Tổng thống Donald Trump giúp ta hiểu gì về nước Mỹ?

Toà nhà Quốc hội Mỹ

Ngày 6 tháng 1, 2021, đám đông (phần lớn là nguời Mỹ da trắng) ủng hộ tổng thống Donald Trump tràn vào chiếm toà nhà Quốc hội Mỹ, nơi các nghị sĩ đang chứng nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri để bầu tổng thống và phó tổng thống Mỹ. Đây là lần đầu tiên tòa nhà Quốc hội Mỹ bị xâm phạm kể từ khi người Anh tấn công và đốt tòa nhà vào năm 1814. Sự việc đã khiến không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới choáng váng. 

Hôm đấy, sau khi hoàn thành công việc buổi sáng, tôi xuống phòng bếp ở tầng 1 ăn trưa như thường lệ. Chồng tôi im lặng và mặt hoàn toàn biến sắc. Tôi mới hỏi có chuyện gì xảy ra vậy, chồng tôi chỉ lặng lẽ bật TV cho tôi xem cảnh tượng hỗn loạn đang xảy ra trong toà nhà Quốc hội. Ăn trưa xong, chuẩn bị làm việc tiếp, thì tôi nhận được tin nhắn của cô bạn thân cùng lớp. Cô viết, “ Mai biết chuyện vừa xảy ra chưa? Tớ buồn quá. Tớ không thể làm việc được nữa, không thể tin được một chuyện như thế này lại có thể xảy ra.” Khi hai người Mỹ gần gũi nhất với tôi phản ứng một cách tiêu cực như vậy, tôi hiểu sự việc đã thật sự rất nghiêm trọng. Chiều hôm ấy, thay vì tập trung viết bài, tôi dành mấy tiếng theo dõi phản ứng của mọi người trên Twitter và Facebook. Trên mạng xã hội, người ta kêu gọi Trump hãy chịu trách nhiệm vì những lời nói và hành động của ông ta đã kích động bạo lực. Nhiều người kêu gọi sử dụng tu chính án thứ 25 của hiến pháp Hoa Kỳ để truất quyền Tổng thống của Trump ngay lập tức.  

Tôi đồng ý rằng, tổng thống Donald Trump đã tiếp tay cho hành động bạo loạn này thông qua những hành vi của mình. Việc liên tục từ chối chấp nhận mình đã thua trong cuộc bầu cử, và hàng ngày chia sẻ thông tin thiếu bằng chứng về gian lận bầu cử đã khiến những người ủng hộ ông tin rằng, cuộc bầu cử năm nay không công bằng. Dù cho cuộc bầu cử có gian lận đi nữa thì lẽ ra Trump phải đi theo những trình tự tố tụng có sẵn, đằng này ông ta lại xúi giục đám đông đến nhà Quốc hội đòi công bằng cho mình.   

Nhiều người cũng mong nước Mỹ mau qua “thời đại của Trump” để bình yên trở lại. Họ tin rằng, chính Trump đã chia rẽ nước Mỹ sâu sắc suốt 4 năm qua.  Nhưng tôi nghĩ rằng, Trump không phải là tác giả của những vấn đề ở nước Mỹ 4 năm qua. Trump thật ra là người đã giúp những vấn đề chính trị xã hội vốn nhức nhối suốt bao năm trong lòng nước Mỹ bộc lộ ra. Trump là sản phẩm của một xã hội đầy vấn đề, nhưng đồng thời cũng là nhân tố (trigger) giúp những vấn đề ấy bộc lộ ra. Và tất nhiên, Trump cũng làm trầm trọng hoá vấn đề vốn có ở nước Mỹ. Có lẽ, nhờ có Trump mà chúng ta đã nhận ra một phần bản chất của nước Mỹ một cách rõ ràng hơn. Có lẽ nếu không có Trump, thì sẽ có một chính trị gia nào đó xuất hiện giúp ta nhìn thấu bản chất ấy. 

Trump giúp chúng ta nhận ra sự phân biệt chủng tộc sâu sắc ở nước Mỹ. Nhìn từ bề ngoài, nước Mỹ hiện ra như một quốc gia yêu chuộng và tôn trọng sự đa dạng. Suốt bao năm, nước Mỹ dường như là một minh chứng cho việc, sự yên bình và tính đa dạng, có thể tồn tại song song, đặc biệt là từ sau Phong trào Dân quyền đòi quyền lợi cho người Mỹ gốc Phi.

Nhưng ẩn dưới bề mặt đa dạng bình yên ấy, là làn sóng phân biệt chủng tộc rất mạnh mẽ, là sự khát khao của nhiều người da trắng hòng xây dựng một xã hội mà ở đó họ “làm chủ”. Thậm chí, nhiều phong trào đấu tranh cho sự thượng đẳng của người da trắng vẫn đang diễn ra. Âm thầm, nhưng mạnh mẽ. Tôi đã đọc một bài nghiên cứu khá thú vị về Phong trào Quyền lực của Người da trắng (White Power Movement) trong lớp Social Movement kỳ mùa thu vừa rồi. Tác giả của bài báo đã dành thời gian quan sát, và sống cùng phong trào. Những thành viên của phong trào có chung một suy nghĩ rằng, nước Mỹ và “sự tinh khiết” của người da trắng đang bị đe doạ nghiêm trọng. Họ ngày ngày mơ đến một thế giới nơi chỉ có người da trắng, nơi không có những đứa con lai giữa người da trắng và người da đen (hay người châu Á). Thậm chí, có người phỏng vấn còn nói thẳng rằng, họ sẽ không chấp nhận con cái kết hôn với người từ chủng tộc khác. Cuốn sách gối đầu giường của họ là một cuốn truyện giả tưởng về một thế giới chỉ có người da trắng. Thậm chí, nhiều người còn lấy tên của các nhân vật trong truyện đặt tên cho con cái mình. Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ ấy đã được cha mẹ chúng dạy về sự thượng đẳng của người da trắng, và sự bất công mà người da trắng phải chịu trong một thế giới đầy “ô uế hỗn tạp.”  

Vì sao những phong trào như White Power Movement vẫn tồn tại mạnh mẽ như vậy? Một phần là do họ có cảm giác bị xã hội đàn áp. (Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự đàn áp từ phía nhà nước hay xã hội chưa chắc đã dập tắt một phong trào xã hội, ngược lại, nó có thể đẩy phong trào đó phát triển ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ hơn). Trong một thời gian dài, các giá trị tiến bộ (như bình đẳng giới, tránh phân biệt chủng tộc,  toàn cầu hoá thay vì chủ nghĩa yêu nước cực đoan, mở cửa với người nhập cư, vân vân) nảy nở, và áp đảo những giá trị bảo thủ ở Mỹ. Nhiều người da trắng với những giá trị bảo thủ, cho rằng quyền lực, tiếng nói và chỗ đứng của họ đang bị đe doạ (mà không nhận ra rằng, họ là nhóm người có nhiều lợi thế nhất trong xã hội). Ví dụ, khi những nhóm bảo thủ đến trình bày ở các trường Đại học, nhiều sinh viên biểu tình và yêu cầu họ không được truyền bá những tư tưởng như thế. Trong một bài báo trên The New York Times, có người chia sẻ rằng, là một phụ nữ cổ điển thích coi việc chăm sóc gia đinh là bổn phận, cô cảm thấy bị những người tiến bộ ủng hộ bình đẳng giới coi thường.   

Sự xuất hiện của Trump như một cứu cánh cho những người yêu thuyết da trắng thượng đẳng. 

Người dân Mỹ không kết nối với nhau thông qua dòng máu (như ở Việt Nam chẳng hạn) mà thông qua hiến pháp, và thể chế. Hồi mới sang Mỹ, tôi thấy rất lạ là bạn bè tôi hay bàn về hiến pháp, thể chế và dường như rất tự hào về hiến pháp, và giá trị dân chủ của họ. Dần dần tôi mới hiểu rằng, nếu không phải vì thể chế thì chẳng gì có thể gắn kết người Mỹ với nhau, những người vốn mang trong mình đủ các dòng máu khác nhau (châu Âu, châu Á, châu Phi, etc.,). 

Và vào ngày 6 tháng 1, 2021, nhiều người trong số họ đã tràn vào toà nhà Quốc hội, như một sự tấn công vào biểu tượng của thể chế và dân chủ Mỹ. Phải chăng thứ vốn gắn kết người Mỹ với nhau đã lung lay thật sự rồi? Phải chăng họ muốn truyền đi một thông điệp rằng, thể chế cũng không đủ để gắn kết họ với những người Mỹ đến từ chủng tộc khác nữa?

(Tiện đây, tôi cũng chia sẻ thêm về quyền tự do ngôn luận ở Mỹ. Việc Twitter và Facebook khoá tài khoản của Tổng thống Donald Trump không hề xâm phạm quyền tự do ngôn luận, được quy định trong hiến pháp, của Trump. Twitter và Facebook là công ty tư nhân, chứ không phải chính quyền Mỹ. Theo tu chính án thứ nhất của hiến pháp Hoa Kỳ, “Quốc hội không được làm luật liên quan đến bất cứ tôn giáo nào, hoặc ngăn cản sự tự do tín ngưỡng, hoặc ngăn cản sự tự do ngôn luận, báo chí, hoặc ngăn cản sự hội họp ôn hòa, hoặc cấm đoán sự khiếu nại của dân về việc làm của chính phủ.” 

Twitter và Facebook là công ty tư nhân, có chính sách và quy định riêng. Chắc hẳn bạn vẫn nhớ, khi lập tài khoản Facebook, bạn phải click vào ô “I agree” với tất cả quy định của Facebook, trước khi tài khoản của bản được chấp nhận. Một trong những điều bạn đã “ký” với Facebook, là họ có quyền đóng tài khoản của bạn nếu vi phạm chính sách của họ. Twitter và Facebook không cấm Donald Trump thể hiện ý kiến, họ chỉ cấm Trump dùng platforms của họ để nói mà thôi. Quyền tự do ngôn luận của Trump chỉ bị xâm phạm, khi Twitter và Facebook đóng tài khoản của ông ta dưới áp lực của chính quyền Mỹ

Tôi viết bài này để mãi nhớ những gì đã xảy ra vào ngày 6, tháng 1, 2021!

Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog!

Trương Thanh Mai 

2 thoughts on “Tổng thống Donald Trump giúp ta hiểu gì về nước Mỹ?

  1. Em chào chị,
    Bài viết của chị giải thích rất dễ hiểu và đã giúp em hiểu hơn một chút về “vấn đề nước Mỹ”. Em cảm thấy rất tâm đắc khi đọc phần nhận xét và lý giải của chị về ” thời đại của Trump” cùng bản chất và ảnh hưởng của nó; cũng như phần chị chia sẻ thêm về quyền tự do ngôn luận Mỹ.
    Cám ơn chị về bài chia sẻ này. Chúc chị ngày mới tốt lành!

Leave a Reply