Khả năng nói trước đám đông là một năng khiếu bẩm sinh?

marcos-luiz-photograph-292698-unsplash

Trước khi sang Mỹ học tiến sỹ, tôi đã được “cảnh báo” rằng cuộc sống của một nghiên cứu sinh bận rộn lắm. Ây thế nhưng tôi cũng không tưởng tượng được rằng công việc của một tiến sỹ lại có thể bận đến mức này. Tuần vừa rồi, tôi làm việc cả tuần, từ sáng đến chín, mười giờ tối. Tôi có ba bài thuyết trình: một bài thuyết trình 75 phút trước sinh viên Đại học, một bài trình bày thảo luận trước lớp, và một bài trình bày dự án nghiên cứu cá nhân trước các giáo sư và bạn bè. Bên cạnh đó, lớp học tôi đang làm trợ giảng có bài kiếm tra giữa kỳ đầu tiên. Điều này đồng nghĩa với việc, tôi phải chấm hơn 70 bài luận ngắn trong vòng một tuần. Từ tuần sau, công việc sẽ bớt bận rộn hơn, và tôi có thể tập trung vào viết bài nghiên cứu đang dở dang. Than thở là vậy, nhưng tôi thực sự yêu thích công việc đang làm, tôi chỉ ước giá mà một ngày có nhiều hơn hai tư giờ để tôi có thể tìm được chút thời gian thư giãn cho bản thân. Thật sự, chỉ khi làm việc dưới áp lực cao, tôi mới hiểu được sức chịu đựng, độ tập trung, khả năng và nội lực của bản thân có thể vươn xa đến mức nào.

Chương trình tiến sỹ yêu cầu chúng tôi phải thuyết trình rất nhìều. Sau gần hai năm, tôi nhận ra rằng, nói trước đám đông là một trong những kỹ năng quan trọng nhất nếu ta muốn theo đuổi con đường nghiên cứu, học thuật. Nhưng tin vui là, nói trước đám đông là kỹ năng hoàn toàn có thể học được. Chỉ cần thực hành, thực hành và thực hành, ta sẽ dần cảm thấy tự tin, và thoải mái đứng trước mọi người và thể hiện bản thân.

Tôi vẫn nhớ kỷ niệm lần đầu thuyết trình, khi ấy tôi mới mười tám tuổi. Lần ấy, tim tôi đập loạn nhịp, miệng thì lí nhí không ra tiếng, mắt thì dán chặt ..mặt đất, tay thì hết vuốt tóc, kéo tay áo lại khua khoắng loạn xạ. Lần ‘thất bại’ ấy khiến tôi vô cùng xấu hổ. Chính vì nỗi xấu hổ ấy, mà tôi quyết tâm cải thiện kỹ năng nói trước đám đông. Sau lần ấy, tôi tự tập thuyết trình một mìnhtrướcgương và trước bạn bè thân. Thật may mắn, chương trình Đại học của tôi có hẳn một khoá học chuyên nghiệp về thuyết trình (bằng tiếng Anh), nên tôi tiến bộ rất nhanh. Sau này học thạc sỹ, tôi cũng có nhiều cơ hội được thực hành nói trước đám đông. Thật sự, ngoài thực hành, không có giải pháp nào khác có thể giúp ta cải thiện kỹ năng này. Sau rất nhiều lần thực hành, giờ đây tôi không còn sợ nói trước đám đông nữa, và có lẽ đây cũng là một trong những hoạt động tôi thích nhất trong chương trình nghiên cứu sinh.

Hai tuần trước, khoa tôi tổ chức buổi gặp mặt những sinh viên tiến sỹ tiềm năng (các bạn đã nhận được thư mời nhập học và đang xem xét có chấp nhận thư mời hay không). Các bạn có cơ hội đặt câu hỏi cho những sinh viên đang theo học ở khoa. Một bạn hỏi tôi làm thế nào để cải thiện kỹ năng thuyết trình khi theo con đường nghiên cứu sinh. Tôi khuyên bạn rằng, hãy nắm bắt mọi cơ hội nói trước đám đông. Nếu bạn là một người sợ hoặc không thích thuyết trình, thì hãy bắt đầu thực hành trong môi trường ít áp lực như thuyết trình trước lớp, hoặc trình bày bài nghiên cứu của mình tại các sự kiện chỉ có sự tham gia của sinh viên. Sau khi đã cảm thấy khá thoải mái rồi, thì hãy tham gia các sự kiện nhiều áp lực hơn như giảng bài cho sinh viên, trình bày nghiên cứu trước các giáo sư và trình bày tại các hội thảo chuyên ngành. Chỉ có thực hành mới giúp ta thoát khỏi cảm giác sợ hãi thuyết trình trước đám đông. Hôm trước, giáo sư chủ nhiệm khoá học mà tôi đang làm trợ giảng có nói với tôi thế này: “Nói trước đám đông và viết là hai trong số những kỹ năng quan trọng nhất để thành công trên con đường nghiên cứu, học thuật. Thật may mắn, rất ít người có năng khiếu nói và viết bẩm sinh. Đa phần mọi có thể nói và viết tốt là do thực hành, thực hành, thực hành thật nhiều. Nếu một nghiên cứu sinh không thể nói và viết tốt, và không có quyết tâm cải thiện, chúng tôi thật sự nghi ngờ khả năng thành công của sinh viên ấy”.

Vậy đâu là bí quyết của một bài nói tốt? Xin hẹn bạn lần khác trên blog. Trong thời gian tới, tôi sẽ viết một bài chia sẻ về chủ đề này. Mong nhận được sự quan tâm của bạn đọc!

Cảm ơn bạn và chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui.

Ảnh minh hoạ cho bài viết được download tại đây

Thanh Mai

Xin liên hệ với tác giả nếu bạn muốn sử dụng bài viết

Leave a Reply