Kỷ niệm nước Anh: Con đường tôi đến với nước Anh và câu chuyện về tình mẹ con (Phần 2)

IMG_3301

(Sáng hôm giáng sinh trời lạnh cắt da cắt thịt, may mà được bác tặng cho một chiếc mũ len!)

Trước khi đọc bài viết tuần này, mời bạn đọc phần 1: Kỷ niệm nước Anh: Một cái duyên bất ngờ (Phần 1)

Sáng ngày 25 tháng 12, năm 2014. Mưa. lạnh.

 Tôi thức dậy lúc bảy giờ sáng, và thưởng thức món trà Anh đặc trưng của nước Anh cùng gia đình bác Hanah. Uống trà xong, bác Hanah rủ tôi đi dạo quanh thành phố. Trước khi đi, bác chuẩn bị món gà tây- món cổ truyền của Anh dịp lễ giáng sinh.

“Bác ơi, sao bác lại cho nửa quả tranh vào bụng con gà thế ạ?”

“À, bác làm thế để cho mùi của chú gà hấp dẫn hơn. Bác muốn cháu được thưởng thức món gà Tây tuyệt nhất của nước Anh”. Bác giải thích, rồi đặt chú gà tây thơm phức vào lò nướng.

“Bây giờ, bác cháu mình đi bộ nhé. Mình đi đến trưa về sẽ có gà ăn”.

“Bác ơi, rủ John đi nữa nhé.”

“Thôi, John còn bận chơi điện tử. Nó chẳng đi đâu. Hôm nay Suki sẽ có nhiệm vụ đưa chúng ta đi dạo quanh thành phố”.

Không hiểu sao, khi nhắc đến John bác bỗng thở dài, và nét mặt phảng phất nét muộn phiền. Tôi thật sự muốn hiểu hơn về cậu bé và gia đình bác Hanah.

Chú chó Suki chạy trước dẫn đường cho chúng tôi. Ông trời nhả những hạt mưa lạnh xuống mặt đất, nhưng hạt mưa lại gan lì đậu lên mặt, lên tóc người khách bộ hành. Chú chó Suki chẳng hề hấn gì trước cái lạnh. Cứ đi một đoạn, chú lại sột soạt rũ bộ lông vàng mượt, thả những hạt mưa lạnh về đúng vị trí của chúng- mặt đất. Bỗng chú kêu lên khe khẽ và chạy vội vào một ngõ vắng. Tôi hốt hoảng sợ lạc mất Suki, nhưng bác Hanah vội trấn an tôi:

“Không sao đâu cháu. Suki đang dẫn chúng ta vào sân cỏ địa phương, địa điểm mà chú yêu thích nhất trong thành phố đấy”.

Thế rồi Suki dẫn chúng tôi vào một con hẻm nhỏ, hai bên là hai bức tường nâu rêu phong đã phủ kín tự bao giờ, phía dưới là cỏ xanh đang thay nhau đua lên hứng ánh sáng mặt trời. Đi đến phía bên kia con hẻm, chúng tôi đặt chân lên sân vận động bóng đá cũ giờ là nơi cư ngụ của một lớp cỏ xanh mượt. Suki thích quá, bỏ lại chúng tôi và chạy quanh sân cỏ, khuôn mặt toát lên vẻ hứng khởi như một chú gấu lần đầu được đón mặt trời sau mấy tháng ngủ đông lạnh giá. Tôi đặng muốn hỏi bác Hanah về John, con trai bác nhưng còn ngại ngùng. Dường như hiểu được thắc mắc của tôi, bác mở lòng và chia sẻ với tôi về cuộc đời và con trai bác.

“Chắc cháu cũng để ý đến sự khác lạ của John phải không? Hồi ba bốn tuổi, John là một cậu bé rất đáng yêu. Tình cảm, ngọt ngào và cởi mở. Không hiểu sao khi bắt đầu đi học, cậu lại trở nên rất hung hãn, và dễ cáu gắt. Cậu rất hay gây gổ đánh nhau với bạn cùng lớp. Bác thường xuyên phải nghỉ làm để đến trường giải quyết những hậu quả mà cậu gây ra”.

“Thế bố của John có giúp bác nhiều không ạ?”

“Đó là một cuộc hôn nhân thất bại, cháu ạ. Bác gặp bố John khi mới hai hai tuổi. Ở tuổi ấy, cô gái nào chả đổ rụp trước hình ảnh một người lính hải quân lịch lãm điển trai. Có được tình cảm của bố John bác tự hào lắm. Bác yêu vội rồi cưới cũng vội. Sau này bác mới nhận thấy giữa bác và ông ấy có nhiều điểm bất đồng. Ông ấy không quan tâm đến gia đình và không tự lo được cho bản thân. Sau khi hai bác chia tay mấy năm, ông ấy ra đi vì uống quá độ”.

Bác vừa kể chuyện, vừa đưa mắt nhìn theo chú chó Suki. Dứt lời kể, bác gọi với:

“Suki, đừng đi quá xa nhé, khéo bị lạc đấy”.

Bác lấy tay quệt những hạt mưa đang bướng bỉnh bám lên đôi mắt xanh, để lộ ra những nhọc nhằn mà cuộc đời dành cho bác, rồi tiếp tục chia sẻ câu chuyện với tôi.

“Khi John trở nên hung dữ, không ít bạn bè và người thân của bác cho rằng “hung dữ” là bản chất của cậu bé, rằng John là một cậu bé hư vô phương cứu chữa. Bác không tin cháu ạ, bản năng làm mẹ khiến bác linh tính rằng John có bệnh về tâm lý và y học có thể giúp được cậu. Cháu biết không, những khi John không hung hăng, cậu bé rất thích đọc sách và tìm hiểu về thế giới. Cậu đặc biệt thích vật lý, và yêu thích sách về vũ trụ. Cậu bé có thể nói hàng giờ về các vì sao và hành tinh trên bầu trời không biết chán. Cậu bé ít nói, nhưng thật ra rất tình cảm và sâu sắc. Bác đưa John đi khám rất nhiều bệnh viện, nhiều bác sỹ cho rằng John có vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, và không thể theo học ở các trường học dành cho người bình thường. Nhưng tận sâu thẳm, bác cảm nhận John của bác không mắc bệnh nghiêm trọng đến thế. Thế rồi, bác tình cờ gặp một bác sỹ cũng đồng quan điểm với bác. Cậu bé mắc triệu chứng ADHD (chứng rồi loạn tăng động giảm chú ý) thể nhẹ, khiến cậu khó tập trung và dễ nổi nóng. Cậu bé phải thường xuyên dùng thuốc để kiềm chế cơn nóng giận và cải thiện khả năng tập trung. Bác rất mừng vì càng lớn bệnh tình của cậu càng đỡ. Cậu vẫn lầm lì, ít nói nhưng sâu thẳm là một chàng trai tình cảm, biết quan tâm đến người khác và ham học hỏi”.

“Vâng ạ, cháu cũng có cảm nhận như bác mặc dù cháu và cậu ấy chỉ mới trao đổi vài câu ngắn ngủi khi trang trí cây thông Noel. Cháu rất ngưỡng mộ tình thương bác dành cho John ạ. Có lẽ mọi chuyện đã khác nếu bác tin rằng John là cậu bé hư hỏng hoặc có bệnh tâm thần nặng”.

Vừa kể xong câu chuyện của John thì Suki cũng kết thúc chuyến phiêu lưu của chú quanh sân cỏ. Chú dẫn chúng tôi quay lại con hẻm và đi về phía trung tâm thành phố. Vừa ra khỏi phía bên kia con hẻm, Suki lao nhanh qua đường về phía trường dạy ngoại ngữ.  Bác Hanah và tôi chạy vội theo chú. Hoá ra, chú phát hiện ra mẩu bánh mỳ mà ai đó đã đánh rơi. Chú nhìn bác Hanah với ánh mắt chăm chú và dịu dàng như thể đang xin phép bác được ăn miếng bánh mỳ mà chú vất vả lắm mới tìm được.

“Rồi, cậu có thể ăn miếng bánh mì đó”.

Chỉ cần nghe có thể, Suki lao đến ăn miếng bánh mỳ. Một đôi tình nhân từ đâu đi tới. Người đàn ông chỉ trạc hai sáu, hai bảy tuổi chỉ vào Suki và thầm thì vào tai cô gái điều gì đó. Nhận ra chúng tôi là bạn đồng hành của chú chó, anh lên tiếng:

“Tôi cũng từng có một chú chó xinh đẹp như thế này. Chú chó đáng yêu quá. Giáng sinh an lành nhé hai bác cháu”.

Ăn xong miếng bánh mỳ, Suki lại dành lấy trọng trách dẫn chúng tôi đến địa điểm tiếp theo của thành phố- nhà thờ Chichester. Vừa đặt chân đến sân cỏ phía trước nhà thờ, chúng tôi thấy một người đàn ông dẫn theo một chú chó nhỏ đi qua. Thật kỳ là, chú chó nhỏ chẳng thèm quan tâm Suki mặc dù Suki đang đứng chắn đường chú. Thường các chú chó nhỏ thích gây chiến với cho to lắm, bởi chúng muốn khoe khoang sức mạnh mà. Có lẽ, chú chó “tha” cho Suki để người dân Chichester có một cái giáng sinh yên bình và nhẹ nhàng. Tôi và bác Hanah để mặc cho Suki đi dạo quanh nhà thờ và ngồi tâm sự dưới một gốc cây phía trước nhà thờ.

“Kể cho bác nghe, còn đường đi du học và đến với nước Anh của cháu như thế nào?”

Cảm giác tin tưởng và thân thiết tìm về với tôi. Tôi tâm tình với bác như hai người bạn lâu năm.

“Ngay từ nhỏ cháu đã rất thích đi du học. Cách đây hơn hai mươi năm, khi người ta quan tâm nhiều hơn đến toán, văn, bố mẹ cháu đã nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh. Bố cháu thường nói “nếu con biết tiếng Anh, con sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống”. Và những bài học tiếng Anh khi cháu còn nhỏ tuổi đã nhen nhóm ham muốn bước chân ra thế giới rộng lớn của cháu. Ngày nhỏ, cháu mê các chương trình dạy tiếng Anh qua các bài hát và chương trình ca nhạc nước ngoài lắm bác ạ”.

“Cháu có nhớ những bài hát nào đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cháu không?”

Chẳng cần nhiều nỗ lực, tôi có thể kể vanh vách những ca khúc đã nhen nhóm ước muốn đặt chân ra thế giới của tôi. Đó là “Let it be” của The Beatles. Đó là “Top of the World”, là “Yesterday Once More” của The Carpenter. Đó là “We will Rock it” của Queen. Cứ nhắc đến bài hát nào, là quá khứ neo bám vào giai điệu bài hát tìm về với tôi. Tôi trầm ngâm ngắm hai chú chim đen nhẹ nhàng hạ cánh trên một nhành cây khẳng khiu trơ trụi lá giữa mùa đông. Chỉ đến khi hai chú chim cất tiếng kêu gọi đàn phá tan bầu không khí im lìm tôi mới thấy mình trở về với hiện tại. Tôi tiếp tục chia sẻ con đường đi học với bác Hanah.

“Ngay từ khi còn học cấp ba, cháu đã có ước muốn được sống và học tập với các bạn sinh viên quốc tế. Cháu luôn có cảm giác, nơi cháu sống chỉ là một góc nhỏ của thế giới, và sứ mệnh cuộc đời cháu là ra đi và tìm hiểu về cuộc sống bao la rộng lớn ngoài kia. Nhiều khi cháu tự nhận thấy, cháu không phải người thông minh xuất sắc, nhưng có lẽ tính tò mò, hiếu kỳ, ham học hỏi đã giúp cháu thực hiện được ước mơ đi du học ngày nhỏ”.

Những tâm tư của tôi tuôn trào. Tôi kể với bác về những kỷ niệm tìm đường du học ban đầu.

“Hồi mới tốt nghiệp Đại học, cháu thèm đi du học lắm bác ạ. Nhưng mới ra trường, cháu hoàn toàn lạc lối, cháu không biết mình thực sự muốn học gì, muốn làm gì. Cháu không biết bắt đầu từ đâu cả. Vì khát khao du học quá lớn, cháu còn chép miệng tự nhủ “hay thôi, mình cứ đi học ngành nào cũng được, miễn là được đi học”. Cháu còn nhớ, một lần trường cháu tổ chức hội thảo giới thiệu một học bổng danh giá, những diễn giả trong buổi trò chuyện hôm ấy đều tốt nghiệp các chương trình thạc sỹ ở châu Âu về ngôn ngữ. Thế là bỗng nhiên cháu muốn đi du học ngành ngôn ngữ. Nhưng tận sâu thẳm, cháu biết, ngôn ngữ không phải là ngành cháu thật sự mong muốn. Lại nữa, hồi cháu mới hai ba tuổi, cháu có đến hội đồng Anh hỏi về học bổng Chevening- chính là học bổng của chính phủ Anh đấy bác. Sự nóng vội của cháu đã bị quật ngã khi người ta khuyên cháu rằng cháu chưa đủ kinh nghiệm làm việc để xin học bổng này”.

Bất chợt, một người đàn ông trung tuổi dắt một chú chó nhỏ tiến về phía tôi và bác Hanah. Thoáng thấy bóng chú chó nhỏ, Suki từ đâu lao tới chỗ tôi, đuôi quấy tít nhìn tôi rồi nhìn sang chú chó như thể muốn giới thiệu vị khách mới của nhà chú trong dịp giáng sinh năm nay. Nỗ lực của Suki có vẻ không thành công, bởi chú chó nhỏ bỗng dưng sủa inh ỏi, cố lao tới phía Suki bất chấp người đàn ông đang cố kéo chú chó về phía mình.

“Xin lỗi hai bác cháu, Toki hôm nay nghịch quá. Toki bị hội chứng “chó nhỏ” ý mà. Cứ thấy chó to hơn, là chú phải gào tướng lên để thể hiện sức mạnh”.

Ông vừa nói, vừa chỉnh lại chiếc khăn len che kín cằm. Đoạn nói rồi, ông bế chú chó nhỏ lên tay.

“Không sao đâu! Giáng sinh vui vẻ nhé”

Ông đáp lễ lời chúc của chúng tôi, rồi bế chú chó nhỏ đi về phía cổng nhà thờ. Ngay khi vừa được thả xuống đất, chú chó lao đến khám phá gốc cây thông noel như một bác bảo vệ lực lưỡng của nhà thờ. Người đàn ông lấy tay gạt gạt những hạt mưa đang đọng trên lá thông như thể sợ rằng mưa làm cây thông buốt lạnh.

“Câu chuyện tìm đường đi du học của cháu hấp dẫn quá. Cháu kể tiếp cho bác nghe đi. Sau khi người ta nói cháu chưa đủ kinh nghiệm để xin học bổng chính phủ, cháu đã làm gì?”

“Cháu buồn lắm bác ạ. Nhưng cháu tự nhủ, nếu đã là ước mơ, thì thực hiện sớm hay muộn cũng không phải là vấn đề. Rồi, cháu ngẫm nghĩ xem mình thật sự muốn làm gì. Cháu nhận ra, cháu muốn làm cho các tổ chức phi chính phủ, và muốn hiểu sâu hơn về các vấn đề xã hội. Năm thứ tư Đại học, cháu có cơ hội phiên dịch cho một sinh viên thạc sỹ đến Việt Nam làm nghiên cứu về vấn đề y tế ở các khu vực nông thôn. Được nói chuyện, chứng kiến cuộc sống của người dân ở những khu vực xa khiến đôi mắt cháu mở to. Cháu muốn được đi, được học hỏi từ mọi người và cuộc sống. Gác lại ước mơ học bổng, cháu tập trung vào công việc của mình. Cháu xin đi thực tập ở một tổ chức phi chính phủ, công việc ấy giúp cháu được đặt chân đến rất nhiều mảnh đất từ bắc chí nam. Cháu chợt nhận ra, còn trẻ là còn phải đi, đi đâu cũng được, bởi cứ đi là sẽ học được nhiều điều. Trước khi đặt chân ra nước ngoài, cháu đã đi rất nhiều nơi trên chính quê hương mình. Sau khi đi làm được hai năm rưỡi, cháu quyết định xin học thạc sỹ ngành Nghiên cứu Phát triển, theo học bổng Chevening của chính phủ Anh”.

Tôi chợt mỉm cười khi nhớ về ngày đầu tiên đặt chân đến nước Anh, ngày 17 tháng 9 năm 2013. Máy bay hạ cánh tại sân bay Heathrow đúng 12 giờ đêm. Cơn buồn ngủ và mệt mỏi chiếm trọn lấy tôi lúc ấy đang lỉnh kỉnh các loại va-li lớn bé. Đang nghĩ về kỷ niệm ấy, thì giọng nói ấm áp của bác Hanah vang lên bên tai, tôi quay lại nhìn bác. Chú chó Suki đã khám phá xong quảng trường nhà thờ, chú đang giục chúng tôi tiếp tục lên đường.

“Chúng ta đi thôi, giờ Suki sẽ đưa ta đi ngắm bức tường thành có từ thời đế chế Rome. Bác tin cháu sẽ thích địa danh này”.

Có lẽ Suki là chú chó thông minh nhất tôi từng biết. Vừa thoáng nghe hai chữ “tường thành”, Suki quẫy quẫy cái đuôi và chạy vội đi. Nó dường như không hài lòng với vận tốc di chuyển của chúng tôi. Nó vừa chạy vừa ngoái lại nhìn chúng tôi, vừa cằn nhằn:

“Đi nhanh lên hai con người kia”, như thể người ta đang dỡ tường thành vứt đi và nếu chúng tôi đến chậm, tôi sẽ không được ngắm kiệt tác ấy.

“Cháu ơi, cháu có kể với bác là cháu học được rất nhiều từ các chuyến đi trong nước. Những bài học ấy có ích gì khi cháu học ở Anh không?”

“Nhiều lắm bác ạ. Các bạn cùng lớp cháu rất thích nghe chia sẻ của cháu về những trải nghiệm của cháu ở Việt Nam. Kinh nghiệm thực tế giúp cháu liên hệ với lý thuyết trên lớp tốt hơn, sâu sắc hơn. Cháu còn nhớ một lần nhóm cháu chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình bình đẳng giới ở những nước đang phát triển. Ai ai cũng muốn phụ nữ ở các quốc gia còn nặng truyền thống được tiếp cận nhiều cơ hội kinh tế, chính trị, xã hội hơn. Nhưng các chương trình lại tập trung quá nhiều vào hỗ trợ phụ nữ, mà bỏ qua vai trò của nam giới. Rõ ràng, nếu nam giới không thay đổi nhận thức về cơ hội của phụ nữ, họ sẽ là rào cản lớn cho sự phát triển của phụ nữ. Nhiều người cũng quên mất rằng, phụ nữ ở những nước như Việt Nam, cũng có rất nhiều quyền lực “mềm”. Ví dụ, phụ nữ thường là người quán xuyến tài chính của gia đình, phụ nữ có thể tác động lớn đến quyết định của người đàn ông ngoài xã hội. Nếu ta không để ý đến nhưng khía cạnh này, ta có thể thiết kế các chương trình can thiệp không phù hợp. Quan điểm ấy của cháu được đúc kết từ những quan sát, trò chuyện, tiếp xúc với những người phụ nữ ở xung quanh cháu. Các bạn rất thích chia sẻ ấy của cháu ạ”.

“Ôi tuyệt vời quá. Bác không hiểu về ngành cháu học, nhưng cũng rất ấn tượng với những chia sẻ của cháu”.

Bác Hanah vừa nói đến đấy, thì chú chó Suki đã dẫn chúng tôi đến chân bức tường thành Rome- một tàn dư cho thấy sự xâm lược của đế chế La Mã lên đất Anh năm 43 sau công nguyên. Bất chợt Suki sủa một tiếng dài, khiến người đang đi bộ xung quanh giật mình thảng thốt quay lại nhìn chúng tôi. Bác Hanah cười tươi, cố trấn an họ bằng một câu giải thích hóm hỉnh rằng chú chó chỉ đang muốn kể lịch sử bước tường thành cho tôi- một vị khách mới của gia đình thôi. Bác kể bức tường thành Rome nguyên thuỷ dày 6.5 feet, và tồn tại hơn một thế kỷ.

“Năm tới John sẽ đến tuổi vào Đại học. Bác hi vọng cậu bé sẽ vào được trường mình yêu thích. John là người ham tìm hiểu, bác mong rằng nó cũng có cơ hội đi du học, để mở mang kiến thúc”

“Cháu cũng chúc John như vậy ạ. Đối với cháu, tuổi trẻ quý nhất là những chuyến đi. Nếu có cơ hội, cháu chỉ khuyên các bạn trẻ hay đi, đi thật nhiều. Hãy đặt chân đến những vùng đất mới ngay trên quê hương mình, rồi từ đó hãy vươn ra thế giới”.

“Đúng vậy cháu ạ. Câu chuyện của cháu khiến bác nhớ da diết những ngày bác lang thang ở Châu Âu và Trung Quốc khi mới hơn hai mươi tuổi. Bác đã có cái nhìn rất khác về cuộc sống và thế giới. Đúng như cháu nói, đó là tài sản đáng giá nhất của bác!”

Thế rồi, bác Hanah và tôi im lặng, chìm sâu vào những suy nghĩ của riêng mình. Suki như biết ý, chỉ nhẹ nhàng dẫn chúng tôi về nhà. Tôi đã có một giáng sinh tuyệt vời cùng gia đình bác Hanah. Ngoài mẹ tôi ra, bác là người đầu tiên tặng tôi những thứ như bàn chải đánh răng, tất, găng tay, vì bác sợ rằng cơ thể tôi đã quá quen với khí hậu nhiệt đới, hẳn sẽ chưa thể thích nghi ngay với cái gió cái rét của nước Anh. Chia tay lễ Giáng sinh, chia tay gia đình bác ở ga tàu về Brighton, tôi bịn rịn chẳng muốn đi, còn quá nhiều thứ về người Anh, về nước Anh tôi muốn học từ bác lắm. Những cuộc trò chuyện, tâm tình giữa tôi và bác Hanah đã là nền tảng cho một tình bạn bề vững sau này. Sau khi kết thúc khoá học thạc sỹ, tôi xin được một chân làm trợ lý nghiên cứu tại một công ty đối tác của viện nghiên cứu tôi theo học. Vì tôi có thể làm việc từ xa thay vì phải đến văn phòng hàng ngày, nên tôi đến ở với gia đình bác Hanah khoảng ba tháng trước khi tôi về Việt Nam. Lúc ấy, John đã vào Đại học nên chỉ có tôi và bác ở nhà. Tôi và bác làm gì cũng có nhau: chúng tôi dắt Suki đi bộ quanh thành phố hàng chiều, bác dạy tôi cách làm món cream tea- đặc trưng của nước Anh, tôi nấu phở đãi bác và bạn bè của bác, tôi cùng bác đến thăm trường Đại học mới của John, tôi cùng bác trồng rau, chăm hoa, tôi cùng bác đi xem phim. Ngày tôi bay về Việt Nam, bác lái xe đưa tôi đến sân bay Gatwick ở tận London.

“Cảm ơn cháu. Bác đã học được rất nhiều điều từ cháu. Hứa với bác một ngày nào đó cháu sẽ quay lại Chichester và cùng bác dắt Suki đi dạo nhé”. Mọi nỗ lực ngăn cho nước mắt xuất hiện trên khuôn mặt chúng tôi đều thất bại. Bác và tôi cứ thế ôm nhau khóc.

“Em, em ơi. Em đang nghĩ gì thế? Mình chuẩn bị nấu bữa tối thôi, đã gần sáu giờ rồi.

Giọng nói của bạn đồng hành tuy ấm áp nhẹ nhàng nhưng cũng đủ kéo tôi trở về thực tại”.

“Vâng. Anh này, mùa hè năm sau mình đến thăm nước Anh nhé. Em muốn thăm lại Chichester và bác Hanah”.

Anh gật đầu nhìn tôi trìu mến, rồi chúng tôi cùng nhau chuẩn bị bữa tối.

(Tên các nhân vân trong bài viết đã được thay đổi)

Thanh Mai

 

Leave a Reply