh sống dưới lòng đất, nồi kim chi mới trở nên thơm ngon như thế cho ta thưởng thức đấy. Thế nên mọi thứ đều cần thời gian, chúng ta cứ bình tĩnh, thầm lặng “sống dưới lòng đất” 4-5 năm nữa đi. Đến một ngày, ta cũng sẽ trở nên thông minh như các thầy và đạt được những điều ta muốn. Điều quan trọng là phải kiên nhẫn”
Mời bạn đọc tiếp tại đây:
https://maithanhtruong.net/2017/10/29/muon-den-dich-nhanh-phai-di-that-cham/
Đen và trắng
“Vào một ngày tháng 4 gió lạnh hơn một năm trước, tôi đến thăm bảo tàng The Beatles (The Beatles Story) tại thành phố Liverpool. Quả không quá lời khi nói rằng, nếu thiếu đi The Beatles Story, Liverpool sẽ mất đi một nửa vẻ hấp dẫn và sôi động của nó. Ngày tôi đến thăm bảo tàng cũng trùng với ngày một đoàn các em học sinh mà tôi đoán là từ Pháp (tôi thấy chúng nói chuyện với nhau bằng tiếng pháp) đến đây tìm hiểu về The Fab Four. Có vẻ đây là một buổi học ngoại khoá âm nhạc của các em. Điều khiến tôi ngạc nhiên là khi chứng kiến các em học sinh mắt tròn, mắt dẹt thể hiện sự sửng sốt khi xem đoạn video về cái gọi là Beatlemania -chứng cuồng The Beatles. Trong thập niên 60, Tiếng Anh đã chứng kiến sự xuất hiện của một từ mới “Beatlesmania”, từ để chỉ sự điên cuồng mà một lượng fan khổng lồ đã dành cho 4 chàng trai của The Beatles. Video quay cảnh một loạt các cô gái xinh đẹp trẻ trung đang cuồng nhiệt gọi tên 4 chàng trai The Beatles và khóc ngất khi gặp họ ở sân bay. Tôi xin nhấn mạnh, với từ “khóc ngất” tôi hoàn toàn dùng theo nghĩa đen bởi sau khi bị ngất, các cô được một toán các anh cảnh sát đưa đi. Khi xem những cảnh này, tâm trí tôi không khỏi tự hỏi ai trong số những cô gái này (mà bây giờ tôi phải gọi là bà mới đúng) đã điên rồ đến mức nghĩ rằng nếu con cái của họ bị ốm, chỉ cần được một trong số 4 chàng trai này chạm vào là có thể khoẻ như văm luôn (trong thời hoàng kim của The Beatles, tồn tại rất nhiều “thuyết” như thế này từ các crazy fan). Một lần lang thang các trang forum, tôi bắt gặp tâm sự của một bác trai than phiền rằng, thời trai trẻ vì trót “nói xấu” John Lennon với một cô gái bác đang tán tỉnh, mà bác bị ghét từ đó. Vì dại mồm dại miệng mà bị ném trả lại trái tim.”
Mời bạn đọc tiếp tại đây:
https://maithanhtruong.net/2015/12/27/den-va-trang/
Đừng trèo thang vội vàng
“Mười phút nữa buổi học mới bắt đầu, nhưng thầy và tôi đã chờ sẵn trước cửa phòng học 100 – căn phòng lớn nhất trường, có sức chứa gần 500 người. Trong khi chờ đợi lớp học trước tan ca, tôi và thầy thảo luận về những nội dung của bài học hôm nay, và kiểm tra lại những tài liệu sẽ phát cho sinh viên. Thật khó mà tin được, đây là năm thứ chín thầy đứng lớp khóa học “The Politics of Happiness” bởi tôi vẫn cảm nhận được lòng nhiệt thành, sự hứng khởi trong từng câu chữ thầy nói về khóa học, và trong từng tờ tài liệu thầy chuẩn bị cho sinh viên.
-Thầy ơi, trong bài học về “American Dream” (giấc mơ Mỹ) hôm nay, thầy sẽ cho sinh viên nghe nhạc gì ạ?
Lấy cớ hỏi cho sinh viên nhưng thật ra tôi đang muốn thỏa mãn trí tò mò của bản thân. Suốt đoạn đường từ văn phòng đến lớp học, tôi cứ tự hỏi trong đầu “hôm nay mình sẽ được thưởng thức nhạc gì đây, hồi hộp quá đi”. Tôi đặc biệt thích cách thầy lồng ghép âm nhạc vào bài giảng. Thầy luôn gợi mở nội dung bài học bằng âm nhạc. Mười phút đầu giờ, sinh viên sẽ có cơ hội để mặc tâm hồn mình phiêu du theo những bản nhạc trữ tình, giàu ý nghĩa. Tôi cũng như các em sinh viên quốc tế có lẽ chỉ biết đến âm nhạc Phương Tây và âm nhạc của chính quê hương mình thôi. Nhưng thầy, như một vị sứ giả, đã đưa tâm hồn tôi đến với âm nhạc của những nền văn hóa thật xa lạ. Bạn có biết ai là ‘Tâm hồn xứ sở Lebanon”, hay ai là “Đại sứ của các vì sao” không? Đó chính là Fairuz, bà là nghệ sỹ đã dùng âm nhạc để kết nối sự đa dạng văn hóa, chính trị của Lebanon- một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh.”
Mời bạn đọc tiếp tại đây:
https://maithanhtruong.net/2017/09/10/cau-chuyen-nuoc-my-dung-treo-thang-voi-vang/
Chúc bạn một thứ hai đầu tuần nhiều niềm vui!
Thanh Mai
Xin liên hệ với tác giả nếu bạn muốn sử dụng lại bài viết.