Site icon SUNFLOWER FIELDS

Mặt trái của mạng xã hội

DA331260-F70E-44C7-8742-942DFF53C7FC

Một phần trong mảng nghiên cứu của tôi có liên quan đến mạng xã hội. Cụ thể, tôi nghiên cứu vai trò và ảnh hưởng của mạng xã hội như Facebook, Twitter hay các mạng phổ biến khác đến chính trị xã hội ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Tôi cũng rất thích các đề tài liên quan đến các phong trào xã hội, và sự khác biệt giữa phong trào xã hội trước và sau khi mạng xã hội trở nên phổ biến. Trước khi sang Mỹ làm nghiên cứu, tôi luôn nghĩ mạng xã hội là một công cụ đầy quyền lực, giúp người dân có cơ hội được chia sẻ và nói lên nguyện vọng của bản thân. Mạng xã hội cũng tạo ra sân chơi bình đẳng, cho phép chúng ta kết nối với những người cũng lý tưởng và suy nghĩ. Nhưng khi thật sự đi sâu vào nghiên cứu, quan điểm và góc nhìn của tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi luôn tự đặt câu hỏi, liệu ta có thể nhận được những thông tin sâu sắc qua mạng xã hội không, nếu việc chia sẻ thông tin quá dễ dàng như hiện nay? Những kết nối của chúng ta qua mạng xã hội có thật sự ý nghĩa không? Sử dụng mạng xã hội có khiến cuộc sống của ta tốt đẹp hơn, có chiều sâu hơn không?

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ rằng, mạng xã hội thật ra có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta. Thật kỳ lạ, tôi là người sử dụng mạng xã hội khá thường xuyên và tích cực, nhưng thời gian gần đây, tôi bỗng cảm thấy mệt mỏi và thật sự đang học cách hạn chế sử dụng mạng xã hội, cụ thể là Facebook và Twitter.

Mạng xã hội có thể đánh cắp sự tự tin trong ta

Khoảng một năm trước, tôi lập một tài khoản Twitter để kết nối với cộng đồng nghiên cứu ở Mỹ. Ban đầu, tôi muốn sử dụng Twitter để chia sẻ và “quảng bá” nghiên cứu của bản thân. Nhưng Twitter cũng giúp tôi biết đến những nghiên cứu và thành tựu của các bạn nghiên cứu sinh ở các trường khác khắp nước Mỹ.  Và mỗi lần vào Twitter, tôi lại được cập nhận những tin vui của bạn bè xung quanh như ai vừa nhận được tenure track job ở một trường Đại học, ai vừa có bài báo khoa học mới được xuất bản, ai vừa nhận được một grant lớn để làm nghiên cứu. Thật lòng, những thông tin ấy khiến tôi thật sự căng thẳng và lo lắng. Tôi lo lắng cho bản thân mình, liệu có bao giờ tôi đạt được những thành tựu ấy không. Tôi cũng khát khao được dạy và làm việc ở một trường Đại học, nhưng trường nơi tôi học không phải top 5, top 10 ở Mỹ, liệu có bao giờ tôi đạt được những điều tôi muốn không? Mặc dù một chút ghen tị cũng tốt bởi nó tiếp thêm cho ta động lực để cố gắng và vươn lên trong cuộc sống. Nhưng ghen tị  cũng lấy đi của ta năng lượng và thời gian mà lẽ ra ta nên dành để tập trung vào cuộc sống của mình.

Những kết nối trên mạng xã hội phần lớn không có ý nghĩa trong cuộc sống của ta

Có dạo, sáng nào trước khi ngủ dậy tôi cũng kiểm tra Facebook. Lý do là bởi tôi sợ sẽ bỏ lỡ những chia sẻ, những tin nhắn của bạn bè. Nhưng dần dần tôi nhận ra, thật ra nếu không có những mối quan hệ trên mạng, cuộc sống của tôi vẫn tốt đẹp và diễn ra bình thường. Ngẫm lại, mối quan hệ ý nghĩa nhất trong cuộc sống của tôi là gia đình và những bạn bè thân thiết. Đó là chồng tôi, em gái tôi, mẹ tôi và một vài người bạn thân. Mấy tuần gần đây, tôi học cách giảm kết nối và trò chuyện với những người bạn xã giao trên mạng, và thay vào đó là gọi điện trò chuyện với mẹ tôi và em gái tôi hàng ngày. Tôi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn hẳn

Không ai có thể thay đổi được quan điểm của người khác trên mạng xã hội

Nhiều người nghĩ rằng, nếu chia sẻ quan điểm và suy nghĩ lên mạng xã hội, họ có thể thay đổi được thế giới quan, nhân sinh quan và hành vi của người khác. Nhưng khi những tư tưởng khác biệt gặp nhau trên mạng xã hội, kết quả thường thấy là những lời mạt sát, xúc phạm và tranh cãi vô bổ không cần thiết. Dạo gần đây, tôi thấy người ta tranh cãi quá nhiều về dịch Covid-19. Tôi thấy những tranh luận liên quan đến Việt Nam hay Châu Âu đối phó với dịch tốt hơn, rồi những chê bai dành cho nước này hay nước kia thật hết sức mệt mỏi. Tự nhiên lại thấy người trong một nước trở nên chia rẽ, và ít dành cảm thông cho nhau. Điều tôi thấy thiếu vắng là ít khi người ta hỏi “Tại sao”. Người ta tranh cãi nhau ai làm tốt hơn ai, mà ít ai hỏi “Tại sao người ta lại làm theo cách mà người ta đang làm?”. Đặt câu hỏi tại sao sẽ giúp ta đi sâu vào vấn đề, giúp ta bớt ngỗ ngược và tin tưởng một cách mù quáng vào thông tin nhận được. Và ta không thể thay đổi được người khác. Sự thay đổi phải đến từ bên trong mỗi người, ta chỉ thay đổi khi trải nghiệm, suy nghĩ của ta đạt đến một độ chín muồi nào đó.

Mạng xã hội lấy đi thời gian và năng lượng thực hành “deep work” (làm việc sâu)

Làm nghiên cứu yêu cầu tôi phải suy nghĩ và phân tích rất sâu. Nói cách khác theo đuổi con đường nghiên cứu, tôi phải học cách làm việc thật sâu, học cách không bị xao nhãng khi làm việc. Nhưng nhiều khi tôi cứ nóng lòng muốn kiểm tra mạng xã hội xem có thông tin gì mới không, có ai nhắn tin hay kết nối với mình không. Và thế là, dòng suy nghĩ bị đứt quãng, sự tập trung bị ảnh hưởng.

Tôi đang học cách làm việc sâu, biến “Deep work” thành một thói quen hàng ngày. Tôi tin rằng, “deep work” sẽ giúp tôi tạo ra những sản phẩm có giá trị, đóng góp vào kiến thức khoa học của xã hội.

Từ giờ, tôi sẽ hạn chế chia sẻ những bài viết trên trang blog này lên Facebook (đặc biệt là Facebook cá nhân). Tôi sẽ cố gắng viết thường xuyên nhất có thể, và tôi tin rằng, nếu bạn vẫn đọc những gì tôi viết, thì có lẽ chúng ta đã thật sự có những kết nối sâu sắc!

Cảm ơn bạn rất nhiều, và chúc bạn thứ hai nhiều niềm vui!

Stay safe and healthy!

Trương Thanh Mai

Exit mobile version