Vì sao tôi không nhớ Việt Nam da diết khi sống ở nước ngoài?

DSC00032.JPG

Mỗi lần về thăm  Việt Nam, mọi người lại hỏi tôi về cuộc sống ở nước ngoài. Bạn bè và gia đình hay thắc mắc liệu tôi có gặp nhiều khó khăn khi sống ở nước ngoài không, và mất bao lâu thì tôi mới hoà nhập được với cuộc sống và công việc ở nước bạn. Mỗi lần nhận được câu hỏi như vậy, tôi thường trả lời qua loa rằng, tôi cảm thấy phù hợp với cuộc sống bên này và tôi ít khi cảm thấy lạc lõng hay cô đơn. Gần hai năm sống ở Anh, và cũng gần hai năm sống ở Mỹ, rất ít khi (có thể nói là chưa bao giờ), tôi có cảm giác phải bỏ mọi thứ để về Việt Nam vì bất cứ lý do gì. Mỗi khi có du học sinh chia sẻ về nỗi nhớ Việt Nam, tôi chỉ biết lắng nghe và động viên: “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, dần dần em sẽ quen với cuộc sống ở đây”. Nhưng thật sự, chưa bao giờ tôi có cảm giác nhớ Việt Nam da diết. Mấy ngày gần đây, tôi hay tự hỏi: “Tại sao tôi không có cảm giác nhớ nhung ấy?”, “Tại sao tôi rất ít khi cảm thấy buồn chán hay lạc lõng khi sống ở nước ngoài ngay cả khi không có gia đình ở bên”. Tôi chợt nhận ra, có lẽ tôi không có cảm giác ấy là do tính cách của mình.

Ngày nhỏ, thậm chí khi mới chín, mười tuổi, tôi đã khát khao được đi. Không hiểu sao lúc ấy tôi đã nghĩ rằng, nơi tôi sinh ra và lớn lên chỉ là một góc nhỏ của thế giới, ngoài kia còn rất nhiều điều kỳ diệu để tôi khám phá. Lúc ấy, thế giới ngoài kia đối với tôi không đồng nghĩa với một đất nước khác, một châu lục khác. Thế giới ngoài kia đơn giản chỉ là một vùng đất khác của Việt Nam. Một lần, tôi xem một chương trình về miền tây. Hình tôi ảnh sông nước với những miệt vườn trĩu quả và những chiếc thuyền bán hàng trên sông đã hớp hồn tôi ngay tức thì. Tôi nói với bố mẹ: “Một ngày nào đó nhất định con sẽ đến thăm miền tây”. Dần dần, tôi lại có ước muốn  được đặt chân đến các vùng đất khác ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tôi vẫn nhớ, ngày nhỏ tôi rất thích chương trình dạy tiếng Anh qua các bài hát của VTV2. MC giới thiệu rất kỹ về tiểu sử của nghệ sỹ, và tôi luôn khát khao được một lần đặt chân đến quê hương của nghệ sỹ ấy. Tôi chợt nhận ra, được đi và khám phá là một giá trị quan trọng trong cuộc sống của mình. Có lẽ vì khát khao học hỏi và ra đi rất lớn, nên khi bắt đầu sống ở nước ngoài, tôi ít khi cảm thấy buồn chán, lạc lõng. Khi chuẩn bị sang Anh học thạc sỹ, nhiều người đã “doạ” tôi rằng, cuộc sống bên Anh cô đơn lắm, thời tiết thì u ám suốt ngày, con người thì chả ai quan tâm đến ai. Nhưng tôi hoàn toàn không hề cảm thấy như thế, ngay cả khi lang thang một mình, tôi cũng không cảm thấy cô đơn.  Không hiểu sao, tôi không có nhu cầu tụ tập tám chuyện kiểu ‘cộng đồng’ như ở nhà. Tôi có thể làm mọi việc một mình mà không thấy cô đơn hay lẻ loi. Tất nhiên, tôi luôn mong muốn được chia sẻ cuộc sống với một ai đó quan trọng, nhưng ngay cả khi đã lập gia đình, tôi vẫn cần dành thời gian riêng cho bản thân mình. Và tôi rất coi trọng khoảng thời gian một mình ngồi suy nghĩ về các đề tài nghiên cứu, đọc sách hay viết lách. Nếu suốt ngày ‘kè kè’ bên một ai đó, dù là bạn bè hay chồng, tôi sẽ dễ cảm thấy nhàm chán! Có lẽ vì tính cách này mà tôi không cảm thấy bỡ ngỡ khi mới sống ở nước ngoài.

Ngoài nhu cầu học hỏi rất lớn, tôi cũng rất coi trọng thành công và những đam mê cá nhân. Tôi chưa bao giờ muốn đi theo con đường của một người phụ nữ truyền thống. Những suy nghĩ này tìm đến tôi ngay cả khi tôi vẫn là sinh viên, ngay cả trước khi tôi sang Anh học thạc sỹ. Tôi luôn thán phục  những phụ nữ độc lập, có sự nghiệp riêng và dám theo đuổi đam mê cá nhân. Trước đây cũng như bây giờ, mỗi khi ai đó ‘chê bai’ một người phụ nữ nào đó vì họ không biết nấu ăn, không giỏi nhẫn nại, không có những đặc điểm mà một người phụ nữ truyền thống phải có, tôi luôn cảm thấy rất hài hước. Đơn giản vì đó không phải là những giá trị mà tôi theo đuổi. Có lẽ vì tính cách này, mà tôi cảm thấy phù hợp với cuộc sống ở nước ngoài. Tất cả những ‘nhược điểm’ của tôi bất chợt trở thành ưu điểm. Thật lòng, cuộc sống ở Việt Nam trước đây đã lấy đi rất nhiều tự tin trong tôi (vì tôi không có rất nhiều đặc điểm mà một người phụ nữ Việt Nam cần có), phải rất lâu sau khi sống ở nước ngoài, tôi mới cảm thấy tự tin hơn một chút vào bản thân. Ấy thế nhưng, những câu tự hỏi như: “liệu mình có đủ giỏi không?”, “mình có năng lực không?”, “mình có làm được không?” vẫn thỉnh thoảng bủa vây lấy tôi. Nhưng dù sao, cuộc sống cũ cũng qua rồi, và tôi đang có cơ hội theo đuổi điều mình thật sự yêu thích và mong muốn trong cuộc sống.

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui

Thanh Mai

 

Leave a Reply