CHUYỆN CHIẾC MÁY PHA CÀ PHÊ
Khi còn ở Việt Nam, tôi không thích cà phê chút nào. Tôi chỉ uống cà phê trong những trường hợp cực kỳ đặc biệt, đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ. Nhưng từ ngày theo con đường nghiên cứu, cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Tôi thường có mặt ở văn phòng lúc 8 giờ sáng, và việc đầu tiên tôi làm là rảo bước đến quán Starbucks ở Student Union để mua một cốc cà phê. Hôm thì Cafe Latte, hôm thì Cold Brew, có hôm tôi lại uống Caramel Macchiato. Hôm nào căng thẳng, áp lực, cần nạp năng lượng thì tôi sẽ chọn những loại có nhiều đường hơn. Phần lớn những người Mỹ xung quanh tôi đều có thói quen uống cà phê mỗi buổi sáng. Bạn đồng hành nhà tôi là một ngoại lệ. Anh không bao giờ uống dù chỉ một ngụm. Kể cả khi tôi nài nỉ anh thử hương vị của một loại cà phê mới, anh cũng lắc đầu từ chối bằng được.
Anh ghét đồ uống này nhưng anh lại sở hữu một…chiếc máy pha cà phê. Mãi gần đây, tôi mới biết “bí mật” này của anh. Khoảng hai tuần trước, bố mẹ chồng tôi lái xe từ bang Minnesota xuống Arizona du lịch, và ở lại nhà chúng tôi mấy ngày. Mùa đông ở Minnesota lạnh lắm, nên gần như năm nào bố mẹ cũng đi tránh rét mấy tháng trước khi mùa hè đến. Một buổi sáng, mùi cà phê thơm phức, nóng hổi đánh thức tôi dậy lúc mới khoảng 6 giờ sáng. Tôi rón rén xuống bếp và thấy bố đang pha cà phê. Tôi mới ngỡ ngàng hỏi: “Ô, thế bố mẹ đi du lịch mà mang cả máy pha cà phê đi ạ?”. Bố tôi mới ngạc nhiên trả lời: “Không, đây là máy pha của JJ mà”.
Tôi vội vã đánh thức bạn đồng hành dậy để “hỏi cho ra nhẽ”. Tôi bảo vì sao anh chưa bao giờ nói với tôi là nhà mình cũng có máy pha cà phê để tôi đỡ phải mua cà phê hàng ngày (cũng có lần tôi nghĩ đến việc mua một cái, nhưng lại thôi vì thấy mua ngoài hàng cũng tiện). Anh mới bảo: “Anh nghĩ em không thích uống cà phe đen, em thích cà phê ở starbuck vì nó có nhiều vị hơn”. Xong tôi mới bảo anh, nếu có máy pha, em cũng biết cách làm cho mùi vị cà phê giống như ở ngoài quán. Anh kể anh mua chiếc máy này cho một người em họ, khi cô ấy đến ở tạm nhà anh một thời gian khi còn ở Minnesota. Sau khi chuyển đi, cô ấy để lại chiếc máy này, và anh cũng mang theo nó xuống tận Arizona mặc dù phải sau hơn hai năm sống ở Arizona, chiếc máy ấy mới được mang ra sử dụng.
Thế là từ hôm ấy, sáng nào anh cũng dậy sớm pha cà phê cho tôi. Bây giờ thỉnh thoảng lắm tôi mới mua cà phê ở ngoài hàng. Tôi thường tự làm cafe latte ở nhà và mang đến văn phòng uống cả ngày. Hôm nào, tôi có hẹn với bạn bè thì tôi sẽ nhắc bạn đồng hành: “Thôi, sáng mai không phải pha cà phê cho em đâu nhé, em sẽ đi uống với bạn ngày mai”.
THI CỬ VÀ ĐỒ ĂN HÀN QUỐC
Vừa thi xong vấn đáp Comprehensive Exams, tôi nhận được tin nhắn của bạn đồng hành: “Tối nay, bố mẹ và anh sẽ mời em đi ăn tối để chúc mừng em thi xong. Em muốn ăn ở đâu cũng được nhé!”. Quả thật, hôm thi nói xong, tôi rất mệt. Thi xong, tôi gần như không còn chút năng lượng nào, chỉ ước có một tuần không phải lo lắng gì, chỉ ăn với nghỉ ngơi thôi.
Tầm 5 giờ, tan việc, bạn đồng hành đến đón tôi ở văn phòng. Chúng tôi có mặt ở nhà tầm khoảng 5h20. Vừa nhìn thấy tôi, bố mẹ nói: “Chúc mừng con, thi cử xong rồi, con muốn ăn gì nào?”
Không cần suy nghĩ nhiều, tôi vội vã trả lời: “Đi ăn đồ Hàn Quốc nhé. Còn thèm món canh thịt bò, kimchi và đậu phụ quá. Trời se lạnh thế này mà ăn món đó thì sẽ rất hợp”.
Nghe đến đấy hai bố mẹ cùng cười và bảo: “Ôi, JJ đoán chuẩn quá. JJ cũng nói với bố mẹ là kiểu gì con cũng sẽ gợi ý đi ăn đồ Hàn Quốc.” Bạn đồng hành nghe vậy, liền nói chen vào: “Con bảo mà, con đoán không sai mà”.
Đúng là càng ở bên nhau lâu thì càng hiểu nhau hơn!
CHUYỆN MỘT GIÁO SƯ VÀ DẠY HỌC
Tôi luôn nghĩ giáo sư dạy môn xác suất thống kê và phương pháp nghiên cứu không thích tôi lắm, dù tôi luôn học tốt môn học này (tôi thường xuyên phát biểu và đặt câu hỏi trong lớp). Tôi rất thích học phương pháp nghiên cứu nên lúc nào tôi cũng đến lớp với sự tò mò và niềm hứng khởi tràn đầy. Nhưng tôi luôn cảm thấy rất khó nói chuyện với giáo sư. Có lần tôi đến văn phòng giáo sư hỏi bài, thầy chỉ trả lời những gì tôi hỏi, và không bao giờ hỏi lại tôi điều gì. Lại có những khoảng im lặng trong cuộc trò chuyện khiến tôi phải cố nghĩ ra điều gì đó để nói cho đỡ ngại. Vì thế, tôi luôn có cảm giác thầy không thích nói chuyện hay làm việc với tôi.
Dù nghĩ như thế nhưng tôi vẫn chọn giáo sư vào hội đồng thi Comprehensive Exams vì tôi chọn phương pháp luận làm chuyên ngành phụ. (Tôi học hai lớp phương pháp nghiên cứu của thầy, nên cũng hiểu cách thầy đặt câu hỏi và những kỳ vọng của thầy). Hôm thi xong phần thi viết, tôi có cảm giác câu trả lời cho phần thi phương pháp luận không được tốt lắm. Tôi còn nghĩ đến viễn cảnh phải viết lại câu trả lời cho thầy. Khoảng ba hôm sau khi nộp bài thi, tôi có lớp trợ giảng với giáo sư (kỳ này tôi được phân công làm trợ giảng cho lớp học American National Government của giáo sư). Khi chỉ còn khoảng 2-3 phút nữa là buổi học bắt đầu, bất ngờ giáo sư đi đến tận cuối phòng học về phía tôi, và nói: “Congratulations on your exam! Em làm tốt lắm”. Tôi bỗng nhẹ hết cả người , và chợt nghĩ “có lẽ giáo sư không ‘ghét’ mình như mình nghĩ đâu”.
Thầy cũng phụ trách chương trình PhD, nên có câu hỏi gì chúng tôi đều được khuyên hỏi thầy. Khoa tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để sinh viên PhD (đã thi qua Comprehensive Exam) được đứng lớp trước khi ra trường. Tôi rất thích đứng lớp và cũng muốn có kinh nghiệm dạy một hai lớp trước khi ra job market. Một lần tôi có chia sẻ với giáo sư nguyện vọng được dạy trực tiếp (ngoài dạy online) khoảng 1-2 lớp trong vòng 2 năm tới. Giáo sư trả lời: “Tôi sẽ lưu ý nguyện vọng của em, nhưng tôi không thể hứa trước điều gì.” Bẵng đi mấy tuần, tôi nhận được email của bên phụ trách lớp học hè, hỏi liệu tôi có thể nhận dậy lớp Dictatorships hè này được không. Dạy trực tiếp chứ không phải dạy online. Tất nhiên là tôi rất vui và sẵn sàng nhận lớp này,nhưng tôi vẫn hơi băn khoăn vì thường sinh viên phải dạy online một lớp trước khi dạy trực tiếp. Tôi email lại và trả lời: “Tôi sẵn sàng nhận dạy lớp này, nhưng như tôi được biết, sinh viên thường phải dạy online trước khi đứng lớp trực tiếp. Tôi chưa dạy khoá online nào, liệu anh có thể kiểm tra lại với khoa được không?”. Mấy phút sau, tôi lập tức nhận được email: “Các giáo sư đã xác nhận rằng bạn hoàn toàn có khả năng dạy lớp này”. Thế là, tôi được dạy sinh viên Đại học sớm hơn tôi mong đợi.
Vì là khoá học hè, nên tôi sẽ dạy trong vòng hai tháng, một tuần ba buổi từ thứ ba đến thứ năm. Tôi đang lên giáo án và chuẩn bị bài giảng dần dần, vì ngay khi kỳ Mùa xuân kết thúc, kỳ Mùa hè sẽ bắt đầu. Làm thế nào để bài giảng thật thú vị, và không khiến sinh viên buồn ngủ đây? Tôi cảm thấy rất may mắn vì được làm trợ giảng cho lớp American National Government kỳ này vì tôi học được nhiều điều từ cách dạy của thầy. Các bài giảng của thầy luôn lôi cuốn sự chú ý của sinh viên. Thầy đặt rất nhiều câu hỏi trong lớp, và luôn dành thời gian để thảo luận những sự kiện chính trị quan trọng đang diễn ra ở Mỹ. Thầy cũng rất khéo léo khuyến khích sinh viên học xác suất thống kê (dù đây không phải là lớp dạy statistics). Tôi ấn tượng nhất là phần thảo luận về quá trình luận tội Trump, và vấn đề bất bình đẳng ở Mỹ. Thầy đặt câu hỏi tại sao GDP của Mỹ tăng rất nhanh từ thập niên 60 đến nay, nhưng thu nhập trung bình (median income) lại tăng rất chậm chạp. Sinh viên thảo luận cực kỳ sôi nổi, dù có nhiều ý kiến trái chiều nhau về vấn đề này.
Học tập thầy, tôi sẽ dành khoảng một tiếng mỗi tuần để sinh viên thảo luận các sự kiện đang diễn ra. Tôi tin rằng một số vấn đề như biểu tình ở Hong Kong hay sự nổi lên của Trung Quốc sẽ giúp lớp học của tôi sôi nổi và thú vị hơn!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog và đọc những mẩu chuyện vụn vặt của tôi! Chúc bạn một tuần mới nhiều niềm vui!
Trương Thanh Mai